Ms Hoa tên thật là Nguyễn Thị Hoa, sinh ra và lớn lên ở vùng quê hiếu học Quỳnh Lưu, Nghệ An. Gia đình không có truyền thống công tác trong ngành Giáo dục, song từ thuở ấu thơ, 5 chị em Hoa may mắn có được một “người thầy” mẫu mực, lớn lên trong sự răn dạy nghiêm cẩn, lễ nghĩa và ý chí cầu tiến từ người cha của mình. Cũng như nhiều gia đình khác ở mảnh đất nắng gió miền Trung, ngày ấy, điều kiện kinh tế gia đình Hoa chẳng lấy gì làm khấm khá. Điều duy nhất neo giữ tâm trí chị em Hoa suốt quá trình trưởng thành là phải nỗ lực học tập thật tốt để bố mẹ tự hào.
Là ý chí nỗ lực vậy, nhưng với bộ môn tiếng Anh, thật khó để “chinh phục” bởi điều kiện hạn chế, sách vở tài liệu không có nhiều, các thiết bị hỗ trợ nghe – nói chẳng có sẵn… Thêm nữa, những năm 90 của thế kỷ trước, với những cô bé, cậu bé ở miền quê nghèo như nơi Hoa sống, ít người nhận thức được giá trị quan trọng của ngoại ngữ với tương lai. Học tiếng Anh để làm gì? Tại sao phải học tốt tiếng Anh? Chẳng ai nói với Hoa và các bạn điều đó. Mọi người chỉ học tiếng Anh ở trường như một môn học bắt buộc. Học để lấy điểm, để thi qua môn.
“May mắn với tôi là vào cấp 2 được gặp cô giáo dạy tiếng Anh rất hay. Cô thường động viên, khích lệ các bạn theo đuổi ngoại ngữ để khẳng định và chinh phục bản thân; để thấy rằng “à, khó như tiếng Anh mà mình cũng thừa sức làm được”! Cô động viên chúng tôi cứ tự tin viết và nói tiếng Anh thoải mái, đừng sợ sai; cũng không chê bai, đả kích khi có ai đó ngô nghê trong phát âm… Cách giáo dục tích cực ấy đã trở thành động lực, niềm tin để tôi khơi mở tình yêu, đam mê Anh ngữ vô điều kiện” – Nguyễn Thị Hoa nhớ lại.
Học Tiếng Anh “kiểu con nhà nghèo” phải bắt đầu từ đâu? “Bắt đầu từ việc “nhìn sâu” qua lớp vỏ ngôn ngữ để thấm thía được vẻ đẹp văn hoá mà “nó” chuyên chở” – Hoa chia sẻ. Khi nhìn mọi vật, bản thân Hoa hay đặt ra nhiều câu hỏi, thậm chí ngây ngô. Chính sự phóng khoáng của thứ ngôn ngữ mới lại phù hợp với tính cách của Hoa. Mỗi lần học từ mới, Hoa thường đặt cảm xúc vào mỗi ngôn từ để cảm nhận và tìm điều khác biệt. Chẳng hạn “fireworks” đơn thuần là pháo hoa, song cô bé Nguyễn Thị Hoa lại nhìn thấy sự kết hợp của “fire – lửa” và “works – kiệt tác”, khiến từ “fireworks” trở nên đẹp đẽ với ý nghĩa “kiệt tác của lửa”. Từ “firefighter” nếu mọi người chỉ nghĩ là “lính cứu hỏa”, thì Hoa lại thấy đó là “vị anh hùng chiến đấu với lửa” – một nghề cao quý, bởi “fighter” có nghĩa là “chiến binh”…
Bên cạnh đó, thêm một “bí quyết” để học từ vựng tiếng Anh hiệu quả mà Nguyễn Thị Hoa đúc kết được, đó là học theo cụm từ, đặt vào hoàn cảnh cụ thể, song phải kiến tạo cách học của riêng mình. Hoa thường phân tích gốc nghĩa của từ theo con mắt của người bản ngữ, với sự khác biệt tư duy về văn hóa. Thay vì học thuộc “waiter” là người bồi bàn, thì Hoa lại chú ý đến “wait – chờ đợi”. Hiểu theo cách thú vị hơn, “waiter” là một người chờ người khác gọi món. Người học dịch “businessman” là doanh nhân – một nghề địa vị cao trong xã hội, song người bản xứ chỉ coi đó là một người đàn ông bận rộn thôi, bởi trong “businessman” có chứa “busy – bận rộn”…; qua đó có thể thấy sự khác biệt về văn hoá khi ở nước ngoài, các nghề nghiệp đều bình đẳng như nhau, không phân biệt sang quý hay thấp hèn. Với cách học như thế, Nguyễn Thị Hoa thi đỗ vào Chuyên Anh Trường THPT Phan Bội Châu và sau đó là Đại học Ngoại thương.
Nhiều người hỏi Hoa: Vì sao một người con quê hương Nghệ An, giọng nói nằng nặng “gió Lào cát trắng” mà lại đủ tự tin để khởi nghiệp bằng con đường giáo dục Anh ngữ? Hoa cười bảo: “Từ câu chuyện cá nhân mình, tôi tin rằng bất cứ ai cũng có thể học tốt tiếng Anh, dù bạn sinh ra và lớn lên ở đâu, trong điều kiện như thế nào. Có muôn vàn cách để học tốt, nhưng tôi trao truyền cho các bạn con đường đến với tiếng Anh đầy niềm vui của sự khám phá, sáng tạo phương pháp học theo cảm nhận riêng. Đừng quan tâm người khác đánh giá như thế nào, mà hãy là chính mình, đặt cảm xúc vào ngôn ngữ. Mỗi ngày, người học sẽ thấy mình phát hiện ra một điều thú vị, có thêm niềm vui và cảm hứng mới. Khi đó, học ngôn ngữ giống như quá trình khẳng định giá trị bản thân và làm cuộc sống trở nên tuyệt vời hơn”. Xa quê hơn chục năm, sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội, song Nguyễn Thị Hoa vẫn tròn trịa giọng nói quê hương. Vẫn là giọng Nghệ với một chút gì đó mặn mòi, một chút gì đó chân chất, Hoa tự tin giữ giọng gốc quê mình trong mọi giao tiếp, bởi: “Giọng Nghệ An hay và đặc biệt! Dù đi đâu, làm gì, tôi cũng tự hào là người con quê hương hiếu học, cần cù, khẳng khái!”
Hỏi Nguyễn Thị Hoa rằng: Tâm niệm của Ms Hoa bây giờ và cô bé Nguyễn Thị Hoa của thời niên thiếu ấy có gì khác nhau? Ms Hoa cười bảo: “Có khác, mà dường như cũng không khác! Là bởi vẫn yêu tiếng Anh như thế, thậm chí yêu hơn. Còn bởi vẫn vẹn nguyên hôi hổi nhiệt huyết, đam mê; vẫn tâm niệm hồn nhiên cho đi trước khi mong cầu nhận lại; và đo đếm thành công của bản thân bằng đích đến của nhiều học sinh, học viên – những người học tiếng Anh Ms Hoa để mong đạt được điều gì đó trong cuộc sống”.
Ms Hoa là thương hiệu cá nhân được xây dựng từ năm 2012, bắt đầu từ một website miễn phí www.anhngumshoa.com chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh của bản thân. Ở đó có rất nhiều bộ đề thi TOEIC, mẹo tránh “bẫy” đề thi, video hướng dẫn phát âm, mẫu câu gần gũi với cuộc sống đời thường… Đặc biệt, website còn được thiết kế giúp học viên tương tác với bài giảng, khơi dậy hứng thú học tập hơn. Trong căn phòng thuê trọ chỉ rộng khoảng 25m2, ngày đi dạy thêm, đêm về chong đèn soạn bài đưa lên website, miệt mài cần mẫn đến mức có nhiều lúc nhập viện vì kiệt sức, nhưng Ms Hoa chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc. Website dần được nhiều người biết đến và chạm mốc tăng trưởng một triệu lượt truy cập mỗi tháng. Cái chất Nghệ kiên trì, quyết đoán và cả liều lĩnh nắm bắt cơ hội đã đưa Ms Hoa đi rất xa: gần 1 thập kỷ, từ 1 cơ sở nhỏ ban đầu ở Thanh Xuân (Hà Nội), đến nay đã có hơn 50 cơ sở đào tạo ở khắp 8 tỉnh, thành trong cả nước, gần 1.000 nhân sự giáo viên và nhân viên văn phòng…
Ấy nhưng, Ms Hoa quan niệm rằng những con số tăng trưởng ấy chưa hẳn là mốc son để đánh dấu thành công. Đúng hơn, thành công của người dạy là khi khơi dậy đam mê chinh phục tiếng Anh của học sinh, là khi học sinh đạt được điểm cao trong các kỳ thi, là khi tiếng Anh Ms Hoa chắp cánh cho họ đến những phương trời xa… Mang sứ mệnh giúp 10 triệu người Việt tự tin nói tiếng Anh, bao kỷ niệm xúc động và hạnh phúc nhất của Ms Hoa đều gắn với hình ảnh học sinh: những người không quản xa xôi, đạp xe 20 km đi học, không bỏ buổi nào với hy vọng lấy bằng được TOEIC 900; có người lại phóng xe suốt hai giờ đồng hồ từ Hải Phòng lên Hà Nội học rồi lại chạy về giữa đêm; có người nhập học với xuất phát điểm rất thấp, tốt nghiệp khoá học với bằng cấp cao, giúp họ ứng cử thành công vị trí công việc tốt ở tập đoàn nước ngoài… Có được biết bao kết quả mỹ mãn ấy là nhờ phương pháp dạy và học đề cao tính tương tác, trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Ở các lớp học thuộc hệ thống Anh ngữ Ms Hoa và thương hiệu IMAP, học viên được trao quyền đánh giá giảng viên dựa trên bộ tiêu chí về kỹ năng tương tác, giọng nói, năng lượng, cách kể chuyện, đặt câu hỏi, truyền cảm hứng… Mỗi khóa, học viên sẽ có ba lần chia sẻ cảm nghĩ về cách giảng dạy, hướng dẫn của giảng viên đứng lớp. Nếu không may nhận bất kỳ điểm dưới 9 nào từ học viên, thầy cô đó sẽ phải đào tạo lại hoặc dừng lớp.
Gần 1 thập kỷ xem tiếng Anh như là lẽ sống, từ một người khởi nghiệp mạo hiểm, Ms Hoa giờ đây được biết đến với vai trò một nhà sáng lập; điều duy nhất không hề đổi thay là năng lượng tích cực, nhiệt huyết và say nghề vẫn cháy bỏng trong huyết quản. Hiện Ms Hoa dành nhiều thời gian hơn cho tư vấn giáo dục cấp cao. Anh Ngữ Ms Hoa hiện là đơn vị độc quyền đào tạo tiếng Anh cho các tập đoàn lớn như Viettel, Agribank, BIDV, Panasonic, Enkei, VNPT… cùng hàng loạt trường đại học lớn trên cả nước. Ms Hoa còn nhiều lắm những dự định trong tương lai, một trong số đó là trở về Nghệ An, giúp con em quê hương mình bước ra cánh cửa toàn cầu bằng ngôn ngữ thứ 2. Thương hiệu IELTS Fighter, Ms Hoa giao tiếp và Anh ngữ Ms Hoa – 3 trong 5 thương hiệu do Ms Hoa sáng lập đã có mặt tại TP. Vinh vào tháng 5, như những viên gạch đầu tiên cho chặng đường tương lai ấy…/.