Tính từ 13/6 – thời điểm thành phố Vinh ghi nhận ca bệnh đầu tiên đến sáng 28/6, tỉnh Nghệ An đã phát hiện 77 ca dương tính với Covid-19. Và cũng kể từ ngày 25/6 đến nay tất cả các ca bệnh đều đã được cách ly từ trước đó.
Từ ngày 25/6 trở về trước, ở các chợ trên địa bàn thành phố Vinh, dù người bán, người mua đều có đeo khẩu trang, nhưng vẫn có không ít người chưa tuân thủ đúng quy định 5K của Bộ Y tế và Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đó là không giữ khoảng cách, vẫn cảnh người mua kẻ bán đông đúc, thậm chí chen lấn, chào mời thêm bớt, ồn ào suồng sã như những ngày chưa có dịch bệnh.
Vậy nhưng kể từ ngày 25/6/2021, sau khi UBND tỉnh ban hành Công văn số 4272/UBND-KT (về việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh các chợ trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19), các chợ trên địa bàn thành phố Vinh đã có sự thay đổi rõ nét trong công tác phòng, chống dịch Covid -19. Giữa các quầy hàng đã có giãn cánh và hầu như đều đã có dây chăng giữ khoảng cách giữa người bán với người mua. Lối vào chợ, chỉ còn 1 -2 cổng. Ở đó, đã có chốt gác, có người đo thân nhiệt, kê khai nhanh thông tin dịch tễ cá nhân, số điện thoại, địa chỉ. Đồng thời, số lượng người vào chợ mua hàng cũng bị hạn chế đến mức tối đa, để đảm bảo không còn cảnh xô bồ, kề vai thích cánh mua bán trong chợ.
Thông tin từ một số huyện, thị cũng cho thấy công tác phòng dịch ở khu vực các chợ dân sinh cùng được nâng lên cấp độ cao hơn. Có những chợ, đã tạm thời dựng hoạt động trong một thời gian ngắn để phun khử khuẩn, và bố trí lại các các gian hàng kinh doanh đảm bảo giãn cách theo quy định. Điển hình như ở huyện Thanh Chương, từ ngày 26 – 27/6, đã quyết định tạm dừng hoạt động đến 6 chợ; đồng thời, đã truy vết cơ bản được các tiểu thương có những hoạt động liên quan đến chợ đầu mối từ ngày 01/6 – 23/6 để tiến hành lẫy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Tính từ ngày 8/6, thời điểm tỉnh bạn Hà Tĩnh bùng phát mạnh dịch bệnh Covid-19, thì hình ảnh những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch của tỉnh đã lấp lánh trên các trang báo, truyền hình và mạng xã hội. Đó là hình ảnh 52 chiến sỹ tình nguyện áo trắng sang giúp tỉnh bạn truy vết thần tốc để xác minh dịch tễ, khoanh vùng, dập dịch; là hình ảnh đội quân hỗn hợp thức trắng nhiều đêm test nhanh Covid-19 cho hàng trăm nghìn hộ gia đình trên địa bàn thành phố và những khu vực dân cư có người nhiễm bệnh; là hình ảnh các lực lượng, dù tiết trời hết sức nóng bức nhưng đã nhiều ngày đêm túc trực tại các chốt gác trên những cung đường vào thành phố, những khu vực dân cư phải phong tỏa…
Họ – những chiến sỹ tuyến đầu, thật xứng đáng hơn mọi lời ngợi ca. Các anh, các chị đã dồn tất cả tâm huyết, sức lực, hy sinh mọi nhu cầu cá nhân để tận hiến cho quê hương. Như trường hợp bác sĩ Nguyễn Văn Long – Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vinh. Anh đã hoàn toàn kiệt sức sau 11 ngày đêm ròng rã thức trắng để triển khai công tác tổ chức, thực hiện khoanh vùng, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra truy vết.
Hay như điều dưỡng viên Nguyễn Diệu Hằng (Bệnh viện HNĐK tỉnh), ngay sau khi từ tỉnh bạn Hà Tĩnh trở về đã cùng 51 đồng nghiệp thẳng tiến ra các điểm dịch trên địa bàn Diễn Châu, để trong đêm 16/6 đến rạng sáng ngày 17/6, hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả những người có dịch tễ liên quan. Cường độ công việc quá lớn, thời tiết nóng bức, lại phải mang đồ phòng hộ trong thời gian quá dài, nên khi hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là lúc cô gái ấy kiệt sức, hạ đường huyết và xỉu đi trong vòng tay đồng nghiệp…
Một đồng nghiệp của tôi đã viết một bài viết liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên facebook cá nhân. Trong đó có đoạn: “…Dưới sự chỉ huy của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhất là cơ quan tham mưu về y tế, hơn 3,3 triệu người dân sông Lam nhất nhất một dạ.
Các bác phong tỏa: Chúng tôi nghe! Nửa đêm các bác gọi đi ngoáy mũi: Chúng tôi chấp hành! Các bác lập hàng rào chống dịch: Chúng tôi xin làm mũi giáp công. Các bác yêu cầu cách ly xã hội: Chúng tôi đồng tâm nhất trí… Không hề có một lời nói trái chiều, không một hành vi phản đối, không một thái độ than vãn dù là nhỏ nhất đối với lực lượng chuyên trách.
Người dân đều nhận thức rất rõ nguy cơ của đại dịch, hiểu rất rõ những vất vả mà lãnh đạo tỉnh và ngành Y tế đang trải qua. Nhân dân Nghệ An đã dành tất cả sự tôn nghiêm, lòng tin tưởng để đồng hành với chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh…”.
Thực tế đã chứng minh, toàn hệ thống chính trị của tỉnh, từ những lãnh đạo cao nhất cho xuống đến các bác bảo vệ dân phố, các bà, các chị hội phụ nữ xóm, các cháu thiếu nhi, các bạn thanh niên đoàn viên phường, xã… đã không “đứng yên” trước dịch. Tất cả đều bằng cách này, cách khác đã lăn xả mọi lúc mọi nơi, khi có tình huống cấp bách xảy ra.
Đơn cử tính từ ngày thành phố Vinh có ca bệnh đầu tiên đến nay, đã có trên 40 văn bản, chỉ thị của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh được phát hành ra sau những cuộc họp khẩn với những nội dung sát sao, chi tiết để các cấp, các ngành và toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện. Có những cuộc họp diễn ra lúc 1h sáng và kết thúc khi đã chuyển sang ngày mới. Mỗi quyết định đưa ra là trí tuệ, là tâm huyết, là mệnh lệnh từ trái tim đến trái tim…
Trong buổi lễ ra mắt Quỹ Vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Qua đó khẳng định, trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đoàn kết đồng lòng của toàn thể Nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn.
Nhìn lại công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, như nhận định của PGS-TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh: “Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Nghệ An cơ bản đã được kiểm soát”.
Với tất cả niềm tin tưởng và tự hào, kiêu hãnh, hãy nhận ở chúng tôi lời cảm ơn. Chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 – niềm tin ấy không ngừng được bồi đắp, không ngừng được nhân lên trong cuộc chiến mà hơn 3,3 triệu người dân Nghệ An đang góp phần tạo ra một thành lũy vững chãi để cùng cấp ủy, chính quyền chống dịch.
Khẳng định chống dịch như chống giặc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn” – đây chính là niềm tin mọi người, mọi nhà chờ đợi và hướng tới.