Bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý có 100% đồng bào dân tộc Khơ mú sinh sống. Cách đây 5 năm, Huồi Bắc là 1 trong 5 bản của xã Bắc Lý có chi bộ Đảng nằm trong diện “nguy cơ” không còn chi bộ (dưới 5 đảng viên tại chỗ) theo quy định của Đề án 01/ĐA-TU.
Bí thư Chi bộ bản Moong Văn Bảy nhớ lại, năm 2016 bản có khoảng 60 hộ dân, nhưng chi bộ bản chỉ có 3 đảng viên tại chỗ. Lúc đó, đời sống người dân rất khó khăn, chủ yếu sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Cộng thêm là sự tác động tiêu cực của các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, khiến bản, làng nhiều lúc tiêu điều, xơ xác. Nhiều hoạt động tập thể, các phong trào ở thôn, bản vì thế cũng có chiều hướng ngày càng đi xuống. Chính vì vậy, nguồn kết nạp đảng viên hầu như không đạt tiêu chuẩn.
Để giúp cơ sở Đảng ở bản Huồi Bắc thoát khỏi nguy cơ không còn chi bộ, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 01/ĐA-TU của Huyện ủy Kỳ Sơn đã hướng dẫn cán bộ từ huyện đến cơ sở bám nắm địa bàn, đưa ra giải pháp phù hợp nhằm tăng nguồn kết nạp Đảng tại các chi bộ có nguy cơ.
“Đối với Chi bộ Huồi Bắc, Đảng ủy cấp trên sau khi nắm rõ tình hình, tâm tư của người dân, của cán bộ cơ sở đã chỉ đạo ban cán sự bản vừa thực hiện phát triển kinh tế, từng bước đấu tranh xóa bỏ tệ nạn xã hội, vừa bồi dưỡng nhân tố ưu tú để kết nạp Đảng” – Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý Vi Oanh cho biết.
Theo đó, Đảng ủy xã đã phân công 2 cán bộ về sinh hoạt tại Chi bộ bản Huồi Bắc, kết hợp với sự trợ giúp của đảng viên biên phòng tăng cường từ Đồn Biên phòng Mỹ Lý để hỗ trợ chi bộ trong tạo nguồn phát triển Đảng.
Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế với mũi nhọn được xác định là trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm, các đảng viên của bản Huồi Bắc đã xung phong thực hiện trước. Nổi bật là gia đình Bí thư Chi bộ Moong Văn Bảy tiên phong chuyển đổi từ trồng lúa rẫy sang trồng lúa nước, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm.
“Nguồn con giống do Đồn Biên phòng Mỹ Lý và các tổ chức kêu gọi hỗ trợ. Ngoài ra, cán bộ đồn biên phòng còn hướng dẫn gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác kỹ thuật chăn nuôi, canh tác để nâng cao năng suất” – ông Bảy nhấn mạnh. Thấy được hiệu quả, các hộ dân ở bản Huồi Bắc đã dần học theo, đến nay cả bản Huồi Bắc đã có hơn 200 con trâu, bò, lợn và hàng trăm con gia cầm…
Bên cạnh phát triển kinh tế, các đoàn thể, ngành chức năng còn tăng cường tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xóa bỏ tệ nạn ma túy.
Xã Bắc Lý có 18 chi bộ trực thuộc, trong đó, 13 chi bộ thôn, bản. Từ năm 2016 đến nay đã kết nạp được 36 đảng viên mới. Từ 5 chi bộ có nguy cơ nằm trong Đề án 01/ĐA-TU, đến nay đã kết nạp được 19 đảng viên mới.
“Cách làm ở xã Bắc Lý cũng là một trong những biện pháp chủ yếu mà Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 01/ĐA-TU của Huyện ủy Kỳ Sơn chỉ đạo các địa phương thực hiện. Trong đó, tập trung bám sát cơ sở, gặp gỡ, trao đổi về tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và người dân, chia sẻ và giúp cơ sở giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình triển khai, thực hiện”, đồng chí Xã Văn Lương – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết.
Ngoài bám nắm cơ sở, lựa chọn các giải pháp phù hợp, sát thực tế ở từng thôn, bản, để thực hiện tốt Đề án 01/ĐA-TU, huyện Kỳ Sơn còn coi trọng huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Ví như ở xã Keng Đu, năm 2016 trở về trước, Chi bộ bản Khe Linh chỉ có 3 đảng viên tại chỗ, nguy cơ không còn chi bộ nếu không kết nạp được đảng viên mới. “Công tác phát triển Đảng ở bản Khe Linh gặp rất nhiều khó khăn do đời sống người dân nghèo khó, trình độ dân trí thấp, nhiều lao động đi làm ăn xa nên khó tìm nguồn kết nạp” – đồng chí Lương Văn Ngam – Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu cho hay.
Để củng cố Chi bộ Khe Linh, Đảng ủy xã Keng Đu đã phân công 1 đảng viên về sinh hoạt cùng Chi bộ Khe Linh, phân công đồng chí Moong Văn Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy xã phụ trách, hướng dẫn Chi bộ Khe Linh nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tìm nguồn phát triển đảng viên. Tại đây, nhận thấy Lương Văn Phúc là một trong những nhân tố tích cực, chi bộ đã tập trung bồi dưỡng, động viên anh Phúc tham gia hoạt động Đoàn thanh niên.
Năm 2018, Phúc được địa phương động viên tham gia nghĩa vụ quân sự, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, anh được giao đảm nhận vai trò thôn đội trưởng và kết nạp vào Đảng năm 2020. Với cách làm quan tâm, sâu sát từng hoàn cảnh, cả hệ thống chính trị cùng hỗ trợ, động viên và bồi dưỡng các nhân tố ưu tú, đến nay xã Keng Đu đã đưa 2 chi bộ thuộc diện “nguy cơ” là Huồi Cáng và Khe Linh ra khỏi đối tượng của Đề án 01/ĐA-TU. Trong đó, Chi bộ Khe Linh hiện có 5/7 đảng viên tại chỗ.
Toàn huyện Kỳ Sơn năm 2016 trở về trước có 25 chi bộ thôn, bản thuộc Đề án 01/ĐA-TU cần phải củng cố. Thế nhưng, tính đến ngày 30/12/2020, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn có 193/193 bản, khối đều thành lập được chi bộ; 100% chi bộ khối, bản đều có từ 5 đảng viên tại chỗ trở lên và không còn đơn vị nào thuộc diện nguy cơ không còn chi bộ. Từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay, tổng đảng viên mới kết nạp mới ở 25 chi bộ thuộc phạm vi Đề án 01 là 83 đồng chí.
Để tiếp tục củng cố các tổ chức cơ sở Đảng ở huyện Kỳ Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kỳ Sơn Xã Văn Lương cho biết thêm, ngoài tiếp tục phân công mỗi thường vụ đảng ủy phụ trách 1 chi bộ trong phạm vi Đề án 01/ĐA-TU để giúp đỡ lựa chọn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng, Huyện ủy cũng đưa chỉ tiêu kết nạp đảng viên là một trong những tiêu chí đánh giá cuối năm đối với người được phân công phụ trách. Đồng thời duy trì tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua hoạt động của các tổ chức hội, già làng, người có uy tín, đảng viên làm kinh tế giỏi để quần chúng nhân dân tự nguyện, tự giác phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.