Nghe lời rủ rê, Moong Thị Lâm trốn chồng vượt biên qua Trung Quốc để bán con. Tuy nhiên, vụ tai nạn ôtô đã khiến 5 người phụ nữ đang trên đường đi bán thai bị thương vong. Để đưa được tro cốt vợ về quê mai táng, chồng Lâm đã phải bán hết gia sản, con cái phải bỏ học để cùng bố lên rẫy.
Một ngày đầu tháng 6, anh Lữ Văn Hồng (32 tuổi, bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn), đang phát rẫy thì con gái băng rừng đến thông báo “mẹ mất tích”. Rẫy của anh Hồng nằm sát huyện Tương Dương, cách nhà đến nửa ngày đi bộ, vì thế, mỗi chuyến đi rẫy của anh thường kéo dài gần cả tháng. Hôm đó, sau vài ngày liền không thấy bóng dáng mẹ, con gái đầu của anh Hồng mới hốt hoảng chạy vào báo tin cho bố.
“Vợ tôi chưa bao giờ đi ra khỏi huyện Kỳ Sơn cả”, người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ nói. Vợ anh Hồng, chị Moong Thị Lâm (29 tuổi), về ở với anh từ khi vừa tròn 14 tuổi. Thường ngày, khi chồng lên rẫy, chị Lâm chỉ việc ở nhà chăm sóc cho 5 đứa con nhỏ, 4 gái, một trai.
Ngay sau khi nhận tin vợ mất tích, anh Hồng nói rằng, anh đã linh cảm được “điều gì đó không lành”. Ở với nhau 15 năm, anh Hồng chưa một lần nặng lời với vợ. “Tôi lập tức đến nhà họ hàng bà con tìm nhưng chẳng có tin tức. Sau đó tôi lên trình báo với xã về việc vợ mất tích”, anh Hồng cho biết. Thời điểm đó, chị Lâm đang mang thai tháng thứ 5.
Hơn một tháng sau, anh Hồng bất ngờ nhận được cuộc điện thoại có mã số từ Trung Quốc. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi đó, vợ anh chỉ thông báo ngắn gọn: “Em đang đi kiếm tiền, không lâu nữa sẽ về. Anh đừng lo…”. Những ngày sau đó, anh Hồng liên tục gọi vào số điện thoại này nhưng đều không thể liên lạc. Cho đến một ngày đầu tháng 10, anh như chết lặng khi nhận được tin vợ đã tử vong ở Trung Quốc. Lúc này anh mới biết chị Lâm nghe theo lời rủ rê của một phụ nữ trú cùng bản sang Trung Quốc bán con.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, vụ tai nạn giao thông xảy ra ở xã Dương Cao, huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), vào ngày 20/9 đã khiến 5 công dân Việt Nam thương vong. Trong đó, Moong Thị Lâm tử vong tại chỗ, 4 người khác bị thương nặng. Lúc gặp nạn, Lâm được xác định đang mang thai tháng thứ 8.
Cả 5 người gặp nạn này đều là phụ nữ trú tại huyện Kỳ Sơn, trong đó có 4 người đang mang thai sắp sinh. Trong số này còn có Moong Thị Ba (31 tuổi, bản Chà Lắn, xã Hữu Lập), người đang bị tố dụ dỗ hàng xóm qua Trung Quốc bán thai nhưng sau đó không chịu trả tiền mà Báo Nghệ An đã đề cập trong kỳ trước của loạt bài này.
Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) cho hay, “Công an huyện Lâm Chương sau đó đã điều tra và bắt được lái xe gây tai nạn. Buộc lái xe phải chi trả tiền viện phí và bồi thường 1.000 nhân dân tệ cho những người bị thương. Công an sở tại đang nghi vấn về đường dây buôn bán trẻ em qua biên giới (đưa phụ nữ Việt Nam mang thai qua Trung Quốc để đẻ, sau đó bán lại cho những gia đình giàu có nhưng hiếm muộn ở Trung Quốc), do Moong Thị Ba và người chồng Trung Quốc cầm đầu. Vì các trường hợp này đều được Ba đưa qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, và không có giấy tờ tùy thân”.
Kể từ khi nhận được tin vợ thiệt mạng ở Trung Quốc, cũng là lúc mọi tài sản trong nhà anh Hồng lần lượt “đội nón ra đi”. Căn nhà gỗ xiêu vẹo nằm cạnh con suối nhỏ trống hoác, chẳng còn thứ gì đáng giá. Hai tuần trước, anh Hồng vừa tổ chức đám tang cho vợ sau hành trình gần một tháng sang Trung Quốc để làm các thủ tục, đưa tro cốt chị Lâm về.
“Vợ nói đi kiếm tiền về. Bây giờ tiền chẳng có, mất cả vợ lẫn con, lại còn ôm đống nợ”, anh Hồng nói, khóe mắt chực trào. Để có tiền qua Trung Quốc, Hồng đã phải bán đàn bò 5 con được hơn 60 triệu đồng. Anh nói rằng, đó là thứ tài sản đáng giá nhất sau 15 năm tích góp. Tuy nhiên, chừng đó cũng chưa đủ chi phí ăn ở, đi lại, thuê phiên dịch… trong suốt gần một tháng nơi xứ người. Để đưa được thi thể vợ về, gia đình Hồng đã phải tốn hơn 100 triệu đồng chi phí.
Sau khi mẹ mất, 2 đứa con gái của anh Hồng, đứa đầu đang học lớp 7, cháu còn lại học lớp 5 cũng phải bỏ dở việc học để theo bố lên rẫy.
Ông Moong Văn Tình – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chiêu Lưu, cho hay, ngay sau khi nhận được tin vợ mất, vì chưa một lần đi xa nên anh Hồng đã nhờ ông cùng qua Trung Quốc làm thủ tục đưa tro cốt vợ về. “Tôi qua bên đó gần một tháng với Hồng. Chúng tôi cũng đã đến thăm 4 người phụ nữ còn lại. Theo lời kể của họ thì Lâm vì nghe theo lời rủ rê của một phụ nữ cùng bản (cũng là một trong 5 nạn nhân) nên đã quyết định qua bên đó bán con”, ông Tình kể.
Trong khi đó, tại bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm), ông Lương Văn Khắm (46 tuổi), cũng đang chạy vạy khắp nơi để vay tiền, đóng viện phí cho con dâu ở Trung Quốc. Con dâu ông Khắm, chị Moong Thị Mùi (24 tuổi), cũng là một nạn nhân trên “chuyến xe định mệnh” gặp nạn ngày 20/9 ở Hà Bắc. Ông Khắm nói rằng, số tiền viện phí hết hơn 6,5 triệu đồng, nhưng ở cái bản Khơ Mú này, ai cũng nghèo, chẳng biết vay mượn ai. “Nó giấu chúng tôi đi bán con. Chồng nó cũng bỏ đi miền Nam làm thuê rồi. Giờ nó sống hay chết cũng kệ thôi, không vay được tiền”, ông Khắm nói.
Vài tháng trước, khi đang mang thai đứa thứ 3, Mùi được người thím ruột là Moong Thị Khánh (35 tuổi) rủ qua Trung Quốc bán con. Khánh sau đó được xác định cũng là một trong 5 nạn nhân trên chiếc xe gặp nạn đó. Khi xe bị tai nạn, Mùi đang mang thai tháng thứ 7. Tuy nhiên, chỉ 20 ngày sau, ngày 11/10, chị Mùi đã sinh một bé trai tại Bệnh viện Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Số tiền viện phí sinh đẻ do không thuộc khoản bồi thường của lái xe gây tai nạn nên bản thân chị Mùi sẽ phải chi trả. Trong khi chị này lại không có tiền mang theo bên người.
Căn nhà gỗ của Mùi và Moong Thị Khánh nằm sát vách nhau, nhiều tháng nay trở nên hoang lạnh. Chồng bỏ vào miền Nam làm thuê sau khi nhận tin vợ đi bán con, những đứa trẻ nheo nhóc đành gửi lại cho ông bà. “Nếu biết nó đi bán con như thế, chúng tôi đã ngăn cản rồi”, ông Khắm nói.
Cũng như người thân các nạn nhân khác, ông Khắm hiện không rõ con dâu đang làm gì, ở đâu bên Trung Quốc. Hơn 2 tháng sau vụ tai nạn, những người này được xác định đã ra viện. Họ đều không có tiền trong người cũng như giấy tờ tùy thân. 4 người phụ nữ này được xác định do Moong Thị Ba dẫn sang Trung Quốc, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về thực trạng vượt biên bán bào thai của những người phụ nữ vùng cao, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết, đây là một thủ đoạn mới của những kẻ buôn người. Thủ đoạn này vừa rộ lên từ khoảng đầu năm 2018 đến nay. Chủ yếu tập trung ở đồng bào người Khơ Mú tại huyện Kỳ Sơn. Chỉ riêng tại 2 xã Hữu Kiệm và Hữu Lập của huyện này, đã có ít nhất 22 phụ nữ mang thai qua Trung Quốc để bán con.
Theo Đại tá Cầu, về tình trạng này, Công an Nghệ An cũng đã trao đổi với Viện kiểm sát và Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), tuy nhiên đến nay cả 2 đơn vị này cũng chưa có hướng xử lý.
“Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai”, Đại tá Cầu nói.
Cụ thể, điều 150 trong bộ luật này quy định về tội Mua bán người; Điều 151 về tội Mua bán người dưới 16 tuổi; Điều 152 quy định về tội Đánh tráo người dưới 1 tuổi; Điều 153 quy định tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi; Điều 154 quy định về tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Trong khi đó, để cấu thành tội phạm thì phải có bị hại. “Trong các vụ án này không có bị hại nên không thể xử lý được. Bị hại ở đây chính là những đứa trẻ, là những bào thai. Nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng, bào thai chưa phải là con người. Vì biết đâu cái thai bị hỏng trước khi được sinh ra, hoặc vừa sinh ra đã chết”, Đại tá Cầu nói.
Liên quan đến việc anh Lữ Văn Thương (xã Hữu Lập, Kỳ Sơn), tố cáo mẹ con bà Moong Thị Hiền và Moong Thị Ba dụ dỗ, đưa vợ anh sang Trung Quốc để bán con nhưng sau khi trở về không chịu trả tiền như đã hứa mà Báo Nghệ An đã đề cập ở kỳ trước, Công an Nghệ An cũng đã vào cuộc làm rõ.
Công an cho rằng, nạn nhân bị mua bán trong vụ việc là cháu bé con của anh Thương và chị Mùi. Tuy nhiên, khi chị Mùi rời khỏi địa phương thì chưa sinh cháu bé mà đang mang thai. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự quy định về tội Mua bán người dưới 16 tuổi thì bị hại phải là con người cụ thể chứ không quy định rõ về hành vi mua bán thai nhi. Việc sinh cháu bé sau đó bán ở Trung Quốc hiện chỉ có lời khai không xác định được cụ thể bị hại, vì vậy việc xử lý hình sự sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, theo lời khai của chị Mùi, chị bị đưa sang Trung Quốc rồi sinh con và bán nhưng hiện nay không có tài liệu xác định chị Mùi có xuất cảnh sang Trung Quốc hay không? Không xác định được thời gian, cửa khẩu và nơi đến của chị Mùi. Do đó, cũng chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 349, Bộ luật Hình sự.
Để xử lý được hành vi này, theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, hiện nay có 2 cách. Cách thứ nhất là cần phải ký lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc. “Hiệp định này được ký từ năm 1998, bây giờ cần phải thay đổi, sửa lại để làm sao tạo điều kiện cho Công an nước ta qua bên đó, hoặc Công an Trung Quốc di lý sang Việt Nam để chúng ta xử lý”, Đại tá Cầu nói.
Cách thứ 2, theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có một thông tư liên tịch để hướng dẫn xử lý về hành vi này. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần phải sớm đưa hành vi này vào Luật Hình sự.
Về phía Công an Nghệ An, Đại tá Cầu cho hay, hiện nay cũng chỉ có 2 giải pháp đó là tích cực tuyên truyền, đặc biệt là đối với khu vực đồng bào thiểu số tại vùng cao, để người dân khỏi bị mắc bẫy. Ngoài ra, Công an Nghệ An cũng sẽ nỗ lực triệt phá các đường dây mua bán người để làm trong sạch địa bàn.
Cùng quan điểm với Đại tá Cầu, luật sư Tạ Ngọc Vân cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm có các văn bản hướng dẫn để xử lý hành vi buôn bán bào thai. “Hiện nay vẫn chưa quy định bào thai là “một bộ phận cơ thể con người” hay là một “con người”. Tôi cho rằng cần xử lý hình sự với người mua bán bào thai. Bào thai nên được coi là một “bộ phận con người””, luật sư Vân nói.
Ông Vân hiện là luật sư trưởng của Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation). Đây là một tổ chức phi chính phủ, chuyên làm từ thiện, hỗ trợ trực tiếp các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Các trẻ em được hỗ trợ là các trẻ đường phố, trẻ khuyết tật, và các nạn nhân của nạn buôn bán người. Luật sư Tạ Ngọc Vân đã tham gia trực tiếp giải cứu và giúp đỡ làm lại cuộc đời cho gần 700 phụ nữ và trẻ em bị lừa bán, lạm dụng tình dục và bóc lột sức lao động người Việt Nam. Ông cũng tham gia 40 phiên tòa với vai trò bảo vệ cho các nạn nhân buôn người. Năm 2012, luật sư này được nhận Bằng khen của Bộ Công an Việt Nam vì thành tích “phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em”. Năm 2014, ông tiếp tục được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh “anh hùng của năm” vì những nỗ lực giúp đỡ nạn nhân buôn người trên thế giới.
Là người thường xuyên qua Trung Quốc giải cứu các nạn nhân mua bán người, luật sư Vân cho hay, nhiều trường hợp qua đến Trung Quốc thì bị giam lỏng, lúc đó không muốn bán thai cũng không được. Cách đây không lâu, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh cũng đã giải cứu một phụ nữ quê ở huyện Kỳ Sơn bị dụ dỗ qua Trung Quốc bán thai.
“Người phụ nữ này lỡ có thai với người đàn ông nghiện ma túy nặng, các đối tượng buôn người tiếp cận dụ dỗ và hứa sẽ cho 40 triệu đồng để làm lại cuộc đời sau khi đẻ xong. Qua đến Trung Quốc, khi đang chờ sinh, vì thương con nên người này đổi ý, không muốn bán nữa. Lập tức những đối tượng này khống chế, dọa bán cả mẹ lẫn con”, luật sư Vân nói. Sau khi được giải cứu trở về, người phụ nữ viết đơn tố cáo nhưng cũng không thể xử lý được vì người mẹ trước đó đã đồng ý đi bán.
“Mua bán bào thai, cũng như các vụ đẻ thuê gần đây công an triệt phá được, các đối tượng và nạn nhân đều thừa nhận hành vi nhưng theo quy định pháp luật thì không xử lý được. Theo tôi, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại khách thể được bảo vệ là bào thai. Chúng ta nên có dự liệu cách thức xử lý trong trường hợp này”, luật sư Tạ Ngọc Vân nói.