Đầu tháng 3/2024, đoàn công tác Báo Nghệ An được giới thiệu vào thăm Diên Lãm trước khi làm việc với Huyện ủy Quỳ Châu. Vào Diên Lãm, bởi như cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy giải thích: “Đây là một trong những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nhất của huyện nhưng có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp và đã có một số mô hình tốt như bảo vệ rừng, bảo tồn một số loài cá đặc sản…”.
Diên Lãm là một trong những vùng đất cuối của huyện Quỳ Châu, giáp ranh với các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương. Đường lên Diên Lãm, có thể theo Quốc lộ 48A đến thị trấn Tân Lạc, từ đây rẽ vào Tỉnh lộ 544 qua xã Châu Hạnh, ngược đỉnh Bù Sen, qua xã Châu Phong. Hoặc cũng theo Quốc lộ 48A, nhưng đến ngã ba Săng Lẻ thì rẽ vào Quốc lộ 48D, sau đó qua các địa danh Tam Hợp, Thọ Hợp, thị trấn Quỳ Hợp, Châu Quang, Châu Cường, Châu Thành (Quỳ Hợp) lên xã Châu Phong rồi ngược lên Diên Lãm. Lựa chọn tuyến đường thứ hai, từ thành phố Vinh xuất phát lúc 6h sáng, sau gần 4 giờ đồng hồ chạy xe ô tô, chúng tôi đến được Diên Lãm.
Cảm nhận đầu tiên, Diên Lãm là một không gian xanh quá đỗi bình yên. Trong tiết tháng Ba mát dịu, những vườn cây trong các bản làng, những thửa ruộng lúa bậc thang bước vào thì con gái, những cánh rừng tự nhiên đậm đặc các tầng cây trên hầu khắp núi đồi lô xô bao bọc bản làng…, tạo nên một quần thể đa dạng những màu xanh. Xanh đến độ khách đến từ thành phố Vinh không ai khỏi tấm tắc trầm trồ, cảm được một không gian sống an nhiên thư thái hoàn toàn trái ngược với đông đúc ngột ngạt đô thị…
Thấy khách trầm trồ thế, cán bộ xã Diên Lãm phấn khởi khái quát: Tứ bề Diên Lãm được bao bọc bởi núi và rừng. Nam có dãy Pù Huống với đỉnh cao 1.161m xuất phát từ biên giới Việt – Lào tạo nên ranh giới giữa huyện Quỳ Châu với 2 huyện Con Cuông và Tương Dương. Phía Đông có dãy Pù Cô với đỉnh cao 1.124m, là ranh giới giữa Diên Lãm với 2 xã Châu Cường, Châu Thành (Quỳ Hợp). Phía Tây Bắc có dãy Pù Hốc với đỉnh Chóm Hén cao 485m tạo ranh giới giữa Diên Lãm với 2 xã Châu Hoàn, Châu Phong. Các bản dân cư của Diễn Lãm phân bố tại các thung lũng dưới chân các dãy núi, dưới các mái rừng tự nhiên nguyên sinh với diện tích hơn 13.000ha được quản lý bởi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Ban quản lý Rừng phòng hộ Quỳ Châu và UBND xã. Diên Lãm có nhiều khe suối, bởi rừng tự nhiên nguyên sinh được gìn giữ bảo vệ nên giữ được nguồn nước ngọt lành. Trong đó, khe Cướm với nguồn nước lớn nhất chảy vắt qua nhiều thôn, bản, tưới mát cho hầu hết đồng ruộng…
Và để đoàn có cái nhìn chân thật, sau mươi phút vắn tắt, các cán bộ Diên Lãm đưa đi thăm vùng rừng tự nhiên cộng đồng Bản Hốc bảo vệ. Với diện tích trên 200ha, rừng bản Hốc trải dài khoảng 5km, từ chân núi Pù Sen kéo lên đến địa giới xã Châu Hoàn. Đường lên rừng khá gần. Dù đoàn có thành viên nữ nhưng cũng chỉ khoảng 20 phút đi bộ, qua một cánh đồng cùng một thảm rừng cọ với những tán lá như chiếc ô che xanh thẫm, thêm một đoạn dốc thoải là đến. Dưới tán rừng cảm nhận không khí mát đến se sắt lạnh, có thể thấy thảm thực vật ở đây đa dạng, và đang được bảo vệ rất tốt. Tầng cao san sát nhiều loại cây gỗ thân thẳng đứng như ràng ràng, dẻ, dã chèo… chu vi gốc 30 – 50cm; còn tầng dưới, lúp xúp nhiều loài cây bụi nứa, lùng, thảo mộc xen lẫn cây dược liệu. Trong đó, có những loại cây dược liệu khá quen thuộc, giá trị kinh tế cao như quế, sa nhân, trà hoa vàng…
Thỏa thích ngắm rừng bản Hốc hơn nửa giờ đồng hồ, chúng tôi được đưa đi thăm khe Cướm. Như Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng giới thiệu, khe Cướm đang được thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển thủy sản cá Mát. “Sau một thời gian bảo vệ, ở khe Cướm bây giờ có một số khúc rất nhiều cá mát. Đứng trên cầu Sốp Lịch hoặc cầu bản Cướm cũng có thể thấy được từng đàn cá mát nối đuôi nhau…” – anh cho hay. Và quả như lời Chủ tịch UBND xã Diễn Lãm nói không sai. Đứng trên cầu bản Cướm vẩy nhẹ ít cám, dưới khe nước trong vắt tận đáy, thấy rõ những đàn cá với số lượng rất lớn bơi lượn đớp mồi. Một thanh niên được Ban quản lý bản Cướm cho phép “thả một tay lưới để đoàn rõ hơn về cá mát Diên Lãm”. Vừa giăng lưới, vừa ngụp lặn xua cá trong thời gian chừng 10 phút, thanh niên bản Cướm đưa lên khoảng hơn vài chục con cá mát, ước chừng hơn 1,5kg. Con nào cũng dày thịt, săn chắc, có vảy bạc lấp lánh ánh xanh dương rất đẹp…
Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm…, nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh. Bởi vậy, đã ngược lên ít ngày sau đó để hiểu hơn phương cách gìn giữ miền xanh.
Người chúng tôi được xã giới thiệu để gặp là người già uy tín bản Cướm, ông Lữ Trọng Bằng. Là người có công nghiên cứu văn hóa – tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian, vào năm 2022, ông Bằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nhưng như thấu tỏ niềm mong của khách, trong hơn một giờ trò chuyện, ông chỉ “xoay” quanh câu chuyện tình người Diên Lãm và những giá trị thiên nhiên mang lại cho vùng đất này.
Ông Bằng mặn mà câu chuyện: “Ở Diên Lãm, giả sử có gia đình nào làm nhà cho con cái ra ở riêng, hoặc gia đình nào có người mất thì nhân dân trong bản chúng tôi sẽ đến giúp đỡ. Chúng tôi giúp đỡ hoàn toàn tự nguyện chứ không chờ Ban quản lý bản kêu gọi nhắc nhở. Như cách người xuôi hay nói “thương người như thể thương thân”… Diên Lãm chúng tôi có nhiều đặc điểm riêng. Con trâu Diên Lãm đi lạc, người vùng khác sẽ biết đấy là trâu của người dân Diên Lãm. Phụ nữ Diên Lãm làm rơi chiếc khăn, người nơi khác sẽ biết đấy là khăn của phụ nữ Diên Lãm. Đàn ông Diên Lãm rất khỏe mạnh, phụ nữ Diên Lãm thì cao ráo… Sở dĩ vậy vì Diên Lãm được thiên nhiên ưu đãi, có rừng nguyên sinh rộng lớn với nhiều cây gỗ quý hiếm như pơ mu, sa mu và nhiều loại cây dược liệu, có dày đặc khe suối với nhiều loài cá đặc sản. Chính nhờ môi trường thiên nhiên trong lành như thế, con người, cảnh vật ở Diên Lãm mới có được những nét riêng…”.
Hỏi ông Bằng: Cuộc sống của người dân Diên Lãm vẫn gắn bó mật thiết với rừng, làm thế nào để người dân tạo được ý thức, để không tác động, gây ảnh hưởng đến rừng? Được ông trả lời, mỗi người dân Diên Lãm đều có ý thức cần bảo vệ rừng. Trước đây, nếu lấy cây rừng thì cũng chỉ là để sử dụng cho gia đình. Nay rừng tự nhiên nguyên sinh được Nhà nước giao cho 3 đơn vị quản lý, gồm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu và UBND xã. 3 đơn vị này có phương pháp quản lý riêng để cộng đồng thôn, bản cùng tham gia bảo vệ rừng. Như rừng bản Hốc, sau khi được giao cộng đồng thôn, bản đã xây dựng quy ước để dân bản chấp hành nghiêm ngặt. Hay như Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, để bảo vệ hàng nghìn ha rừng nguyên sinh, cũng xây dựng phương án bảo vệ rừng để cộng đồng thôn, bản ủng hộ, tích cực tham gia…
Về việc giữ rừng bản Hốc, chúng tôi đã được gặp, nghe Bí thư Chi bộ Quang Văn Đồng trao đổi. Theo ông Đồng, rừng bản Hốc là kho báu ông cha để lại. Năm 2002, khi có phương án chia rừng giao cho hộ dân thì những người cao tuổi của bản nhất định không đồng ý, quyết giữ lại rừng cho tập thể để cộng đồng thôn, bản quản lý, gìn giữ để truyền lại cho con cháu mai sau. “Đây là rừng đầu nguồn để giữ nước, giữ tài nguyên rừng. Nếu chia cho các hộ dân, rừng sẽ thuộc về cá nhân làm sao quản lý nổi…” – ông Đồng nói.
Cũng theo ông Đồng, trước đây khi người trẻ bản Hốc lập gia đình thì có quy định cho khai thác một phần dưới sự giám sát của Trưởng bản để thêm vào dựng nhà. Đến năm 2016, bản không cho phép bất kỳ ai được chặt gỗ rừng, xâm phạm đến rừng. Quy ước của bản nêu rõ 5 điều cấm. Thứ nhất, cấm không được lấn chiếm đất rừng cộng đồng; thứ hai, cấm không được phát nương làm rẫy trong rừng cộng đồng; thứ ba, cấm không được khai thác bừa bãi các loại lâm sản trong rừng cộng đồng; thứ tư, cấm dùng lửa trong rừng cộng đồng; thứ năm, cấm săn bắt động vật quý hiếm trong rừng cộng đồng. Quy ước nghiêm ngặt như vậy nên những ai vi phạm đều bị bản xử phạt rất nặng. “Từ khi có quy ước, không người dân nào ở bản Hốc vi phạm. Chỉ có một số vụ người dân Châu Hoàn phá rừng, khai thác trái phép lâm sản nhưng đều bị phát hiện và bị cộng đồng bản Hốc xử phạt rất nặng, bắt viết cam kết không được tái phạm…” – ông Đồng kể.
Về quyền lợi của người dân bản Hốc, Bí thư Chi bộ bản Hốc cho biết, được vào rừng tìm lấy sa nhân, quế, mật ong, các loại cây thuốc và cành cây khô làm củi. Bên cạnh đó, hàng năm cộng đồng bản Hốc được hưởng 31 triệu đồng từ chính sách dịch vụ môi trường rừng; năm 2024 này được hưởng thêm nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng với số tiền 73 triệu đồng. Hơn 100 triệu đồng này, bản thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên, là chi cho công tác bảo vệ rừng. Mỗi tháng, cộng đồng bản Hốc tổ chức 2 cuộc tuần tra rừng; hàng quý và cuối năm thì tổ chức họp để sơ kết, tổng kết đánh giá. “Dân bản ai cũng ý thức, chấp hành rất tốt. Vì vậy, rừng bản Hốc đang được phục hồi phát triển rất tốt để dần trở thành rừng nguyên sinh…” – ông Quang Văn Đồng phấn khởi.
Ở Diên Lãm chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Được xác nhận rừng Diên Lãm phần lớn là rừng đặc dụng với diện tích 7.869,6ha. Rừng có mật độ che phủ cao, hệ sinh thái phong phú đa dạng, đang lưu giữ bảo tồn được nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị cao về kinh tế và có ý nghĩa lớn trong nghiên cứu khoa học. Điển hình như có các loài cây pơ mu, sa mu dầu, sâm 7 lá 1 hoa…; các loài động vật quý hiếm như cu li, vượn đen tuyền, vượn đen bạc má, voọc xám, trĩ sao, gà lôi trắng… Về công tác bảo vệ rừng, bằng nguồn dự án chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và bảo vệ rừng bền vững, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống tổ chức ký hợp đồng với các nhóm cộng đồng dân cư bảo vệ rừng theo từng năm một. Một nhóm như vậy có khoảng 70 hộ trở lên, sau đó chia thành các tổ nhỏ, mỗi tổ 5 người. Trạm bảo vệ rừng Diên Lãm – Châu Hoàn có trách nhiệm giao lâm phần cho các tổ, và giám sát chỉ đạo thực hiện tuần tra rừng.
Theo Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Diên Lãm – Châu Hoàn Nguyễn Đình Hoàng: “Hằng tháng, mỗi tổ thực hiện 2 đợt tuần tra rừng, mỗi đợt 2 ngày. Vì vậy, bất kỳ ngày nào ở Diên Lãm cũng có ít nhất một tổ tuần tra rừng. Kết thúc mỗi chuyến tuần tra, tổ trưởng của mỗi tổ sẽ có trách nhiệm ghi thông tin, ký xác nhận vào sổ nhật ký; đồng thời viết biên bản, báo cáo tuần tra rồi gửi kèm hình ảnh tuần tra, lâm phần được giao bảo vệ qua Zalo của nhóm để trạm lưu giữ, báo cáo cấp trên…”.
Đã có những khát vọng đổi mới từ Diên Lãm được ấp ủ, nói ra. Những khát vọng ấy, đều trên nền tảng những gì sẵn có. Như trăn trở của Chủ tịch UBND xã Diêm Lãm Nguyễn Văn Dũng: “Vùng đất Diên Lãm được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh nên cấp ủy, chính quyền xã luôn khát khao tìm hướng khai thác được các giá trị này, để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, từng bước thay đổi đời sống nhân dân. Việc Diên Lãm tập trung gìn giữ bảo vệ rừng, thực hiện bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản cũng là đang khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên, giúp nhân dân phát triển kinh tế và hướng đến phát triển du lịch sinh thái trong tương lai…”.
Hay như Nghệ nhân Ưu tú Lữ Trọng Bằng bộc bạch rằng, ông thiết tha mong muốn lan tỏa những nét văn hóa đẹp như Lễ hội Lống Tồng, Lễ hội Xăng Khan, Lễ Pù xưa…; các loại hình dân ca nhuôn, xuối, lắm, các loại hình dân vũ như xái cỏng, xái lau, xái đang…, để Diên Lãm được xã hội biết đến nhiều hơn.
Qua hai lần lên Diên Lãm, nghe những tâm sự này thì hiểu vùng đất xa xôi của huyện núi Quỳ Châu hẵng còn lắm khó khăn. Nhưng tin, khi cán bộ cùng nhân dân có chung khát vọng thì sẽ đoàn kết gắn bó để phát huy được những giá trị nội tại; và tin, với một tài sản to lớn mà thiên nhiên ban tặng, Diên Lãm sẽ sớm có được những hỗ trợ về mọi mặt để từng bước thay đổi. Tin, vì miền xanh Diên Lãm, xứng là điểm đến quan trọng của huyện Quỳ Châu!