Với đặc thù nằm trong thung lũng bốn bề bao quanh là núi hoặc nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, cuộc sống bà con tộc người Đan Lai ở huyện Con Cuông gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều năm lại nay, với sự giúp đỡ của các đảng viên thuộc Đồn Biên phòng Môn Sơn, nhiều hộ đồng bào Đan Lai đã có khởi sắc. Tại bản Cửa Rào – bản tái định cư dành cho đồng bào Đan Lai, chúng tôi theo chân nữ Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh – Đồn Biên phòng Môn Sơn ghé thăm gia đình bà La Thị Nguyệt – “hình mẫu” phát triển kinh tế của bà con Đan Lai.
Năm 2019 trở về trước, hộ bà Nguyệt thuộc diện nghèo đói, cuộc sống chỉ biết sống dựa vào mảnh ruộng nhỏ. Trong 2 năm (2019 – 2020), gia đình bà được Đồn Biên phòng Môn Sơn hỗ trợ 1 con bò sinh sản, 1 đàn gà giống 50 con để làm vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cá nhân Trung tá Thanh còn kết nối với Hội LHPN TX. Cửa Lò và Đồn Biên phòng Cảng Cửa Lò – Bến Thủy tặng thêm cho gia đình bà Nguyệt 1 con bò, 2 con dê để gây dựng vốn làm ăn. Nhờ đó đến nay, bà Nguyệt không chỉ mua thêm được con trâu, mà còn sắm được máy xay xát lúa, nâng cao thu nhập. “Khoe” với chúng tôi về cơ ngơi của mình, bà Nguyệt bộc bạch, “mẹ trước đây không dám mơ ước là nhà mình sẽ có nhiều trâu, bò, dê, gà thế này. Tất cả là nhờ bộ đội Thanh. Bộ đội Thanh như con gái của mẹ, cứ đến thăm mẹ suốt. Mẹ cảm ơn con gái nhiều lắm”.
Là 1 trong 24 đảng viên được Đồn Biên phòng Môn Sơn phân công phụ trách hộ, không chỉ giúp các hộ mở hướng phát triển kinh tế, từng bước vươn lên, Trung tá Trần Thanh còn đứng ra kêu gọi, vận động ủng hộ các cháu học sinh nghèo của đồng bào Đan Lai thắp sáng ước mơ con chữ. Điển hình là việc chị phối hợp giúp đỡ 2 cháu nhỏ Đan Lai sinh năm 2005 và 2008, mồ côi bố, sống với bà ngoại được đến trường. Những việc làm vì dân của nữ đảng viên quân hàm xanh được bà con Đan Lai ghi nhận, coi chị như người con của bản, người thân trong gia đình.
Gặp chúng tôi khi đang trên đường từ rẫy về, chị Lô Thị Khay – Chi hội trưởng Hội Nông dân bản Tùng Hương (xã Tam Quang) – mới kết nạp Đảng cuối năm 2020 bày tỏ niềm vui và sự biết ơn đối với “bộ đội Tuyến”. Chị Khay cho biết, trước khi được kết nạp Đảng, chị đã được “bộ đội Tuyến” mời tham dự sinh hoạt chi bộ mở rộng. “Qua các buổi tham dự sinh hoạt chi bộ, tôi đã hiểu ra nhiều điều và quyết tâm phấn đấu vào Đảng” – chị Khay nói. Không chỉ được bồi dưỡng vào Đảng, chị Khay còn được “bộ đội Tuyến” hướng dẫn, chia sẻ cách làm ăn, phát triển kinh tế. Hiện gia đình chị Khay đang sản xuất 8ha keo, nuôi 10 con lợn sinh sản cùng một quán hàng tạp hóa. Ngoài ra, vợ chồng chị còn thu mua keo, tạo việc làm cho các chị em khác mỗi khi mùa vụ đến. “Dù quê ở vùng biển Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) nhưng bộ đội Tuyến rất thành thạo việc đồng áng và không ngại xắn quần xuống đồng làm đất, cấy lúa, thu hoạch mùa giúp dân”– chị Khay chia sẻ.
Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến – người mà chị Khay luôn gọi là “bộ đội Tuyến” một cách trìu mến đã đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang nhiều năm nay, cũng là người đã tham mưu, tạo nguồn kết nạp nhiều đảng viên mới cho xã. Quá trình bám nắm cơ sở, Thiếu tá Tuyến không chỉ tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh gia đình, kịp thời động viên, hướng dẫn hộ nghèo tháo gỡ khó khăn, từng bước tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn lựa chọn “nhân tố” để phối hợp với các chi bộ thôn bản tuyên truyền, vận động bồi dưỡng họ vào đảng.
Không chỉ trực tiếp phát hiện, bồi dưỡng nhân tố, anh còn đề xuất Đảng ủy xã phối hợp mở các lớp học đối tượng Đảng ngay tại địa phương để tạo thuận lợi cho bà con.
Từ năm 2013 đến nay, Đảng ủy xã Tam Quang đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở được 04 lớp học cảm tình Đảng tại xã để tạo nguồn, đồng thời thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện… nhờ đó từ năm 2013 đến cuối năm 2020, Đảng bộ xã Tam Quang đã kết nạp được 114 đảng viên. Điển hình là tại 02 bản biên giới: Tùng Hương, Liên Hương – 2 bản đặc biệt khó khăn mà BTV Đảng ủy xã Tam Quang phân công Phó Bí thư Đảng ủy Hồ Xuân Tuyến trực tiếp phụ trách chỉ đạo. Từ chỗ 2 chi bộ chỉ mới có 21 đảng viên, đến nay đã tăng lên 58 đảng viên, chi bộ nhiều năm liền được đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Năm 2019, Trung tá Ngũ Quang Hùng được Đồn Biên phòng Na Ngoi tăng cường về sinh hoạt tạm thời tại Chi bộ bản Huồi Thum, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) phụ trách giúp đỡ một số hộ khó khăn ở địa bàn. Chứng kiến những khó khăn của một bản chưa có điện thắp sáng, thiếu đói, giáp hạt triền miên, anh trằn trọc suy nghĩ và quyết định vận động người dân trồng lúa nước thay cho phát nương làm rẫy. Gia đình ông Bùi Văn Tuấn và Bùi Văn Nhâm là hai hộ đầu tiên được Trung tá Hùng hướng dẫn trồng lúa nước. Anh trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân cách cày bừa để ải đất, lựa chọn giống lúa và cách ủ giống, gieo mạ, cách phòng trừ sâu bệnh. Vụ mùa đầu tiên nhờ làm đúng kỹ thuật hộ ông Tuấn và ông Nhâm thu hoạch được 1,5 tấn lúa, hơn hẳn so với làm rẫy.
Sau khi thu hoạch lúa, để tăng thu nhập trên diện tích đất trồng lúa, Trung tá Ngũ Quang Hùng đã vận động và hướng dẫn người dân trồng rau xen canh. Việc sản xuất vụ đông câu chuyện không mới ở miền xuôi, nhưng với đồng bào người dân tộc Khơ mú là sự khởi đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Chia sẻ về việc này, Trung tá Hùng cho biết: Ở bản bà con hầu như không biết cách trồng rau, chủ yếu hái rau rừng và măng rừng. Qua nghiên cứu cách làm, thời tiết khí hậu, phong tục và chất đất ở đây cho phép có thể trồng được rau, tôi đã mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn triển khai làm 3 mô hình trồng rau thâm canh gối vụ để làm điểm trước. Bên cạnh đó, để đa dạng mô hình sản xuất cho bà con, Trung tá Ngũ Quang Hùng còn tự bỏ kinh phí và vận động nguồn hỗ trợ, triển khai mô hình chăn nuôi 100 con ngan giống tại gia đình anh Xeo Văn Tiến mở cách làm ăn mới cho người dân trên địa bàn.
Cùng với triển khai các mô hình, Trung tá Ngũ Quang Hùng đã kêu gọi Công ty Thủy điện Na Cang hỗ trợ nguồn điện thắp sáng cho bà con nhân dân trong bản. Đồng thời, qua kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm xây dựng cầu qua bản Huồi Thum trị giá 400 triệu đồng, nhà công vụ cho giáo viên cắm bản trị giá 150 triệu đồng. Giờ thì ở bản Huồi Thum, Trung tá Hùng là nhân vật trung tâm xoay quanh những câu chuyện vui. Hiện nay, được điều chuyển công tác đến Đồn Biên phòng Nậm Càn, Trung tá Ngũ Quang Hùng tiếp tục đảm nhận giúp đỡ 5 hộ theo sự phân công của Đảng ủy Đồn, đi đến nơi đâu, người đảng viên mang quân hàm xanh ấy cũng được dân tin, dân quý.
Đó là lời bộc bạch của anh Lầu Bá Gò ở bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn), từng di cư sang Lào trở về. Do nhận thức hạn chế, cộng với cuộc sống khó khăn nên gia đình anh Lầu Bá Gò đã lén lút di chuyển đồ đạc, bán nhà cửa để sang Lào tìm việc làm với hy vọng đổi đời. Nhưng qua một thời gian vất vưởng sống chui lủi, đi làm thuê nay đây mai đó, anh Lầu Bá Gò quyết định quay về bản Nậm Khiên 1.
Nắm bắt được thông tin, Đồn Biên phòng Nậm Càn đã cử đảng viên phụ trách địa bàn và hộ gia đình đến thăm hỏi, động viên hộ Lầu Bá Gò yên tâm ở lại quê hương, từ bỏ ý định di cư tự do. Ngoài phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm để anh Gò ổn định cuộc sống. Các chiến sỹ Biên phòng, mà trực tiếp là Trung tá Hồ Mạnh Hùng – Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn thường xuyên qua lại hướng dẫn anh Gò tăng gia sản xuất và hỗ trợ con cái anh tiếp tục đến trường. Dần dà, anh Lầu Bá Gò đã từ bỏ hẳn ý định di cư tự do. “Được sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể, nhất là Bộ đội Biên phòng, tôi đã thấy được sai lầm khi tự ý sang Lào tìm việc. Nghe lời bộ đội, tôi không di cư nữa” – anh Lầu Bá Gò khẳng định.
Trung tá Hồ Mạnh Hùng cho biết: Quản lý xã biên giới gồm 6 bản, 425 hộ/2.292 khẩu dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,3%, Đồn đã thực hiện phân công 21 đảng viên phụ trách 91 hộ gia đình/551 khẩu trên địa bàn.
Trước khi triển khai phân công đảng viên phụ trách hộ, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Nậm Càn tiến hành rà soát, phân loại thành các nhóm. “Đối với các hộ hồi cư hoặc có ý định di cư, bản thân tôi cũng như các đồng chí đảng viên được phân công phụ trách hộ luôn bám nắm tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục để các hộ chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tham mưu địa phương sắp xếp, bố trí ổn định đất ở, đất sản xuất cho 03 hộ/13 khẩu hồi cư trở về, 01 hộ/07 khẩu bị bắt, đẩy đuổi trao trả do vi phạm pháp luật của Lào. Hiện nay, cả 04 hộ/20 khẩu trên đã tự nguyện viết đơn cam kết không tái di cư”. Nhờ cách làm đó, mà các đảng viên Biên phòng phụ trách hộ như Trung tá Hồ Mạnh Hùng đã phối hợp vận động được 18 hộ/99 khẩu không di cư tự do, vận động được 4 hộ/20 khẩu từ bỏ ý định tái di cư sang Lào, 23 hộ/95 khẩu không tái di cư, cam kết ở lại làm ăn, ổn định cuộc sống.
Có thể nói, những việc làm thiết thực “không để ai bị bỏ lại phía sau” của đảng viên quân hàm xanh phụ trách hộ đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân trên địa bàn. Qua đó, tình cảm quân – dân ngày càng được vun đắp, tạo thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới.