Thông tin qua đường dây nóng Báo Nghệ An của một người dân cùng đơn kiến nghị của một trong những đơn vị từng tham gia xây dựng khu tái định cư thuộc dự án di dời dân khẩn cấp ở Quỳ Hợp; và tìm hiểu thực tế tại những khu tái định cư, cho thấy có nhiều vấn đề đáng băn khoăn…
Theo nội dung đơn, giai đoạn 1 khu tái định cư bản Quắn, xã Liên Hợp, thuộc dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất ở huyện Quỳ Hợp được thực hiện năm 2011, với hạng mục chính là san lấp mặt bằng; bên cạnh đó, là xây dựng cầu tràn và một số cống, kè và mương thoát nước hai bên đường lên khu tái định cư. Các phần việc này đã hoàn thành từ lâu nhưng hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ cho khu tái định cư như đường giao thông, điện, nước… chưa được thực hiện. Vì vậy, khi người dân chuyển lên sống tại khu tái định cư gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các đơn vị thi công hiện đang bị nợ đọng vốn, thời gian nợ kéo dài…
Khu tái định cư bản Quắn, xã Liên Hợp được tạo mặt bằng trên 2 quả núi bị cắt ngọn. Lên đây dịp này, đã có 33 hộ dân đến ở. Họ là dân bản Quắn, trước đây có nhà cửa dọc hai bên khe nước Đục (nước đục do ô nhiễm từ việc vùng thượng nguồn thuộc các xã Châu Thành, Châu Hồng có doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm nặng); năm 2009, nước lụt ngập đến mái nhà, cuốn trôi nhiều hoa màu, gia súc, gia cầm, nên năm 2010, Nhà nước cho thực hiện dự án di dân khẩn cấp để di dời 33 hộ dân bản Quắn đi nơi khác để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Dự án triển khai nhưng việc thi công kéo dài nên dừng ở giai đoạn 1, không có điện, đường… và nhất là thiếu nước sạch nên không ai lên ở. Năm 2017, do liên tục có lũ lớn, nơi ở cũ bị ngập lụt nặng trong 2 năm (2017 – 2018), các hộ dân đã tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển đồ đạc lên khu tái định cư và sống khổ trong cảnh nước sạch, điện, đường giao thông… chưa được đầu tư, thật trăm bề khổ sở.
Men theo những con đường đất lở loác do mưa lũ, đến thăm các hộ dân khu tái định cư bản Quắn, gặp nhiều người dân như bà Lô Thị Lan, chị Vi Thị Mai, chị Vi Thị Xuân… họ cho biết do không có nguồn nước sạch nên dân bản góp tiền, mua ống dẫn nước từ núi cao về rồi luân phiên chuyển đường ống nước đến từng nhà hứng nước vào bể để dùng. Thực tế tại các bể nước, rất đáng lo cho sức khỏe của người dân bởi nước đục, kém chất lượng nhưng không được lắng lọc. Nói ra điều này, chị Vi Thị Mai lo ngại: “Dẫu sao ở thời điểm này cũng đang còn có nước mà sinh hoạt. Ít ngày nữa, khi trời chuyển hanh, nước nguồn cạn kiệt không biết lấy nước đâu mà dùng…”.
Thời điểm chúng tôi đến xã Liên Hợp đang diễn ra buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh. Đại diện cử tri xã phản ánh nhiều đến những khó khăn trong đời sống của người dân tại khu tái định cư bản Quắn, với hy vọng đại biểu HĐND tỉnh sẽ có ý kiến để chính quyền cấp tỉnh quan tâm. Gặp gỡ một số cán bộ huyện tham gia buổi tiếp xúc cử tri, họ cho biết không chỉ tại Liên Hợp, mà tại các xã Châu Thành, Châu Tiến cũng có tình trạng đầu tư xây dựng nửa vời các khu tái định cư di dân khẩn cấp.
Ông Vy Thanh Tường – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: “Tại các khu tái định cư ở Châu Tiến, Châu Thành, dù vận động nhưng dân vẫn chưa chịu lên. Khu tái định cư xã Châu Tiến mới chỉ tạo được mặt bằng, hạ tầng chưa được đầu tư gì; đến đường lên cũng chưa có nên dân không thể lên ở. Còn với khu tái định cư xã Châu Thành, đã đầu tư đường giao thông, điện và hệ thống nước sạch nhưng do chưa hoàn thiện mặt bằng nên dân cũng không lên. Không có người sử dụng nên những hạng mục đầu tư ở khu tái định cư xã Châu Thành cũng đang bị hư hỏng, hết sức lãng phí”.
Về khu tái định cư xã Châu Tiến, quả thực để lên được nơi này hết sức khó khăn vì phải lội suối, trèo dốc. Mặt bằng khu tái định cư ở xã Châu Tiến khá đẹp, rộng rãi, bằng phẳng. Nhưng do chưa được đầu tư hạ tầng, chưa có bờ kè, hệ thống thoát nước nên tình trạng lún sụt, lở đất đã xảy ra tại khá nhiều điểm…
Làm việc với Ban Quản lý dự án huyện Quỳ Hợp, đại diện lãnh đạo của Ban cho hay, dịp tháng 7/2018, Ban Nội chính Tỉnh ủy cũng yêu cầu huyện báo cáo tình hình việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ di dân khẩn cấp. UBND huyện cũng đã báo cáo thực trạng này.
Theo Báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 1 dự án di dân khẩn cấp do thiên tai, sạt lở đất xã Châu Tiến và Liên Hợp là gần 39 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 80%, ngân sách địa phương và các nguồn huy động 20%). Thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn ngân sách Nhà nước và Trái phiếu Chính phủ, năm 2012, UBND tỉnh đã cắt giảm một số hạng mục, điều chỉnh mức đầu tư xuống còn trên 17 tỷ đồng; sau đó đến năm 2016, điều chỉnh bổ sung với tổng kinh phí lên hơn 19,6 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là di dời khẩn cấp 73 hộ dân ở bản Quắn, xã Liên Hợp và bản Pật, xã Châu Tiến. 2 khu tái định cư ở Châu Tiến và Liên Hợp đã hoàn thành được công tác san lấp mặt bằng, nhưng về phần kinh phí thì đang nợ các nhà thầu trên 5,4 tỷ đồng; còn việc đầu tư hạ tầng cơ sở thì vẫn chưa được bố trí vốn.
Đối với dự án khu tái định cư Piêng Luống, xã Châu Thành, có tổng mức đầu tư 18,6 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương là hơn 7,5 tỷ đồng, vốn địa phương là hơn 11 tỷ đồng); với mục tiêu định canh, định cư cho 50 hộ. Tính đến tháng 11/2017, khối lượng thực hiện trên 11,1 tỷ đồng, nhưng kinh phí cấp mới chỉ được gần 6,8 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay không có nguồn phân bổ về.
Trước tình hình thực tế tại các khu tái định cư dự án di dân khẩn cấp xã Châu Tiến và xã Liên Hợp, UBND huyện Quỳ Hợp đã đề xuất kiến nghị UBND tỉnh nhiều lần, dù vậy, mới chỉ nhận được kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở khu tái định cư xã Châu Tiến vào năm 2019. Còn với dự án định canh, định cư ở xã Châu Thành, UBND huyện Quỳ Hợp đã mời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương Đinh Quế Hải vào kiểm tra hiện trường khu tái định cư Piêng Luống để đề xuất cho đầu tư tiếp tục thực hiện dự án. Dù nhận được sự đồng ý từ Ủy ban Dân tộc Trung ương, vậy nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả…
Nắm bắt thông tin tài liệu, văn bản thể hiện từ những năm 2015 – 2016, UBND tỉnh từng cử đoàn công tác lên kiểm tra các dự án di dân khẩn cấp ở huyện Quỳ Hợp. Qua lần kiểm tra, đều có những nhắc nhở, đôn đốc xử lý giải quyết các tồn tại để các khu tái định cư được hoàn thiện. Tuy nhiên, cho đến nay những tồn tại vẫn y nguyên. Dẫu biết rằng ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn, vậy nhưng đây là một thực tế đáng buồn. Đầu tư dự án nửa vời vừa dẫn đến việc người dân rơi vào tình cảnh khó khăn trong cuộc sống; vừa xảy ra tình trạng lãng phí ngân sách Nhà nước.