Trong danh sách Thủ khoa Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm 2019, Lại Thị Luyến – Thủ khoa môn Lịch sử là một gương mặt khá đặc biệt, vì cô bé không phải là học sinh trường chuyên, cũng không phải là ‘ứng cử viên” xuất sắc. Nhưng, nữ sinh lớp 11A12, Trường THPT Diễn Châu 3 lại là một cô bé lạc quan và luôn nỗ lực để tự thay đổi mình.
Luyến là một cô bé ít nói, hay ngại ngùng. Vì thế, từ lớp 1 đến lớp 9 với sức học “vừa vừa”, cô bé không phải là một học sinh quá nổi bật. Thành tích lớn nhất mà Luyến có được sau 9 năm phổ thông, có lẽ là điểm 9,25 môn Ngữ văn, Luyến dành được ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, với vị trí xếp thứ 2 toàn trường, kết quả này cũng không tạo được nhiều sức bật cho Luyến khi vào học ở Trường THPT Diễn Châu 3. Em cũng tự nhận thấy, điểm 9,25 có thể là do may mắn, do sự chăm chỉ còn bản thân em thực sự không thích và không có sự gắn bó đặc biệt với môn Ngữ văn ở trường học.
Nhưng, với Lịch sử lại khác. Luyến bắt đầu thích học Sử từ năm lớp 7. Cô bé chân chất ngày đó chưa định nghĩa đầy đủ mình thích Lịch sử vì lý do gì. Dẫu vậy, từ những bài học trên lớp, Luyến rất thích mày mò đọc sách, tìm hiểu thêm, dù khi đó chỉ có duy nhất một cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mà chị họ cho mượn…
Lớp 9, Luyến cũng đã được huyện chọn đi thi học sinh giỏi tỉnh. Nhưng lần thi đầu tiên Luyến thất bại như một lẽ hiển nhiên bởi khi ấy “em chưa thật sự cố gắng, chỉ tập trung ôn thi vào cấp 3”.
Sự chuyên tâm của Luyến chỉ đến khi em học lớp 10 và được chọn thi học sinh giỏi của trường và được giải Nhất. Nhớ về kỳ thi đó, cô giáo Bùi Thị Hiên – giáo viên dạy Lịch sử của trường chia sẻ: Khi chấm đến bài thi của Luyến tôi thực sự bất ngờ bởi gần như em đã làm trọn về mọi yêu cầu của đề ra một cách đầy đủ, chính xác. Đó cũng là bài thi tôi cho điểm cao nhất.
Sau kỳ thi chọn học sinh giỏi ở trường, cô giáo Bùi Thị Hiên đã nghĩ về Luyến “nguồn cho lớp 11 đấy rồi”. Tuy nhiên, một sự tình cờ, đến năm lớp 11, cô giáo Bùi Thị Hiên lại được nhà trường điều động về dạy lại khối 11. Gặp lại cô học trò lần trước, chị rất mừng. Nhưng là một người có cách dạy khá “lạ”, chị không gọi Luyến vào đội tuyển của trường ngay mà cho Luyến cùng các bạn một cơ hội lựa chọn “miễn là các em đam mê và thực sự yêu thích lịch sử”.
Để học sinh thoải mái lựa chọn, chị cũng cho các em số điện thoại để các em chủ động gọi và nhắn tin cho mình. Kể về quyết định của mình, Luyến nói thêm: Ngay khi cô gợi ý, em đã rất vui rồi và sau đó đã nhắn tin cho cô giáo để xin vào đội tuyển…
Thời điểm Luyến nhắn tin là buổi trưa, sau khi đi học về. Thế nhưng, phải đến hết buổi chiều Luyến mới nhận được tin nhắn của cô với lời nhắn: “Cô đặt niềm tin và hy vọng vào em”. Dẫu vậy, cô giáo Bùi Thị Hiên cũng không biết rằng, chỉ vì mình quên điện thoại ở nhà mà cô học trò của mình đã bao phen lo lắng, chờ đợi và có lúc cả thất vọng.
Quá trình học với cô giáo Bùi Thị Hiên và được cô giáo trực tiếp bồi dưỡng, đó cũng không phải là tin nhắn duy nhất. Bởi lẽ, từ khi tập hợp đủ đội tuyển 9 người đến khi “chốt” lại còn 3 thành viên cuối cùng, thường một tuần cô giáo sẽ cho làm một bài kiểm tra. Kết quả, “thắng hay thua”, “ đi hay ở”, cô đều nhắn tin riêng cho từng bạn.
Được làm học trò của cô giáo Bùi Thị Hiên, Luyến và các bạn tiến bộ lên từng ngày. Bản thân cô giáo Bùi Thị Hiên, cựu học sinh chuyên Sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, từng được giải Quốc gia môn Lịch sử đã biết “truyền lửa” niềm đam mê của mình cho các học trò và để các em tự tin hơn vào bản thân mình. Căn cứ vào kết quả của từng bài kiểm tra, tôi biết được năng lực của các em và từ đó sẽ xây dựng đề cương ôn tập sao cho phù hợp. Tôi cũng khuyên các em, trước khi đi thi, không nên lo lắng, đừng “e ngại” khi mình là học sinh trường huyện mà hãy tự tin, tập trung vào bài thi của mình.
Từ kinh nghiệm của mình, cô giáo Bùi Thị Hiên còn hướng dẫn học sinh cách học sử để vừa nhanh hiểu, dễ nhớ. Như với Luyến, em rất tự tin vào kiến thức của mình bởi có một cách học khá khoa học: Lịch sử thì rất dài và nhiều số liệu. Nhưng những câu hỏi về lý thuyết em nắm rất chắc bởi em thường liên tưởng các số liệu theo cùng một hệ thống và gắn các số liệu gần lại với nhau. Chẳng hạn, ngày 28/6/1914, là ngày Thái tử Áo bị ám sát. Sau đó, đúng 1 tháng, ngày 28/7 Áo – Hung tuyên chiến với Serbia, làm bùng nổ Thế chiến I. Ngày 28/7/1995 còn là ngày Việt Nam gia nhập tổ chức Asean.
Từ sự chuẩn bị khá kỹ càng, cả về kiến thức và sự tự tin, Luyến cùng các bạn của mình dự Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm 2019 với một tâm thế mới, khác hơn rất nhiều so với kỳ thi của 2 năm trước. Duy nhất, Luyến không lường trước được đề thi, một đề thi khiến em “ngỡ ngàng”: Vừa mới phát đề sống lưng em lạnh toát. Vì toàn bộ đề thi, ngoài một số câu hỏi bọn em đã được ôn tập khá kỹ, còn lại là rất mới, thậm chí có đề không có trong sách giáo khoa. Trong đó, khó nhất là câu hỏi về Bộ luật Hồng Đức – một kiến thức đề cập rất ít và chưa được học, câu hỏi về chính sách đối ngoại của Mỹ – học từ lớp 10.
Kể thêm về kỳ thi này, Luyến cũng rất vui, nói rằng: Ban đầu khi đọc các câu hỏi này em khá run vì thực sự kiến thức của mình ở các câu hỏi này không nhiều. Tuy nhiên, khi bình tĩnh lại, em đã liên hệ các bài học với nhau, gắn với từng hoàn cảnh lịch sử và em đã có đáp án của mình. Em cũng tin rằng, câu hỏi khó mới là cách để ban giám khảo phát hiện được năng lực của từng thí sinh và thoải mái làm hết bài thi của mình, biến khó khăn thành cơ hội.
Trở về từ Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, biết học sinh lo lắng nhưng cô giáo Bùi Thị Hiên không cho học sinh xem trước đáp án vì sợ áp lực cho các em. Riêng chị, có thấp thỏm, có bồn chồn nhưng chị tin vào học trò của mình và tràn đầy hy vọng về giải thưởng chính thức. Chỉ có điều, chị chưa từng nghĩ Luyến sẽ đạt Thủ khoa và trở thành học sinh có điểm thi cao nhất toàn tỉnh, vượt qua nhiều “ứng cử viên” xuất sắc khác. Đây cũng là học sinh đầu tiên của cô giáo Bùi Thị Hiên đạt được “kỳ tích” này, dù rằng trước đó cả 4 lần chị đưa học sinh đi thi học sinh giỏi đều đạt giải với 3 giải Nhất, 6 giải Nhì và 3 giải Ba.
Kết quả cũng là nguồn động viên rất lớn với gia đình, đặc biệt là một gia đình thuần nông, con đông và vẫn đang thuộc diện cận nghèo như gia đình của Luyến. Đây cùng là bước đi đầu tiên đầy ngọt ngào mà Luyến đã nỗ lực thực hiện được để từ đó cho em thêm động lực, thêm niềm tin để em tin vào chính mình, tin vào những điều tốt đẹp phía trước.
Và chính câu chuyện của Luyến cũng đã truyền cảm hứng cho rất, rất nhiều học trò ở vùng “khó”…