P.V: Là người con xứ Nghệ, anh có thể chia sẻ những ký ức về quê hương?
NSND Nguyễn Trọng Trinh: Từ bé tôi đã xem quê tôi Nam Trung (Nam Đàn) là nhà, là nơi tôi được về mỗi mùa Hè, mỗi dịp lễ, Tết. Về quê là về với o, chú, ông, bà, là về với nơi tôi được tự do nô đùa vui chơi, là nơi có cả không gian rộng lớn thuộc về mình. Ấy thế mà thủa nhỏ tôi đã biết mót lạc, mót khoai, đã được đi sinh hoạt thiếu nhi cùng với tiếng trống Đội vang rộn cả góc làng. Những “đặc sản” đó ở Hà Nội không có, càng không có những ân tình đậm chất xứ Nghệ như quê tôi. Đó là niềm vui được o, chú yêu chiều, là tình cảm thiêng liêng của người con quê hương đi xa được chào đón trong ngày trở về.
Lớn hơn tý nữa, quê trong tôi là nhà là nơi tôi về để lễ ông bà, tổ tiên, để hít hà không khí trong lành mỗi khi tôi gặp những căng thẳng trong cuộc sống. Vì vậy, với tôi, dù không sinh ra ngay tại quê mình, không lớn lên ở đó, nhưng quê là một phần máu thịt của tôi, là nguồn sống quý giá, nuôi dưỡng tôi cho đến tận ngày hôm nay.
P.V: Vậy ta nói người Nghệ dù ở đâu vẫn phảng phất khí chất con người, anh có thấy điều đó nó vận vào mình không?
NSND Nguyễn Trọng Trinh: Đúng vậy, với tôi chất Nghệ nó hiển hiện trong chính mình cả cách nghĩ, cách làm và cách ứng xử trước cuộc sống. Đó là sự nhiệt tâm, là tinh thần kẻ sỹ, là sự hào sảng trong công việc và cả trong cuộc sống. Với tôi, khi đã nhận việc, tinh thần tự ái cao lắm, không thể không hoàn thành tốt nhất, không thể không để lại dấu ấn riêng nhất. Còn trong cuộc sống, tôi tự nhận mình là người thật và thẳng nhưng lại vô cùng tình cảm. Đúng như chất con người Nghệ, những người lớn lên trên mảnh đất nắng gió, khô cằn, gió Lào bỏng rát và cái lạnh thấu da. Tôi chỉ chiêm nghiệm những lần về thăm quê chừng hai, ba tháng hoặc hai, ba tuần nhưng dòng máu trong huyết quản cũng cho tôi cái chất kỳ lạ đó, càng khó khăn càng vươn lên mạnh mẽ.
Qua người cha, người mẹ, người o, người chú đáng kính của mình, và qua những chiêm nghiệm theo tháng năm, tôi thấy rằng, người Nghệ chúng ta kỳ lạ lắm, càng khó khăn càng thành công, càng khổ đau càng cho đời nhiều đóa hoa đẹp, càng bần cùng càng có nghĩa khí lớn. Ấy thế mà cái sự tự ái cái chất kẻ sỹ luôn khiến cho ta phải cố gắng đến mức cao nhất. Chưa làm được phải làm bằng được, chưa thành công phải thành công hơn, phải vượt lên chính mình là điều người Nghệ nào cũng hun đúc cho mình, luôn áp lực cho bản thân phải đạt được. Thế nên, dù thời điểm khó khăn trong ngày chập chững vào nghề, là áo không có mặc, cơm không có ăn no, là nghề mà gia đình ngăn cản, tôi vẫn luôn cho rằng, mình phải là diễn viên ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Và đến giờ tôi có thể tự hào nói rằng, mình đã làm được điều này, dù không xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghệ thuật.
P.V: Vâng, anh xuất thân từ gia đình không có nôi truyền thống về nghệ thuật, nhưng anh đã sớm thành danh với sự nghiệp sân khấu, điện ảnh, vậy theo anh, yếu tố trời xe duyên có phải đã vận vào mình từ những ngày chập chững chọn nghề?
NSND Nguyễn Trọng Trinh: Đúng vậy, cha tôi là cán bộ Bộ Văn hóa, khi nghỉ hưu chúng tôi được phân về ở tại khu tập thể Bộ Văn hóa, chính bởi nơi này đã ươm mầm cho tôi những ước mơ về nghề diễn, về cái nghề hóa thân thành muôn vàn số phận bi ai, hùng tráng trong cuộc đời. Tôi ở tại khu tập thể này và rất gần các nghệ sỹ lớn trong làng sân khấu, điện ảnh, lại thường xuyên được đi xem chiếu bóng tại sân khu tập thể, nên cái chất sân khấu nó ngấm vào mình từ thủa nhỏ, ngấm lúc nào không hay. Đến độ, các nghệ sỹ khi lên sân khấu được nhiều người tán dương nhưng tôi lại nghĩ cứ lên là diễn vậy thôi, có khó gì đâu nhỉ. Nói vậy, nhưng tôi biết để thể hiện được là một ai đó phải học, phải học cực khổ, phải trau dồi phẩm cách diễn để thành được những người đứng trên ánh đèn sân khấu hoành tráng kia.
Lại nói về việc không xuất thân trong gia đình nghệ thuật, điều này đã khiến tôi gặp rất nhiều vất vả khi mới theo nghề. Thứ nhất, là sự phản đối quyết liệt của cha tôi, đến độ mỗi khi thấy mặt tôi là ông ra sức phân tích, thuyết phục, thuyết phục không được, ông nổi khùng đuổi đánh…
Rồi, đến việc đi học, đó là sự thiếu thốn đủ đường, trong khi anh, chị em diễn viên thời đó đều con nhà khá giả, thời đó phải con nhà gia thế mới theo nghề này, còn tôi chỉ con nhà bình dân, chỉ có mỗi một bộ quần áo chỉnh tề để đến lớp. Thế mà tôi vẫn quyết tâm theo học nghề, và bằng sự nỗ lực, bằng ý chí của người Nghệ biết vươn lên và tôi đã tốt nghiệp xuất sắc lớp diễn viên khóa 1, Nhà hát kịch Trung ương. Và ngay sau đó tôi liên tục được giao vai kép chính, vai thứ chính…, bén duyên với điện ảnh và ghi nhiều dấu ấn.
P.V: Vâng, cái dấu ấn đó ngoài sự nhập tâm xuất sắc, ngoài sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhân vật và kiến thức của diễn viên, thì cái duyên và sự may mắn đó có phải là do ngoại hình thực sự ấn tượng của anh? Điều này khiến nhiều cô gái xiêu lòng, nhiều thiếu nữ thậm chí làm thơ tình tặng anh?
NSND Nguyễn Trọng Trinh: Bạn lại nhắc đến một kỷ niệm vô cùng đáng yêu, vô cùng đáng trân trọng của đời diễn viên Trọng Trinh. Đúng thế, có lẽ nhờ cái duyên ấy mà tôi nhận được rất nhiều sự ưu ái của công chúng. Và có lẽ sự ưu ái lớn nhất là có một thiếu nữ người Nghệ đã dành tặng cho tôi một bài thơ tình đầy ánh sáng của sự ngưỡng mộ. Tôi thật sự cảm động, trước những tình cảm yêu quý đó. Càng cảm động thì tôi càng trân trọng và gìn giữ tình cảm đó của cô bé xứ Nghệ. Bởi thời điểm đó tôi đã có gia đình, còn nàng ấy mới chỉ là thiếu nữ mới lớn với một trái tim dạt dào và một trí tuệ đáng trân quý.
Lại nói về sự may mắn, tôi cho rằng nghề nào, người nào cũng cần có duyên may, ngoài sự nỗ lực, ngoài sự trui rèn và trau dồi từng ngày, từng ly, từng tý thì duyên may là một yếu tố làm nên sự thành công.
P.V: Ngoài duyên may, ngoài tài năng tôi nghĩ người nghệ sỹ sống mãi trong lòng công chúng cần có một phong thái tư cách và phẩm chất trong đời sống. Ông nghĩ sao về điều này?
NSND Nguyễn Trọng Trinh: Rất chính xác, người nghệ sỹ nếu không rèn giũa một phẩm cách trong sáng, một tâm hồn hướng đến cái đẹp thực thụ thì không thể đạt được cái danh nghệ sỹ được nhân dân yêu mến. Với tôi, có lẽ tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có bố mẹ là người coi trọng giáo dục tâm hồn cho con trẻ từ bé. Tôi lại tắm được sự ngọt mát của đôi bờ dòng Lam và khí chất người Nghệ nên tôi sớm có được sự rung cảm của cái đẹp tâm hồn, sự trắc ẩn và cả tinh thần tử tế của một người Nghệ. Thế nên, sau này tôi luôn dạy các con, các lớp diễn viên trẻ rằng, trước khi bạn trở thành ai, trước khi bạn thành công trong sự nghiệp thì bạn phải là người tử tế, là người có nhân cách tốt.
Nếu bạn có tài năng nhưng không có một nhân cách đẹp, một trái tim lương thiện thì bạn không thành công, và công chúng hiển nhiên không yêu quý bạn, bạn sẽ không mang lại ích lợi cho cuộc đời. Nghệ sỹ là tấm gương phản chiếu nhiều phận người, anh vào vai cán bộ, vào vai một người bố gương mẫu, nếu ngoài đời sống anh không có tư cách tốt thì công chúng sẽ chán anh. Và sứ mệnh định hướng tuyên truyền cái đẹp của diễn viên nói riêng và lĩnh vực giải trí nói chung sẽ khó đạt được hiệu quả.
P.V: Vậy, ngoài vai diễn điện ảnh để đời là Nam Hà trong phim “SBC” và hàng loạt vai diễn khó qua chiều dài thời gian, anh tâm đắc nhất là vai diễn nào, và nó có thực sự khiến anh phải gặp khó trong quá trình nhập vai hay không?
NSND Nguyễn Trọng Trinh: Tôi từng thành công qua nhiều mẫu vai, chính diện có, phản diện có, nhưng vai diễn mới đây mà tôi khá tâm đắc là vai Bí thư Tỉnh ủy trong phim “Sinh tử”. Vai này nó không đòi hỏi những đấu tranh diễn biến tâm lý phức tạp, nhưng đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ về phong thái của người đứng đầu của một tỉnh. Nếu anh nhập vai không ra thì hình ảnh lãnh đạo có lúc sẽ bị khiên cưỡng. Vì vậy, ngoài nghiên cứu kịch bản, tôi phải nghiên cứu kỹ mẫu hình nhân vật này, phải thực sự đĩnh đạc, phong thái, nhưng phải thực sự gần gũi, chan hòa với nhân dân. Ấy thế nên ngoài việc diễn phải như không diễn thì người diễn viên phải nhập vai với lời thoại chuẩn. Tôi là người thạo nghề nhưng có phân cảnh phải quay đi, quay lại 3 – 4 lần vì thoại. Và với tôi, Bí thư Tỉnh ủy là vai khó nhưng rất hay, và tôi cho đó là một vai thành công của mình.
P.V: Thời gian sau này anh cũng là đạo diễn thành công với nhiều bộ phim chiếm sóng giờ vàng trên truyền hình như: “Cả một đời ân oán”, “Zippo, mù tạt em”, “Mátxcơva – Mùa thay lá”, “Cô dâu order”… Anh có nghĩ rằng, thiên hướng truyền hình cũng như điện ảnh hiện nay là hướng trẻ, hướng đến tình cảm gia đình với tiết tấu nhanh, mạnh nhưng cũng rất sâu sắc?
NSND Nguyễn Trọng Trinh: Đúng vậy, tôi cũng như nhiều đạo diễn luôn tìm hiểu và tìm cách làm mới những món ăn tinh thần cho khán giả. Khán giả là người đánh giá rõ nhất sản phẩm của mình, hay, giở, thông điệp ra sao đều phải từ góc nhìn của khán giả thì mới biết được bộ phim đó thành công hay không. Với vai trò đạo diễn, theo tôi khi anh chọn được kịch bản hay, có được dàn diễn viên tài năng thì vấn đề là cách xử lý tiết tấu, cắt úp chi tiết ra sao để thông điệp đến với khán giả được trọn vẹn.
P.V: Vậy, đối với lớp diễn viên trẻ anh có điều gì để nói với họ về nghiệp diễn?
NSND Nguyễn Trọng Trinh: Đó là một nghề khó, khó không có nghĩa là khó làm, khó nhưng ta trau dồi và học hỏi, đủ đam mê thì sẽ làm được. Điều quan trọng hơn diễn viên phải là người có tấm lòng, có tâm huyết và có sự tử tế; quyết liệt theo đuổi đam mê!
P.V: Bây giờ khi nói về quê hương anh sẽ nói về điều gì?
NSND Nguyễn Trọng Trinh: Về nỗi nhớ mong, về lòng biết ơn, về sự quay về. Mỗi năm đều đặn tôi về quê hai lần vào Tết và ngày Rằm tháng Giêng, có khi nhiều hơn. Có lúc yếu lòng chỉ cần về quê vào nhà thờ họ, về nói chuyện với o, chú và những người hàng xóm là tâm mình bỗng thanh thản. Quê trong tôi là vậy, là nơi tôi được trở về và nơi mong ngóng tôi trở về.
P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Trần Dũng
Cứ tưởng anh này người Hà Nội hóa ra là người Nghệ An,vãi!
Cua Đồng
Hay quá Thanh Nga ơi.
trần thị liễu
bài viết hay và cảm động quá .quá nể phục một người con xứ nghệ