Vào tháng 1/2019, ở huyện biên giới Kỳ Sơn, lần đầu tiên sẽ có một giáo viên dạy Văn cấp 2 bảo vệ luận án tiến sĩ. Đó chính là cô giáo Lã Thị Thanh Huyền – giáo viên Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi. Cô Huyền chính là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, rèn luyện để nâng cao hiệu quả công tác.
Yêu thích và đam mê nghề giáo nên sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Quốc gia Hà Nội, tân cử nhân Lã Thị Thanh Huyền đăng ký học thêm nghiệp vụ sư phạm; nên sau khi về quê, cô gái người thành phố Vinh đã mạnh dạn đăng ký nguyện vọng lên công tác ở huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, cách nhà 250 km, bất chấp sự ngăn cản của gia đình….
Được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn tiếp nhận và phân công về dạy tại Trường THCS Mường Lống, có lẽ cô giáo “tiểu thư” này không thể hình dung nổi hiện thực cuộc sống lại “khốc liệt” đến thế. Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền kể lại: “Những năm 2002, đường từ thị trấn Mường Xén vào xã Mường Lống khó khăn lắm. 50 km đường đất đỏ, vào ngày mưa hết sức trơn trượt, đi lại có khi mất cả một ngày trời. Thời tiết nơi cổng trời này hết sức khắc nghiệt. Một ngày bốn mùa, lạnh, độ ẩm không dễ thích nghi. Điện, nước sạch, điều kiện chăm sóc sức khỏe và mọi tiện nghi đều thiếu thốn”.
Nhưng khó “chấp nhận” nhất với cô giáo mới này đó là công việc: Nơi đây, sự học khác miền xuôi, được “gán” hoàn toàn cho nhà trường và thầy cô giáo. Học sinh người Mông hạn chế ngôn ngữ tiếng Việt, thành thử việc tiếp nhận kiến thức chậm hơn nhiều so với miền xuôi. Cô giáo Thanh Huyền chia sẻ: “Giáo viên miền xuôi mới lên không biết tiếng Mông, vậy nên, gần như không thể dạy theo đúng giáo trình, giáo án, sách giáo khoa và chương trình lên sẵn. Đây là một nghịch cảnh đối với bất cứ một giáo viên trẻ nào tâm huyết”.
Không chấp nhận nghịch cảnh này, cô giáo trẻ Lã Thị Thanh Huyền đã tìm cách khắc phục bằng việc tích cực học tiếng Mông bản địa. Cô giáo Huyền chia sẻ chuyện cũ: “Mình đã học tiếng Mông từ những giáo viên lâu năm của trường; tranh thủ mọi nơi mọi lúc để tìm cách giao tiếp với người dân Mường Lống. Mình học từ các em học sinh của mình. Thời gian rảnh thì vào bản để tìm hiểu những phong tục tập quán, hiểu thêm về tính cách tộc người”.
Việc học tiếng Mông đã giúp cô giáo Huyền hiểu được tính cách, đặc thù hoàn cảnh của từng học sinh, biết được học sinh mình thiếu gì để bù đắp. Cô và trò đã xích lại gần nhau, kỹ năng nghe – nói – đọc – viết của các em học sinh cô dạy dần tốt lên, vậy nên lượng tri thức được truyền tải nhiều hơn. Nhờ đó, trong những năm dạy ở Trường THCS Mường Lống, cô giáo Lã Thị Thanh Huyền liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, là Tổ trưởng chuyên môn và đạt Chiến sĩ thi đua cấp huyện.
Cũng từ việc học tiếng Mông, cô giáo Huyền đã “bén duyên” rồi nên duyên cùng chồng vào năm 2004. Chồng cô là giáo viên cùng trường. Anh là người Mông ở xã Mường Lống. Cô giáo Huyền tâm tình: “Lên Kỳ Sơn dạy học, rồi lại kết hôn cùng người bản địa, nói thật là bố mẹ không hài lòng và ngăn cản. Nhưng mình đã yêu thì quyết tâm. Và rồi dần dà, bố mẹ cũng thương con, quý rể, yêu 2 cháu. Thương 2 vợ chồng trẻ lương thấp, thương cháu sống trong điều kiện thiếu thốn, hơn 1 tuổi, ông bà ngoại đưa cháu về Vinh chăm sóc, ăn học…Với mình, 2 con là người Mông Mường Lống và Kỳ Sơn đã là quê hương thứ hai”.
Cuộc sống gia đình của cô giáo miền xuôi làm dâu bản Mông đã có những rạn nứt vì những bất đồng. Một phần sở thích ham học hỏi, nghiên cứu về phương pháp dạy học, thêm phần buồn chuyện gia đình, cô giáo Huyền đã xin phòng giáo dục và UBND huyện Kỳ Sơn được đi học thêm, học lên Thạc sĩ. “Trước đây mình cứ nghĩ có bằng Đại học là chuẩn rồi, không phải học thêm nữa. Nhưng đến khi đi dạy học, càng dạy thì lại thấy không đủ, nếu cứ dạy và áp theo các quy định chuyên môn thì rất khó. Mình muốn tìm tòi thêm về phương pháp dạy học nên năm 2011 đăng ký thi, học thạc sĩ tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh, chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn tiếng Việt” – cô Huyền nói.
Năm 2013, cô giáo Huyền bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, trở về đi dạy. Cũng năm này, cô và chồng chia tay vì những bất đồng không thể hàn gắn. Cảm giác khó có thể tiếp tục cuộc sống ở nơi cũ, cô xin phòng giáo dục huyện chuyển về Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi dạy học. Tương tự Mường Lống, Na Ngoi cũng là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, đường xá đi lại ở đây thậm chí còn khó khăn hơn. Ở Na Ngoi, dân tộc Mông chiếm đại đa số trong cơ cấu dân cư.
Việc dạy và học ở Na Ngoi cũng có những khó khăn tương tự như Mường Lống, đó là sự thiếu quan tâm của phụ huynh. Đặc thù của trường bán trú, thầy cô giáo chính là cha, mẹ lo cho các trò từng bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thiếu thốn. Ý thức về học tập của các em học sinh chưa cao, nhiều học sinh bỏ học. Ngoài ra, học sinh cộng đồng ít người hơn như Thái, Khơ mú cũng có những tâm lý “yếm thế” riêng…Vậy nên, lo cho học sinh Na Ngoi, ngoài việc dạy học còn đi kèm nhiều công việc khác như quản lý học sinh, ổn định ăn ở, nề nếp…
Môi trường mới, thêm những khó khăn mới, lại một lần nữa “kích thích” sự ham học hỏi của cô giáo Huyền. Cũng trong thời gian này, những giảng viên trường Đại học Vinh thường xuyên liên lạc với cô, động viên cô nên tiếp tục phát triển luận văn về đề tài phương pháp dạy học cho học sinh người dân tộc Mông trở thành luận án… Được sự động viên, sự ủng hộ của ban giám hiệu và các giáo viên Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi, phòng giáo dục huyện, năm 2014, cô giáo Lã Thị Thanh Huyền lại quyết tâm vượt khó, “xuống núi tu học”.
Cái sự vượt khó nằm ở chỗ: Trường Đại học Vinh, chuyên ngành cô theo đuổi không đào tạo Tiến sĩ, cô giáo Huyền phải dự tuyển, học tại Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Trong 2 năm 2014-2015, cô phải “đi học và đi dạy” để có tiền lương cộng thêm tiền đứng lớp, đảm bảo học phí, tiền ăn ở, đi lại cũng như để nuôi con… . Quá trình đi lại quá vất vả từ năm 2016 – 2017, cô giáo Huyền xin tạm nghỉ công tác, tập trung việc nghiên cứu. Và đến năm học 2018 – 2019 này, việc nghiên cứu của cô giáo đã cơ bản hoàn thành và trở lại Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi dạy học.
Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền cho hay: “Đến nay, việc nghiên cứu của mình đã hoàn thành 90% khối lượng, đã bảo vệ xong luận án cấp cơ sở và đang chờ bảo vệ cấp trường. Dự kiến cuối tháng 12/2018 – đầu tháng 1/2019 sẽ hoàn thành. Đến lúc đó mình sẽ được toàn tâm toàn ý với việc dạy học cho học sinh. Kỳ Sơn là quê hương mình. Mình hiện vẫn chưa làm được gì cho quê hương”. “Luận án của mình tập trung nội dung phương pháp dạy môn Văn – Tiếng Việt cho học sinh người Mông. Theo mình, dạy Văn không chỉ hướng tới vẻ đẹp ngôn từ mà hướng tới cho học sinh năng lực giao tiếp, kỹ năng nghe – nói – đọc tiếng Việt. Từ hiểu, yêu tiếng Việt, các em học sinh người Mông sẽ hiểu các môn học khác, rồi từ đó quay lại yêu môn Văn”./.
Thầy giáo Phạm Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi cho biết: Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn đã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Cô giáo Huyền chính là một trong những tấm gương sáng về tự học, tự rèn luyện để nâng cao hiệu quả công tác dạy học. Ở trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi cũng đã có khá nhiều giáo viên hoàn thành chương trình thạc sĩ. Nhà trường luôn tạo điều kiện để các giáo viên đi học, nâng cao trình độ mọi mặt.
Trần Thị Thuỳ Dung
Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền đã làm rạng danh lớp C1 khoá 1994-1997 THPT Lê Viết Thuật👏👏💐
Trần Thị Thuỳ Dung
Xin chúc mừng bạn, chúc bạn và gia đình mọi sự tốt lành!😍😍