Năm 2004, Bộ phim tài liệu màu có tựa đề: “Việt Nam” của đạo diễn tài danh Liên Xô (cũ) Roman Karmen (ở Việt Nam trước đó phim tài liệu này đã được chiếu với bản đen trắng tiêu đề: “Việt Nam trên đường thắng lợi”) lần đầu được công chiếu làm nức lòng khán giả cả nước. Những thước phim màu quý giá đã đưa người xem cảm nhận sâu sắc bản hùng ca bất diệt của quân và dân ta để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử được đề cập đến trong bộ phim này, trong đó có Anh hùng Nguyễn Quốc Trị – một người con quê xứ Lường ở làng Phượng Kỷ nay thuộc xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong phim, ngày 10/10/1954, đồng chí Nguyễn Quốc Trị, lúc bấy giờ là Trung đoàn trưởng dẫn đầu Trung đoàn Thủ đô, thuộc Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308) – Sư đoàn bộ binh chủ lực được thành lập đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô từ cửa ô phía Tây giữa cờ hoa rợp trời và hàng dài người dân đứng hai bên đường hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.
Để đánh đấu ngày giải phóng Thủ đô, chiều 10/10/1954, một lễ chào cờ Tổ quốc được trang trọng tổ chức tại Sân vận động Cột cờ, nay là Hoàng thành Thăng Long. Trung đoàn Thủ đô là một trong các đơn vị bộ binh vinh dự đứng hàng đầu trong buổi lễ lịch sử. Sử sách còn ghi lại: Đúng 15h ngày 10/10/1954, từ Nhà hát Lớn Hà Nội vang lên một hồi còi dài. Đoàn quân nhạc cử bài: “Tiến quân ca”, Trung đoàn Thủ đô xếp thành hàng ngũ. Đồng chí Nguyễn Quốc Trị được vinh dự đại diện cho toàn quân kéo cờ Tổ quốc lên đỉnh Kỳ đài Hà Nội – một trong những biểu tượng của thành phố được xây dựng từ thời nhà Nguyễn. Từ mọi ngả, người dân Thủ đô tự hào hướng về lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay phấp phới trên nền trời thu, đánh dấu thời khắc lịch sử: Hà Nội – trái tim của Tổ quốc hoàn toàn giải phóng khỏi ách thực dân xâm lược.
Đồng chí Nguyễn Quốc Trị – chàng thanh niên quê Đô Lương đã tham gia hoạt động của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, sau đó tích cực tuyên truyền chống bắt phu trên tuyến đường Cửa Rào – Mường Xén ở miền Tây Nghệ An. Lúc đó, ông bị địch bắt và chịu án tù khổ sai, song đã cùng bạn tù phá ngục trở về địa phương và xung phong vào đội tự vệ tiền phong chống Nhật. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Quốc Trị nhập ngũ, tham gia nhiều trận đánh ở Vinh, Huế, Đông Hà từ tháng 12/1946 đến tháng 1/1947.
Khi Đại đoàn Quân Tiên phong được thành lập, Nguyễn Quốc Trị được điều về chiến đấu trong đội hình đại đoàn. Trưởng thành từ chiến sỹ lên cán bộ đại đội, ông đã tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu nhiều trận, trong nhiều chiến dịch lớn. Trận nào cũng thể hiện lòng dũng cảm, mưu trí, táo bạo, chỉ huy linh hoạt, kiên quyết, cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong chiến dịch Thu Đông 1950, đại đội của Nguyễn Quốc Trị nhận nhiệm vụ vượt núi ngăn chặn không cho hai cánh quân của Binh đoàn Lơ Pagiơ và Sactông hợp quân với nhau. Ông đã chỉ huy một trung đội, đi tắt đường, dùng dây thừng trèo qua vách đá, nhịn đói suốt 2 ngày đêm đuổi kịp và đánh thiệt hại 2 đại đội thuộc Bộ tham mưu Lơ Pagiơ, diệt và bắt 122 tên địch.
Tháng 5/1951, trong chiến dịch Hà – Nam – Ninh, đại đội do Nguyễn Quốc Trị chỉ huy đã tiêu diệt và bắt 160 tên địch, mở đường cho các cánh quân tiến lên đánh bại căn cứ Non Nước của địch tại Ninh Bình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về người chiến sỹ liên tục lập chiến công trên chiến trường, quả cảm, sáng tạo trong những trận đánh bằng 7 chữ: “Vững như thành đồng – Nhanh như sóc”.
Nguyễn Quốc Trị là một trong những Anh hùng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong một dịp đến thăm Bảo tàng Quân khu 4, tôi được Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành – cán bộ Bảo tàng giới thiệu gian trưng bày những kỷ vật của anh hùng Nguyễn Quốc Trị được đặt trang trọng tại trung tâm không gian trưng bày. Đó là chiếc mũ Kêpi, chiếc áo trấn thủ đã sờn vai, đặc biệt là Bằng công nhận danh hiệu “Anh hùng toàn quốc” do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng cho đồng chí Nguyễn Quốc Trị, lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội Tô Văn, Sư đoàn 308, sau khi tham dự Đại hội toàn quốc các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất vào tháng 5/1952 tại chiến khu Việt Bắc. Đợt phong tặng lần đầu tiên này chỉ có 7 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng gồm: 4 Anh hùng quân đội là Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, La Văn Cầu, Cù Chính Lan và 3 Anh hùng lao động là Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh.
Nội dung trên tấm Bằng trao tặng danh hiệu Anh hùng toàn quốc còn ghi rõ: Đồng chí Nguyễn Quốc Trị đã có thành tích: Anh hùng quân đội, tham gia cách mạng từ 16 tuổi, đánh 95 trận, tự mình diệt hơn 200 tên giặc; bị thương 5 lần không rời bộ đội; chỉ huy linh hoạt, nhiều sáng kiến, nhanh nhẹn, gan góc khi đánh giặc, kiên quyết thi hành lệnh trên, thương yêu đồng đội như ruột thịt, thật thà phê bình, tự phê bình, cần kiệm quý trọng của công.
Cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, dân tộc ta lại bước vào cuộc chiến đấu mới chống Mỹ cứu nước. Lúc này, vùng đất Quân khu 4 trở thành tuyến lửa nóng bỏng trong cuộc đối đầu với kẻ thù. Tháng 3/1962, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo sỹ quan cao cấp ở nước ngoài, Nguyễn Quốc Trị đã xung phong về công tác và chiến đấu tại quê hương. Ngày 16/8/1967, Thượng tá Nguyễn Quốc Trị lúc đó đang là Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 4 đã ngã xuống tại một trận địa pháo cao xạ thuộc làng Phượng Kỷ, chính nơi chôn nhau cắt rốn.
Anh hùng Nguyễn Quốc Trị đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song những đóng góp của ông đối với lịch sử nước nhà vẫn sống mãi. Hình ảnh người Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô có nụ cười tươi rói, dẫn đầu hàng quân đón những bó hoa tươi thắm trong ngày tiếp quản Thủ đô trong cuốn phim màu của đạo diễn Roman Karmen mãi là khoảnh khắc vô giá về một người con xứ Nghệ, một Anh hùng quân đội Nhân dân của đất nước, quê hương./.