Trong căn nhà nhỏ bình dị nằm cuối xóm Tân Giang (xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu), vào mỗi buổi chiều cậu bé Hoàng Danh Hồng Lịnh lại ngóng chờ “mẹ” đến. Bởi sau một ngày dài học tập, em có biết bao bài toán khó cần mẹ chỉ bày. Và còn biết bao câu chuyện vui, buồn trên lớp học, em muốn được sẻ chia cùng mẹ. Người mẹ mà em ngóng chờ đó cũng chính là cô giáo chủ nhiệm của em, là người đã nhận em làm con nuôi, coi em như máu mủ ruột thịt kể từ khi em không may mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Gạt vội giọt nước mắt khi nói về hoàn cảnh của cháu mình, bà Hồ Thị Hiển (sinh năm 1954) cho biết, Lịnh là cháu ngoại của bà. Bố Lịnh mất khi Lịnh chưa tròn 1 tuổi. Vào năm 2019, mẹ Lịnh sau thời gian dài đau yếu thì phát hiện mình bị ung thư gan. Của cải trong nhà cũng chẳng có gì ngoài mấy tạ lúa, vài con lợn đều phải bán đi để trang trải tiền viện phí. Nhưng rồi mọi nỗ lực đều không thể giữ con gái bà ở lại. Chỉ sau vài tháng điều trị thì mẹ Lịnh đã ra đi. Thời điểm đó, đau buồn vì mất con, nhà cửa chẳng còn tài sản gì, hai bà cháu rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Lịnh lúc đó đang học lớp 5, em đối mặt với nguy cơ phải nghỉ học.
Lúc này, cô Hòa là giáo viên bộ môn Toán – Tin tại Trường THCS Quỳnh Bảng, cũng là người ở cùng xã với Lịnh đã kịp thời đến động viên, an ủi hai bà cháu. Trước đó, chính cô cũng là người đã từng trực tiếp liên kết những học trò cũ và bạn bè của mình tới hoàn cảnh của Lịnh để quyên góp tiền chữa bệnh cho mẹ em. Hiểu được nỗi mất mát lớn mà Lịnh phải trải qua, sau khi mẹ Lịnh mất, cô đã luôn đồng hành để cùng trang trải, giúp đỡ em duy trì việc học. Thời điểm đó, ngoài việc trao tặng cho em sách vở, quần áo, hỗ trợ em các khoản chi tiêu hàng ngày thì cô còn đứng ra kết nối em tới các nhà hảo tâm. Nhờ vậy, em và bà đã có thêm các nguồn hỗ trợ cần thiết để vực dậy cuộc sống.
Sau 3 năm được mẹ nuôi dìu dắt, Hòa giờ đã là cậu học sinh lớp 8 chăm ngoan, học giỏi của Trường THCS Quỳnh Bảng. Em có năng lực nổi trội về các môn khối A, nhiều năm liền là học sinh giỏi toàn diện, được bạn bè thầy cô tin yêu bầu làm lớp trưởng. Sự nỗ lực đó đã giúp em trở thành một trong những học sinh tiêu biểu vượt khó học giỏi của mảnh đất miền biển Quỳnh Lưu.
Chứng kiến sự trưởng thành của con, cô Hòa không thể quên những ngày đầu, “Chứng kiến hoàn cảnh của con khiến tôi đau lòng, bởi chính tôi cũng đã từng sinh ra trong hoàn cảnh khốn khó, cũng đã từng phải đứng trước nguy cơ nghỉ học vào năm lớp 7 khi gia đình quá nghèo. Nhưng rồi, chính cô giáo chủ nhiệm đã giúp đỡ tôi cả về vật chất và tinh thần để bản thân có thể tiếp tục được học, được thực hiện ước mơ của mình. Cô giáo của tôi vẫn luôn nói rằng, cô không cần tôi trả ơn, chỉ mong muốn tôi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khác để họ tìm lại được niềm tin yêu trong cuộc sống”.
Khi tôi giúp Lịnh, tôi chỉ giúp em từ tình thương của một người phụ nữ khi chứng kiến một mảnh đời bơ vơ, khốn khó. Chứ chưa bao giờ dám nghĩ, mình sẽ trở thành mẹ nuôi của em. Bởi từ mẹ quá thiêng liêng, và tôi sợ mình không làm tròn nghĩa vụ. Nhưng chính tình cảm của em, chính tiếng mẹ đầy yêu thương mà em đã gọi tôi trong những ngày tháng em tuyệt vọng ấy, tôi đã thay đổi suy nghĩ, rằng mình sẽ cố gắng hết sức để chở che, bảo vệ cho con trên chặng đường đời phía trước”.
Chia tay hai mẹ con, chúng tôi có nguyện vọng được chụp một bức hình của Lịnh cùng người mà em tin yêu gọi mẹ trong 3 năm qua. Dù rằng, ý định ban đầu sẽ là hình ảnh em cười hạnh phúc bên mẹ của mình. Nhưng Lịnh đã khóc. Trong khoảnh khắc đó, em ôm chặt mẹ. Có lẽ, trái tim của một cậu bé 11 tuổi với nhiều tổn thương được ấm áp trở lại kể từ khi có mẹ chở che…
Hành trình giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Quỳnh Bảng, đặc biệt là các em nhỏ mồ côi bắt đầu từ năm 2000, khi cô Hòa tốt nghiệp đại học và trở về mảnh đất Quỳnh Bảng. 22 năm gắn bó với nghề giáo viên cũng là từng đó năm cô đã động viên, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Ngoài Lịnh, có thể kể đến những em nhỏ khác như em Hồ Văn Ngọc, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Quỳnh Bảng, hay em Nguyễn Thị Hoa Sen, học sinh lớp 11 – Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Lưu cũng được cô chở che, đùm bọc. Các em đều rơi vào hoàn cảnh mồ côi, người thân họ hàng đều khó khăn không thể hỗ trợ được nhiều.
Nâng niu những cuốn vở mà cô Hòa mua cho em đầu năm học, Sen bộc bạch: “Em không có bố, từ nhỏ chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Em đã từng mơ ước mình sẽ học được một nghề chân chính để sau này trở thành chỗ dựa cho mẹ. Vậy nhưng năm 2020 thì mẹ em phát hiện bị ung thư, bị bệnh nhưng mẹ vẫn phải nén đau để làm đủ nghề mưu sinh. Thời điểm đó em nghĩ mình cần phải nghỉ học, đó là con đường ngắn nhất để em có thể đi làm thuê, và để có tiền.
Gác lại việc học, mẹ buồn, em cũng buồn, cảm thấy mình mất đi phương hướng đã lựa chọn bấy lâu. Trong hoàn cảnh đó, cô Hòa đã đến động viên hai mẹ con em. Cô mua cho em sách vở, đồ dùng học tập, và đứng ra kêu gọi hỗ trợ học phí trong năm học lớp 10. Sang năm lớp 11, cũng chính cô đã giúp em xóa bỏ mặc cảm, tự ti để tiếp tục đến trường”.
Là người đã đồng hành cùng với cô Hòa trong nhiều hoạt động thiện nguyện, chị Trần Thị Hà – Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu chia sẻ, thời gian qua, cô Hoàng Thị Thái Hòa và nhiều học trò cũ của mình đã gắn kết cùng nhau để đồng hành sẻ chia, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh bất hạnh trên địa bàn huyện. Cô dường như đã trở thành người mẹ thứ hai để dẫn dắt các em trong học tập cũng như trong cuộc sống thường ngày. Nhờ đó, nhiều ngôi nhà từng thiếu tình thương, hơi ấm của bậc sinh thành nay lại được sưởi ấm bằng tình thương của người mẹ nuôi.
Nghĩa cử của cô đã lan tỏa mạnh mẽ đến phụ nữ trên địa bàn, góp phần cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thực hiện thành công chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng với nhiều ý nghĩa nhân văn và tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.