Tôi đã gặp nhà thơ, nhà văn, nhà báo Văn Công Hùng trong đợt dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8. Hôm từ Hà Nội lên Tuyên Quang dự lễ khai mạc, tôi và nhiều anh em văn trẻ miền Trung ngồi cùng một xe do anh “quản lý”. Dư âm tiếng cười và tình nghĩa chuyến xe ngày đó vẫn thắm đượm trong tôi cho đến hôm nay. Duyên gặp gỡ độ chừng ấy nhưng đủ để tôi cảm nhận được con người đầy tình cảm, trách nhiệm và rất đắm đuối với cuộc đời với văn chương nơi anh. Sau này, những chuyện trò giữa tôi và anh qua điện thoại, messenger càng củng cố nhận định buổi ban đầu mà tôi đã từng nghĩ.
Quý I/2022, bộ ba tác phẩm Chợt (thơ), Từ Tây Nguyên (Tản văn và ghi chép) và Nhặt chuyện văn nhân (Chân dung văn học) của anh được Nxb Văn học & Công ty CP VH&TT Liên Việt phát hành cùng một lúc. Anh nhắn ba con mèo anh tặng mỗi em khiến tôi thêm phần hứng thú bởi anh đang trao cho tôi giá trị của sự đọc. Diện kiến bộ sách nặng kí cả về hình thức lẫn nội dung, tôi càng ngưỡng mộ anh hơn, nào viết báo, nào viết văn, làm thơ, nào tham gia thiện nguyện, nào chăm lo gia đình con cháu… việc gì anh cũng xông xáo, dồn tâm huyết, công sức đến nơi đến chốn, mặc kệ cái tuổi ngoài lục tuần xồng xộc.
Tôi đọc Chợt trong tâm thế Từ Tây Nguyên và Từ Tây Nguyên tôi Nhặt chuyện văn nhân, chuyện về anh. Năng lượng sáng tạo và trái tim yêu thương không hề mệt mỏi của anh như đổ hết vào chữ, sống vẹn tròn với chữ.
Người nghệ sĩ dựng một thế giới nhân vật riêng, thể hiện tình cảm và sống trải với chính nhân vật của mình trong tác phẩm. Nhưng đứng ở góc nhìn khác, góc nhìn về người dựng chân dung, người nghệ sĩ lại trở thành đối tượng, nhân vật được dựng, sống động cả về cuộc đời lẫn sự nghiệp. Tôi Nhặt chuyện văn nhân của Văn Công Hùng theo hai cách này.
Có thể thấy sự phóng túng tình cảm của một nhà thơ, sự nhanh nhạy nắm bắt ghi lại của một nhà báo, sự tỉ mẩn với chi tiết, sự kiện của nhà văn bện trong 41 chân dung. Các tác giả được anh dựng đều hiển lộ hai mặt: con người đời thường và con người sáng tạo. Từ những cuộc gặp gỡ, đối thoại, những nghe ngóng xen lẫn giữa hư và thực, anh cho người đọc cảm nhận chân dung cuộc sống rất đỗi bình dị của người được dựng. Đôi khi tâm thế nghiêng về đời tư hơn so với tác phẩm nhưng ngòi bút của Văn Công Hùng vẫn sắc sảo, thể hiện được cá tính riêng trong văn phong phê bình chân dung. Sự lấn át của câu chuyện, điểm gặp gỡ, đối thoại trong các bài viết không làm lu mờ những sáng tạo và sự nghiệp của người được dựng. Ngược lại, đó là cái phông rộng, chắc, để anh tỏa sáng chân dung nghệ thuật.
Cách anh dựng chân dung văn nghệ sĩ như sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật. Anh đặt mình ở điểm nhìn đa cùng: cùng giới, cùng nghề, cùng cuộc, nên chân dung người được dựng hiện lên rất gần gũi, thân thiết, đời thường. Nhận xét, đánh giá văn nghiệp của một người, anh có cách đánh giá khái quát mà sát sao, chân phương mà bay bổng, lối so sánh gần gũi, quen thuộc, tránh được kiểu dựng khô khan, cứng nhắc: “Văn ông khiến người đọc cứ lâng lâng như người vừa uống rượu, có lúc lại như đang được yêu, có lúc lại như đang lạc trong một cõi thiên thai nào đó…” [Ông Đỗ Chu; tr.70]. Nguyễn Ngọc Tư tự nhiên, giản dị nhưng bên trong lại bùng nổ những giằng xé, lấp lánh những trĩu nặng, rặt “đặc sản Cà Mau”: “Chữ của Tư… không làm dáng… vẫn tươi rói dư vị phương Nam như con cá kèo đang quẫy trong ruộng, con cá thòi lòi bậm bạch bên sông” [“Nhậu” Nguyễn Ngọc Tư; tr.32]. Con người đời thường không phải khi nào cũng trùng khít với con người trong tác phẩm. Khai thác sự tương phản giữa con người đời tư và con người trong tác phẩm, Văn Công Hùng đã bắt đúng chỗ, tạo được điểm trọng tâm, gây chú ý với người đọc và bật lên được phong cách riêng của từng người: “Gặp Bảo Ninh ngoài đời ít ai tưởng tượng được đấy lại là… nhà văn. Dáng vẻ rất ngầu, ít nói, gù gù như con gấu với mái tóc lúc nào cũng xoăn trùm trán và cái nhìn lờ đờ như lơ ngơ với đời, như chả biết chuyện gì. Nhưng đọc ông xong thì… hãi. Té ra phía sau cái vẻ như là bất cần ấy là một sự thông minh tài hoa, là một trái tim nhân hậu và khối óc sắc sảo, để ông mổ xẻ, phân tích, chọn tứ chọn chữ, chọn vấn đề phơi lên trang giấy, bắt người đọc thổn thức, bắt người đọc mất ngủ…” [Bảo Ninh và những ám ảnh chiến tranh; tr.65]. Khi dựng, anh còn sử dụng giọng điệu hóm hỉnh, hoạt ngôn: “Ông béo tốt một cách nghi ngại, chất phác một cách đáng ngờ, và thật thà, rất thật thà đến mức ta nghĩ rằng trên đời này không bao giờ còn có sự léo lận gian trá đểu cáng phi nhân khi nhìn ông… nhắm mắt đọc thơ” [Ông “Khúc hát sông quê”; tr.87]. Anh dùng giọng hài hước chuyển tải sự đối nghịch trong con người Lê Huy Mậu không phải giễu nhại mà như là một sự chọn lựa biểu thị tình cảm thân thiết và thái độ cảm phục. Có thể nói, Văn Công Hùng khá thoải mái khi khai thác những khía cạnh đời tư của các văn nhân. Từ hình dáng, tính cách, sở thích cho đến thói quen đều rất thật, không một chút cầu kì, tẩy trắng. Họ như thế nào thì cứ như thế ấy khi bước vào tác phẩm của anh. Mỗi người mỗi vẻ nhưng họ gặp nhau ở cái tâm, cái tình, cái tài, say mê sáng tạo và cống hiến hết mình với văn chương.
Cái tinh tế trong văn phong phê bình chân dung của Văn Công Hùng là chuyện về một người nhưng “dính líu” đến nhiều người, nhiều thời. Anh dựng chân dung bằng những kỷ niệm, bằng những câu chuyện được kể lại không chỉ với mình mà còn liên quan đến người khác nên ngoài việc xây cái lõi, cái trụ chính, những mảng, tư liệu, sự kiện khác cũng góp phần tạo thêm sức nặng cho bài viết. Tính chất bắc cầu này là một điểm thú vị, giúp người đọc hình dung được thực trạng đời sống văn học nghệ thuật lúc bấy giờ. Qua việc “đánh du” với cánh viết trẻ của Trung Trung Đỉnh, người đọc biết thêm những cây bút tài năng lúc đó như Phạm Xuân Nguyên, Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà,… Từ chuyện đời chuyện văn của Chử Anh Đào, anh điểm danh những gương mặt văn chương Tây Nguyên thời đói khổ nhưng phát tiết như Hương Đình, Phạm Đức Long, Bạch Ngọc, Nguyễn Trường Thanh, Bùi Quang Vinh, Nguyễn Như Bá, Cao Tất Tịnh, Đỗ Ngọc Thạch,… Các chi tiết đều được anh cân đo đong đếm, đảm bảo tính hấp dẫn, chân thực, đảm bảo tính khái quát về văn nghiệp của người nghệ sĩ. Anh còn cài cắm vào các chân dung được dựng ngồn ngộn thông tin về đời sống văn học: năm tiểu thuyết Việt Nam bội thu nhất với bộ ba tác phẩm Bến không chồng, Nỗi buồn chiến tranh và Mảnh đất lắm người nhiều ma; tờ báo Thơ ra đời do Hữu Thỉnh và Nguyễn Trọng Tạo thực hiện, chuyện tình của Trịnh Công Sơn,… Hay một Trung Trung Đỉnh lôi thôi lếch thếch, nhiệt tình, ngồi thâu đêm suốt sáng với bạn, vợ con cũng mặc, nhưng qua cuộc đời của ông, người đọc còn thấy được nỗi khổ, vất vả của cái thời bao cấp. Mang đến ngồn ngộn thông tin, tư liệu cho người đọc, Văn Công Hùng đã rất thành công khi tạo ra những hiệu ứng sóng đôi trong các bài viết của mình: chuyện một người trong chuyện một thời, văn một người trong văn một thời.
Hương vị quê hương cũng là chất men làm nên các cuộc gặp gỡ. Có lẽ tâm trạng hai quê hai chốn khiến anh khá ưu ái với các nghệ sĩ có “dính líu” đến Huế và Tây Nguyên. Bên cạnh những cây bút rất Huế như Tố Hữu, rất Tây Nguyên như Y Điêng, Hương Đình, Phạm Đức Long… là những cây bút cùng cảm xúc đôi nẻo đường về như anh. Thu Bồn xem Tây Nguyên là quê hương thứ hai của mình. Nguyễn Duy duyên nợ với Huế đến mức bị công an Huế bắt giam ở đồn Phủ Cam một đêm. Du Tử Lê cùng vợ bỏ một chuyến đi chỉ để về Việt Nam lên Pleiku, nơi họ gắn bó với nhiều kỉ niệm. Nguyễn Khắc Trường duyên nợ với Tây Nguyên bằng giải nhất cuộc thi bút ký. Tác phẩm của Đỗ Kim Cuông cứ nhoi nhói nỗi niềm rất Huế… Hoặc nhiều khi, hai vùng đất ấy chỉ là cái cớ, là nơi lưu dấu kỉ niệm với nhà văn Dương Hướng, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo, Kim Lân, Sương Nguyệt Minh,… Ở nguồn tư liệu này, Văn Công Hùng có phần thiên vị, ưu ái, nhưng không thể không quả quyết rằng Huế và Tây Nguyên là nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ từ bao đời nay. Sự biết của anh được diễn giải ngay trong tác phẩm của các văn nhân. Từ dấu ấn hai vùng đất này, người đọc thấy một Văn Công Hùng rất đỗi yêu quê, tự hào về quê và rất am tường về lịch sử, địa lý, văn hóa, văn học.
Gs.Nguyễn Đăng Mạnh đã từng cho rằng, văn chân dung là bút ký về người thật việc thật. Soi vào Nhặt chuyện văn nhân của Văn Công Hùng, điều này hoàn toàn đúng. Những gì anh viết đều như còn tươi mới, nóng hổi bởi cái sự thích xê dịch, ưa học hỏi, tìm hiểu của anh. Tiếp cận nhân vật được dựng đa phần là tiếp xúc trực tiếp, do vậy, những trang viết của anh luôn hấp dẫn, sinh động, chân thực, bao quát được cả đời tư lẫn đời văn. Mỗi người có một cuộc sống khác nhau, có vui có buồn, có thăng có trầm, có đắng có ngọt. Văn nghệ sĩ đôi khi có chút suồng sã, có chút “ngoài lề”, ngẫu hứng nhưng họ đều sống đẹp, nghĩa tình và một lòng một dạ, tận tụy vì văn học nghệ thuật. Trong tập sách, Văn Công Hùng không ít lần quan tâm đến đời tư, chuyện gia đình của văn nghệ sĩ. Cũng đúng thôi, đằng sau thành công của nhà văn không thể thiếu bóng dáng người chung vai kề gối. Nhất là những người vợ, họ luôn chịu những thiệt thòi bởi cái nết văn nết thơ vừa “trái khoáy” vừa đáng yêu của các đức lang quân. Bộc lộ lối sống, quan điểm của họ, Văn Công Hùng đã bổ sung thêm một hướng tiếp cận chân dung đời tư, người đọc nhiều khi không cần men theo những đánh giá của anh mà tự thân “tức cảnh sinh tình”, nảy nở những suy nghĩ, tình cảm với người được dựng. Bởi họ xứng đáng được yêu thương và kính trọng. Đây cũng là cách anh khéo léo lôi kéo người đọc cùng anh dự phần khắc họa chân dung nhân vật.
Kiểu đặt nhan đề bài viết của Văn Công Hùng rất đa dạng vừa nhấn mạnh cái riêng của mỗi nhà văn vừa minh định cá tính không hề lẫn của anh vừa đưa đến những khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc. Nhan đề gợi sự hóm hỉnh: “Nhậu” Nguyễn Ngọc Tư, Tin thì tin không tin thì thôi, Huế phải ri nì, Nhà văn không biết uống… rượu,… Nhan đề hàm chứa thông tin tác phẩm: Gặp “Bến không chồng” ở Tây Nguyên, Ông “Khúc hát sông quê”, “Ông cỏ giêng” Nguyễn Hiệp,… Nhan đề cắt nghĩa phong cách, cá tính của nhà văn: Gã cua đồng ở nhà số bốn, Nguyễn Hoàng Thu – nhà văn lãng tử, Phạm Đức Long – kẻ nặng nợ văn chương… Nhan đề có kết cấu bỏ lửng: Bên lề… Nguyễn Khắc Trường, Ba người đàn bà và… lục bát,… Người đọc thông qua những quy ước, chỉ dẫn của nhan đề mà nắm bắt được chủ đề, thần thái nhân vật chính hoặc khai mở một khía cạnh trong bài viết.
Nhìn tổng thể, văn phong phê bình chân dung của Văn Công Hùng vẫn thiên về kết cấu truyền thống, thường bắt đầu một cuộc gặp gỡ, chuyện trò sau đó mới nói về tính cách, đời tư, và nêu một vài ấn tượng, nhận định khái quát về tác phẩm, sự nghiệp văn chương. Tình huống gặp gỡ phần nhiều diễn ra ở các trại viết, nơi các văn nghệ sĩ được thảnh thơi dốc lòng cho ra đời những tác phẩm có giá trị, nên chi tiết nào đối với Văn Công Hùng cũng giá trị, chứa đựng biết bao tâm tư tình cảm. Ấn tượng gặp gỡ, chuyện trò là căn cứ để anh dẫn dắt người đọc đến nhận định về tác phẩm, sự nghiệp. Chọn lựa điểm nhìn hiện tại, kể theo ngôi thứ nhất xưng tôi, câu chuyện như đang xảy ra, vì thế chân dung người được dựng hiện lên rất sinh động, chân thực. Lối kể theo ngôi thứ nhất này đồng thời cũng làm nổi bật chân dung người dựng bên cạnh chân dung người được dựng. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật của anh, người đọc có thể gom góp, tạc nên chân dung văn học Văn Công Hùng. Đó là một con người sống tình cảm, yêu mến bạn văn, đồng nghiệp, ưa xê dịch và luôn dí dỏm. Khi sống với tác phẩm, những phẩm chất đáng quý ấy của Văn Công Hùng càng được bộc lộ riết ráo, sâu nặng hơn, vừa có cái ngọt ngào, thủ thỉ của người Huế vừa có cái cởi mở, phóng khoáng của người Tây Nguyên. Đọc anh, người đọc không chỉ như đang chứng kiến, đang sống với những khoảnh khắc quý giá của câu chuyện mà còn còn bị lôi cuốn bởi những ngôn từ dân dã, địa phương cùng với chất giọng đa thanh của anh. Cảm xúc của người dựng vì thế chảy liên tục trên các trang viết có tác dụng rút ngắn khoảng cách giữa người được dựng, người dựng và người đọc, kéo về phía lăng kính đồng cảm, thân mật.
Đọc Nhặt chuyện văn nhân, tôi không nghĩ Văn Công Hùng chỉ đơn thuần là “nhặt chuyện văn nhân” mà đúng hơn là “đục”, “đẽo”, “tạc” rất khéo, tái hiện thuyết phục, sống động, khái quát cả cuộc đời lẫn văn nghiệp. Với 41 nhân vật được dựng đã cho thấy những đóng góp và dấu ấn riêng khác của anh đối với thể chân dung văn học. Chân dung của văn nhân cũng là chân dung của cả một thời, chân dung của văn hóa và lịch sử.