3 vùng kinh tế trọng điểm của Nghệ An đang có những bước phát triển khá tốt trong gần 5 năm qua, thể hiện ngày càng rõ vai trò dẫn dắt cho nền kinh tế – xã hội tỉnh. Hiện nay, gắn với việc chuẩn bị Văn kiện cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, công tác đánh giá kết quả phát triển các vùng trọng điểm, xây dựng định hướng cho giai đoạn mới là một trong những nội dung trọng tâm.
Trong chiến lược phát triển, Nghệ An có 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: vùng thành phố Vinh – thị xã Cửa Lò – các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An và vùng miền Tây Nghệ An, trọng điểm vùng là Tân Kỳ – Con Cuông – Nghĩa Đàn – TX Thái Hòa – Quỳ Hợp.
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, đối với phát triển thành phố Vinh – thị xã Cửa Lò – các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thành phố Vinh như: Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế – xã hội thành phố Vinh tiếp tục có bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,63%, giá trị gia tăng chiếm khoảng 24,6% tổng giá trị gia tăng của tỉnh. GRDP bình quân đầu người đạt 76,79 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách hàng năm tăng 17,64%/năm. Đến nay, một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng như: giáo dục – đào tạo, y tế, truyền thông, du lịch.
Tỉnh đã phối hợp với Hà Tĩnh lập quy hoạch vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh thành vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng của Nghị quyết 26-NQ/TW là xây dựng vùng công nghiệp sạch, trung tâm thương mại, du lịch, tài chính và dịch vụ, là hạt nhân thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn. Đặc biệt, về hạ tầng, cầu Yên Xuân nối huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giải quyết nhu cầu đi lại cho hơn 10 xã ở hai tỉnh – vốn được ví như “ốc đảo” mỗi khi mưa lũ. Công trình này cùng với Tỉnh lộ 558, Quốc lộ 15A và hệ thống hạ tầng các huyện Nam Đàn, Đức Thọ… trở thành mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh, ngắn nhất nối thành phố Vinh đến cửa khẩu biên giới Việt – Lào.
Mục tiêu phát triển vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An cũng đã có những chuyển động rõ, trong đó đã phối hợp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, gắn không gian Khu công nghiệp Hoàng Mai và Đông Hồi của Nghệ An với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh các Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi vào Khu kinh tế Đông Nam. Nhiều dự án công nghiệp có quy mô lớn đã và đang đầu tư vào khu vực này như: sản xuất tôn thép, xi măng…
Ở miền Tây Nghệ An, trọng điểm vùng là Tân Kỳ – Con Cuông – Nghĩa Đàn – TX Thái Hòa – Quỳ Hợp tiếp tục có bước phát triển khá. Quy mô và tiềm lực kinh tế của cả vùng ngày càng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 – 2019 đạt khoảng 6,8%; GRDP bình quân đầu người đạt 28,81 triệu đồng, bằng 70% so với toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 -2020 giảm khá nhanh, với mức giảm bình quân 3,4%/năm. Điểm sáng là nông nghiệp miền Tây phát triển khá toàn diện, đã hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi phát triển theo hướng quy mô trang trại gắn với công nghiệp chế biến. Vừa qua, trong chuyến công tác tại Nghĩa Đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp của vùng miền Tây Nghệ An, trong đó khu vực này đang trở thành hạt nhân quan trọng trong chiến lược phát triển ngành sữa Việt Nam; đồng thời bày tỏ tin tưởng, tỉnh sẽ sớm phát triển, tiên phong từ tiềm năng, lợi thế của mình.
Tuy bức tranh của các vùng kinh tế trọng điểm ở Nghệ An đang dần rõ nét, nhưng vẫn còn những hạn chế như: Tiến độ triển khai Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ còn chậm. Nhiều tiềm năng của vùng miền Tây Nghệ An như: Tài nguyên khoáng sản, du lịch sinh thái, chăn nuôi đại gia súc, kinh tế rừng, chế biến nông, lâm sản khai thác hiệu quả chưa cao.
Trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX chuẩn bị trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét để sau đó lấy ý kiến của nhân dân, vấn đề phát triển các vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục được đưa ra và dành một dung lượng quan trọng. Theo dự thảo, thì giai đoạn tới, Nghệ An vẫn sẽ tiếp tục xác định có 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: vùng thành phố Vinh – thị xã Cửa Lò – Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An và vùng miền Tây Nghệ An. Gắn với quy hoạch, tính chất, điều kiện mỗi vùng, các định hướng lớn sẽ được vạch ra nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Theo đó, có mục tiêu đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông, cảng biển để góp phần tích cực vào phát triển các vùng kinh tế. Tại cuộc làm việc ở thị xã Cửa Lò vừa qua, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An Hoàng Phú Hiền cho biết: “Dự án đường ven biển dự kiến khởi công vào cuối quý I, đầu quý II/2020”. Khi hoàn thành cùng với dự án cầu Cửa Hội dự kiến hoàn thành vào trước Đại hội Đảng bộ tỉnh vào tháng 10 năm nay sẽ gắn kết vùng Cửa Lò, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An với phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Nghệ An hiện đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến quý II/2020 khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, Khu kinh tế Đông Nam tiếp tục được phát triển thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng; đầu tư xây dựng cảng Đông Hồi chuyển đổi thành cảng tổng hợp công suất 30 triệu tấn; triển khai các điều kiện cần thiết để sớm hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn và những nơi khác có điều kiện…
Qua đó, thực hiện đúng tinh thần tại Thông báo số 55 – TB/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó thời gian tới tiếp tục: Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Vinh toàn diện, hiện đại, sớm trở thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ. Tạo sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả để phát triển vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh và Bắc Nghệ An – Nam Thanh Hóa. Tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển miền Tây Nghệ An. Nghiên cứu việc bổ sung Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm; điều chỉnh khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi thành khu bến cảng tổng hợp.