Ngô Xuân Huyền sinh năm Nhâm Ngọ (1942), quê ở Thanh Nam, Thanh Chương, Nghệ An. Năm 1959, ông ra Hà Nội học khóa đầu tiên của Trường nghệ thuật sân khấu Việt Nam, niên khóa 1959 – 1963. Tốt nghiệp, ông trở thành diễn viên của Đoàn Tuồng liên khu V. Năm 1971, sau mấy năm làm diễn viên, ông được sang Liên Xô học nghề đạo diễn cho đến năm 1977 thì về nước. Ông bắt đầu ghi danh mình trong nền sân khấu nước nhà bằng vở diễn Gió và Bụi, Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980. Kể từ đó, ông đã dàn dựng khoảng 300 vở diễn cho các đoàn nghệ thuật suốt Bắc vào Nam với đủ loại hình sân khấu từ kịch nói đến cải lương, tuồng, chèo, dân ca. Năm 1993, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2006.
Hơn 30 năm hành nghề đạo diễn với khoảng 300 vở diễn, Xuân Huyền đã tự xây cho mình một tượng đài trong nền sân khấu nước nhà với những “hình khối” chắc nịch độc đáo không lẫn vào đâu được. Bản tính xứ Nghệ trung trực, thẳng thắn, quyết liệt trong ông đã định hướng cho ông lựa chọn chính kịch làm nơi bày tỏ chính kiến và thổ lộ tâm sự nhân bản. Hầu hết tác phẩm của ông đều là chính kịch. Các kịch bản qua bàn tay của ông đều toát ra tính triết lý sâu sắc buộc người xem phải suy ngẫm. Mỗi một tác phẩm của ông là một thông điệp. Ông gửi gắm vào đó cách nhìn nhận và thái độ của mình với cuộc sống, với xã hội. Với ông, sân khấu chính là cuộc đời, là cuộc sống xã hội. Mỗi hành động kịch là một cách thể hiện thái độ, hành vi sống của/trong và với cuộc đời, với xã hội. Đi đến một mùa xuân, Othello, Tôi tìm tôi, Bến bờ xa lắc, Lời thề thứ 9, Ám ảnh xanh, Nhà có ba chị em gái, Vòng đời, Cát bụi... đều là những tác phẩm, những cách nhìn Con người và Xã hội sâu sắc và mạnh mẽ, thậm chí có lúc “bạo liệt” của ông. Ông đã phả tinh thần và ý chí, tài hoa và trí tuệ của mình vào các kịch bản để có những vở diễn đi vào lòng công chúng, có sức công phá những bóng tối của đời sống xã hội. Ông gắn liền với chính kịch, định danh ở chính kịch nhưng không phải không có lúc ông dựng cả hài kịch như các vở Thầy khóa làng tôi, người yêu tôi là hoa hậu, Vợ giỏi dạy chồng ngu, Phương thuốc thần kì… Nhưng, dẫu là hài kịch thì vẫn rất Xuân Huyền – chính kịch. Tiếng cười, sự giễu nhại trong hài kịch của ông không chỉ có chua cay, cợt nhả, mua vui đơn thuần mà nó chứa đựng một cách nhìn sâu sắc có tính triết lý, có thông điệp rõ ràng về thế sự, cuộc đời.
Kịch của Xuân Huyền không chỉ có thông điệp về tư tưởng mà còn là tác phẩm nghệ thuật được kết hợp hài hòa giữa diễn xuất của diễn viên, mỹ thuật, âm nhạc, ánh sáng…, đặc biệt giữa nghệ thuật sân khấu hiện đại với sân khấu dân gian cổ truyền Việt Nam. Tất cả hòa làm một, các yếu tố “nâng đỡ” nhau lên để trở thành một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh mang phong cách Xuân Huyền.
Xuân Huyền là đạo diễn nghiêm khắc với nghề, với mình và với các diễn viên cộng sự. Ông không chấp nhận cách nghĩ, cách làm hời hợt, chung chung. Con người ông có cá tính và tác phẩm của ông cũng có cá tính, có sự độc đáo. Ông luôn muốn các diễn viên phát huy được sở trường và tài năng của mình. Ông tôn trọng và khích lệ cá tính sáng tạo của các diễn viên. Trong rất nhiều trường hợp chính ông là người đã phát hiện ra tài năng và sở trường, sở đoản của diễn viên để giúp họ phát huy được năng lực một cách hiệu quả nhất. Với các học trò trong trường sân khấu mà ông dạy cũng thế. Ông dạy cho họ niềm đam mê sáng tạo; ông khuyến khích cá tính sáng tạo của họ. Ông khắt khe, thậm chí nhiều lúc cực đoan nhưng trong lòng ông là một trời nhân ái. Ông khắt khe vì ông trung thực, muốn ngay thẳng, rõ ràng, kiểu rất Nghệ, nhưng trong lòng ông là một trời nhân ái. Ông mong các đồng nghiệp, các học trò của mình ai cũng thành công. Các đồng nghiệp và học trò đã nói về ông như thế.
Chắc chắn 100% Xuân Huyền là đạo diễn dàn dựng nhiều vở diễn nhất cho sân khấu xứ Nghệ. Tạm tính, ông dàn dựng Otthenllo, Romeo và Juliet, Chuyện tình nàng Sita, Chiếc va li số 6, Cây phượng dòng sông… cho đoàn kịch nói Nghệ Tĩnh, Tiếng hát tình yêu, Cô gái Phù tang, Hải Thượng Lãn Ông, Xôn xao rừng quế… cho đoàn cải lương Nghệ Tĩnh/An, “Vòng phấn Kavkaz”, Chuyện tình trong rừng cấm… cho đoàn chèo Nghệ Tĩnh, Viên ngọc dạ minh châu, Lời nói dối cao thượng, Phương Hoa, Quyền uy và tội ác, Hận thù từ đâu tới, Giá đời phải trả, Dòng lệ Tố Như, Phan Bội Châu, Chuyện tình ông vua trẻ, Một cây làm chẳng lên non… cho đoàn/Nhà hát Dân ca Nghệ Tĩnh/An, Thầy khóa làng tôi cho đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh và rất nhiều vở khác nữa mà quả thực là người viết bài chưa thể thống kê hết. Nhiều vở trong số đó đã đạt huy chương vàng ở các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như Viên ngọc dạ minh châu, Lời nói dối cao thượng, Quyền uy và tội ác, Xôn xao rừng quế, Phan Bội Châu… Ngoài ra còn có nhiều vở khác đạt Huy chương Bạc, Huy chương Đồng, có vở được diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc như Quyền uy và tội ác.
Đạo diễn Xuân Huyền có thể nói là người nhà, đạo diễn nhà của sân khấu xứ Nghệ, là người đồng nghiệp, người thầy của các thế hệ diễn viên sân khấu Nghệ An và Hà Tĩnh nhiều chục năm qua.
Nhạc sĩ Phan Thành ở Nhà hát dân ca Nghệ An nhớ lại: Anh Xuân Huyền là đạo diễn tài năng và tâm huyết nhất mà tôi được biết và may mắn được cộng tác với anh trong nhiều vở diễn. Anh chỉ nhận lời dàn dựng những kịch bản nào anh ưng ý, tâm đắc; những vở diễn nào mà anh đồng cảm về tư tưởng, nói lên được thái độ và tình cảm của nhân dân. Tiền cát-xê ít hay nhiều không phải là tiêu chí lựa chọn của anh. Anh làm việc vô cùng nghiêm túc, nghiêm khắc. Anh tôn trọng và quý trọng diễn viên, giúp đỡ, bày vẽ cho họ nhưng không chấp nhận kiểu làm việc hờ hững, chậm chạp, thiếu đam mê.
Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu cho biết đạo diễn Xuân Huyền là người đưa đến sự nghiệp cho chị. “Khi tôi mới từ Hà Tĩnh trở lại đoàn dân ca Nghệ An, chú Xuân Huyền đã giao cho tôi vai bà mẹ Mai Lê mặc dù lúc dó tôi còn trẻ, mới 26 tuổi; trong lúc đó lại giao vai người con cho một chị khác lớn hơn tôi nhiều tuổi. Không ít người bất ngờ và thắc mắc. Chú Xuân Huyền nói đó là sự lựa chọn không thay đổi vì ông biết ai phù hợp với nhân vật của ông, ông cần gì và nhân vật cần gì. Đó là một sự tinh tường và tinh tế của bậc đạo diễn có tài. Và còn là sự tin tưởng vào diễn viên, vào lớp trẻ. Chú Xuân Huyền không chỉ hướng dẫn mà còn thị phạm cho chúng tôi diễn. Những thị phạm của chú vô cùng chính xác, tinh tế, đắt giá, có ích hơn rất nhiều các bài học lý thuyết trong trường lớp. Đạo diễn Xuân Huyền rất tài năng và rất cá tính. Điều đặc biệt là ông luôn đưa cá tính của ông, tính cách người Nghệ vào trong các tác phẩm của mình, dù là loại hình sân khấu nào, vở diễn nào”.
Nói về tính cách Xuân Huyền, Nhạc sĩ Quốc Nam, nguyên nhạc công Đoàn cải lương Nghệ Tĩnh, Trưởng đoàn ca múa Hà Tĩnh kể: Có lần ông Xuân Huyền đã nói với một vị lãnh đạo ngành là anh rất chăm lo cho 5 đoàn văn công nhưng chúng nó đang làm hại anh. Hỏi lại: Vì sao? Xuân Huyền nói: Vì chúng nó đi diễn miền núi về biếu anh nhiều gạo, nhiều củi quá sẽ làm anh chết ngập trong đó thôi. Tính cách Xuân Huyền là thế. Thẳng thắn đến mức có thể làm tổn thương người khác, nhưng rất chân thành.
Nhạc sĩ Quốc Nam nhớ lại có lần ông đã nghe đạo diễn Xuân Huyền trả lời một người rằng: Tôi đeo kính đen nhưng nhìn rõ mọi thứ. Mái tóc dài của tôi không quan trọng, quan trọng là dưới mái tóc có cái gì?!
Vâng! Chúng tôi biết đó là tài năng, là phẩm chất của một nghệ sĩ lớn. Và cái cách mà ông trả lời là rất Nghệ, Nghệ sĩ và của Xứ Nghệ./.