Trước những khó khăn, bất cập của các xã có hoạt động khai thác khoáng sản như Châu Hồng, Châu Tiến được Báo Nghệ An thông tin tại bài viết “Nỗi niềm vùng đất mỏ”, theo đại diện UBND huyện Quỳ Hợp, đây là thực tế có từ nhiều năm, và đã được báo cáo lên các cơ quan cấp trên. Lần gần nhất là vào ngày 1/6/2020, UBND huyện Quỳ Hợp có Văn bản số 516/UBND gửi lên Thường trực HĐND tỉnh, và một số sở, ban, ngành cấp tỉnh. Nội dung báo cáo tình hình thực tiễn cơ sở, các quy định của pháp luật…, qua đó đề nghị xem xét, điều tiết nguồn thu tiền cấp quyền khoáng sản và phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản.
Nội dung Văn bản 516/UBND nêu, Quỳ Hợp là huyện trọng điểm khai thác khoáng sản của tỉnh, với 121 điểm mỏ đã được cấp phép khai thác. Hiện tại còn 64 điểm mỏ còn thời hạn và mới được cấp phép khai thác, 176 xưởng chế biến khoáng sản, 158 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản… Trong vòng 10 năm đã qua, các khoản thu từ hoạt động khoáng sản đạt hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản đã gây nên những hậu quả nặng nề cho địa phương tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân; do cấp đất cho hoạt động khoáng sản dẫn đến thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến lao động việc làm; hạ tầng giao thông xuống cấp, đi lại khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí ảnh hưởng trực tiếp đến cây cối, hoa màu, vật nuôi. Đặc biệt là vào mùa mưa lũ, các dòng chảy bị đất đá vùi lấp, tắc nghẽn gây ngập úng đầu nguồn làm thiệt hại kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó còn phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, tai nạn lao động, giao thông…
Về các quy định pháp luật, Khoản 1, Điều 5, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: “Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”; Nghị định 203/2013/NĐ-CP quy định: “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho Ngân sách Trung ương, 30% cho Ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Trung ương cấp. 100% cho ngân sách địa phương đối với Giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp”.
Số tiền thu được từ cấp quyền khai thác khoáng sản trong 5 năm (2014 – 2018) trên địa bàn Quỳ Hợp là hơn 56,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này được UBND tỉnh đưa vào cân đối ngân sách tại Quyết định số 77/2016/QĐ-UBND ngày 10/12/2016 và Quyết định số 50/2018/QĐ-UBND ngày 17/12/2018. Vì vậy, huyện Quỳ Hợp và các xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản chưa được hưởng nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để sử dụng chi hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội.
5 năm qua (2014 – 2018), tổng thu phí môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp là hơn 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn khoản tiền này được đưa vào cân đối ngân sách, thuộc mục chi thường xuyên. Thế nên huyện Quỳ Hợp và các xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản không thể sử dụng cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường theo Luật Ngân sách và Luật Bảo vệ môi trường.
Cũng tại Văn bản 516/UBND, UBND huyện Quỳ Hợp còn báo cáo Thường trực HĐND tỉnh về áp lực của công tác quản lý nhà nước, thông qua việc chính quyền hai cấp nơi đây phải giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai; thực hiện quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản; giải phóng mặt bằng; bảo vệ môi trường… Vì vậy, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh quan tâm điều tiết khoản thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường cho huyện và các xã của huyện Quỳ Hợp “nhưng không đưa vào cân đối ngân sách theo như Quyết định số 77/2016/QĐ-UBND ngày 10/12/2016 và Quyết định số 50/2018/QĐ-UBND ngày 17/12/2018” để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và quản lý nhà nước trên địa bàn.
Theo đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Giang Hoài thông tin, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVII, ông đã có ý kiến phát biểu về những bất cập trong điều tiết khoản phí cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường thu được từ các doanh nghiệp được nhà nước cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cho các địa phương cơ sở nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Ngay sau đó, ông đã nhận được những phản hồi tích cực của người có trách nhiệm. Trao đổi những điều này với một cán bộ của HĐND tỉnh. Câu trả lời là vào ngày 5/1/2021, HĐND tỉnh đã có Thông báo số 01/TB-HĐND thông báo kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 17 – HĐND tỉnh khóa XVII. Tại Thông báo này, HĐND tỉnh đã giao cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu những bất cập trong điều tiết các khoản phí thu được từ các doanh nghiệp được nhà nước cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản.
Cập nhật Thông báo số 01/TB-HĐND của HĐND tỉnh, vấn đề mà chúng tôi quan tâm được đề cập ở nội dung thứ 3, nguyên văn như sau: “Đối với đề xuất điều chỉnh tỷ lệ phân chia khoản thu phí bảo vệ môi trường giữa các cấp ngân sách: Giao UBND tỉnh nghiên cứu trình HĐND tỉnh điều chỉnh Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trong giai đoạn 2022 – 2025, xem xét thực hiện việc phân chia theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; trước mắt quan tâm bố trí ngân sách Nhà nước để tái đầu tư, xử lý môi trường tại các địa phương có nhiều hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là huyện miền núi”.
Như vậy, bất cập về phí bảo vệ môi trường cơ bản đã được giải quyết, để tháo gỡ phần nào ngay trong năm 2021 này. Tuy nhiên, hẵng còn đó về vấn đề về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Phải khẳng định rằng trước tình hình thu ngân sách của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, mọi khoản thu được đều cần phải điều hòa trong dòng chảy chung. Nhưng dù vậy, những khó khăn hiện hữu tại các địa phương có nhiều những hoạt động khai thác khoáng sản như Châu Hồng, Châu Tiến là cần có lời giải. Lý do bởi ở những địa phương này đang có những thiệt thòi, nhất là khi so với các địa phương miền đồng bằng. Cụ thể, ở các xã đồng bằng có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế hơn, bên cạnh đó, còn được hưởng những cơ chế chính sách khá cởi mở như về tiền đấu giá đất; qua đó có kinh phí phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, những xã như Châu Hồng, Châu Tiến thì không có quỹ đất để có thể đấu giá; cũng không có dự án kinh tế lớn tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân. Về nguồn kinh phí đầu tư phát triển kinh tế xã hội, ngoài các dự án đầu tư công thì chỉ biết trông vào các loại phí thu được trong hoạt động khai thác khoáng sản. Thế nhưng lại chưa có cơ chế chính sách phù hợp để các địa phương này được hưởng lợi.
Chính vì vậy, đây cũng là một nội dung cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét để có điều chỉnh. Về nội dung này, một cán bộ của HĐND tỉnh đã trao đổi rằng: “Trong xây dựng cơ chế chính sách, cần phải bám sát các quy định của luật, thực tiễn cơ sở, và lắng nghe tiếng nói phản biện của các tầng lớp trong xã hội. HĐND tỉnh sẽ tổ chức các tổ công tác xuống địa phương cơ sở để có đánh giá sâu sát thực tế, đồng thời lắng nghe tiếng nói của cử tri, qua đó từng bước giải quyết…”.