ƯỢC ví như “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đội ngũ cán bộ khối, xóm, bản luôn luôn có những đóng góp đắc lực trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vẫn lặng lẽ cống hiến, cần mẫn, trách nhiệm với công việc, dẫu chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thực sự tương xứng.
Ở xã Hưng Phú (Hưng Nguyên), bà Phạm Thị Tâm được nhiều người thán phục vì thâm niên làm cán bộ lâu nhất xã. Sinh năm 1954, bà từng tham gia dân công hỏa tuyến, đóng góp vào cuộc kháng chiến của nước nhà. Hòa bình lập lại, trở về quê hương, bà đảm nhận vị trí Chi hội trưởng Hội phụ nữ của xóm 2, xã Hưng Phú từ năm 1977 cho đến bây giờ. Vừa qua, thực hiện sáp nhập xóm, xóm 2 của bà sáp nhập với các xóm 1 và 3 thành xóm Phú Điền và bà vẫn là Chi hội trưởng lâm thời của xóm mới sáp nhập. 42 năm gắn bó với công tác phụ nữ ở cơ sở, nhưng đề cập đến “kỷ lục làm cán bộ”, điều đầu tiên mà bà Tâm nhắc đến không phải là vất vả của một người “vác tù” mà chính là niềm vui được tham gia công tác hội. “Ngày xưa tôi làm hội làm chi có phụ cấp. Đến sau này mới có, từ vài chục ngàn một tháng đến nay được hơn 300 ngàn đồng phụ cấp. Tôi nhận số tiền đó nhưng cũng về san sẻ với chị chi hội phó để hai người cùng động viên nhau làm việc”, bà Tâm chia sẻ.
Để làm công tác hội trong hàng chục năm trời đằng đẵng, bà Tâm nhận được sự chia sẻ, động viên của chồng con. Vì thế, dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút, người phụ nữ gần 40 năm tuổi Đảng vẫn hàng ngày đến làng trên, xóm dưới vận động chị em thực hiện các chủ trương của hội, tham gia phát triển kinh tế – xã hội. Rồi mỗi khi trong xóm, trong làng có đám hiếu, đám hỷ, người ta cũng thấy bà tất bật chung tay cùng chị em hỗ trợ. Cũng vì vậy, mà tài sản lớn nhất của bà, có lẽ chính là sự tin tưởng của cấp trên, tình cảm yêu mến của xóm giềng…
Ngược lên miệt Tây Nghệ An, ông Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1964 ở phường Long Sơn, Thái Hòa cũng là một cán bộ cơ sở có thâm niên làm khối trưởng 16 năm nay. Từ năm 2003, ông đã được bầu làm khối trưởng khối 1. Dù phụ cấp chẳng là bao, địa bàn khối lại rộng, ông cùng tập thể cấp ủy, ban cán sự khối đã phát huy vai trò người đứng đầu vận động nhân dân xây dựng khối ngày càng khang trang, vững mạnh.
Vừa qua, thực hiện chủ trương sáp nhập, khối 1 sáp nhập với khối 8 thành khối Lam Sơn với 186 hộ, gần 700 khẩu. Dù hai khối lâu nay là láng giềng nhưng tính chất khác nhau. Sáp nhập thành khối mới, ông được tín nhiệm giao đảm nhận chức danh Khối trưởng, còn Bí thư chi bộ là người của khối 8 cũ. Vừa qua, với sự vào cuộc của cấp ủy, ban cán sự khối, trong đó có khối trưởng Nguyễn Văn Quang, khối Lam Sơn đã tổ chức thành công ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, đây như là dịp như để làm lễ “về chung một nhà” của 186 hộ dân. Trao đổi với chúng tôi, ông dự tính sắp tới sẽ đề nghị phường hỗ trợ và vận động nhân dân để nâng cấp tuyến đường đi giữa hai khối 1 và 8 cũ cho dễ đi lại và xây dựng khối ngày càng khang trang, văn minh hơn.
Nhiều năm qua, gắn với quy định của Trung ương và đặc thù của tỉnh, Nghệ An đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đồng thời có những quy định cụ thể về mức phụ cấp đối với nhiều chức danh. Tính tổng thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 15.924 cán bộ không chuyên trách khối, xóm, bản. Mặc dù số tiền phụ cấp hàng tháng cho mỗi chức danh không phải là nhiều nhưng tổng chi lại khá lớn, mỗi năm gần 244 tỷ đồng, tương đương thu ngân sách của một huyện khá tại Nghệ An. Ngoài ra, ở khối, xóm, bản còn một số chức danh được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND tỉnh, gồm: Trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể chính trị – xã hội, chi hội trưởng hội người cao tuổi ở xóm, khối, bản. Với tổng số người thuộc diện này theo thống kê hiện nay là 23.322 người và tổng số tiền chi phụ cấp hàng năm hơn 113 tỷ đồng.
Nhà nước đang chi một khoản ngân sách hàng năm lớn, trong khi thực tế số tiền phụ cấp cho đầu người lại không nhiều nhặn gì nên lâu nay trên nhiều diễn đàn, nhất là tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, nhiều ý kiến đều đề nghị tăng phụ cấp cho các chức danh ở khối, xóm, bản. Trong điều kiện tỉnh còn khó khăn thì dù rất hiểu và chia sẻ, đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ này thì thời điểm hiện tại cũng rất khó để nâng được phụ cấp. Thành ra, ở cơ sở cứ xảy ra một vòng luẩn quẩn, là đến mỗi kì đại hội chi bộ hay các tổ chức chính trị – xã hội, nhiều nơi cán bộ cấp xã lại phải vận động, thuyết phục cán bộ khối, xóm, bản tiếp tục làm việc, còn việc thu hút được cán bộ trẻ (ngoại trừ bí thư chi đoàn) đảm nhận các chức danh cũng rất khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; có hiệu lực thi hành ngày 25/6/2019. Trong đó quy định, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư chi bộ; Trưởng thôn, khối dân phố; Trưởng ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).
Thực hiện Nghị định 34 là chủ trương đúng và thuận lợi là sẽ giảm được số người hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước; chế độ cho đội ngũ bí thư chi bộ, xóm trưởng, cũng sẽ có mức tăng lên. Nhưng khi thực hiện cũng đặt ra không ít phân vân cho cấp xã, cấp huyện khi ở nhiều khối, xóm, bản đã tiến hành sáp nhập, quy mô diện tích và số hộ đều tăng lên. Vì vậy, nếu không có một chính sách động viên kịp thời, thì việc tìm cán bộ, nhất là cán bộ cho các chi hội, chi đoàn vốn đã khó nay còn khó hơn.
Như ý kiến của bà Lưu Thị Dung – Ủy viên Thường vụ trực Đảng, Đảng ủy xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên chia sẻ, việc tìm đội ngũ cán bộ cơ sở sẽ gặp khó khăn hơn, ảnh hưởng đến chất lượng của hệ thống chính trị ở thôn, xóm. Đây cũng là lo lắng, lúng túng chung của nhiều cán bộ cấp xã, cấp huyện vì thực tế rằng nhiều người không mặn mà tham gia công việc thôn, xóm, mà lâu nay, nhiều khi làm việc chỉ vì “nể cán bộ xã vận động, động viên thường xuyên”. Trong khi đó, bây giờ trưởng các tổ chức đoàn thể chỉ được bồi dưỡng qua đoàn phí, hội phí thì sẽ khó khăn hơn vì những khoản này theo quy định được thu quỹ cũng đang ở vào thực trạng “ốc chưa lo nổi mình ốc”, lấy đâu để trang trải thêm việc khác?
Vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An, khi đề cập đến công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp sắp tới, đồng chí Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã lưu ý, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là ở khối, xóm, bản. Đây là đội ngũ có vai trò rất quan trọng vì hàng ngày tiếp xúc với nhân dân.
Ông Đậu Thế Anh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy (TX.Cửa Lò) không giấu được lo lắng nếu 6 chi hội trưởng nông dân trên địa bàn không còn được hỗ trợ hàng tháng. Vì với tính chất một phường có thế mạnh về ngư nghiệp thì công tác của hội nông dân rất quan trọng đối với sản xuất. Đề cập đến vấn đề bồi dưỡng từ nguồn quỹ hội hàng tháng cho các chức danh này, ông Anh băn khoăn, vì theo quy định mỗi hội viên chỉ đóng quỹ 1.000 đồng/tháng, tức là 12.000 đồng/năm. Trong đó, phần để lại cho chi hội theo quy định là 60% tổng quỹ. Trên địa bàn phường hiện có 600 hội viên nông dân – được xem là một trong số ít tổ chức hội có lực lượng hùng hậu nhất, nhưng nếu tính ra quỹ hội chỉ được 7,2 triệu đồng và phần để lại cho 6 chi hội cơ sở hơn 4,3 triệu đồng. Tính ra mỗi chi hội mỗi năm có quỹ cứng khoảng 720.000 đồng. Đây là số kinh phí cũng chỉ tạm đủ cho việc “trà, nước” mỗi khi họp chi hội, chứ chưa tính đến chuyện trích để bồi dưỡng cho chi hội trưởng.
Vừa qua, một số khối ở phường Nghi Thủy đã sáp nhập. Tạm yên tâm khi theo Nghị định 34, có 3 chức danh gồm bí thư, khối trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận sẽ có phụ cấp, nhưng điều trăn trở là trưởng các chi hội: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… không biết tính toán thế nào, chỉ còn cách động viên họ làm việc, vì phong trào muốn mạnh phải có một phần đóng góp quan trọng của các tổ chức này, mà không có người làm thì lấy ai triển khai?
Tại xã Hưng Phú (Hưng Nguyên), lo lắng cũng là tâm trạng của chị Trần Thị Hưng – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã. Chị cho biết, xã Hưng Phú sáp nhập từ 8 xóm thành 3 xóm, chưa kể sắp tới xã sẽ sáp nhập với xã Hưng Khánh nên bộ máy có nhiều biến động. Với địa bàn nông thôn thì hội liên hiệp phụ nữ lại có vai trò quan trọng trong triển khai nhiều chủ trương, chính sách vì có hội viên đông. Đề cập đến hội phí, chị Hưng cho biết, quy định thì mỗi tháng hội viên đóng 1.000 đồng và tính ra 12.000 đồng/năm. Số hội viên phụ nữ toàn xã khoảng hơn 600 người, trong đó có nhiều người trên 70 tuổi thì được miễn đóng hội phí. Hoạt động của hội nhiều, quỹ không đáp ứng được, chứ chưa nói đến có tiền bồi dưỡng cho chi hội trưởng. Vì thế, để tìm ra người đảm nhận công việc rất khó. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Phú thẳng thắn nói rằng: Thực ra là phải nhờ các chị chi hội trưởng làm việc cho hội. Đây cũng là chia sẻ của bà Phạm Thị Tâm – người có thâm niên 42 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ ở xã Hưng Phú: “Bây giờ chị em đi làm ở Vinh hoặc khu công nghiệp mỗi ngày cũng được 200.000 đồng, nên nói để có thời gian làm công tác hội cũng khó”, bà Tâm cho biết.
Hội nông dân, hay hội liên hiệp phụ nữ có số hội viên đông, còn tổ chức đoàn thanh niên, nhất là ở khu vực nông thôn thì số đoàn viên, thanh niên thực tế hoạt động không bao nhiêu, nên để tập hợp được cũng là cái khó chứ chưa nói là vấn đề Đoàn phí. Hiện nay, theo quy định, đoàn viên không hưởng lương đóng quỹ 2.000 đồng/tháng, còn đoàn viên có lương đóng 5.000 đồng/tháng; con số này cũng chỉ như “muối bỏ biển” nếu chi cho hoạt động Đoàn ở cơ sở. Liên quan đến vấn đề này, ở một khía cạnh khác, ông Bùi Gia Hảo – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cát Văn (Thanh Chương) cho biết, tình trạng phổ biến là có sự “song trùng”, “tam trùng” hội viên, đoàn viên; tức là một người vừa có thể là hội viên của phụ nữ, nhưng đồng thời cũng là hội viên nông dân. Nên có số hội viên, đoàn viên thực tế theo thống kê của các tổ chức hội sẽ lớn hơn so với còn số thực nộp quỹ.
Ông Vi Phúc Lộc – Bí thư Chi bộ, kiêm Xóm trưởng xóm Đồng Sằng, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) kiến nghị nên có chính sách cho các chi hội trưởng, vì nếu với một xóm mà bí thư kiêm xóm trưởng như ở Đồng Sằng, nếu không có các trưởng chi hội, chi đoàn hỗ trợ thì sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ, trong điều kiện xóm vừa sáp nhập, địa bàn miền núi, diện tích lại rộng.
Trước băn khoăn, lúng túng, đề xuất ở cơ sở về chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở khối, xóm, bản, các cấp, ngành của tỉnh cũng đã chủ động xây dựng để ban hành các quy định liên quan. Ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, sở đã tham mưu trình UBND tỉnh thông qua dự thảo nghị quyết về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Dự thảo sẽ được trình HĐND tỉnh khóa XVII xem xét quyết nghị tại kỳ họp thứ 12. Trong đó quy định rõ mức phụ cấp của mỗi chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở xóm, khối, bản; mức phụ cấp đối với thôn đội trưởng; công an viên kiêm xóm phó; tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố (kiêm khối phó); tổ viên tổ bảo vệ dân phố; y tế xóm bản.
Đặc biệt, dự thảo nghị quyết cũng quy định rõ kinh phí bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản. Theo đó, UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh mức khoán là: Xóm, bản có từ 350 hộ trở lên; xóm, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xóm, bản thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán 25 triệu đồng/năm. Các xóm, khối, bản còn lại được khoán 23 triệu đồng/năm.
Khối, xóm, bản không phải là một đơn vị hành chính, mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú. Đây là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của cấp trên giao. Đội ngũ cán bộ đảm nhận công việc ở khối, xóm, bản là những người mà hầu hết lâu nay làm việc vì trách nhiệm trước Đảng, trước dân, vì tấm lòng nhiệt huyết, chứ không phải vì vấn đề kinh tế. Vậy nên, có một khoản phụ cấp, bồi dưỡng, trước hết chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần là chính, thể hiện sự chia sẻ, coi trọng của Đảng, Nhà nước cho đội ngũ cán bộ này. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế – xã hội của Nghệ An hiện nay, việc ban hành chính sách này là một nỗ lực lớn của tỉnh. Ở cấp cơ sở do đó cần làm tốt công tác tư tưởng để những cán bộ này hiểu rõ đường lối, chủ trương của tỉnh và cũng là động viên, nêu cao tinh thần vì việc xóm, việc làng trong mỗi công dân, phát huy vai trò tự quản của khu dân cư.
Mặt khác, để công tác triển khai có hiệu quả, tại kỳ họp lần này, đòi hỏi các vị đại biểu HĐND tỉnh nắm bắt đầy đủ thực tiễn, trao đổi thẳng thắn để đưa quyết sách chính xác. Đó không chỉ là thông qua chính sách tổng thể, mà trong mỗi hợp phần cụ thể cần đảm bảo hài hòa, chính xác, khách quan, phù hợp với tính chất công việc của từng chức danh. Bên cạnh đó, việc triển khai kinh phí bồi dưỡng cho các chức danh ở khối, xóm, bản cần làm rõ quy chế để cơ sở dễ thực hiện, vì như nhận định xác đáng của ông Nguyễn Văn Thăng – Bí thư Đảng ủy phường Long Sơn (T.X Thái Hòa) thì với công việc của những người hoạt động không chuyên trách tại các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở không dễ để lượng hóa.