3 năm trước, cô giáo Lê Sa – Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 được giao chủ nhiệm lớp 10D và đảm nhiệm dạy môn Tiếng Anh của các lớp được xác định là lớp điểm của trường. So với mặt bằng chung, lớp của cô có điểm đầu vào nhỉnh hơn. Tuy nhiên, với môn Tiếng Anh, kết quả không khả quan vì đa phần điểm đầu vào lớp 10 của các em chỉ từ 1 – 3 điểm, có em chỉ 0,5 điểm. Ngay như ở lớp 10D, lớp thiên về Tiếng Anh, số học sinh có điểm trung bình trên 5 điểm chưa đến 30%. “Trình độ Tiếng Anh của các em khi đó như tờ giấy trắng” – cô Lê Sa nhớ lại.
Với xuất phát điểm quá thấp, việc ký cam kết để đảm bảo chất lượng đối với giáo viên Tiếng Anh là điều cần phải trăn trở. Tuy nhiên, cô giáo Lê Sa đặt mục tiêu tối thiểu các em phải đạt 5 điểm; những em có năng lực tốt hơn thì phải đạt điểm 7 trở lên để có cơ hội xét tuyển vào đại học. Kiên trì với mục tiêu này, 3 năm qua, cô giáo Lê Sa và nhiều đồng nghiệp khác ở trường đã “dạy ngày, dạy đêm, không tính công sức” để một phần vừa bổ sung lại kiến thức đã hổng của các em trong những năm tiểu học và THCS; một phần tiếp tục dạy kiến thức mới để các em theo kịp chương trình.
Trong quá trình dạy học, lớp được chia nhỏ theo từng nhóm, từ yếu, trung bình đến khá để dạy theo đúng đối tượng, giúp theo dõi sự tiến bộ của học sinh. Cô giáo theo dõi sát điểm số của từng bài kiểm tra, từng kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ. Rất cố gắng, thế nhưng đến đầu lớp 12, qua bài kiểm tra đầu năm học, nhóm khá nhất ở lớp 12D – Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 chỉ có 7/32 em kỳ vọng đạt từ điểm 7 trở lên. Con số này ở các lớp khác còn thấp hơn nữa. Để về đích theo đúng mục tiêu đã đặt ra, trong suốt 9 tháng của lớp 12, tổ Ngoại ngữ của Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 phải căng mình vừa tổ chức ôn tập cho học sinh, vừa tăng tốc để giúp các em có điểm số cao trong kỳ thi tốt nghiệp lấy cơ sở để xét tuyển vào đại học. Mỗi một điểm số được tăng lên, mỗi một sự tiến bộ của học trò không thể đếm được công sức và sự kiên trì của các thầy, cô giáo.
Sau nhiều nỗ lực, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vừa qua khiến cô và trò Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 vỡ òa niềm vui. Trong đó điểm Tiếng Anh đã nâng từ 5,8 điểm lên 6,42 điểm, xếp thứ 9 toàn tỉnh (cao hơn 1,42 điểm so với điểm trung bình chung toàn tỉnh và cao hơn 0,6 điểm so với ký cam kết trước đó). Riêng lớp 12D, điểm trung bình ngoại ngữ là 8,23 điểm, xếp thứ nhất toàn trường và thứ 29 toàn tỉnh. Trong lớp có 4 học sinh được lọt vào danh sách học sinh đạt điểm cao được tỉnh vinh danh.
Không chỉ riêng lớp 12D, giáo viên và học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 vừa kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với một kết quả “mỹ mãn” khi điểm trung bình chung xếp thứ 2 toàn tỉnh (chỉ đứng sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu). Trong đó riêng các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh, môn Vật lý xuất sắc vươn lên thứ 2, môn Toán đứng thứ 4…Trường có 12 học sinh lọt vào danh sách học sinh đạt điểm cao được vinh danh và là 1 trong 2 trường có số lượng đông nhất tỉnh. Kết quả này đều vượt và cao hơn kết quả mà giáo viên ký cam kết về đảm bảo chất lượng giáo dục.
Trước đó, theo dõi cả quá trình của học trò nhà trường, từ những ngày bước vào lớp 10 với điểm đầu vào khiêm tốn, học sinh đều là học sinh còn em người dân tộc thiểu số, nhiều em thuộc diện hộ nghèo và chứng kiến quá trình học, ôn thi và chạy đua với thời gian cho đến ngày cuối cùng trước kỳ thi mới thấy kết quả này không phải là sự nhất thời mà là sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ. Ngôi trường này cũng lập kỉ lục khi tổ chức đến 6 kỳ thi thử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm số cuối cùng đã phản ánh đúng việc học thật – thi thật và kết quả thật của nhà trường.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Thanh Chương) cũng đã về đích vượt mong đợi khi điểm trung bình của nhà trường tăng 0,1 điểm so với năm trước, trong đó có 8/9 môn có tiến bộ vượt bậc như Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ. Riêng các môn Hóa học vươn lên xếp thứ 2 toàn tỉnh (điểm trung bình 9,05) và Sinh học (điểm trung bình 7,66) đứng đầu toàn tỉnh.
Theo thầy giáo Lê Hải Nam – Phó Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2, một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công này đó là do nhà trường đã nỗ lực để thực hiện trong việc ký cam kết đảm bảo chất lượng đầu vào, trong đó có cam kết giữa hiệu trưởng nhà trường với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cam kết giữa các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn với ban giám hiệu nhà trường và có cả sự cam kết “ngầm” bằng trách nhiệm giữa giáo viên và chính học trò của mình. “Trước đây, khi đề ra nhiệm vụ năm học, chúng tôi vẫn quán triệt phải nỗ lực, phải cố gắng nhưng thực sự không biết đích đến là đâu. Tuy nhiên, khi đã ký cam kết bằng chính những con số cụ thể, với tiêu chí đầu ra phải cao hơn đầu vào, năm sau phải cao hơn năm trước, chúng tôi đã có mục tiêu để hướng tới. Đảm bảo chất lượng như ngọn hải đăng buộc tất cả giáo viên trong toàn trường phải theo đó để tiến bộ”, thầy giáo Lê Hải Nam nói.
Nói về quá trình thực hiện, Nguyễn Doãn Ngọc – giáo viên dạy môn Sinh học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Thanh Chương) cho biết: Khi nhà trường mới triển khai, bản thân thầy và nhiều giáo viên khác đều thấy áp lực. Tuy nhiên, khi đã ký cam kết, mỗi giáo viên đều phải nêu cao trách nhiệm của mình: Có những lần kiểm tra xong, nhìn kết quả của học trò, tôi thực sự lo lắng. Nhưng từ áp lực, chúng tôi biến đó thành động lực để cố gắng và kết quả tiến bộ vượt bậc của học sinh chính là hạnh phúc của các thầy giáo, cô giáo.
Thầy giáo Nguyễn Thế Hùng, giáo viên dạy môn Hóa học của Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân cho biết thêm: “Việc ký kết đảm bảo chất lượng kích thích giáo viên và kích thích cả học trò. Vì lẽ đó, thay vì chỉ dạy cho hoàn thành chương trình, chúng tôi phải trăn trở với từng đối tượng học trò, nhìn vào từng điểm số để có kế hoạch dạy học cho phù hợp”…
Để có kết quả cuối cùng này, giáo viên ở Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân cũng đã tình nguyện dạy miễn phí hơn 300 buổi học thêm, thậm chí thời điểm nước rút, các giáo viên phải “tranh nhau” giờ dạy, nhiều tiết học phụ đạo bồi dưỡng kéo dài sang cả buổi tối, không tính được thời gian…
Nghệ An vẫn được nói đến là vùng đất học. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nổi bật của giáo dục mũi nhọn, thì chất lượng giáo dục đại trà vẫn còn nhiều hạn chế. Năm 2017, điểm trung bình của tỉnh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia là 4.84, xếp thứ 40. Từ năm 2018 đến năm 2021, vị trí có sự chuyển biến nhưng vị trí thứ hạng vẫn còn thấp, chưa xứng với vị thế của tỉnh với lần lượt xếp thứ 39, 37, 36 và năm 2021 là 34.
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển các năng lực và phẩm chất người học, từ năm học 2021 – 2022, Nghệ An bắt đầu thí điểm mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục. Sau hơn 1 năm triển khai, tháng 10/2022, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện công tác đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo mô hình này, mỗi nhà trường có thể xây dựng chuẩn đầu ra và cam kết khác nhau, phụ thuộc vào thực tế quy mô, đặc điểm học sinh, năng lực giáo dục và đào tạo… Việc cam kết thực hiện chuẩn đầu ra sẽ tạo áp lực nhất định, nhưng cũng là động lực cho mỗi giáo viên, hiệu trưởng, nhà trường nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thực chất. Bên cạnh đó, tạo sự đối sánh chất lượng giáo dục giữa các đơn vị, địa phương với nhau. Từ đó, tranh thủ huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển giáo dục, đồng thời có sự theo dõi giám sát chặt chẽ của phụ huynh, xã hội, chính quyền địa phương. Đồng thời có sự hỗ trợ, kiểm tra, chỉ đạo sâu sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Thực tế cũng cho thấy, 2 năm qua, việc triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục đã đem đến một “luồng gió mới” ở các nhà trường, từ áp lực đã chuyển thành động lực và nâng cao trách nhiệm của các thầy, cô giáo. Biểu hiện rõ rệt nhất là ở hai kỳ thi gần đây, kết quả thi tốt nghiệp của tỉnh có chuyển biến rõ rệt, nâng 14 bậc so với các năm trước. Sự chuyển biến cũng thấy rõ ở các nhà trường khi trường nào làm thật, chỉ đạo thật, học thật, thi thật, sẽ có kết quả thật. Ngược lại, nếu trường nào còn làm qua loa, đối phó hoặc chưa vào cuộc thực sự, kết quả sẽ được thấy rõ ràng qua điểm số ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nói về điều này, ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT cho biết: Ngay sau khi có sự ký cam kết chất lượng giữa hiệu trưởng với Trưởng phòng GD&ĐT (đối với các trường trực thuộc phòng GD&ĐT); hiệu trưởng với Giám đốc Sở GD&ĐT (đối với cấp THPT); trưởng phòng GD&ĐT với Giám đốc Sở GD&ĐT, toàn ngành đã vào cuộc và chỉ đạo chuyên môn một cách quyết liệt, như cử cán bộ chuyên môn về tư vấn trực tiếp cho các nhà trường, lựa chọn nội dung dạy học, cách thức tổ chức dạy học cho sát đối tượng. Ngành cũng đã tổ chức ôn thi, thi thử cho toàn tỉnh. Đặc biệt đã xây dựng được ngân hàng đề thi với hơn 2 vạn câu hỏi ở tất cả các môn thi để học sinh có thể thi thử trực tuyến hoàn toàn miễn phí.
Ngay sau khi có kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã phân tích kỹ bảng điểm, điểm thi của từng trường, từng môn học, đánh giá kỹ việc lên – xuống của các nhà trường để từ đó các trường có thể đối sánh về chất lượng. Qua tổng hợp cho thấy, có một số trường đã duy trì được kết quả ổn định trong nhiều năm như Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Trường THPT Đô Lương 1, Trường THPT Đô Lương 2, Trường THPT Cửa Lò, Trường THPT Hoàng Mai, Trường THPT Lê Viết Thuật. Bên cạnh đó, có một số trường có sự chuyển biến vượt bậc như Trường THPT Phan Thúc Trực (nâng 24 bậc), Trường THPT Phạm Hồng Thái (nâng 22 bậc), Trường THPT Yên Thành 3 (nâng 19 bậc), Trường THPT Quỳnh Lưu 4 (nâng 18 bậc), Trường THPT Diễn Châu 2 (nâng 21 bậc)… Tuy nhiên, ở kỳ thi này, vẫn có những trường kết quả kỳ thi chưa tương xứng với vị thế nhà trường như Trường THPT Nam Đàn 2 (giảm 12 bậc), Trường THPT 1 – 5 (giảm 17 bậc), THPT Quỳnh Lưu 2 (giảm 15 bậc), THPT Anh Sơn 1 (giảm 25 bậc)…
Việc phân tích, đối sánh kết quả đặt trong bối cảnh hiện nay là điều hết sức quan trọng. Qua đó, mỗi nhà trường sẽ tự nhìn vào để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, hạn chế, bất cập và từ đó có giải pháp hiệu quả hơn trong năm học tới.
Nói về việc triển khai mô hình đảm bảo chất lượng, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ tạo bước đột phá trong đổi mới quản trị nhà trường. Qua đó, sẽ xây dựng được phong trào thi đua sôi nổi và cạnh tranh lành mạnh trong công tác tuyển sinh, xây dựng uy tín và thương hiệu các cơ sở giáo dục, hướng đến xây dựng văn hóa chất lượng trong ngành Giáo dục: Học thật – Thi thật – Kết quả thật.