Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, nhân dân Nghệ An thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản: lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; thành tựu và kinh nghiệm từ những nhiệm kỳ trước tạo nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2015 – 2020; cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp.
Bên cạnh thuận lợi, quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh gặp nhiều khó khăn do tác động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực; thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nhất là sự cố ô nhiễm biển miền Trung và đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề đối với quá trình phát triển… gây ảnh hưởng đến hoạt động lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực đổi mới sáng tạo đạt được những kết quả quan trọng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện Nghị quyết 26 trong 5 năm qua, trong đó biểu dương về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế biển, khu vực miền Tây, xây dựng nông thôn mới… “Qua thực tiễn Nghệ An đã thấy được hướng đi, thấy được chúng ta cần làm gì”, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Với sự nỗ lực vượt bậc, trong 5 năm qua, kinh tế Nghệ An phát triển khá nhanh, toàn diện, theo hướng bền vững, tạo nền tảng thuận lợi cho giai đoạn tới. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) khá cao, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7,20% (cao hơn giai đoạn 2011 – 2015). GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,01 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp (từ 26,36% xuống còn khoảng 25,14%), tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (từ 73,64% lên khoảng 74,86%).
Thu hút đầu tư nhiệm kỳ qua đạt được kết quả khá tích cực với 532 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 67.308 tỷ đồng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 48,59%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững; ưu tiên nguồn lực cho huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 3%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.
Thu ngân sách hàng năm tỉnh Nghệ An đều đạt và vượt dự toán được giao, năm 2015: 8.717 tỷ đồng; năm 2016: 11.791 tỷ đồng; năm 2017: 12.959 tỷ đồng; năm 2018: 14.066 tỷ đồng; năm 2019: 16.609 tỷ đồng; dự kiến năm 2020 đạt khoảng 17.500 tỷ đồng, tuy nhiên do tác động đại dịch Covid-19 khả năng chỉ đạt khoảng 14.620 tỷ đồng; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách ngày càng nâng lên.
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Thủ tướng cho rằng đối với một tỉnh có dân số đông trên 3 triệu, đặc biệt là vùng miền Tây rộng lớn với hơn 1 triệu dân thì đây là nỗ lực của tỉnh, những con số tăng trưởng như vậy là tốt.
5 năm qua, lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh Nghệ An đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 4,65%/năm. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tiếp tục được chú trọng. Nghệ An đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại được chú trọng phát triển. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có chuyển biến tích cực.
Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng của cả nước. Số xã, huyện đạt tiêu chí nông thôn mới vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và cao hơn mức bình quân cả nước.
Đến tháng 9/2020, toàn tỉnh đã có 246/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới được UBND tỉnh công nhận, chiếm 59,85%, trong đó có 6 xã thuộc huyện nghèo 30a; 2 xã biên giới; có 30 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; 87 xã có đông đồng bào giáo dân; 40 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 9,5%; 71 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 16,5%; 60 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 13,9%; không còn xã dưới 5 tiêu chí (ước thực hiện đến hết năm 2020 đạt 68,37% số xã, trong khi bình quân cả nước là 54%). Toàn tỉnh đã có 4 đơn vị cấp huyện: Thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh, các huyện: Nam Đàn, Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới; có 674 thôn (bản) được UBND các huyện công nhận (trong đó có 570 thôn, bản thuộc các xã miền núi khó khăn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 104 thôn bản ở các xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới). Nghị quyết Đại hội là 50% số xã và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản khu vực khó khăn, biên giới được quan tâm chỉ đạo. Diện mạo nhiều vùng nông thôn khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên, môi trường ngày càng được chú trọng bảo vệ.
Đồng chí Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam cho biết: “Trong 5 năm vừa qua, nông nghiệp Nghệ An có tốc độ khá tốt, vượt xa tốc độ bình quân chung của cả nước. Điều quan trọng hơn là cách đi của chúng ta đã hướng tới nền nông nghiệp hiệu quả, công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Đặc biệt trong quá trình phát triển nông nghiệp, Nghệ An đã thu hút, khuyến khích được doanh nghiệp mạnh đầu tư vào, chính họ mới có thể đóng vai trò dẫn đường cho trang trại, hợp tác xã. Mối liên kết giữa doanh nghiệp, hộ dân với trang trại, hợp tác xã ở Nghệ là khá rõ. Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghệ An ra đặt nền móng những cây, con chủ lực cho giai đoạn tiếp theo. Chính vì Nghệ An giải quyết tốt khâu nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao nên đã nâng cao thu nhập của người dân, chủ trang trại rất rõ. Đây là mục tiêu chính của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. Cộng với đó, chúng ta đã chỉnh trang, đầu tư được cơ sở hạ tầng, gắn với xây dựng nông thôn mới với giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”.
Bên cạnh đó, hạ tầng các khu kinh tế, công nghiệp được đầu tư khá đồng bộ, bước đầu đạt được một số kết quả rõ rệt; đã thu hút được các nhà đầu tư lớn vào đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, tạo tiền đề để thu hút các dự án thứ cấp. Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và lấp đầy diện tích Khu công nghiệp Bắc Vinh; từng bước hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cấm, VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1, Đông Hồi với tổng diện tích 1.593 ha. Quy hoạch phát triển 52 cụm công nghiệp, trong đó có 32 cụm công nghiệp đã thực hiện các bước đầu tư và thu hút được các dự án vào đầu tư.
Hệ thống hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, nhất là các tuyến giao thông chiến lược, tạo sự kết nối thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. Hoàn thành đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường giao thông nông thôn,… Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được đưa vào sử dụng như: Đường N5 – Khu kinh tế Đông Nam – Đô Lương, cầu Yên Xuân, đường Tây Nghệ An giai đoạn 2, đường nối Quốc lộ 1 – Hoàng Mai – Thái Hòa, các cầu vượt đường sắt. Sân bay Vinh được đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục quan trọng. Hoàn thành nâng cấp luồng cho tàu 10.000 DWT đầy tải vào Cảng Cửa Lò; đưa vào khai thác Cảng xăng dầu DKC, cảng chuyên dùng Vissai…
Có thể nói, trong nhiệm kỳ qua, Nghệ An chưa có sự đột phá lớn, nhưng liên tục phát triển ổn định, hệ thống hạ tầng từng bước được xây dựng đồng bộ; giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm trong tỉnh và kết nối ra ngoại tỉnh thuận lợi; hạ tầng một số khu công nghiệp lớn đã được đầu tư bài bản; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; nguồn nhân lực dồi dào, tạo ra khả năng thu hút đầu tư tốt hơn trong những năm tới. Tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Các công trình, dự án trọng điểm đã và đang trong quá trình hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả, tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
(Còn nữa)