Cây mía nguyên liệu được đưa vào trồng trên địa bàn Nghệ An từ những năm 60 của thế kỷ trước, là cây tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân một số địa phương. Đến nay, mía vẫn là cây trồng chủ lực, tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của thị trường, ngành mía đường đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, người trồng mía cũng bị ảnh hưởng đến thu nhập, từ đó vùng mía nguyên liệu bị thu hẹp dần. Để người dân mặn mà với cây mía nguyên liệu, giải pháp lâu dài là cần phải có sự gắn kết hơn nữa của “3 nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Đến bây giờ, nhiều người dân vẫn thừa nhận rằng, mía là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chống chịu được hạn…, không những góp phần giảm nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu cho nhà nông. Nếu đầu tư theo hướng thâm canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, 1 ha mía vào thời điểm này cho thu lãi 50 – 60 triệu đồng/vụ.
Mía nguyên liệu được đưa vào trồng trên đất Nghệ An từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những người cao niên đã từng trồng mía nguyên liệu thừa nhận, thời điểm từ những năm 2000 về trước, khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, vì vậy, cây mía không những cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân, mà còn có tác dụng nữa là, bà con sử dụng lá mía để đánh tranh lợp nhà. Cho đến nay, nhiều địa phương vẫn xem mía nguyên liệu là cây trồng chủ lực, không ít gia đình kinh tế khá lên nhờ trồng mía.
Thời điểm này, người trồng mía trên địa bàn các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… đang thu hoạch mía niên vụ 2021 – 2022. Trên các trục đường, xe ô tô chất đầy mía, nối đuôi nhau vận chuyển nguyên liệu về nhà máy sản xuất. Các nhà máy mía đường vì thế ngày đêm nhả khói, cho ra sản phẩm đường cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Thông tin vui đối với người trồng mía, năm nay các nhà máy mía đường trên địa bàn tỉnh thu mua mía tại ruộng cho bà con với giá cao hơn so với các năm trước, 1,1 triệu đồng/tấn (năm trước 800.000 – 900.000 đồng/tấn). Không những vậy, các nhà máy còn đưa cơ giới hóa vào thu hoạch mía cho bà con, nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch trên diện tích.
Gần 20 năm gắn bó với cây mía nguyên liệu trên diện tích 6 ha đất bãi, ông Hà Xuân Niệm ở xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) cho rằng, từ lâu cây mía đã là một trong những cây trồng chủ lực của người dân trong xã. Tuy nhiên, nhiều năm trước, giá thu mua mía nguyên liệu giảm, không ổn định… nên nhiều hộ dân trong xã đã bỏ mía để trồng ngô, hoặc cây ăn quả các loại, nhưng gia đình ông vẫn bám cây mía để phát triển kinh tế.
Ông Niệm chia sẻ kinh nghiệm: Để cây mía đạt năng suất cao, vụ đầu cần trồng sâu, khi thu hoạch chặt sát gốc, sau đó cày xả gốc cần đưa lưỡi cày vào sát gốc mía để cắt đứt bộ rễ cũ, sau đó bón phân, cày vun gốc lại để mía phát triển bộ rễ mới, cây mía nảy mầm tốt hơn. Bằng cách làm đó, năm nào mía của gia đình ông cũng đạt năng suất cao, thậm chí có những năm đạt 120 tấn/ha; mỗi năm 1 ha mía lưu gốc cho thu lãi 60 triệu đồng.
“Hiện nay nhiều gia đình trồng mía nhưng thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc và ít đầu tư, nên mía đạt năng suất thấp, chỉ từ 50 – 60 tấn/ha là không có lãi, bởi chi phí thuê nhân công cao và trữ lượng đường trong mía thấp, nên nhà máy thu mua với giá thấp” – ông Hà Xuân Niệm cho hay.
Trên các cánh đồng mía của các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, dịp này bà con cũng hối hả thu hoạch mía nguyên liệu. Theo bà con chia sẻ, đối với những đám mía vụ 2, vụ 3 đều cho lãi, bởi nhà máy thu mua mía với giá cao hơn năm trước. Có những gia đình trồng mía với diện tích 5 – 6 ha, vụ này thu lãi cả trăm triệu đồng.
Theo báo cáo của các địa phương, niên vụ mía 2021 – 2022, năng suất đạt cao hơn năm trước. Như huyện Quỳ Châu, toàn huyện trồng 1.158 ha mía theo hợp đồng với nhà máy đường, chưa kể còn có hơn 300 ha mía để làm mật thủ công. Nhờ sử dụng các loại giống mía mới có năng suất cao nên năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha. Bước sang vụ ép 2022 – 2023, diện tích lưu gốc trên toàn huyện còn lại 810 ha, vì thế, để đảm bảo diện tích ổn định, dự kiến sẽ trồng lại khoảng 348 ha. Huyện Quỳ Hợp là một trong những địa phương trọng điểm của mía nguyên liệu, niên vụ mía 2021 – 2022, toàn huyện có gần 5.000 ha, năng suất bình quân đạt 62,55 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 292.662,7 tấn. Huyện Tân Kỳ niên vụ này cũng trồng được 3.500 ha mía, năng suất đạt bình quân 60 tấn/ha, cao hơn chút ít so với niên vụ trước.
Ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho rằng, mía nguyên liệu trồng trên đất Tân Kỳ từ nhiều thập kỷ trước, đến nay vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Nhìn vào thực tế cho thấy, cái được rõ nét đối với cây mía nguyên liệu hiện nay là đầu ra được nhà máy thu mua hết. Cùng đó, nhiều địa phương đã tích cực trong việc chuyển đổi ruộng đất, nên diện tích mía trồng tập trung, trồng thâm canh đã nâng lên gần 2.000 ha/tổng diện tích hiện có 3.500 ha. Những diện tích mía trồng thâm canh trên địa bàn huyện đạt năng suất từ 80 – 120 tấn/ha. Nhiều giống mía mới sạch bệnh, năng suất cao, độ đường tốt đã được đưa vào trồng đại trà như: QĐ 93159, KK3, LK9211…. cùng với áp dụng cơ giới hóa vào trồng, chăm sóc, thu hoạch… nên kinh tế ổn định.
Nguyên liệu là sự sống còn của các nhà máy đường. Do vậy, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, hàng năm các nhà máy mía đường trên địa bàn tỉnh đều có những chính sách hỗ trợ nhằm đồng hành cùng người trồng mía một cách phù hợp. Ngoài ra, một số nhà máy còn mở rộng vùng mía nguyên liệu ra các huyện lân cận, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Trong đó, rõ nét nhất là những năm gần đây, vào đầu vụ, các nhà máy đều ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển vùng nguyên liệu, giống mới, cơ khí, cánh đồng mẫu lớn hoặc thực hiện các tiến bộ khoa học, kỹ thuật khác. Chẳng hạn, vụ ép 2021 – 2022, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) đã ban hành giá thu mía tại ruộng, chưa bao gồm thưởng độ đường là 1.100.000 đồng/tấn, tăng 200.000 đồng/tấn so với vụ ép 2020 – 2021. Đây là giá mua mía cao nhất nước, chỉ ít công ty có được, nên bà con nông dân trồng mía trên địa bàn hết sức phấn khởi.
Ông Phan Bá Duy ở xóm Tân Phong, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn cho biết, ở vụ ép 2021 – 2022, nhờ chăm sóc theo đúng quy trình công ty ban hành, năng suất mía đạt bình quân từ 80-90 tấn/ha. Tương tự, gia đình bà Đặng Thị Loan có mía đạt độ đường cao, giá mía bao gồm cả thưởng độ đường tại ruộng là 1.246.000 đồng/tấn; gia đình anh Hoàng Đình Hiểu ở xóm Minh Lợi, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp trồng mía cho năng suất đạt gần 140 tấn/ha, trừ hết chi phí, gia đình lãi hơn 100 triệu đồng/ha/ năm trên đất chuyển đổi từ cam.
Chính sách trồng mía vụ xuân 2022, NASU tăng mức hỗ trợ không hoàn lại diện tích khai hoang chuyển đổi từ cam không hiệu quả sang trồng mía là 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ trồng giống mía mới 1,5 triệu đồng/ha và thực hiện nhiều hạng mục hỗ trợ cho nông dân. Ngoài ra, cho vay tiền với lãi suất thấp để trồng và chăm sóc mía, chuyển đổi trồng mới 200 ha mía trên đất trồng cam. Tất cả diện tích mía thu hoạch của huyện Quỳ Hợp đều được công ty bố trí vận chuyển về nơi sản xuất và thanh toán thuận tiện cho các hộ nông dân trồng mía.
Cùng đó, Công ty Mía đường Sông Lam áp dụng các cơ chế, chính sách của huyện, của tỉnh để khuyến khích người nông dân mở rộng diện tích trồng các giống mía chất lượng cao, năng suất và phù hợp với địa phương: Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha mía mô hình; hỗ trợ tiền mặt khi nông dân ký hợp đồng trồng và bán mía nguyên liệu cho công ty; đầu tư 100% giống, tiền làm đất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi suất; bảo hành giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ tiếp theo và hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển mía giống cho các hộ nông dân đăng ký trồng mía giống mới.
Công ty cổ phần Mía đường Sông Con (Tân Kỳ) có chính sách hỗ trợ 1 ha trồng mía theo hình thức trồng tập trung, gồm: Hỗ trợ phân bón tối đa 20 triệu đồng, hỗ trợ tối đa 7,5 triệu đồng tiền làm đất, hỗ trợ 10 tấn giống, tương đương 12 triệu đồng, hỗ trợ 20 tấn bùn để ủ men phân vi sinh và hỗ trợ tiền mặt từ 1 – 7 triệu đồng tùy đặc thù từng vùng, dựa vào khai hoang trồng mới, hoặc chuyển đổi… Đối với diện tích trồng mới nhỏ lẻ cũng hỗ trợ với mức độ khác nhau. Trong quá trình làm đất, chăm sóc và thu hoạch, đơn vị còn hỗ trợ cung cấp các dịch vụ: máy làm đất, máy thu hoạch, máy phun thuốc BVTV hiện đại… nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực lao động đối với vùng mía.
Từ chính sách hỗ trợ của các nhà máy, nên việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía trên các cánh đồng lớn ngày càng được công ty mía đường và người nông dân quan tâm. Việc thay thế sức lao động của con người trong các khâu làm đất, trồng, phun thuốc, bón phân… bằng máy đã góp phần giảm chi phí đầu tư ban đầu, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều địa phương đã xây dựng được cánh đồng mía lớn, như huyện Quỳ Hợp, trong vụ sản xuất năm 2021, nhà máy đường đã phối hợp với các xã xây dựng được cánh đồng lớn tại các xã: Hạ Sơn, Châu Lý, Tam Hợp, Minh Hợp, Văn Lợi, Liên Hợp… áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, đạt năng suất cao hơn hẳn các vùng khác. Bên cạnh việc đầu tư thay đổi các loại giống, cho vay để trồng mới tại khu vực huyện Quỳ Hợp, Công ty Mía đường NASU còn tiến hành tu sửa, nâng cấp các tuyến đường để phục vụ cho việc vận chuyển mía nguyên liệu trên địa bàn.
Tuy nhiên, đánh giá một cách thực chất đối với cây mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh thì ngành mía đường và người trồng mía vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi vùng nguyên liệu, thị trường không ổn định, các loại vật tư nông nghiệp tăng giá chóng mặt…
(Còn nữa)