Một ngày đầu tháng 3, chị Trang (42 tuổi), đến Trạm Y tế xã Nghi Phú (TP. Vinh), để làm xét nghiệm Covid-19 vì bản thân thuộc diện F1, có một số triệu chứng nghi nhiễm. Tuy nhiên, nguyện vọng của chị Trang không được đáp ứng, với lý do trạm y tế không còn kit test nhanh. Người phụ nữ này sau đó đến một quầy thuốc mua kit test nhanh đến trạm nhưng vẫn bị từ chối vì trạm y tế đã hết đồ bảo hộ để nhân viên lấy mẫu xét nghiệm cho chị. Mặc dù theo quy định hiện nay, các trường hợp F0, F1 khi đến các cơ sở y tế công lập đều được làm xét nghiệm miễn phí.
Không chỉ chị Trang, nhiều F0 đang điều trị tại nhà và F1 khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng lâm vào cảnh tương tự. Nhiều người còn ghi âm, quay clip đăng tải bức xúc lên mạng xã hội về vấn đề này. “Giá của kit test nhanh từ dịp Tết đến nay tăng chóng mặt. Với một gia đình có đến 6 F0 như chúng tôi nếu phải bỏ tiền mua thì thật khó khăn, đó là một khoản tiền lớn. Chúng tôi bị nhiễm bệnh, mọi công việc bị đình trệ rồi, bây giờ lại phải gặp chuyện này. Trong khi quy định đã rõ ràng là phải xét nghiệm miễn phí. Thật vô lý”, một tài khoản Facebook có địa chỉ ở TP. Vinh bức xúc.
Ông Nguyễn Thế Tùng – Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Vinh thừa nhận trên địa bàn có xảy ra tình trạng này. “Không chỉ ở TP. Vinh mà nhiều địa phương khác cũng lâm vào cảnh đó. Đây là một trong những bất cập lớn nhất hiện nay”, ông Tùng nói và bày tỏ mong muốn người dân thông cảm với hệ thống y tế. Theo ông Tùng, hiện nay hầu hết các trạm y tế đã cạn kiệt kit test nhanh và đồ bảo hộ. “Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ đấu thầu từ lâu, nhưng liên tục điện thoại cho các doanh nghiệp đầu mối cung cấp họ đều không nghe máy. Bây giờ có tiền cũng không mua được. Có vẻ như các doanh nghiệp cũng không muốn bán cho các đơn vị y tế, vì họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Nếu bán cho các cơ quan Nhà nước thì phải thông qua đấu thầu, giá bán thấp. Vì thế, họ ưu tiên bán ra thị trường hơn, không thiết tha cung cấp cho các đơn vị y tế”, ông Tùng nhận định.
Không những thế, theo ông Tùng, nếu có nguồn cung, các trạm y tế cũng không đủ nguồn lực, kinh phí mua sắm kit test nhanh, đồ bảo hộ để xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ F1, F0 như quy định đã nêu. “Hiện nay, nếu xét nghiệm miễn phí cho F1, F0 như quy định thì mỗi tháng ở TP. Vinh sẽ tốn hàng chục tỷ đồng mua kit test nhanh. Đó là chưa kể số tiền mua đồ bảo hộ và các chi phí khác. Làm như thế, hầu hết các địa phương sẽ không đủ kinh phí”, ông Tùng nói.
Khó khăn chung đang hiện hữu ngay với những địa bàn ít ca bệnh hơn. Điển hình là Trạm Y tế xã Thanh Mai (Thanh Chương) vừa có công văn yêu cầu Trung tâm Y tế huyện hỗ trợ cơ số kit test vì đã nhiều ngày nay xã thiếu trầm trọng. “Họ vừa mới được lực lượng biên phòng hỗ trợ 50 kit và chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ được 50 kit. Hiện trung tâm còn độ 400 kit nhưng không dám xuất, lỡ dịch bùng phát mạnh hơn thì không biết lấy đâu ra”, ông Phan Ngọc Luân – Giám đốc Trung tâm Y tế Thanh Chương cho biết. Còn ông Phan Duy Phúc – Trưởng phòng Y tế huyện Nam Đàn cho biết, với hơn 2.300/3.000 bệnh nhân đang được điều trị tại nhà thì lượng kit test trên địa bàn không thể đủ để test nhanh theo định kỳ quy định cho các bệnh nhân, đồng thời test cho những người nghi nhiễm trên địa bàn…
BS Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Dịch bùng phát và diễn biến khó lường, do đó, việc thiếu vật tư như kit test là điều tất yếu sẽ xảy ra. Thời gian tới, chính quyền địa phương, các ban, ngành cần có cơ chế, chính sách đặc biệt để ưu tiên cho y tế về danh mục vật tư này”.
Đến thời điểm này, do số bệnh nhân F0 gia tăng quá nhanh nên dù đã “kích hoạt” tất cả phương tiện y tế và các địa phương đều đã thành lập đội ngũ y, bác sỹ tư vấn cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, nhưng tất cả đều đã rơi vào tình trạng quá tải, việc tương tác giữa bệnh nhân và các bác sỹ khó đạt như kỳ vọng. Trong khi đó, Covid – 19 là một bệnh rất đặc thù, nếu có triệu chứng người bệnh khá lúng túng khi kết nối với các bệnh viện đặc thù để điều trị. Bà Trần Thị Cẩm Tú – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết: Đến nay chúng tôi đã kích hoạt hầu hết các trạm lưu động trên địa bàn thành phố và ít nhiều đã hỗ trợ được cho người dân trong việc tư vấn điều trị. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân viên y tế trong các trạm lưu động hoặc các bác sỹ tình nguyện của CLB “Bác sỹ trẻ” thường phải kiêm nhiệm rất nhiều chức năng nên rất khó khăn trong đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Việc thăm khám cũng như can thiệp kịp thời diễn tiến triệu chứng nặng gặp nhiều khó khăn. Đã xảy ra tình trạng bệnh nhân tư nhân mua thuốc kháng virus hoặc mua máy đo SpO2, thuê bình ô xy về để tự điều trị”.
Măt khác, thực tế hiện đã có nhiều nơi người bệnh không khai báo với các trạm y tế địa phương vì họ cho rằng, bản thân và gia đình tham khảo trên các trang mạng và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn sẽ khả dĩ hơn. Theo ông Đinh Xuân Trường – Chủ tịch UBND phường Quang Trung: “Trước thực trạng y tế cơ sở thiếu thốn đủ đường thì việc người dân không khai báo bệnh và tự chữa ở nhà không cần sự giúp đỡ của y tế cơ sở là điều tất yếu sẽ xảy ra. Và thực tế trên địa bàn, nhiều người nếu không cần giấy xác nhận của đơn vị công tác thì sẽ không liên lạc với trạm để khai báo, đồng nghĩa với việc họ không thông báo mình đã bị nhiễm Covid-19. Đó cũng là yếu tố gây lây nhiễm cao trong cộng đồng. Nhiều người không có kiến thức hoặc thiếu ý thức đã không thực hiện đủ thời gian cách ly, làm lây lan dịch trong cộng đồng.
“Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, để phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128 thì cần có cách thích ứng an toàn và cần nhất vẫn là ý thức của người dân. Bởi để xử phạt người không cách ly đủ thời gian hiện nay là rất khó, vì không đủ chế tài cũng như nhân lực”, bà Trần Thị Cẩm Tú – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết.
Cũng theo bà Tú, để tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho người dân, thành phố đã tổ chức phát 9.000 tờ rơi cho toàn dân trên cả 25 phường, xã trực thuộc thành phố, đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho người dân về cách thức nhận biết các dấu hiệu của bệnh, chu kỳ bệnh có thể diễn tiến nặng, bên cạnh đó, cung cấp cho người dân tất cả các số hotline của các tình nguyện viên là CLB “Bác sỹ trẻ” thành phố, để khi máy này nghẽn thì người dân sẽ gọi đến máy kia.
Hiện nay, nhiều phường, xã, khối, xóm đã lập ra các group trên các mạng xã hội, tập hợp các tình nguyện viên gồm có các bác sỹ, y sỹ, những người có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân và tất cả các bệnh nhân trên địa bàn khối, xóm đang điều trị tại nhà. Thông qua group này nhiều bệnh nhân đã được tư vấn kịp thời, nhận biết được các triệu chứng ở các giai đoạn Covid-19. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Chương cho biết: “Hầu hết khi người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân lên group đều được tư vấn ngay khi có dấu hiệu chuyển nặng”.
Về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Theo quy định của Bộ Y tế, Sở đã tiến hành thành lập phủ khắp các Trạm Y tế lưu động trên địa bàn toàn tỉnh. Trạm y tế này có chức năng và nhiệm vụ giúp đỡ tư vấn và thăm khám cho các F0 đang điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, riêng địa bàn thành phố Vinh chúng tôi còn hỗ trợ 30 y, bác sỹ ở các cơ sở khám, chữa bệnh, 30 sinh viên y khoa để trực tiếp hỗ trợ cho các Trạm Y tế lưu động. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thăm khám, cần được tư vấn của các bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại nhà. Vì thế, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị nhà mạng để kết nối tới người dân bằng app trên điện thoại. Chương trình này sẽ kết nối các bệnh nhân với bác sỹ tuyến trên. Theo đó, các câu hỏi của bệnh nhân sẽ được các bác sỹ trả lời ngay nhằm giúp bệnh nhân có được hướng điều trị tốt nhất”.
Theo thông báo của ngành Y tế, tới đây độ bao phủ vắc-xin tiếp tục tăng lên thì xu thế miễn dịch cộng đồng sẽ dần diễn ra. Từ đây, Covid-19 được coi như một bệnh thông thường. Thử thách của ngành Y lúc này không còn là việc lấy mẫu xét nghiệm mà sẽ là công tác điều trị. “Chúng tôi rất mong muốn các cấp, ngành, chính quyền địa phương cùng đồng lòng, nhất là ý thức của người dân. Tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không hoang mang”, bác sỹ Nguyễn Hữu Lê nói.