Vượt qua quãng đường gồ ghề, khúc khuỷu từ UBND xã Tam Hợp (Tương Dương) vào đến bản Huồi Sơn, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa chín vàng, những đồi dứa chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Đứng trên ngọn đồi thoai thoải, thơm mùi dứa chín, anh Xồng Bá Chư (SN 1985) cho biết: “Dứa trồng đã hơn 2 năm cho quả to và ngọt lắm”. Ngoài trồng dứa, Xồng Bá Chư còn được BĐBP, trực tiếp là Thiếu tá Phan Văn Thắng ở Trạm Biên phòng Tam Hợp hướng dẫn đào ao, thả cá, nuôi lợn đen, trồng cỏ voi, trồng sắn. Chư còn được bộ đội Thắng cùng chi bộ bản bồi dưỡng, kèm cặp, làm hồ sơ xét kết nạp Đảng. Ấy vậy nên, không chỉ Xồng Bá Chư mà nhiều người dân ở bản Mông Huồi Sơn mà chúng tôi gặp đều bày tỏ “biết ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm”…
Bản Huồi Sơn được thành lập từ năm 2008 trên cơ sở vận động, di dời sáp nhập 2 cụm dân cư Huồi Sến và Tân Sơn sát biên giới Việt – Lào về tái định cư, với hơn 40 hộ thuộc 2 dòng họ Sồng và Vừ. Trước khi về Huồi Sơn, cuộc sống của đồng bào Mông gần như tách biệt với xã hội bên ngoài, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Sau khi vận động người dân về Huồi Sơn tái định cư, BĐBP đã thành lập Trạm Huồi Sơn, lựa chọn cán bộ giỏi, nhiệt huyết thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Khi dân về nơi ở mới, BĐBP đã cùng với chính quyền địa phương thành lập chi bộ Đảng ở Huồi Sơn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên, đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ.
Mới đầu chỉ có vài đảng viên, trong đó có cả BĐBP và cán bộ xã tăng cường, nay Chi bộ bản Huồi Sơn có 14 đảng viên (10 đảng viên người Mông, 2 đảng viên là BĐBP). Bí thư Chi bộ Xồng Bá Lỳ (SN 1985), tác phong nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát, là một điển hình làm kinh tế ở bản Huồi Sơn, chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ của BĐBP, cùng với sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, người Mông ở Huồi Sơn đã có sự thay đổi về mọi mặt. Bên cạnh lúa rẫy, người dân biết trồng lúa nước, trồng ngô, trồng nghệ, áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi trâu, bò… Nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên biên phòng đã gắn bó với dân bản Huồi Sơn như các anh Vừ Bá Rê, Nguyễn Ngọc Cẩm, Nguyễn Văn Hà… dù đã chuyển đi địa bàn khác nhưng vẫn luôn được dân bản chúng tôi nhắc nhớ như những người con của bản”.
Theo chia sẻ của Đại úy Hồ Hữu Nghệ – Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Tam Hợp, không chỉ ở Huồi Sơn mà tại các thôn, bản khác trên địa bàn, các đồng chí đảng viên biên phòng sinh hoạt tạm thời ở các chi bộ yếu kém đã giúp địa phương chấn chỉnh lề lối, tác phong công tác của cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, Đồn Biên phòng Tam Hợp đã tham mưu cho cấp ủy địa phương kết nạp được 34 đảng viên, củng cố 3 chi bộ, 15 tổ chức quần chúng đi vào hoạt động có hiệu quả, đặc biệt xây dựng Chi bộ bản Phồng từ chi bộ yếu trở thành chi bộ TSVM được Huyện ủy Tương Dương tặng Giấy khen. Bên cạnh đó, Đồn cũng phân công 21 đảng viên phụ trách 92 hộ gia đình khó khăn trong toàn xã…
Ông Lê Hồng Thái – Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp cho hay: Kể từ năm 2012, được Bộ Chỉ huy BĐBP, xã Tam Hợp với đại đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Tày Pọng) đã có sự chuyển mình trên tất cả các lĩnh vực. Rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo của xã Tam Hợp giảm từ 54,3% năm 2015 xuống còn 36,6% đầu năm 2020”.
Đối với xã Bắc Lý (Kỳ Sơn), cuộc sống của nhiều hộ dân tộc Thái, Khơ mú cũng đang dần khá lên nhờ chương trình hỗ trợ bò giống, lợn giống của BĐBP. Tháng 5/2019, gia đình bà Lo Phò Niềm và anh Ven Phò Chương ở bản Huồi Cáng 1 đã được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò giống trị giá 10 triệu đồng từ nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh Nghệ An quyên góp ủng hộ các xã nghèo miền Tây. Bên cạnh đó, những người lính quân hàm xanh thuộc Đồn Biên phòng Mỹ Lý còn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; khai hoang, phục hóa thành công ruộng lúa ở bản Buộc và bản Huồi Bắc; xây dựng 4 mô hình kinh tế hộ gia đình; giúp đỡ 6 hộ trồng thí điểm cây chanh leo trên diện tích 3.000 m²/120 cây cho hiệu quả kinh tế cao… qua đó góp phần thay đổi nhận thức, lề lối canh tác lạc hậu, hiệu quả thấp cho nhân dân tại các thôn, bản khó khăn.
Bên cạnh đó, Đồn còn hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống cở sở hạ tầng ở bản Buộc, Huồi Cáng 1, Huồi Cáng 2, Phà Coóng, Huồi Bắc, Kẻo Nam, xã Bắc Lý; khai thác các nguồn kinh phí, tham gia ngày công, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa trường học, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà. Đến nay, cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã giúp dân 1.238 ngày công lao động, sản xuất, làm mới và tu sửa được 66,5 km đường giao thông nông thôn, sửa chữa và làm mới 102 ngôi nhà…
Những việc làm thiết thực đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp về những người lính quân hàm xanh “đi dân nhớ, ở dân thương” trong lòng người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Còn tại xã Môn Sơn (Con Cuông), cán bộ, chiến sỹ biên phòng Nghệ An đã gắn việc giúp đỡ xã nghèo với triển khai Kế hoạch 316 về triển khai “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát ở bản Búng và bản Cò Phạt”. Qua đó, 2 trạm biên phòng đã được thành lập ở 2 bản vùng biên nơi thượng nguồn Khe Khặng. Cùng với việc góp công, góp sức làm đường bê tông hóa nội bản, hệ thống mương dẫn nước, các công trình điện, trường mầm non… thì việc thay đổi tư duy, thói quen sống dựa vào thiên nhiên hàng trăm năm nay của tộc người Đan Lai là một hành trình không hề dễ dàng. Cán bộ biên phòng phải vừa làm mẫu, vừa hướng dẫn, kiên trì vận động để thay đổi dần nếp nghĩ, nếp sinh hoạt cũ của bà con. “Nhờ BĐBP cầm tay chỉ việc, đồng bào Đan Lai từ chỗ chỉ biết xuống suối bắt cá, vào rừng lấy măng, nay đã biết trồng lúa nước, trồng ngô, khai hoang… Ruộng nhà tôi năm nào vào vụ mùa cũng được BĐBP hỗ trợ thu hoạch”, chị La Thị Phương ở bản Cò Phạt chia sẻ.
Ông La Văn Minh (SN 1967), người có 3 khóa liên tiếp làm Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt cho hay: “Nhờ có sự giúp đỡ của những người lính quân hàm xanh mà lúa nước ngày trước trồng 1 vụ giờ trồng 2 vụ, người dân trong bản biết nuôi con trâu, con bò, chăm lứa lợn, trồng ngô, trồng rau trong vườn chứ không chỉ vào rừng kiếm cái ăn như trước. Đặc biệt, cán bộ biên phòng sinh hoạt tạm thời còn giúp chi bộ bồi dưỡng, phát triển đảng viên. Hiện tại, Chi bộ bản Cò Phạt có 8 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên nữ là chị La Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, cả Trưởng bản trẻ La Văn Tám (SN 1988) cũng là đảng viên đấy”.
Bên cạnh phát triển kinh tế, sự học của con em đồng bào Đan Lai cũng được BĐBP quan tâm. Trường THCS Môn Sơn hiện có 68 em học sinh người Đan Lai học tập và ở nội trú do nhà cách xa trường, đường sá đi lại khó khăn. Sau mỗi dịp lễ, tết hay hè đến, học sinh về thường không quay trở lại trường. Vì vậy, ngoài nhận nuôi 4 cháu ở bản Búng và bản Cò Phạt, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã cử các cán bộ vận động quần chúng trực tiếp phối hợp cùng với Ban Quản lý ký túc xá chăm sóc, theo dõi hướng dẫn các em cách sinh hoạt, ăn uống hợp vệ sinh và rèn luyện sức khỏe hằng ngày. Vì thế, nhiều cán bộ biên phòng đã được các em học sinh Đan Lai gọi là bố, là mẹ một cách yêu thương và trân trọng.
Nhờ những thành tích trong vận động giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh, Đồn Biên phòng Môn Sơn là 1 trong 16 tập thể được BTV Tỉnh ủy Nghệ An tuyên dương điển hình học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Hậu – Chủ nhiệm chính trị (BĐBP Nghệ An): Giúp dân xóa nghèo không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, tình cảm của Bộ đội biên phòng. Vì vậy, Thực hiện Quyết định số 2021/QĐ-UBNA của UBND tỉnh về việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo vùng miền Tây, kế hoạch giúp đỡ 3 xã nghèo Môn Sơn (Con Cuông), Bắc Lý (Kỳ Sơn) và Tam Hợp (Tương Dương) đã được Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An chỉ đạo triển khai trên cơ sở khảo sát nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế ở địa bàn.
Đến nay, các đơn vị đã xây dựng 12 mô hình giúp dân phát triển kinh tế có hiệu quả; giúp đỡ 35 hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo, giúp dân 2.500 ngày công, chăm sóc, thu hoạch hơn 60 ha hoa màu, làm 23 km đường giao thông nông thôn, 22 km kênh mương thủy lợi; cung cấp 120 con lợn giống cho 35 hộ gia đình theo Đề án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2018”. Bên cạnh đó, vận động các nhà hảo tâm tặng hơn 60 con giống, hơn 700 triệu đồng cho các hộ nghèo phát triển kinh tế. Riêng Bộ Chỉ huy BĐBP đã hỗ trợ 3 xã hơn 660 triệu đồng mua bò, dê, lợn, cá giống giúp hộ nghèo phát triển kinh tế.
Ngoài ra, để giúp các xã biên giới xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, Bộ Chỉ huy BĐBP đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới cử 3 cán bộ tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã; 6 đảng viên sinh hoạt tạm thời tại chi bộ các thôn, bản yếu kém, hỗ trợ các địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 6 chi bộ, 23 tổ chức chính trị – xã hội khác.
Không chỉ giúp 3 xã nghèo theo sự phân công của UBND tỉnh mà tại 27 xã biên giới trên bộ có đồn biên phòng trú chân, các chương trình hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo đều được triển khai với những công trình, phần việc cụ thể, tập trung vào phát triển giao thông, trường học, y tế, môi trường, văn hóa, nhà ở, thủy lợi, thu nhập, giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở… Qua đó, góp phần củng cố lòng tin, tình cảm của nhân dân đối với BĐBP- những người luôn coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.