Họ và tên: VI VĂN SƠN
Ngày, tháng, năm sinh: 15/ 9/1973
Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
Tôi hết sức vinh dự được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giới thiệu, hiệp thương; được cử tri nơi công tác và nơi cư trú tín nhiệm giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ ra sức học tập, phấn đấu trau dồi mọi mặt để thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân, qua đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
1. Tôi sẽ cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nghiên cứu góp phần vào việc xây dựng, sửa đổi, ban hành các luật, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong đó, quan tâm đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường…
2. Tăng cường tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là các nội dung liên quan đến hoạt động của cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương để thực hiện quyền giám sát và quyền chất vấn, kiến nghị của đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, quan tâm giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Tôi sẽ cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ khi quyết định những chủ trương lớn về phát triển kinh tế cần đi đôi với các vấn đề an sinh xã hội, xóa nghèo bền vững; quan tâm tạo cơ chế cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn để các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển nhanh hơn, hạn chế đến mức thấp nhất khoảng cách giàu – nghèo; quan tâm các chính sách đào tạo, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân miền núi và người dân tộc thiểu số. Nghiên cứu kiến nghị để có chính sách thỏa đáng cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; vùng bị ảnh hưởng bởi các thủy điện; vùng biên giới; đề xuất cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục.
4. Là người đứng đầu ngành công tác dân tộc của tỉnh, tôi trăn trở làm thế nào để người dân miền núi nói chung có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên. Những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án cho vùng miền núi, vùng dân tộc của tỉnh nhưng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Do đó, cần quan tâm phát triển kinh tế – xã hội của các địa bàn miền núi Nghệ An một cách toàn diện. Ngoài chính sách chung của cả nước, kiến nghị tỉnh có những chính sách đặc thù cho các huyện, thị miền núi, coi đây là động lực thúc đẩy các địa phương phát huy nội lực.
Đồng thời tôi sẽ tham mưu thực hiện đúng các chính sách của Đảng, Nhà nước cho đồng bào vùng miền núi, dân tộc; tập trung tuyên truyền, vận động các dân tộc đoàn kết, chấp hành pháp luật, bảo tồn bản sắc văn hóa, xóa nghèo bền vững, xây dựng địa phương, cộng đồng ngày càng tiến bộ. Tiếp tục kiến nghị phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất, hệ thống điện lưới; phát triển thiết chế văn hóa ở cơ sở. Phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả./.