Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in buổi học trong một sáng mùa Thu năm nào. Lũ trò nhỏ lớp 1, ngồi chen nhau trong lớp học được trưng dụng từ đình làng, và sau tiếng thước gỗ của cô giáo gõ xuống bàn, thì chúng tôi đồng thanh đọc:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng”
Không hiểu tại cái màu nắng Thu vàng rực hôm ấy, hay tại lời giải thích của cô giáo tôi quá đỗi mộc mạc mà tôi vẫn còn nhớ buổi học đặc biệt ấy tới tận gần 40 năm sau. Cô nói với chúng tôi về lòng yêu nước thương nòi, về mỗi sinh mệnh được sinh ra đều gắn cùng một mảnh đất được người ta gọi là quê hương, xứ sở. Và thiêng liêng lắm, gần gũi lắm khi ta cất lên 2 tiếng ĐẤT NƯỚC, 2 tiếng cũng thiêng liêng không kém, ấy là ĐỒNG BÀO.
Cô giáo đã chỉ lên lá cờ thắm đỏ dưới bầu trời lồng lộng, cắm trên cái cột cao buộc bằng sào nứa trước cửa lớp học. Cái lớp học nghèo nàn của chúng tôi như sáng hẳn lên dưới sắc đỏ ấy. “Mỗi ngày, các em đều giơ tay chào lá cờ – các em có chung một đất nước để yêu thương, tự hào trong tim mình như vậy”.
Có thể, khi ấy, tôi vẫn chưa hiểu hết 2 tiếng ĐẤT NƯỚC, cũng chưa biết hình hài đất nước ra sao, nhưng những giờ chào cờ, cất lên bài Quốc ca, tôi luôn thấy ngực mình rung lên. Tôi gọi đó là giai điệu thiêng liêng của trái tim. (Đâu chỉ tôi, cả các bạn, những người mà chúng ta vẫn gọi nhau 2 tiếng đồng bào, ai chẳng đã thổn thức giai điệu ấy, khi bản Quốc ca trầm hùng cất lên và trên đầu ta đang lộng lẫy lá cờ đỏ sao vàng).
Đã có lần tôi hỏi bố tôi, bố ơi, làm thế nào để nhìn thấy đất nước? Bố tôi đã trải rộng trước mặt tôi tấm bản đồ thế giới cũ kỹ: Bố chỉ vào cái nét vẽ mềm mại, bé nhỏ hình chữ S: Đây, đất nước của ta đây! Rồi bố chỉ Biển Đông: Con thấy không, nước ta nằm trước biển… Trên tấm bản đồ ấy, cái nét vẽ mảnh mai nhỏ xíu thế kia, vậy mà lại chứa được cả làng ta, với bao nhiêu là luỹ tre, bao nhiêu là ruộng lúa, bao nhiêu là bè bạn của con ư?
Phải rồi, nhưng vẫn chưa kể hết đâu, đất nước ta còn bao nhiêu dài rộng, bao nhiêu thẳm sâu. Nhưng trước hết con cần phải lớn lên. Phải biết yêu, từ con ngõ nhỏ con tập đi, từ sắc hoa vườn nhà, từ mái bếp mẹ thơm khói cơm chiều, từ cánh đồng lững thững chân trâu, những vạt lúa xanh lên từ giọt mồ hôi của bà, của mẹ… Và đất nước, trong mỗi người sẽ mang một hình hài khác. Khi người ta đặt tay lên phía trái tim mình!
Tôi cũng hỏi bà ngoại tôi về đất nước. Bà kể tôi nghe về chính cuộc đời mình, một cuộc đời tha hương từ Nam ra Bắc với bao miền quê mà bà đã qua, về những tháng ngày sôi động mà bà đã sống. Cái phút giây bà đặt chân xuống ga Hàng Cỏ và nhìn thấy người chết đói la liệt năm 1945, sau một hành trình dài tàu từ Sài Gòn vào. Bà tôi đã ôm mặt khóc nghẹn ngào, bà nói “có cảm giác như mình đang đứt từng khúc ruột, những người nằm kia không phải người thân thích trong gia đình, nhưng là đồng bào của mình. Những người chung dòng máu con Rồng cháu Tiên”. Bà kể cái giây phút vỡ òa hạnh phúc đến ngộp thở của ngày 2/9 năm đó, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Niềm hân hoan của triệu triệu con người khi trong tim bừng chung một niềm tự hào mãnh liệt: Chúng ta là công dân của một đất nước độc lập.
Tôi làm sao quên được, những câu chuyện hàng đêm bà đã kể trong thơm nồng mùi trầu để ru chị em tôi ngủ. Rằng Thánh Gióng 3 tuổi biết lớn nhanh để đánh giặc Ân, về ngọn núi mang hình hài, tên gọi Vọng Phu gắn với những người phụ nữ hóa đá chờ chồng ra trận, về nàng Mỵ Châu với oan khiên lông ngỗng… Những câu chuyện ấy, có cả thân phận con người, có chút gì như của cả bà tôi, nhưng là những thân phận con người đã gắn chặt cùng vận mệnh đất nước.
Tôi cũng hỏi ông ngoại tôi về đất nước, người dân công hỏa tuyến năm nào đã in dấu chân mình trên nhiều chiến trường. Ông trả lời tôi bằng vẻ nghiêm cẩn mỗi khi treo Quốc kỳ trước nhà những sớm 2/9. Lá cờ ấy đã được nhuộm bằng bao xương máu, bao khát vọng. Để lá cờ ấy được bay lên trước cửa lớp học của cháu mỗi ngày, thì đã có bao nhiêu người nằm lại nơi một góc rừng, một dốc núi, hay giữa muôn trùng đảo xa, nơi đất của ta có những khi còn chìm dưới lòng sóng nước…
Trong cuộc đời làm báo, một trong những cuộc gặp mà tôi may mắn có được là trở nên quen biết, thiết thân với Thiếu tá Trang Hải Âu – một người con xứ Nghệ, sinh ra bên bờ sông Giăng ở Thanh Chương – người Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1 – Phúc Tần (nằm trong Cụm kinh tế khoa học dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Anh cũng là người lập “kỷ lục” về sống và làm việc trên nhà giàn với 18 năm ròng giữ thềm lục địa – “con mắt khơi xa của Tổ quốc” và 17 năm ăn Tết trên biển cả, chung với gió, sóng và những cơn bão dữ dằn. Bao nhiêu lần người con xứ Nghệ kiên gan ấy dặn mình không rơi nước mắt khi gian khó, khi chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, nhưng có một lần (trong 2 lần hiếm hoi) anh rơi nước mắt, ấy là lần Nhà giàn của các anh được đón tiếp và xem trực tiếp Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 biểu diễn. Sau những trò chuyện, hỏi han không dứt với những người đồng hương, đến giờ biểu diễn, nghe NSƯT Bích Ngọc cất lên câu dân ca Nghệ – Tĩnh: “Anh ra đi đá mềm chân cứng. Em ở nhà một dạ như đồng. Dù gió bấc mưa đông em một lòng đợi bạn…” (Một lòng đợi bạn) thì nước mắt đã lặng chảy trên gò má sạm đen của người chiến sỹ nhà giàn được mệnh danh “Âu thép” ấy. Hình ảnh một quê hương lam lũ mà rất đỗi ân tình, chung thủy hiện ra trước mắt anh lẫn vào giọng hát nghẹn ngào của nghệ sỹ. Anh nói, chính là giây phút ấy, anh mới thấy Tổ quốc trong mình gần gũi, thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Trong một lần trò chuyện, NSND Hồng Lựu cũng đã kể cùng tôi về một “bước ngoặt” lớn của nghiệp diễn, đó là khi chị thực hiểu thế nào mà người ta vẫn nói: Dân ca là máu thịt. Để rồi từ đó, chị thấy mình thương hơn và yêu hơn người quê, và “đi hát dân ca không đơn thuần là một nghề, hay thỏa mãn một niềm yêu thích” để mỗi lần cất tiếng, phải làm sao để cất lên cái “hồn cốt của quê hương, xứ sở”. Đó là lần chị đi biểu diễn tại Rạp Bến Thành năm 1997. Hồng Lựu hát bài “Phụ tử tình thâm”. Lúc hát câu: “Khi cúng hương, cúng lửa/ Khi vào bái, ra quỳ”, chị nhận thấy dưới khán giả nhiều người lau nước mắt, rồi tiếng khóc lan rộng đến cả một sân bãi mênh mông.
Người ta đã lặng đi khi chị dứt tiếng hát và cúi chào, để rồi sau đó, rất nhiều người đã chen nhau lên sân khấu để ôm chầm lấy chị. Khi chị ra về, một bà mẹ đã níu lấy xe của Đoàn Dân ca Nghệ An: “Hồng Lựu ơi, cho bác về quê với. Nghe con hát, bác muốn về quê lắm con ơi!”. Cũng từ đêm hát ấy, ông Phan Thiệu Cơ, là cháu nội đích tôn của cụ Phan Bội Châu, lúc đó sống tại TP. Hồ Chí Minh, đã đánh xe chở cả gia đình đi theo đoàn suốt những đêm lưu diễn, chỉ để đêm nào cũng được nghe dân ca, cũng được “thấy” quê mình.
Hồng Lựu chợt nhận ra, vì sao mà “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Là bởi mỗi con người khi sinh ra, làm nên hình hài, vóc dáng của họ không chỉ là hạt thóc, củ khoai vươn lên trên đất, còn là lời ru của mẹ, của bà lặn sâu vào máu thịt, là bao trầm tích văn hóa chứa trong vời vợi ân tình đồi núi, sông suối quê hương. Tôi đã gặp trên vùng núi Tân Kỳ (Nghệ An), những tên làng ở vùng Nam Đàn (Nghệ An), vùng Vĩnh Linh (Quảng Trị), gặp ở Quỳ Hợp, Thái Hòa, những tên làng ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Mới tận hiểu: “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm). Và người ta nhớ thương, đã bắt đầu như vậy, từ một gốc đa, giếng nước, từ câu hát nơi sân đình, từ một đêm trăng đi củi cỏ… để đến với những điều lớn lao hơn. Người ta sẵn sàng “khi đất nước cần” cũng bắt đầu từ tình yêu giản dị ấy.
Vâng, thật nhỏ nhoi trên bản đồ thế giới. Vậy mà mỗi ngôi làng, ngọn núi, con sông đều mang chiến tích. Mỗi hạt cát đều có bóng cha ông. Dù “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, mà lời mẹ lời bà ru vẫn ngọt ngào đến thế. Một đất nước “ngăn quân thù phía Nam, phía Bắc” mà vẫn hiền hoà những bóng tre xanh.
Tôi đã lớn lên từ một ngõ nhỏ của làng quê, và biết mình dù có lớn lên, đã đặt chân khắp các nẻo đường đất nước, thì vẫn không đi hết máu xương đã đổ cho vẹn nguyên nét vẽ hình chữ S. Mỗi vết chân tôi đang đi, trên bao nhiêu máu xương, bao nhiêu những thanh xuân nằm lại. Ở bất cứ đâu, lại không có những bà mẹ, nước mắt nhoè trên những tấm bằng Tổ quốc ghi công? Những người vợ chưa một ngày được làm vợ. Những nghĩa trang bạt ngàn ngôi mộ chưa biết tên? Và đất nước, ấy là nơi mẹ cha trao nhau lời gừng cay muối mặn, nơi con lớn lên và biết làm người, biết ơn từng hạt gạo, củ khoai, từng con cò lặn lội… Là cảm giác thiêng liêng mỗi lần cất giọng hoà cùng người người bài Quốc ca…