Đặng Quang Liễn (sinh năm 1936) ở một miền quê nổi tiếng là đất học. Phải chăng ngay từ khi đặt tên làng, cổ nhân đã thể hiện ý thức và niềm tự hào về một miền quê đỗ đạt, và trên hết là tinh thần Nho gia nên cái tên Nho Lâm đã được lựa chọn. Làng Nho Lâm thời khoa cử Hán học có tổng cộng 31 người đỗ từ tú tài trở lên, riêng dòng họ Đặng có 21 người, trong đó có Tế tửu Quốc Tử Giám Đặng Văn Thụy, đỗ Hoàng Giáp, là ông bác của Đặng Quang Liễn. Ông ngoại của Đặng Quang Liễn cũng là một cử nhân Hán học.
Năm 1945, Đặng Quang Liễn mới bắt đầu đến trường. Sau một khóa học cấp tốc về sư phạm, năm 1958, ông trở thành thầy giáo “gõ đầu trẻ”. Khi bước vào nghề đi dạy cũng là khi ông bắt đầu làm văn nghệ (viết thơ, viết phú, viết câu đối…). Với bản tính cần mẫn, tràn đầy tâm huyết, “ông đồ” Đặng Quang Liễn (đến nay đã trải qua hơn 60 năm nghề giáo và công tác văn nghệ), để lại cho quê hương nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm có giá trị. Năm nay đã 85 tuổi, ông Đặng Quang Liễn đã trải qua cơn tai biến mấy năm trước nên sức khỏe yếu, trí nhớ suy giảm đi nhiều nhưng nỗi đau đáu về văn hóa quê hương xứ Nghệ thì vẫn chảy dạt dào trong tâm trí “ông đồ Nho Lâm”.
Gặp Đặng Quang Liễn trong những lần sinh hoạt ở Hội VHNT Diễn Châu, tôi ấn tượng bởi vẻ điềm đạm, thâm trầm nhưng lịch lãm của ông. Dáng vẻ gầy gò, gương mặt đôn hậu, ông luôn phát biểu nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Căn nhà nhỏ vốn đã chật chội lại càng thêm chật bởi bao nhiêu sách báo, bản thảo, tư liệu ngổn ngang phủ đầy bụi bặm. Tôi lật từng trang bản thảo của ông, những dòng chữ khoẻ khoắn, đều đặn trên nền giấy cũ đã úa màu thời gian. Đó là ghi chép về những câu chuyện, những bài thơ mà ông viết từ rất lâu. Ông sáng tác nhiều nhưng chưa chưa in thành sách. Nổi bật là mảng thơ đả kích. Phần nhiều là đả kích chiến tranh, thói hư tật xấu… Có lẽ tính cách cương trực, thẳng thắn của một ông đồ Nghệ khiến ông không chấp nhận được những trái ngang, những mưu đồ chiến tranh nên viết như là một sự giải tỏa. Tôi hỏi: “Sao thầy không tập hợp để in thành sách?”. Ông bảo: “Có thời gian đâu, bây giờ thì già yếu rồi, không còn tự làm được nữa”.
Lẫn trong đống sách vở cũ còn có những cuốn sổ tay viết bằng chữ Nho… Trên các tờ lịch, tờ báo cũ, ông viết chồng lên mỗi trang một chữ Nho rất đẹp, phủ kín trang giấy. Đôi câu đối giữa nhà cũng được viết chồng lên những tờ lịch giấy bóng đã cũ, mỗi chữ như một bức tranh trang trí, nét chữ phóng khoáng, hài hòa, không kém phần mềm mại. Phải chăng, điều đó nói lên tính cách giản dị, cần, kiệm liêm chính của một nhà Nho sống trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đã mấy năm nay, “ông đồ Nho Lâm” không còn viết nữa, yêu các tờ báo, tạp chí tỉnh nhà, ông chỉ biết nhờ bà đọc hộ, đó như là một cách để nối sợi dây liên lạc với các bạn văn nghệ gần xa. Cũng đã lâu, ông không còn tham gia các hoạt động của Chi hội VHNT Diễn Châu và các hội chuyên môn như Hội VHNT Nghệ An, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam được nữa. Thế nhưng, trong mỗi lần gặp gỡ, mỗi buổi sinh hoạt, các bạn văn nghệ trong Hội VHNT Diễn Châu ai cũng nhớ và hỏi thăm về ông đồ Nho Lâm, một con người mực thước, tình cảm và giàu tự trọng.
Ông đồ Nho Lâm gần như không bao giờ to tiếng với ai nhưng tự ái thì có đấy, tự ái của một nghệ sỹ – trí thức. Năm xây dựng Đền thờ các anh hùng liệt sỹ huyện Diễn Châu, huyện tổ chức chọn câu đối để trang trí cho Đền. Với khả năng Hán văn hàng đầu của huyện, câu đối của Đặng Quang Liễn được chọn trang trí ngay cổng chính vào Đền. Đôi câu đối bằng chữ Hán: “Mộ Dạ cao sơn lưu cổ miếu – Diễn Châu thắng địa tọa linh từ” (tạm dịch: Núi cao mộ Dạ còn lưu miếu cổ – Đất (vị thế) đẹp Diễn Châu đền thiêng vẫn nằm đó). Thế nhưng, khi đúc chữ vào cột bê tông thì thợ đúc sai, chữ “Châu” bị đúc nằm ngang, thành ra nó gần giống chữ “chủ” hoặc chữ “tam” gì đó. Thế là ông giận lắm, ông đã đề nghị với người có trách nhiệm sửa ngay nhưng cho đến ngày khánh thành vẫn không thấy động tĩnh gì. Ngày liên hoan, ông giận, ông không dự. Cán bộ huyện vào mời ông ra nhưng ông kiên quyết từ chối.
Có lẽ, Đặng Quang Liễn còn mang tính gàn, bảo thủ của một ông đồ Nghệ. Có lần đọc đôi câu đối cổ của cụ Đặng Văn Thụy lưu lại: “Vạn cổ văn minh khai cố quốc – Cửu trùng cung điện đối cao sơn” (tạm dịch: Văn minh từ xưa mở mang nước cũ – Chín tầng cung điện đối diện với núi cao) ông cho rằng câu đối này người ta khắc nhầm, không phải là chữ văn “văn minh” mà phải là “anh linh” bởi “văn minh” là một từ mới, dùng nhiều ở thời hiện đại, đặt trong ngữ cảnh thì không hay bằng “anh linh”. Nhà thơ Cao Xuân Thưởng cười nói: “Thế tại sao trong cuốn “Địa chí văn hóa Diễn Châu” mà bác tham gia biên soạn cũng ghi là “văn minh” chứ không phải là “anh linh”?. Ông khăng khăng bảo: “Nếu ông cụ nhà tôi còn sống thì tôi vẫn tranh luận với cụ là nên dùng chữ “anh linh” chứ không nên dùng chữ “văn minh”.
Cái duyên đưa ông đến với công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian cũng có lẽ là xuất phát từ sự tự ái trí thức ấy, nói chính xác hơn, đó là lòng tự trọng của một người trí thức tâm huyết với quê hương. Trong một lần đi công tác ở Vinh, Phó Giáo sư Ninh Viết Giao hỏi thăm ông về làn điệu hát reo và bà Hoét Ngọc – người đang lưu giữ những làn điệu hát reo cổ ở quê ông. Sau buổi nói chuyện ấy, Đặng Quang Liễn tự trách mình: “Tại sao, là một người con Nho Lâm mà mình không tìm cách lưu giữ di sản quý báu của quê hương đang có nguy cơ mai một ?”. Nhà ông gần nhà bà Hoét Ngọc, những làn điệu hát reo ông vẫn được nghe bà hát hằng ngày. Thế là ông quyết tâm sưu tầm một cách có hệ thống từ những gì bà Hoét Ngọc và bà con trong làng còn lưu giữ được. Có lần, nghe người ta nói ở Diễn Phú có ông Điện Hiền rất giỏi về các làn điệu hát reo thế là ông tìm đến ngồi nghe, ghi chép và chuyện trò mấy ngày trời không chán.
Ông tập hợp các bài hát của làn điệu hát reo sưu tầm được in thành cuốn “Làn điệu hát reo ở Nho Lâm”, cuốn sách đã vinh dự nhận được giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương tỉnh Nghệ An lần thứ 4 (không có giải A cho mục tác phẩm VHGD).
Hát reo là điệu hát của những người dân đi hái củi trên ngàn, cả nam và nữ đi từ sáng tới chiều tối mới về tới nhà. Để quên đi đường xa mệt mỏi, người ta thách đấu với nhau bằng những câu hát. Người ta vừa đi vừa hát, mỗi người hát một câu, người kia tiếp tục cho đến khi về làng. Lời hát reo kết thúc cũng là khi trời chập tối, tiếng tù và cộng với tiếng reo hò của hai bên tham gia reo lên inh ỏi nên người ta gọi là hát reo. Hát reo là làn điệu có quan hệ gần gũi với dặm vè xứ Nghệ.
Vừa làm nghề dạy học, Đặng Quang Liễn vừa nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn học dân gian. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, một mình một xe đạp, ông rong ruổi trên các nẻo đường tìm đến những ngôi đền, chùa, miếu mạo hay bất cứ nơi nào có văn bia, thư tịch cổ ở Diễn Châu và một số địa phương khác để dịch và lưu giữ. Đi đến đâu ông cũng có thói quen ghi chép cẩn thận những gì mình nhìn thấy, nghe thấy về những nơi mình đến. Đó có thể là những làng nghề, phong tục tập quán, con người, di tích cũ, thổ nhưỡng, địa lý…
Có thể kể đến cuốn “Văn hóa Nho Lâm” của ông, đạt giải A – Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, đã dựng lại không gian văn hóa – lịch sử – địa lý của làng Nho Lâm quê ông. Đặng Quang Liễn đi sâu vào những phương diện quan trọng cấu thành văn hóa Nho Lâm như nghề rèn nổi tiếng, tinh thần hiếu học, các giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo… từ đó mà khái quát nên bản sắc của văn hóa Nho Lâm với những nét riêng trong dòng chung của văn hóa xứ Nghệ. Cuốn “Truyện kể dưới gốc đa làng” (tập hợp 107 truyện mà ông sưu tầm được tại làng Nho Lâm quê ông), vinh dự được nhận tặng thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Ngoài ra, Đặng Quang Liễn còn có một số tác phẩm như: “Văn bia xứ Nghệ” (viết chung với Đào Tam Tỉnh, Thái Doãn Chất); “Diễn Châu địa chí” (viết chung); “Văn hóa làng xã”; “Kho tàng vè xứ Nghệ”; “Văn hóa ẩm thực xứ Nghệ”; “Trò chơi dân gian xứ Nghệ” và hàng trăm bài báo đăng trên các báo và tạp chí chuyên ngành.
Có thể nói, Đặng Quang Liễn là một trí thức đáng kính cả về tài năng và nhân cách, là niềm tự hào của văn nghệ Diễn Châu đương đại nói riêng văn nghệ Nghệ An nói chung. Ông đã góp phần giới thiệu văn hóa Diễn Châu, văn hóa xứ Nghệ – một vùng địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc, cho bạn bè khắp nơi trên cả nước. Sự nghiệp nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, của thầy Đặng Quang Liễn là một phần của di sản khoa học, di sản văn nghệ, lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền vô cùng quý báu của xứ Nghệ ngàn năm văn hiến.