Nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Đình Phong – giảng viên cao cấp, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về ý nghĩa, giá trị những điều mà Bác căn dặn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong Bức thư cuối cùng gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (21/7/1969 – 21/7/2019).
P.V: Thưa PGS.TS Bùi Đình Phong, ông đánh giá như thế nào về giá trị, ý nghĩa Bức thư cuối cùng mà Bác Hồ gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An vào năm 1969?
PGS.TS Bùi Đình Phong: Trước hết, Nghệ An có vinh dự và niềm tự hào rất lớn vì là quê hương của Bác Hồ. Vinh dự thứ 2 của tỉnh là năm cuối cuộc đời, Bác viết bức thư cho Đảng bộ Nghệ An – đây được coi như là một Di chúc của Người với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Bức thư cuối cùng của Bác viết cho Nghệ An mang giá trị trường tồn.
Phải nói rằng, những điều Bác viết trong “Di chúc đối với Nghệ An” hay là bức thư dặn dò quê hương, cho đến nay những “đường nét lớn”, tôi cho là vẫn nguyên giá trị. Tuy nhiên, cả nước hay Nghệ An khi thực hiện Di chúc của Bác phải vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh vì thời điểm năm 1969 cách thể hiện, thực hiện khác hiện nay. Chúng ta nên thấm một điều quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác phải gắn vào nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng thời kỳ để có vận dụng sáng tạo. Chúng ta hay dùng cụm từ “trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh” nhưng không phải trung thành trên câu chữ mà phải trung thành với tinh thần của Bác.
P.V: Trong Bức thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, đầu tiên Bác căn dặn là “tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa”. Vậy đặt trong giai đoạn hiện nay, tỉnh cần hiểu và vận dụng lời căn dặn ấy như thế nào?
PGS.TS Bùi Đình Phong: Trong bức thư Bác gửi cho Nghệ An có mấy điều căn dặn về dân chủ như: Khi bầu cử phải để cho dân bàn bạc và quyết định; Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải tự phê bình trước nhân dân và khuyến khích nhân dân thường xuyên phê bình mình. Điều này vẫn nguyên giá trị và nguyên cách làm, tức là bây giờ trong cơ quan, đơn vị và phạm vi cả xã hội, chúng ta đều phải làm điều đó, có khuyết điểm thì tự phê bình trước nhân dân. Không những tự phê bình mà còn phải tạo cơ chế, chính sách để nhân dân góp ý với mình. Khi người ta góp ý mình phải hoan nghênh. Bác từng nói: “Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích”.
Vấn đề nữa trong dân chủ là lắng nghe ý kiến nhân dân. Điều này cũng còn nguyên giá trị, luôn luôn phải nghe dân, dân nhiều tai nhiều mắt, cái gì họ cũng nghe, cái gì họ cũng biết. Họ thông minh lắm. Bác nói rồi: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Vì vậy, lắng nghe ý kiến nhân dân để người ta góp ý, cái gì ưu điểm thì phát huy, cái gì khuyết điểm thì khắc phục. Cùng với đó, khuyến khích nhân dân góp ý xây dựng Đảng như: góp ý về chi bộ, chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo… Muốn hiểu được vấn đề này, chúng ta phải trở lại toàn bộ di sản của Bác. Ví dụ, Người từng nói, phải dựa vào ý kiến nhân dân để sửa chữa nghị quyết cho phù hợp và sửa chữa cán bộ và tổ chức của Đảng;…
P.V: Vậy còn đối với các vấn đề lớn khác thì như thế nào, thưa PGS.TS?
PGS.TS Bùi Đình Phong: Lời căn dặn của Bác về khôi phục và phát triển kinh tế với tỉnh nhà đòi hỏi quá trình thực hiện phải mang tính sáng tạo rất lớn, vì kinh tế 50 năm trước khác với bây giờ. Tuy nhiên tinh thần chung là không thay đổi, chúng ta học Bác Hồ là trung thành với căn cốt, tinh thần, quan điểm lớn, nguyên tắc của Người. Do đó, Nghệ An đi vào khôi phục, phát triển kinh tế, ngoài phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì bây giờ có nhiều loại hình kinh tế mới cần phải phát huy.
Bác còn căn dặn là “hết sức chăm lo đời sống nhân dân”… Trong Di chúc cho cả nước và Bức thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Người đều đề cập đến vấn đề này. Về tổng thể thì chăm lo đời sống nhân dân trước hết ta phải phát triển sản xuất, nhưng trong giai đoạn hiện nay, sản xuất cái gì thì phải sáng tạo; đồng thời phải tiết kiệm. Thứ nữa, Bác đề cập đến phân phối công bằng, tư tưởng lớn ở đây tức là vấn đề công bằng. Bác từng nói vào năm 1966: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Bên cạnh đó, chúng ta phải tiếp tục quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa – xã hội như Bác căn dặn: “Từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khỏe và giải trí của nhân dân”, đặc biệt là chú trọng chăm lo đến những đối tượng đặc biệt như: các cháu mồ côi, các cụ già yếu và gia đình các liệt sỹ, thương binh, bộ đội, thanh niên xung phong. Tất cả đều vẫn còn nguyên giá trị.
Một vấn đề hết sức quan trọng toát lên trong Bức thư cuối cùng Người gửi cho quê hương chính là tinh thần luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, phải gắn nhiệm vụ xây dựng với bảo vệ Tổ quốc.
P.V: Theo PGS.TS, để thực hiện hiệu quả hơn nữa những điều căn dặn của Bác Hồ với quê hương, Nghệ An nên tiếp tục làm gì?
PGS.TS Bùi Đình Phong: Nghệ An muốn hiện thực hóa những lời căn dặn của Người dành cho quê hương thì phải biết phát huy thế mạnh của tỉnh. Đó là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; có diện tích rộng lớn, tài nguyên phong phú, trong đó tài nguyên quan trọng nhất là con người. Con người Nghệ An cần cù và rất cách mạng, bây giờ ta hay gọi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Phát huy tất cả những điều đó, tôi nghĩ Nghệ An sẽ thực hiện vượt hơn cả mong muốn của Bác là sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc.
P.V: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Bùi Đình Phong!