Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục gieo rắc thảm họa trên tất cả các châu lục và không ai, kể cả WHO biết đến khi nào thì Covid-19 đạt đỉnh. Loài người còn phải tiến hành cuộc chiến với Covid-19 để giành giật sự sống ít ra trong 1 – 2 năm nữa. Bên cạnh thảm họa mà ai cũng nhận thấy, Covid-19 còn thức tỉnh các quốc gia và làm thay đổi xu hướng phát triển của thế giới từ năm 2021.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 như một cuộc “đại sát hạch” các quốc gia, qua đó làm bộc lộ yếu kém của các quốc gia, từ nước giàu đến nước nghèo, nước phát triển cao đến nước đang phát triển, trong quản trị quốc gia trong tình trạng khẩn cấp.
Khi đại dịch Covid-19 đã bùng phát và gây thảm họa (tháng 2 – tháng 3 năm 2020), Mỹ, Vương quốc Anh, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển và nhiều nước phát triển ở châu Âu, châu Á chưa nhận thức được thảm họa. Do đó, không đưa ra được chính sách phòng, chống dịch đúng đắn ngay từ đầu. Khi Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm, hàng ngàn người, các quốc gia phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Italia, Pháp… đã rất lúng túng bị động đối phó mang tình huống và không hiệu quả.
Vào tháng 2/2020, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đưa ra khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, với tư tưởng chỉ đạo là đặt sinh mệnh của người dân lên trên hết. Đó là một chính sách mang bản chất nhân văn và hợp lòng dân. Vì thế, cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chống dịch đúng với tinh thần như chống giặc. Đó là nguyên nhân làm cho Việt Nam thành công trong phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ hai, Covid-19 cho thấy các quốc gia trên thế giới, kể cả các cường quốc phát triển, thiếu sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết tối thiểu để ứng phó với đại dịch.
Thật bất ngờ, siêu cường Mỹ, cường quốc kinh tế Nhật Bản, các nước phát triển cao như Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha… cũng thiếu giường bệnh để điều trị Covid-19, các bệnh viện ở các cường quốc này không đủ chỗ cho những người mắc Covid-19. Không chỉ thiếu vaccine, các nước phát triển, các nước giàu (Mỹ, Anh, Italia…) cũng không có đủ máy thở và không cung cấp kịp thời, đầy đủ các vật dụng tối thiểu để phòng, chống Covid-19.
Thứ ba, Covid-19 cho thấy rõ sự yếu kém trong hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống thảm họa Covid-19. Tổng thư ký Liên hợp quốc nhiều lần kêu gọi hợp tác quốc gia trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Có vẻ như không ai hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc. Tất cả các quốc gia, dân tộc đều có kẻ thù chung là đại dịch Covid-19 nhưng lại không có hợp tác giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu để chống kẻ thù chung.
Tại sao như vậy?
Phải chăng tính ích kỷ và chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, cực đoan của các nước, trước hết là các quốc gia, các nước phát triển, các nước giàu đã ngăn cản cộng đồng quốc tế chung sức, đồng lòng, tay nắm tay nhau trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19. Đây là sự xuống cấp về đạo đức của con người khi đạt được đỉnh cao về khoa học. Một sự thật phũ phàng, đáng xấu hổ đối với thế giới văn minh, khi bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI.
Thứ tư, Covid-19 đã thức tỉnh các quốc gia nhận ra sai lầm trong chiến lược, chính sách hội nhập quốc tế và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ một sự thật đáng buồn là hầu như cả thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc. Nền kinh tế khổng lồ và là đầu tàu của nền kinh tế thế giới – siêu cường Mỹ cũng phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc. Mỗi năm, Mỹ chi 11 tỷ USD để nhập khẩu các linh kiện ô tô từ Trung Quốc và Trung Quốc là nhà cung cấp linh kiện ô tô thứ hai thế giới (sau Mexico) cho Mỹ. Giả sử, Trung Quốc ngưng xuất khẩu linh kiện ô tô sang Mỹ thì các tập đoàn sản xuất ô tô của Mỹ sẽ thế nào; chắc chắn rơi vào suy thoái và phải một thời gian dài nữa mới có thể bù đắp được.
Các hãng sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản (Honda), Hàn Quốc (Hyundai Motor), Italia (Fiat Chrysler) đều nhập phần lớn linh kiện từ Trung Quốc. Các hãng dược phẩm nổi tiếng của Mỹ, các nước châu Âu và Ấn Độ đều nhập hoạt chất từ Trung Quốc để sản xuất các loại thuốc như: thuốc chữa tiểu đường, thuốc điều trị tim mạch, thuốc chống trầm cảm… Nhiều nhà máy sản xuất sốt cà chua nổi tiếng của Italia – sản phẩm có mặt tại hầu hết các siêu thị châu Âu cũng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Covid-19 đã cho ta hiểu thế nào là “công xưởng của thế giới” và nhận ra một sự thật: Hầu như cả thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ và hầu hết các nước phát triển hàng đầu thế giới đã “bỏ trứng vào một giỏ”. Đây là một sai lầm hết sức nghiêm trọng trong quá trình hội nhập quốc tế và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Để sửa chữa sai lầm này, từ năm 2021, Mỹ, Nhật Bản, các cường quốc kinh tế châu Âu đang điều chỉnh chiến lược, chính sách kinh tế theo hướng không “bỏ trứng vào một giỏ” bằng cách đa dạng hóa thị trường đầu tư, thương mại để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đang diễn ra quá trình các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu chuyển dịch một phần dây chuyền công nghệ ra khỏi Trung Quốc và tìm chỗ đầu tư. Đây là cơ hội lớn đối với Việt Nam. Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi để đón nhận dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ 3 trung tâm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Thứ năm, Covid-19 làm lộ rõ những hạn chế, bất cập của các định chế kinh tế quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Các định chế kinh tế quốc tế (WB, IMF, WTO) thiếu một công cụ pháp lý quốc tế đủ mạnh để xử lý những hành vi thương mại vi phạm luật pháp quốc tế như bảo hộ mậu dịch vượt qua quy định của WTO, các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh (ghìm giá đồng nội tệ thấp hơn giá trị thật của nó, Nhà nước hỗ trợ mọi mặt cho doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa giá rẻ chiếm lĩnh thị trường thế giới, ép buộc các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, châu Âu chuyển giao công nghệ cao cho Trung Quốc để được đầu tư tại Trung Quốc, các hành động nước lớn ức hiếp nước nhỏ, đánh cắp tài sản trí tuệ…).
Cho đến nay, WB, IMF, WTO thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý các sai phạm và ngăn chặn các hoạt động cạnh tranh không minh bạch, không lành mạnh. Trong cuộc chiến đấu phòng, chống Covid-19, các bất cập nói trên bộc lộ rõ hơn, đầy đủ hơn.
Người Nga có câu ngạn ngữ “Trong họa có phúc”. Có thể áp dụng câu ngạn ngữ Nga vào tình cảnh thảm họa hiện nay như sau: Covid-19 đã gieo rắc cái chết, gây ra thảm họa, và chính trong thảm họa, các quốc gia dân tộc và cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn yếu kém của mình trong việc chuẩn bị đối phó với thảm họa và những bất cập trong các định chế kinh tế quốc tế (WB, IMF, WTO).
Nói cách khác, trong khi gây ra thảm họa, đại dịch Covid-19 đã “rung chuông” cảnh cáo và thức tỉnh các quốc gia về những khiếm khuyết, bất cập, cả những sai lầm mà họ đã mắc phải trong thiết kế các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng chính trị đối nội, chính trị đối ngoại của Mỹ và qua đó làm thay đổi xu hướng phát triển của thế giới. Ông Donald Trump đã kết thúc vai trò Tổng thống thứ 45 của Mỹ vào 10 giờ sáng ngày 20/1/2021. Trước khi trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ (vào ngày 20/1/2017), ông Donald Trump là một doanh nhân thành đạt. Đây là trường hợp “độc nhất vô nhị” trong lịch sử Mỹ từ năm 1776. Một doanh nhân làm tổng thống là một ngoại lệ đối với Mỹ. Tính cách “đao to búa lớn” và khá thất thường trong đối nhân xử thế cả trong nước và trong quan hệ quốc tế là một nét “siêu ngoại lệ”.
Nói tóm tắt, Tổng thống Donald Trump là một nhà chính trị không chuyên nghiệp, mà đã không chuyên nghiệp thì rất vụng về, trục trặc, yếu kém và sai lầm trong đối nhân xử thế. Người dân Mỹ, các nhà sử học, các chính sách còn tốn nhiều giấy mực trong đánh giá 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Việc phê phán các sai lầm của Tổng thống Donald Trump dễ hơn là ghi nhận những đóng góp của ông cho nước Mỹ nói riêng, cho thế giới nói chung, và rất khó đạt được thống nhất trong đánh giá những thành tựu của ông.
Về thành tựu và đóng góp của Tổng thống Donald Trump cho nước Mỹ và thế giới:
Thứ nhất, trong 3 năm 2017 – 2019, Tổng thống Donald Trump đã thành công trong việc vực dậy nền kinh tế Mỹ. Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 30 năm, lạm phát cũng thấp nhất trong 20 năm. Nhóm người có thu nhập thấp có mức lương tăng 5%/năm. Cuộc sống của hàng chục triệu người Mỹ được cải thiện rõ rệt. 3 năm 2017 – 2019, thị trường chứng khoán Mỹ sôi động nhất thế giới. Khách quan phải thừa nhận, Tổng thống Donald Trump đã làm kinh tế tốt hơn các tổng thống đương nhiệm.
Thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã công khai thức tỉnh thế giới về những thủ đoạn kinh doanh không lành mạnh và vi phạm luật pháp quốc tế (chủ yếu WTO) của Trung Quốc làm thiệt hại lớn đến kinh tế Mỹ nói riêng, thiệt hại lớn đối với các đối tác kinh tế của Trung Quốc (EU, Nhật Bản…).
Tổng thống Donald Trump là người đầu tiên phê phán 4 thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi cho Trung Quốc và làm thiệt hại cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới: 1) Ghìm giá đồng Nhân dân tệ thấp hơn giá trị thật của nó; 2. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp qua ưu đãi tín dụng…; 3) Ép buộc các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, châu Âu phải chuyển giao công nghệ cao cho Trung Quốc để được đầu tư tại Trung Quốc; 4) Đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Theo Tổng thống Donald Trump, mỗi năm, Mỹ thiệt hại 100 tỷ USD do Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ.
Ở vị trí là Tổng thống của siêu cường kinh tế số 1 thế giới, ông Donald Trump đã công khai gióng lên hồi chuông cảnh báo và thức tỉnh thế giới cần cảnh giác với cách kinh doanh gian dối của Trung Quốc. Không chỉ nói, không chỉ kêu gọi thế giới, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện nhiều biện pháp, chế tài quan trọng đánh thẳng vào Trung Quốc. Những cảnh báo về Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump đã có tác động không nhỏ trên thế giới. Tháng 10/2020, Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành khảo sát ở 14 nước công nghiệp hóa (Mỹ, Nhật Bản, EU) cho kết quả 73% người dân ở những nước này không ủng hộ Trung Quốc.
Về các thất bại trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump:
Tổng thống Donald Trump hơn mọi tổng thống tiền nhiệm đã mắc nhiều sai lầm, thất bại trong chính sách đối nội, chính sách đối ngoại. Bài này không đi sâu vào mọi sai lầm, thất bại của Tổng thống Donald Trump, chỉ đề cập đến thất bại và sai lầm của ông trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và chính sai lầm này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống 3/11/2020.
Ngay từ đầu, Tổng thống Donald Trump đã không đánh giá đúng tính nguy hiểm chết người của dịch Covid-19. Tổng thống Donald Trump đã không đưa ra được các giải pháp cần thiết, kịp thời để chống Covid-19. Hậu quả là nước Mỹ có số người nhiễm Covid-19 và số người chết nhiều nhất thế giới. Đại dịch Covid-19 đã cuốn trôi toàn bộ thành tựu kinh tế của ông trong 3 năm 2017 – 2019.
Nước Mỹ tang tóc, kinh tế suy sụp, hàng chục triệu người kiệt sức vì dịch và thiếu thốn. Cử tri Mỹ đã bất bình và gạt bỏ ông khỏi cuộc chơi ngày 3/11/2020. Lịch sử không thể có thể giả định. Vẫn còn quyền nêu giả thiết: Nếu không có đại dịch Covid-19, năm 2020, kinh tế Mỹ tiếp tục đà phát triển của năm 2019, đời sống của đa số người dân được cải thiện. Trong điều kiện đó, cử tri Mỹ sẵn sàng tha thứ cho các sai lầm, thất bại khác của ông Donand Trump và sẽ tiếp tục ủng hộ Tổng thống Donald Trump vào nhiệm kỳ 2 (2021 – 2024).
Các cường quốc có sức mạnh quân sự khổng lồ như Nga và Trung Quốc cũng không thể làm suy yếu Mỹ. Chính Covid-19 đã đẩy siêu cường Mỹ vào cuộc đại khủng hoảng toàn diện và đưa Mỹ vào một thời kỳ xuống dốc kéo dài.
Tổng thống thứ 46 của Mỹ, ông Joe Biden có trọng trách phải khắc phục các sai lầm của ông Donald Trump. Khác hẳn với ông Donald Trump, Tổng thống Joe Biden sẽ khôi phục, cho dù gặp không ít khó khăn, hàn gắn quan hệ của Mỹ với các đồng minh, bạn bè châu Âu, châu Á, châu Đại Dương, từng bước hình thành một tập hợp lực lượng rộng rãi để đối phó với Trung Quốc.
Từ năm 2021, tình hình thế giới bắt đầu vào một lối rẽ mới, khác với năm 2020 về trước. Suy cho cùng, đại dịch Covid-19 là tác nhân chủ yếu đưa ông Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ và thúc đẩy một xu hướng phát triển mới của thế giới. Thế giới từ năm 2021 sẽ khác xa thế giới từ năm 2020 về trước. Ngoài việc gieo rắc thảm họa cho loài người, đại dịch Covid-19 như một cú hích thức tỉnh các quốc gia và thúc đẩy thế giới phát triển theo một hướng mới.
Trong thế giới hậu Covid-19, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cơ hội là lớn hơn thách thức. Vấn đề là phải làm gì, làm thế nào để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để đất nước phát triển nhanh, bền vững.