Với quan điểm cán bộ Mặt trận không “ngồi phòng lạnh”, làm việc “salon”, hoạt động của Mặt trận các cấp ở Nghệ An đã thực sự lăn lộn, hướng về với cơ sở, trăn trở, sáng tạo cho mục tiêu cốt lõi là làm sao để người nghèo trước hết phải tự thoát nghèo từ trong ý thức, suy nghĩ; từ đó, có giải pháp hỗ trợ mới thiết thực, hiệu quả, tạo tính bền vững cho công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ở Nghệ An, nhắc đến công tác xóa đói, giảm nghèo, nhiều đánh giá ghi nhận cao mô hình “Người nghèo dũng cảm” được Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu triển khai mấy năm nay. Ở miền chân sóng Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu), ai cũng thương cảm cho gia cảnh nghèo khó triền miên của gia đình chị Hồ Thị Châu. Nhà có 5 người thì 4 người ở độ tuổi lao động, nhưng bệnh tật và bao hạn chế, khó khăn chồng chất nên cuộc sống cứ bấp bênh, tạm bợ.
Làm thế nào để thoát nghèo không chỉ là câu hỏi của gia đình chị Châu mà còn là trăn trở của cán bộ Mặt trận ở xã, xóm? Thế rồi, đến năm 2020, triển khai chương trình “Người nghèo dũng cảm”, Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Nghĩa phối hợp với Ban công tác Mặt trận thôn quyết định cầm tay, chỉ việc, đồng hành, khích lệ cả về tinh thần và bằng hành động cụ thể để giúp chị Châu tự tin hạ quyết tâm viết đơn đăng ký và cam kết thoát nghèo.
Thay vì bao gạo, chai dầu ăn lúc giáp hạt, lần này từ nguồn quỹ của MTTQ, gia đình chị Châu được hỗ trợ mua 1 con bò sinh sản hơn chục triệu đồng để tạo sinh kế bền vững. Cán bộ Mặt trận còn đích thân kết nối với xưởng mộc trên địa bàn tạo việc làm cho con trai thứ hai của gia đình. Khi xã triển khai các mô hình kinh tế mới gắn với bao tiêu sản phẩm như trồng ớt cay, khoai tây… MTTQ xã phối hợp với Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho gia đình chị tham gia để có thêm thu nhập, gắn với hướng dẫn cải tạo vườn nhà để trồng rau màu hàng hóa. Đến nay, sau gần 2 năm nỗ lực, chị Châu tự tin bộc bạch: Trước đây, tôi chẳng dám nghĩ đến cảnh gia đình thoát nghèo như hôm nay. Không còn thiếu trước, hụt sau nữa!
Gia đình chị Hồ Thị Châu là 1 trong hơn 500 hộ nghèo trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu “dũng cảm” đăng ký và cam kết thoát nghèo khi tham gia chương trình “Người nghèo dũng cảm” do Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳnh Lưu phát động từ đầu năm 2020 đến nay.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu Phạm Thị Hải Yến cho biết: “Ý tưởng chương trình hình thành từ mong muốn tác động, thay đổi tư duy, nhận thức của người nghèo, hộ nghèo để họ có ý thức, ý chí vươn lên thoát nghèo, còn Mặt trận sẽ hỗ trợ “cần câu”. Nếu chúng tôi chỉ tác động một chiều thì sẽ rất khó, khả năng họ vẫn sẽ tái nghèo sau khi các hỗ trợ không còn”.
Với cách tiếp cận đó, ở huyện Quỳnh Lưu lần đầu tiên có một hội nghị “Diên Hồng” với chủ đề “Giải pháp giảm nghèo bền vững” được tổ chức. Người nghèo trong “vai” ứng viên tự mình hình thành, thuyết trình phương án, kế hoạch thoát nghèo với cán bộ Mặt trận. Trên cơ sở đó, Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu và các xã, thị trấn tìm phương án khả thi nhất trong thực tiễn để trợ giúp họ. “Chúng tôi đã cùng với các xã tiến hành hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau như: Giới thiệu học nghề gắn với hỗ trợ vốn để mở cơ sở sản xuất, kinh doanh sau học nghề; hỗ trợ vốn vay không lấy lãi để chăn nuôi gia súc, gia cầm hay đầu tư buôn bán…”, đồng chí Phạm Thị Hải Yến nói thêm.
Trong quá trình tìm hiểu về mô hình hỗ trợ sinh kế do Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì ở Nghệ An, chúng tôi (PV) được trực tiếp trải nghiệm câu chuyện thú vị, thể hiện tính sáng tạo, trăn trở của cán bộ làm công tác Mặt trận ở huyện lúa Yên Thành; đó là người nghèo muốn cấp miễn phí 8 triệu đồng để mua bò thì phải đi học, hoàn thành chứng chỉ về chăn nuôi bò.
Chị Trương Thị Hương ở xóm 8, xã Xuân Thành là một trong các học viên đã tốt nghiệp khóa đào tạo kỹ thuật chăn nuôi bò do Trường Trung cấp nghề của huyện Yên Thành tổ chức, hào hứng kể: “Năm 2020, gia đình được bình xét nhận hỗ trợ 8 triệu đồng để mua một con bò với điều kiện là phải có “bằng chăn nuôi bò”. Lúc đầu, tôi cũng băn khoăn vì truyền thống của quê hương làm nông nên nói đi học chăn nuôi bò ai cũng cười. Nhưng có học mới biết mình còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng chăn nuôi. Được các thầy giáo hướng dẫn tận tình, chi tiết, tôi học được thêm nhiều điều hay để về áp dụng vào thực tiễn”.
Được hỗ trợ bò sinh sản, giờ đây gia đình chị Hương đã thoát nghèo, trong câu chuyện với chúng tôi, chị luôn bày tỏ cảm ơn cán bộ Mặt trận huyện, xã đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để gia đình có cuộc sống hiện nay. Ở huyện Yên Thành, không chỉ gia đình chị Hương, mà có hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ tiền mua bò thông qua cách làm trên từ nguồn quỹ được Ủy ban MTTQ huyện vận động hàng năm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan cấp huyện và giáo viên trong toàn huyện.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Thành Nguyễn Công Chúc cho hay: “Mỗi người ủng hộ 1 ngày lương, tính ra mỗi năm quỹ được khoảng 700 triệu đồng. Từ nguồn vận động trên, chúng tôi triển khai đến tất cả các xã, thị trấn và Ban công tác Mặt trận ở thôn, xóm bình xét hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ kinh phí mua bò sinh sản. Sau khi bình xét xong, các hộ đó sẽ về Trường Trung cấp nghề của huyện để học kỹ thuật chăn nuôi bò hoàn toàn miễn phí. Bà con có chứng chỉ rồi, tự tay lựa chọn được con bò ưng ý, Mặt trận sẽ tiến hành giải ngân tiền hỗ trợ”… Ngoài phần kinh phí hỗ trợ của Mặt trận không cần hoàn lại, các hộ có trách nhiệm đối ứng phần còn lại để mua bò, nếu không bố trí được thì Mặt trận liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho họ vay. Cách làm này đánh trúng tâm lý “của đau con xót”, để mỗi hộ nghèo, cận nghèo cần mẫn, chăm chỉ, nỗ lực hơn trong hành trình thoát nghèo và cũng nhằm tạo cơ hội cho nhiều người nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ hơn.
Trên bình diện toàn tỉnh Nghệ An, gắn với hoạt động của Mặt trận các cấp đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để giúp các hộ nghèo, cận nghèo như cho vay vốn không lấy lãi từ 20 – 50 triệu đồng/hộ để đầu tư nuôi bò vỗ béo, trong vòng 3 năm thu hồi vốn để tiếp tục chuyển hộ nghèo khác vay ở huyện nghèo Tương Dương; hay như mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” ở huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn đã kịp thời hỗ trợ nhiều gia đình có hoàn cảnh túng bấn, ốm đau, tai nạn bất ngờ vượt qua giai đoạn bĩ cực…