Trong một ngày lạ lùng của 50 năm trước, Trung tá phi công Gene Wilber bị bắt bởi 2 thiếu niên học sinh của Nghệ An, Việt Nam. Sau khi trở về Hoa Kỳ, ông Gene Wilber là người tham gia tích cực trong phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Suốt gần 50 năm, điều ông Gene Wilber ấp ủ là được trở lại Việt Nam, tìm gặp những cậu thiếu niên đã bắt mình năm xưa. Ông đã không đủ thời gian để thực hiện ước mong đó, nhưng con trai ông – Thomas Eugene Wilber đã làm thay cha mình. Dưới đây là những tâm sự của Thomas Eugene Wilber sau hành trình nhiều năm về Nghệ An và lần tìm quá khứ. Bài viết do Thomas gửi cho Báo Nghệ An.
_________________________
Ngày 16/6/1968, có 2 người Nghệ An, chưa từng gặp nhau trước đó, cùng chung sức bắt giữ một phi công Mỹ lái máy bay chiến đấu rơi xuống xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. Câu chuyện cách đây vừa tròn 50 năm ấy, bắt đầu từ việc trong khi thực hiện một phi vụ trên bầu trời Nghệ An, chiếc máy bay F4 được mệnh danh là “thần sấm” do Trung tá Gene Wilber và 1 cộng sự thuộc Hải quân Mỹ đã bị pháo phòng không Nghệ An bắn rơi tại xã Thanh Tiên (Thanh Chương). Viên Trung tá may mắn nhảy dù thoát chết, trong khi cộng sự của ông tử vong.
Hai người Nghệ An nói trên, hiện nay, Bùi Bác Văn sống tại thành phố Vinh và Nguyễn Văn Thu sống tại xã Thanh Lĩnh. 50 năm sau ngày đó, tôi vinh hạnh được quen biết họ và tìm hiểu những ký ức về sự kiện chấn động năm xưa. Người phi công nhảy dù xuống xã Thanh Tiên là cha tôi, và câu chuyện của họ xác nhận hồi ức của ông về sự việc này.
Bùi Bác Văn, năm ấy mới 15 tuổi, sống cùng gia đình tại xã Thanh Tiên. Đó là một chiều Chủ nhật nóng nực ngày 16 tháng 6 năm 1968. Văn là người đầu tiên đến hiện trường để bắt giữ cha tôi khi dù của ông vừa đáp xuống bờ ruộng lúa ở phía Bắc trung tâm xã.
Hôm ấy là một ngày quan trọng với những đứa trẻ cũng như những gia đình tại mảnh đất Thanh Chương. Ở xã Thanh Tiên, ai cũng có lý do của riêng mình: học sinh vừa hoàn tất những ngày thi cử và đang hồi hộp chờ đợi kết quả. Nhưng bọn trẻ phải chờ lâu thêm chút nữa, khi mọi hoạt động bị gián đoạn bởi tiếng báo động không kích.
Bùi Bác Văn cũng đang chờ điểm thi. Vì nhà của cậu cách trụ sở xã chưa đầy 100 mét, cậu đang thấp thỏm chờ đợi ở sân trước trong khi người mẹ đang nấu bữa trưa cho cả nhà. Đột nhiên, ở hướng Bắc, tiếng động cơ phản lực gầm rú và tiếng ồn ào không rõ của súng bắn máy bay làm gián đoạn nỗi thấp thỏm chờ đợi và nhịp sống hàng ngày. Hầu như mọi người đều ngay lập tức tìm chỗ trú bom gần nhất. Tuy nhiên, cậu bé Văn lại là ngoại lệ.
Văn ngước lên trời cố tìm những chiếc máy bay, đúng lúc đó, thấp hơn về phía Bắc, cậu nhìn lấy một máy bay chiến đấu đang nhanh chóng hạ độ cao, bốc cháy và chúi xuống hướng về mặt đất và trung tâm xã. Trong tích tắc, khi Văn đang đứng nhìn thì chiếc máy bay bốc cháy rơi xuống cách sân nhà cậu chỉ khoảng 150 mét về phía Tây Bắc. Cậu thấy một chiếc ghế văng ra, rồi 1-2 giây sau đó máy bay rơi xuống mảnh ruộng cách trụ sở xã chừng 100 mét về phía Tây Nam. Khi Văn đưa mắt nhìn sang chỗ chiếc ghế vụt ra khỏi máy bay, cậu nhìn thấy một chiếc dù đáp xuống đất, gần một cái cây nằm sát bờ ruộng.
Văn biết cậu phải nhanh chóng hành động. Đây là một tên phi công Mỹ, và Văn cùng bạn bè đã được dạy rằng phi công Mỹ là mối nguy hiểm đối với tất cả bọn họ: Chúng có thể phát động không kích qua radio, và chúng mang theo súng, có lẽ là cả chất nổ. Tóm lấy cây gậy cạnh tường rào, cậu bé Văn chạy thật nhanh, vừa kịp nhìn thấy tên phi công trong bộ đồ chuyên dụng đứng đó, trên tay là thiết bị liên lạc bằng sóng radio.
Khi Văn chạy đến chỗ tên phi công từ hướng Đông, thì một thiếu niên khác chạy theo. Cậu thiếu niên ấy là Nguyễn Văn Thu, 17 tuổi. Thu hơn Văn vài tuổi nhưng cả hai học cùng khóa. Thu không quen Văn. Họ chưa từng gặp nhau. Thu là người xã Thanh Lĩnh, cách đó chừng 3km về phía Đông Nam. Cậu đến xã Thanh Tiên ngày hôm ấy vì mục đích duy nhất là xem điểm thi.
Thu cũng cảnh giác khi nghe tiếng động cơ máy bay. Nắm chặt ghi đông xe, cậu nhìn lên trời và thấy chiếc máy bay bốc cháy rơi xuống ngay phía trên đầu, đáp trên khu đất cách chỗ cậu đứng chưa đầy 50 mét về phía Tây. Thu kinh ngạc chứng kiến mọi chuyện: Cậu thấy chiếc dù bung căng ra, sau đó xẹp xuống khi tiếp đất trong vài giây đồng hồ. Thu nhìn thấy Văn chạy phía trước. Cậu vứt xe đạp, chạy theo Văn.
Văn là người đầu tiên đến hiện trường, và cậu hét lên khi dùng gậy đánh vào cánh tay viên phi công và hất chiếc radio xuống đất. Trong lúc đó, Thu lấy cây gậy từ tay Văn. Vì Thu lớn tuổi hơn, nên cậu cảm thấy có trách nhiệm kiềm chế tên phi công. Văn thì nhặt radio lên, đập liên tục xuống đất nhưng nó vẫn kêu “tít tít” là tín hiệu SOS. Văn sau đó đã cố vùi nó vào vũng bùn trên ruộng, nhờ vậy mới khiến radio mất tín hiệu. Ngay khi tên phi công giơ 2 tay lên hàng, Thu ngừng đánh. Sau đó vài người khác cũng đến giúp sức, cùng lúc đó viên Trung tá phi công Gene Wilber mở mũ bảo hiểm xuống.
Lúc này, Nguyễn Văn Mười, 19 tuổi, sống sau nhà Văn, tới giúp Văn và Thu. Sau đó một người thứ 4 nữa cũng cùng tham gia với họ. Rồi ông Thứ, công an xã đến hiện trường, mang theo dây thừng và một khẩu súng lục mà ông bắn chỉ thiên 3 phát khi đến gần.
Sau khi bắt Gene Wilber, Văn đứng lại, phóng mắt qua ruộng lúa, mặt hướng về tù binh mới bị bắt, khi công an Thứ chuẩn bị áp giải đi, Gene quay lại nhìn và bắt gặp ánh mắt Văn. Khoảnh khắc cái nhìn giao nhau ấy khắc sâu trong trí nhớ của Văn và luôn đem theo những ký ức này bên mình, để chia sẻ chúng 47 năm sau đó, khi tôi đến thăm nhà ông tại Vinh để hỏi ông về những sự việc diễn ra ngày 16/6/1968. Chàng thanh niên Văn sau đó nhập ngũ năm 1971, và sau khi phục viên, đi học đại học làm kỹ sư, định cư ở Vinh và gặp người vợ tương lai tại đây.
Ông Thu cũng ghi nhớ những chuyện này, và chia sẻ với tôi năm 2015. Ngày 16/6/1968, sau khi giúp bắt giữ cha tôi, ông đạp xe về nhà ở xã Thanh Lĩnh. Là con một, Thu được miễn nhập ngũ. Tuy nhiên, vì đã giúp bắt sống phi công Mỹ, ông đã góp sức bảo vệ đất nước. Ghi nhận chiến công bắt phi công, ông đã được bố trí công việc ở trường học và cuối cùng trở thành giáo viên, nghỉ hưu năm 2012.
Ngày 4/7/2015, ánh mắt của Gene Wilber và Bùi Bác Văn lần nữa gặp nhau như ngày 16/6/1968, dù không trực tiếp đối diện. Họ nói chuyện với nhau qua cuộc gọi video, và nói lời tạm biệt nhau cuối cùng, bởi 4 ngày sau đó, Gene Wilber qua đời, sau hơn 47 năm có cuộc gặp chóng vánh với 2 người dân Nghệ An là Bùi Bác Văn và Nguyễn Văn Thu đã cùng bắt giữ ông ngày 16/6/1968”.