Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều công trình văn hóa tâm linh mang tầm di sản của tài nguyên văn hóa Việt. Có thể kể đến đền Cờn (thị xã Hoàng Mai, được đánh giá là ngôi đền thiêng bậc nhất xứ Nghệ), đền Cuông (Diễn Châu, gắn với truyền thuyết An Dương Vương), đền Quang Trung (thành phố Vinh, thờ Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ), chùa Đại Tuệ (Nam Đàn) và đặc biệt là đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên, thờ Đức Thánh Hoàng Mười – nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt)…
Tuy nhiên thời gian qua, những công trình văn hóa tâm linh nói trên vẫn chưa thu hút khách như kỳ vọng; và phải thừa nhận ngay cả du khách trong nước cũng chưa phải đã ấn tượng nhiều hoặc biết đến giá trị của các di tích này. Và sau khi tham quan tại đây, không ít khách du lịch chưa hài lòng về không gian cảnh quan, cung cách phục vụ tại đó… Gặp gỡ trong chuyến hành hương dâng lễ ở đền Hoàng Mười, bà Nguyễn Thị Hoa (ở thành phố Hà Nội) bày tỏ: Ở đây tôi thấy việc bố trí bãi đậu xe, nơi buôn bán chưa khoa học, khiến đền giảm đi sự tôn nghiêm.
Đền Hoàng Mười là điểm đến rất nổi tiếng đặc biệt đối với những người dân miền Bắc theo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ. Song đền Hoàng Mười chưa phát huy được hiệu quả điểm đến tâm linh đối với khách du lịch như đền Hoàng Bảy (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) hay đền Củi (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Nếu như du khách, khách hành hương về với đền Hoàng Bảy, đền Củi thu hút được khách quanh năm, thì đền Hoàng Mười chỉ đông khách vào mùa chính lễ (đầu và cuối năm).
Những hạn chế về mục tiêu “điểm đến” của đền Hoàng Mười được nêu ra gồm: Công tác quảng bá còn yếu cả; thiếu các biển chỉ dẫn cần thiết, đúng tầm; cơ sở hạ tầng dịch vụ tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu du khách; chưa có sự liên kết điểm đến giữa đền và các di tích khác trong tỉnh; không gian cảnh quan chung quanh đền còn đơn điệu; công tác vệ sinh môi trường chưa được chăm lo thường xuyên, đặc biệt là khu vực sông Vĩnh Giang trước đền… Một so sánh thực tế: Cũng thờ Đức Thánh Hoàng Mười, đền Củi có không gian cảnh quan đẹp hơn, sông Lam chảy qua trước đền Củi có trên bến dưới thuyền với cảnh sắc thơ mộng…
Trong nhiều năm qua, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là trọng điểm du lịch của tỉnh Nghệ An. Hàng năm, khu di tích đón từ từ 1,2 – 2 triệu lượt khách về tham quan, có những ngày lên đến 500 đoàn khách với hàng chục ngàn lượt người. Dẫu vậy, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên vẫn chưa đem lại cảm giác hài lòng cho du khách. Nhiều du khách đến đây đã tỏ ra tiếc nuối vì không có dịch vụ ăn uống và lưu trú; khi “về nguồn” lại không được thưởng thức bữa cơm mang đậm chất quê, không được nghỉ lại một đêm để cảm nhận không khí yên bình của quê hương Bác Hồ.
Ông Phan Trọng Hoà, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh nêu cảm nhận: “Ở Khu Di tích Kim Liên không có dịch vụ lưu trú, đến thăm xong chúng tôi phải về thành phố Vinh. Dịch vụ bán hàng lưu niệm chưa thực sự quy củ, thiếu sự kiểm soát. Các loại hàng lưu niệm bày bán ở đây không nhiều các sản phẩm đặc trưng của địa phương; có nhiều loại hàng không phù hợp để làm lưu niệm, quà tặng. Các khu vực trải nghiệm làng nông thôn thuần Việt xung quanh nhà Bác mô típ đơn điệu, giống nhau, không đặc sắc. Đây chỉ mới cho khách thấy mô hình, chứ không phải là để trải nghiệm. Các hoạt động diễn xướng dân ca thì hình như chỉ diễn ra trong một số ngày lễ”.
Theo các nhà kinh doanh lữ hành, thì du lịch tâm linh, về nguồn là một trong những loại hình trọng yếu nhất để thu hút du khách, bởi đây là loại hình du lịch có thể diễn ra quanh năm, không bị ảnh hưởng theo mùa. Nghệ An – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh với một hệ thống di tích đồ sộ có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình này. Tuy nhiên thời gian qua, kết quả du lịch nói chung và du lịch tâm linh, về nguồn mang lại cho Nghệ An còn quá nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Tạ Khắc Uyên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành Nghệ An nêu ý kiến: Số lượng và giá trị của các di tích ở Nghệ An thì rất lớn, tuy nhiên vẫn phải nói rằng số lượng khách về hành hương thì chưa nhiều, đặc biệt khi đưa so sánh với số lượng du khách đến với các di tích, công trình văn hóa tâm linh ở các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh hay An Giang… Theo thống kê, hàng năm lượng khách hành hương về núi Bà Đen (Tây Ninh) khoảng 10 triệu lượt, về miếu Bà Chúa Xứ núi San Châu Đốc (An Giang) cũng khoảng 10 triệu lượt. Cần phải lưu ý thêm, yếu tố văn hóa tâm linh ở miền Nam không được đề cao như ở miền Bắc và miền Trung, và trong số người hành hương về các địa điểm nói trên có rất nhiều người Nghệ An.
Tại sao du lịch tâm linh, về nguồn ở Nghệ An chưa phát triển? Theo tìm hiểu của chúng tôi: Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích. Tuy vậy, việc phát huy giá trị các di tích mới dừng ở việc để tăng cường giáo dục truyền thống, thoả mãn nhu cầu tâm linh của người dân địa phương mà chưa thực sự gắn với mục tiêu phát triển du lịch. Ở Nghệ An hiện chưa có di tích nào bán vé vào cửa. Xung quanh di tích và vùng phụ cận còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ du lịch để du khách trải nghiệm. Nói tóm lại, du lịch tâm linh, về nguồn chưa được coi trọng như cần phải thế.
Tiếp đến, công tác quảng bá du lịch tâm linh, về nguồn ở Nghệ An chưa được đầu tư. Nếu như các địa phương khác đã biết cách “thổi hồn” vào các giá trị tâm linh sẵn có để “hút” du khách và tiến hành quảng bá các giá trị, câu chuyện một cách rộng rãi. Thì ở Nghệ An, bản thân nhiều người dân địa phương vẫn chưa được biết rõ về các di tích nơi mình sinh sống. Đơn cử, nhiều người chưa biết chùa Đại Tuệ thờ Phật bà Đại Tuệ (Nam Đàn) đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận 4 kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam. Hay như chưa biết tới Làng Vạc – cái nôi của người Việt cổ ở phía Tây Bắc của tỉnh.
Nhiều điểm đến tâm linh, song thiếu các sản phẩm du lịch bổ trợ, hoặc có thì còn manh mún, nhỏ lẻ, thì đương nhiên không phát huy được hiệu quả điểm đến. Đơn cử, là thiếu các điểm mua sắm sản phẩm đặc trưng địa phương, quà lưu niệm chưa đa dạng, chưa tạo được sự khác biệt để hấp dẫn du khách. Chính vì vậy, trong lịch trình xây dựng tour, các doanh nghiệp lữ hành chỉ đưa vào những điểm tham quan nổi bật; thời gian tham quan chủ yếu dành cho chiêm bái, vãn cảnh mà ít chú trọng đến thời gian dành cho mua sắm và nhất là nhu cầu lưu trú.
Hiện sự kết nối vùng, kết nối các điểm di tích và các điểm du lịch khác ở Nghệ An chưa tốt nên dẫn đến thực trạng khách du lịch không biết thêm địa điểm nào để đi, ngoài điểm đến ban đầu và hành hương về Kim Liên quê Bác. Hơn nữa, các điểm tham quan di tích nằm khá xa nhau, độ hấp dẫn còn kém, trong điều kiện đường sá lại nhỏ hẹp, hạ tầng du lịch chưa phát triển đã khiến du khách phải cân nhắc có nên đi hay không nên đi…
Ông Tạ Khắc Uyên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành Nghệ An cho rằng: Phát triển du lịch tâm linh, về nguồn, Nghệ An chỉ nên tập trung xây dựng, phát triển, quảng bá mạnh cụm điểm di tích để tạo sự kích cầu, đó là các di tích nằm trong tam giác “Cửa Lò – thành phố Vinh – Nam Đàn”. Các khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan của các loại hình khác cũng phải nằm trong tam giác này. Các di tích và điểm tham quan khác chỉ là bổ trợ. Nghệ An cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ. Đồng thời, cần đa dạng hóa các sản phẩm quà lưu niệm, tăng cường giới thiệu các sản phẩm OCOP địa phương từ 3 sao trở lên tại các điểm đến.