Phóng viên: Thưa ông, Nghệ An đang trải qua những ngày nắng nóng khốc liệt, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và cuộc sống người dân. Ngoài nền nhiệt cao hơn các địa phương khác, Nghệ An còn chịu ảnh hưởng của hiệu ứng gió phơn (gió Lào), vì vậy, mức độ khắc nghiệt cũng cao hơn, ông có thể phân tích kỹ hơn về vấn đề này?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy: Có các điều kiện bất lợi khiến Nghệ An nói riêng và các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung bị ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2023.
Thứ nhất, là sự xuất hiện của El-Nino khiến nền nhiệt toàn cầu năm nay tăng cao đột biến so với các năm trước đây và sự hoạt động liên tục của áp thấp nóng phía Tây của Việt Nam; thứ hai, là hoạt động của gió mùa Tây Nam thổi từ Vịnh Bengal đi qua Lào trước khi vào Việt Nam. Khu vực phía Tây của Bắc Trung Bộ có dãy Trường Sơn với độ cao từ 2.000 – 2.800m là “bức tường” chắn hơi ẩm, vì vậy, gió sau khi vượt qua dãy Trường Sơn là gió khô nóng. Người dân thường quen gọi là gió Lào vì thấy gió từ bên Lào thổi qua, nhưng bản chất đây là hiện tượng gió Phơn (foehn).
Phóng viên: Theo dõi trang Facebook của ông cho thấy, từ cuối năm 2022, ông đã có nhiều dự báo và cảnh báo về vấn đề nắng hạn gay gắt vào đầu năm 2023 sau chu kỳ khí hậu La–Nina chuyển sang ENSO và sau đó chuyển sang El-Nino? Dựa vào đâu để ông đưa ra được dự báo này?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy: Dựa vào chuỗi số liệu quan trắc nhiệt độ bề mặt biển ở khu vực cận xích đạo phía Tây của Thái Bình Dương. Khi trung bình nhiệt độ bề mặt biển ở khu vực này có xu hướng cao hơn 0,5 độ C trở lên trong 3 tháng liên tục so với trung bình chung của nhiều năm thì hiện tượng El-Nino sẽ xuất hiện.
El-Nino hoạt động thường mang đến thời tiết khô nóng và hạn hán ở Việt Nam. Vào đầu năm 2023, La-Nina chấm dứt và chuyển sang giai đoạn ENSO (trung tính) ngắn ngủi chỉ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5. Từ tháng 6 năm nay El-Nino xuất hiện và dẫn đến tình trạng nắng nóng và hạn hán.
Phóng viên: Từ kinh nghiệm gần 20 năm nghiên cứu về hạn hán, lũ lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và sinh kế; từng làm việc với vai trò cố vấn cho các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế ở các quốc gia khác nhau về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro, thiên tai, ông có những khuyến cáo gì đối với người dân Nghệ An khi từ nay đến cuối năm, sau hạn hán sẽ là “cao điểm mưa bão”?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy: El-Nino sẽ khiến tình trạng hạn hán gia tăng và nền nhiệt độ trung bình sẽ cao hơn 0,75 đến 1,5 độ C so với trung bình chung nhiều năm trước. Mùa Thu và mùa Đông năm nay cũng sẽ đến muộn và kết thúc sớm. Như vậy, chúng ta sẽ có một mùa Đông không quá lạnh (nếu không nói là một mùa Đông ấm áp).
El-Nino kết hợp với biến đổi khí hậu khiến thời tiết không còn theo quy luật, vì vậy, người dân vẫn cần phải cảnh giác với cả các đợt mưa cực đoan có thể xảy ra. Theo các số liệu mà tôi có được, vào giai đoạn nửa cuối tháng 7 thời tiết ở Nghệ An sẽ đỡ nóng hơn. Sang tháng 8 và tháng 9 sẽ có mưa nhiều ở Nghệ An.
Hầu hết các ngành kinh tế, sinh kế của người dân đều liên quan đến nhu cầu sử dụng nước và ảnh hưởng bởi nhiệt độ, vì vậy, người dân cần theo dõi các bản tin dự báo xa và các bản tin dự báo cập nhật để áp dụng phù hợp với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chúng ta vừa cần phải tiết kiệm nước sạch, chống ô nhiễm nguồn nước, đồng thời, phải quản lý hồ chứa phù hợp khi có mưa lũ xảy ra.
Phóng viên: Hiện nay, ông được xem là “hiện tượng” trong vấn đề dự báo thời tiết, được người dân cả nước quan tâm, theo dõi bởi độ chính xác, tin cậy cao. Vậy đã bao giờ những dự báo của ông “lệch hướng”, sai số nhiều và thiên tai xảy ra ngoài dự báo?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy: Tôi cũng có sai chứ! Nhưng may mắn là không sai nhiều. Lần sai gần đây nhất là dự báo quá mức cơn bão Noru vào Việt Nam tháng 9 năm 2022. Tôi đã nhận định Noru là cơn bão có thể mạnh nhất từng đổ bộ vào Việt Nam bởi khi nó đang ở giữa Biển Đông, cách bờ biển Quảng Nam và Đà Nẵng chỉ khoảng 500 km nó có sức mạnh cấp siêu bão với cấp gió giật hơn 250 km/h. Với khoảng cách rất gần như thế nếu không dự báo về một siêu bão đi vào bờ thì rủi ro quá cao với người dân sống ven biển.
Điều may mắn là khi bão tiếp cận cách bờ khoảng 100 km thì bão giảm cấp và không gây thiệt hại về người. Cũng trong thời điểm đó, hầu hết các đài quốc tế và Việt Nam đều dự báo đó là cơn bão rất mạnh và Việt Nam đã chuẩn bị phương án cao nhất ứng phó với bão.
Phóng viên: Ngoài độ chính xác thì những dự báo của ông được người dân đón đợi bởi cách ngôn ngữ diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nắm bắt và những khuyến cáo hữu ích. Làm thế nào để Tiến sĩ có thể “mềm hóa”, “bình dân hóa” những thông tin mang tính khoa học, số liệu, dữ liệu khô cứng để ai đọc cũng có thể hiểu, nhất là những ngư dân, nông dân, diêm dân?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy: Trước đây, các ngôn ngữ tôi dùng trong nghiên cứu khoa học thì chỉ có giới khoa học hiểu được trọn vẹn, còn với các nhóm khác thường là ít hiểu và không dùng đến. Tôi từng làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, và đa số là làm việc với người sử dụng thông tin cảnh báo thiên tai để quản lý thiên tai tốt hơn.
Quá trình làm việc cho tôi thấy về khoảng cách khá xa giữa ngôn ngữ khoa học với ngôn ngữ ứng dụng. Chính vì vậy, tôi đặt tôi vào vị trí của người sử dụng thông tin. Người sử dụng thông tin có thể là nông dân, ngư dân, diêm dân hay là cư dân các khu vực đô thị, vì vậy, ngôn ngữ cần phù hợp với họ.
Về các thông tin khuyến cáo thì tôi thấy vẫn còn hạn chế và chưa chi tiết được cho hầu hết các vùng. Tôi chỉ có thể đưa ra khuyến cáo khi nắm rõ về địa hình ở những nơi mà tôi có kinh nghiệm nghiên cứu ở đó, hoặc dựa vào các dữ liệu quá khứ. Mọi người có thể thắc mắc sao phải đi khuyến cáo làm gì vì người dân thừa biết việc gió bão thì phải chằng chống nhà cửa. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến cáo, vì dưới góc nhìn quản lý thiên tai đó là điều bắt buộc. Làm việc đó không thừa và nhiều khi sẽ hữu ích với rất nhiều người khi họ chủ quan hoặc không đánh giá bao quát được tình hình.
Phóng viên: Với lượng người theo dõi khổng lồ trên Facebook (gần nửa triệu người), thường xuyên chờ những cập nhật thời tiết và dựa vào những dự báo đó của Tiến sĩ để có kế hoạch công việc phù hợp. Liệu điều này có khiến việc dự báo của ông chịu nhiều áp lực hơn không ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy: Trong những năm gần đây tôi đã dành khá nhiều thời gian cho việc dự báo, trong khi vẫn phải làm việc chuyên môn cho tổ chức của mình. Điều đó ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng công việc ở cơ quan, nên tôi quyết định nghỉ việc toàn thời gian từ năm 2022 để chỉ làm chuyên gia bán thời gian thôi. Tôi sẽ có thêm nhiều thời gian để phân tích các dự báo xa và nghiên cứu các mô hình ứng phó.
Việc có nhiều người theo dõi trên facebook thì cũng áp lực đấy. Một bản tin đưa sai sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người nên cũng lo lắm chứ. Tuy nhiên, mọi người chỉ nên xem thông tin dự báo từ facebook của tôi là nguồn tham khảo thôi. Thông tin dự báo từ Đài Quốc gia vẫn là nguồn chính thống cho các công tác lập kế hoạch, chỉ đạo và ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi này! Chúc Tiến sĩ sức khỏe và có những thông tin, dự báo hữu ích giúp Việt Nam hạn chế thấp nhất do thời tiết cực đoan gây ra!.