Lan Toong – tên gọi của ngọn núi có độ cao trên 700m so với mực nước biển, thuộc địa phận 2 xã Châu Hồng, Châu Thành của huyện Quỳ Hợp. Bởi giàu tiềm năng quặng thiếc nên núi Lan Toong là điểm đen môi trường và tai nạn lao động; ngày 13/3/2019 vừa qua, đã có 3 người tử nạn…
___________________________
Sự cố 3 người tử nạn trên núi Lan Toong, khu vực mỏ thiếc Suối Bắc xẩy ra hồi 14h20 ngày 13/3/2019. Gồm anh Lương Văn Tuấn (sinh năm 1977), chị Lương Thị Hảo (sinh năm 1982) và chị Sầm Thị Hải (sinh năm 1987). Cả 3 đều cùng sống tại xóm Bản Chảo, xã Châu Hồng, trong đó, anh Lương Văn Tuấn và chị Lương Thị Hảo là vợ chồng.
Về diễn biến của sự cố, đến cuối ngày 14/3/2019, tại Báo cáo số 33/BC-UBND, chính quyền huyện Quỳ Hợp đã thông tin: Vào hồi 15h30’ ngày 13/3/2019, UBND huyện Quỳ Hợp nhận được tin báo của nhân dân xã Châu Hồng vào lúc 14h30’ngày 13/3/2019 có vụ tai nạn lao động xẩy ra tại khu vực núi Lan Toong làm 3 người chết.
Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp cùng các lực lượng, phòng ban chức năng và các xã Châu Hồng, Châu Thành huy động các phương tiện, máy móc vào hiện trường tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Vị trí người dân vào mót vét quặng thiếc xẩy ra tai nạn được xác định thuộc điểm mỏ của Công ty khai thác khoáng sản Tuấn Hùng, đã được UBND tỉnh đóng cửa mỏ tại Quyết định số 2066/QĐ-UBND ngày 18/5/2017. Tại vị trí cửa lò đã được đóng cửa có tọa độ 534303; 2145319. Tuy nhiên, một số hộ dân xóm Bản Chảo, xã Châu Hồng đã dùng phương tiện thủ công để đào bới, luồn lách để tìm kiếm khoáng sản.
Sau khi tham khảo ý kiến của cán bộ 2 xã Châu Hồng, Châu Thành và các hộ dân liên quan, xác định điểm bị sạt lở gây ra tai nạn có tọa độ 534730; 2145324, cách vị trí các hộ dân đã vào khoảng 400m. UBND huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo các lực lượng mở lối vào tìm kiếm thi thể nạn nhân. Sau khoảng 45’ tìm kiếm, đã đưa được 2 nạn nhân là ông Lương Văn Tuấn (42 tuổi) và bà Lương Thị Hảo (37 tuổi, vợ ông Tuấn) ra khỏi khu vực hầm lò, tuy nhiên cả 2 đã tử vong. Còn nạn nhân Sẩm Thị Hảo (32 tuổi, cùng trú xóm Bản Chảo, xã Châu Hồng, Quỳ Hợp) đã được chồng cứu ra khỏi hầm lò từ trước, nhưng đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Về thực trạng khu vực xẩy ra tai nạn, đây là khu vực có nhiều tiềm năng quặng thiếc, có 4 công ty được cấp phép khai thác khoáng sản. Hiện nay, 2 điểm mỏ của Công ty KTKS Tuấn Hùng và Công ty Phủ Quỳ đã có quyết định của UBND tỉnh về đóng cửa mỏ; điểm mỏ của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh đang bị đình chỉ khai thác từ năm 2017; chỉ còn điểm mỏ của Công ty khoáng sản Hà An đang khai thác. Đây là vùng núi cao hiểm trở, đường sá đi lại hết sức khó khăn.
Mặc dầu thời gian qua Huyện ủy, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt; các xã Châu Hồng, Châu Thành đã có văn bản phổ biến xuống tận các chi bộ, xóm bản; tổ chức tuyên truyền vận động tại các cuộc họp và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, một số hộ dân tranh thủ lúc nông nhàn rủ nhau đi mót, vét quặng để tăng thêm thu nhập cho gia đình, từ đó dẫn đến tai nạn thương tâm.
Tôi tiếp nhận thông tin sự cố sập hầm khá sớm, vào cuối chiều ngày 13/3/2019. Bởi vậy, sáng sớm hôm sau đã có mặt ở Quỳ Hợp để ngược núi Lan Toong. Trên đường lên núi, được nghe đủ đầy hết mọi chi tiết của buổi chiều đen tối ấy. Nhưng có một điều khiến tôi hết sức lưu tâm. Đó là điểm các hộ dân chui vào mót thiếc là cửa hầm lò của Công ty KTKS Tuấn Hùng, thuộc địa bàn xã Châu Thành. Còn điểm người dân mót thiếc, rồi bị sập hầm lại ở sâu trong lòng núi, cách xa khu vực khai thác của Công ty KTKS Tuấn Hùng được cấp phép.
Bởi vậy, đã tìm đến cửa hầm cũ của Công ty KTKS Tuấn Hùng. Tại đây, những dấu vết của việc đóng cửa mỏ mất sạch. Cửa hầm lò nguyên vẹn, thông thoáng. Đường dẫn vào hầm có nhiều dấu vết đi lại của con người và phương tiện xe máy cho thấy vẫn được sử dụng thường xuyên. Theo Lang Văn Hùng – cán bộ địa chính xã Châu Hồng, trước đây cửa hang đã được lấp, nhưng dân khai mở lại để tìm đường vào lòng núi mót thiếc.
Thắc mắc với anh này: Từ hầm lò của Tuấn Hùng, sao người dân có thể đi xuyên sâu sang địa phận khai thác của doanh nghiệp khác để mót quặng? Anh nói: Việc khai thác quặng thiếc trên núi Lan Toong đã từ rất nhiều năm. Tính ra, có đến 5 doanh nghiệp đào hầm lò khai thác quặng thiếc. Lòng núi bây giờ có thể hình dung như địa đạo Củ Chi, đường hầm lò của các doanh nghiệp đã đan xen, chồng chéo lên nhau nên từ hầm của Công ty KTKS Tuấn Hùng có thể xuyên thông sang hầm của doanh nghiệp khác mà chỉ có người làm quặng mới thông thạo biết được. Anh chép miệng: “Chính vì thế, người dân mới khẳng định không thể đưa người bị nạn ra theo đường đã chui vào, mà phải khai mở hầm lò ở phía bên kia núi…”.
Ở các khu mỏ dừng hoạt động có bao nhiêu miệng hầm đã đóng nhưng hiện nay đã bị mở trở lại? Với vài giờ đồng hồ ở trên núi Lan Toong, tôi đã thấy khu vực khai thác của Công ty KTKS có không ít cửa hầm đã mở lại. Nó chứng tỏ, đối tượng tham gia mót thiếc là không ít! Nói về chuyện này, anh cán bộ phòng TN&MT huyện cho hay, người dân Châu Hồng, đặc biệt là dân xóm Bản Chảo đặc biệt giỏi trong khai thác quặng thiếc. Họ có thể phát hiện chính xác ra vỉa quặng, và đánh giá được vỉa quặng nào sẽ có tỷ lệ thiếc cao. Chính vì vậy, mỗi ngày chỉ cần đem vài bì quặng xuống núi cũng có thể kiếm được 500 – 700 nghìn đồng. Và mót quặng như là một nghề đem lại thu nhập chính. Anh cũng cho hay, địa chất của núi Lan Toong rất vững nên hầu hết các hầm lò đều không được lắp đặt hệ thống cọc chống sập mà chỉ có các trụ đỡ là đất đá núi. Vì thu nhập, người mót thiếc khi phát hiện trụ đỡ có vỉa quặng thì cắt, đào lấy. Hầm lò đan xen, chồng chéo lên nhau, lại thêm tình trạng mất trụ nên sập. Hầm sập thì người chết…
Tôi đã ngỏ ý với những người cùng đi là muốn đến nhà của những người bị nạn. Dù đến đấy, chỉ thắp cho những người vắn số một cây hương và cầu mong linh hồn họ được siêu thoát.
Xóm Bản Chảo gần với Cầu Châu Hồng 2, cách trục đường Quốc lộ 48D chỉ khoảng 300m. Nhà của hai gia đình các nạn nhân sát kề, cách nhau trục đường xóm. Thời điểm đó đã 12h45’, người đông đúc, hầu như đều vận áo trắng, vấn khăn tang trắng và lặng lẽ buồn. Lang Văn Hùng ái ngại nhờ chú của Sầm Thị Hảo là anh Sầm Văn Dư dẫn tôi vào. Anh Hùng nói khẽ: “Nhà báo lên công tác ghé vào thắp hương thôi…”. Gia cảnh của hai gia đình ấy, như tôi thấy, đều còn khó khăn. Họ có những đứa con còn nhỏ, ngơ ngác nhìn khách lạ. Tại gian khách, những chiếc quan tài đóng vội, sơn đỏ có đặt di ảnh của 3 người vắn số, đều còn rất trẻ nghi ngút khói hương. Quanh đó, là bố, mẹ, người thân bưng mặt khóc…
Lúc trở ra, anh Dư cho biết, Sầm Thị Hảo có 2 người con còn nhỏ; còn Lương Văn Tuấn và Lương Thị Hải thì con đã lớn hơn, có một đứa đã đi làm ở Trung Quốc hồi đầu năm. Nhận được tin bố mẹ mất, hiện đang trên đường về. Anh thở dài thườn thượt: Dân Bản Chảo nhiều người làm nghề mót thiếc. Xong công việc đồng áng là lên núi… Nói với anh: Nghề mót thiếc nguy hiểm thế sao không tìm việc khác mà làm? Lại thở dài anh Dư nói: Anh hỏi thế thì tôi biết trả lời ra sao. Không làm thì biết làm gì…
Anh cán bộ địa chính Lang Văn Hùng đã nói như phân bua rằng, huyện và xã tuyên truyền vận động dân nhiều lắm. Mà tai nạn chết người có phải lần đầu đâu. Nhưng dân vẫn lên núi. Không làm sao giữ được… Nghe anh nói, tôi lại nghĩ đến nội dung người bạn đã nhắn tin báo về sự cố này. Chị cho biết vào cuối năm 2018 cũng tại khu vực này đã xẩy ra sự cố dẫn đến chết người. Và trao đổi: “Đời lao động mót thiếc nguy hiểm lắm. Họ chết thiệt thân đã đành, nhưng còn lũ con cái nheo nhóc không còn nơi nương tựa…”.
Những năm gần đây, trên núi Lan Toong liên tục xẩy ra những sự cố môi trường và tai nạn lao động. Bản thân tôi, trong vài lần ngược núi trước, đã biết về việc người dân bản địa chui lủi trong các hầm lò mót thiếc, dự cảm được những rủi ro sẽ đến với họ. Nhưng như lời anh Sầm Văn Dư, với người dân, còn gì quan trọng hơn việc kiếm tìm miếng cơm, manh áo. Mà nếu vậy, khi lối mở vào hầm lò vẫn còn, đầu nậu vẫn thu mua quặng thiếc thì họ vẫn sẽ còn tiếp tục liều lĩnh bất chấp tính mạng bản thân. Trong khi đó, núi cao hiểm trở, đường lên cực kỳ gian nan vất vả, nếu không có giải pháp xử lý triệt để thì chính quyền và các lực lượng chức năng sẽ rất khó khăn trong quản lý, ngăn ngừa. Và như thế, phải chăng sự cố trên núi Lan Toong sẽ vẫn có thể còn tái diễn…???!!!.