Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, cả dân tộc ta rực rỡ ánh hào quang nhưng về mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta lại đang mịt mờ xa ngái. Theo đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Tổng Bí thư Lê Duẩn là kiến trúc sư, muốn đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thì cấp huyện sẽ là đơn vị cơ sở về kinh tế. Chọn cấp huyện vì dưới sự hỗ trợ của Liên Xô và các nước XHCN, Việt Nam sẽ biến hơn 200 huyện thành pháo đài kinh tế. Ở đó riêng về nông nghiệp, máy móc hiện đại sẽ tạo ra những xí nghiệp nông, công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, từ đó đưa nền kinh tế phát triển và đời sống người lao động sẽ được nâng lên. Mô hình cấp huyện đã thành công ở nước xã hội chủ nghĩa anh em. Còn nếu là cấp xã như xưa thì ruộng đồng manh mún, sức lao động phân tán, tiền vốn nhỏ nhoi không thể làm công trình lớn và hình thành nền sản xuất lớn được. Ông Đợi sống gặp thời đại ấy. Nhưng trước đó, ông Đợi và những người tiền nhiệm cũng đã tạo ra “thời thế tiền đề” để hai điều gặp nhau.
Ở Việt Nam, chuẩn bị cho đất nước sau khi thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội thì Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An và sau này là Nghệ Tĩnh đã chọn huyện Quỳnh Lưu làm điểm đi đầu, hình thành mô hình và rút kinh nghiệm chung. Sở dĩ chọn Quỳnh Lưu vì một trong những nguyên nhân cơ bản, là ở đây có một Bí thư Huyện ủy có tư duy đổi mới và biết cách tổ chức thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết thành hiện thực mau chóng và sáng tạo. Quỳnh Lưu thời kỳ ấy đã xuất hiện những con người đáp ứng được đòi hỏi của thời đại ấy ngay từ trong chiến tranh chống Mỹ mà Nguyễn Hữu Đợi là ngọn cờ tiêu biểu nhất.
Ông sinh năm 1927, ở một xã nghèo, thuần nông (xã Quỳnh Hồng). Dấu ấn của một gia đình bần nông đã ảnh hưởng nhiều đến lối sinh hoạt, tính cách của ông sau này. Đi hoạt động cách mạng và trải qua cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng trong 9 năm chống Pháp ở địa phương, sau mới thoát ly lên huyện. Điều ấy chứng tỏ lập trường cách mạng của ông kiên định, có những biệt tài nổi trội, sàng lọc qua thực tiễn từ cơ sở mà lên. Ai cũng biết, những người làm chính trị xuất thân từ trí thức thì nhanh nhạy nhưng khó hòa nhập quần chúng hơn là những người lăn lóc từ đồng ruộng ra mà làm cán bộ.
Từ khi bỏ cày làm cán bộ, ông đã tỏ ra có tài ăn nói biện thuyết. Trước đám đông, ông như người nghệ sĩ, càng nói càng hăng, càng nói càng hấp dẫn. Trong nghệ thuật tuyên truyền miệng ông biết đúc rút vấn đề dưới góc nhìn hài hước, để “cù” vào sự thích thú của người nghe. Cứ nhìn tướng mạo ông: Người thấp đậm, vạm vỡ, khuôn mặt phương phi, bước đi nhanh và tự tin đủ biết ông là người có năng lực chỉ huy và là thuộc tạng người hành động quyết liệt.
Ngay từ trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tên tuổi Nguyễn Hữu Đợi gắn với huyện Quỳnh Lưu anh hùng đã nổi lên như cồn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thành tích nổi bật nhất là thâm canh nông nghiệp đạt năng suất cao. Trong huyện đã có nhiều xã: từ Quỳnh Hồng đến Quỳnh Hậu, Quỳnh Giang, Quỳnh Bá đã chạm tới mốc 6 tấn một ha, ngang ngửa với Thái Bình đất lúa. Nhờ năng suất lúa lên, Quỳnh Lưu làm nghĩa vụ lương thực, cung cấp cho tiền tuyến “thóc không thiếu một cân”. Đời sống nhân dân theo đó cũng bảo đảm mức tối thiểu, lòng người phơi phới đi lên. Những công trình nổi tiếng như cải tạo đồng muối Quỳnh Thuận thành quy mô; đào kênh tiêu úng Bình Sơn, tiêu úng cho hàng ngàn ha ruộng ngập sâu; xây dựng nhà thương, trường học, nghĩa trang liệt sỹ huyện, trại an dưỡng thương, bệnh binh… đã thành những hình ảnh làm say lòng người.
Đến năm 1975, Quỳnh Lưu đã trở thành hiện tượng trong cả nước và truyền thông thời đó đã có nhiều bài viết ngợi ca rất hình ảnh “Quỳnh Lưu đã chạm một tay vào chủ nghĩa xã hội”. CNXH ở Quỳnh Lưu là đây: Năng suất lúa cao, thủy lợi được hoạch định, đời sống nhân dân được cải thiện, người già và thương, bệnh binh được chăm sóc, đồng ruộng và thôn xóm được sắp xếp lại, trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang…
Từ đó, nhiều trường học lý luận về xây dựng Đảng, về xây dựng nền kinh tế sản xuất lớn, về đường lối dân vận… đã ùn ùn về Quỳnh Lưu đúc rút kinh nghiệm, coi đó là trường học thực tiễn mà người cầm cương nảy mực là Bí thư Huyện ủy. Thời ấy các ngôi sao khác tự mờ đi, suy tôn cho một người xứng tầm để thêm cho ngôi sao đứng đầu tỏa sáng. Có thể nói trường lớn nhất về lý luận là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Hà Nội) cũng đã về đây khảo sát hàng chục đoàn, có đoàn thời gian công tác hàng tuần. Nét chung là đoàn nào khi kết thúc cũng đề nghị được Bí thư Huyện ủy nói chuyện. Người ta xem ông Đợi là tác giả, xem Quỳnh Lưu là cái nôi của phong trào cách mạng. Tất cả cần phải nhân rộng ra, tiếp lửa cho miền Bắc và cả miền Nam buổi đầu còn loay hoay ngơ ngác tìm con đường đi lên tương lai sau giải phóng. Trên cái nền như vậy, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh khóa đầu tiên (giai đoạn 1976-1979) đã trân trọng ghi tên Nguyễn Hữu Đợi vào Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cũng trên cái đà đó, Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến có đồng chí Nguyễn Hữu Đợi vào Ban Chấp hành Trung ương – nếu không có một trục trặc nhỏ trong công tác tổ chức thì ông đã là Ủy viên Trung ương Đảng đầu tiên của cấp huyện.
Ông Nguyễn Hữu Đợi có biệt tài biến Nghị quyết của Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu thành những khẩu hiệu chiến lược và khẩu hiệu hành động, thậm chí như ca dao, tục ngữ, như vè, như phương ngôn, đầy hình ảnh, đầy nhạc điệu, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, người nông dân có ít chữ nhất cũng nhớ được, thuộc được và khi nhớ rồi, khi đã thuộc rồi thì họ làm bao giờ cũng đúng ý Đảng. Câu “Mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản tiến lên chủ nghĩa xã hội” nếu là nhà lý luận ta phải dùng đến 500 trang sách để diễn giải nội hàm của mệnh đề đó. Nhưng với ông, nhà lý luận cách mạng, nhà canh nông, chỉ gói gọn trong 1 câu như câu ca 15 chữ. “Mo cơm quả cà và tấm lòng cộng sản, tiến lên chủ nghĩa xã hội” mà đi vào lòng người, ai cũng nhớ, ai cũng thuộc. Khi dân còn đói, thiếu gạo, ông đưa ra khẩu hiệu: “Có nước là có lúa, có đất là có màu, có người là có việc”. Có thế thôi, giản dị, mạch lạc, nhưng người dân hiểu ra, có tí đất liền trồng thêm bụi mía, bụi rau, ruộng cao không trồng được lúa thì tát nước lên… Nếu để ý sẽ thấy, vài tháng sau khi câu khẩu hiệu ấy xuất hiện, cả huyện có thêm bao nhiêu rau, bao nhiêu sắn, bao nhiêu khoai lang, ngon thì chưa nói nhưng đói thì không ai còn bị đói.
Vụ mùa mất phải trông vào vụ đông xuân, chưa biết thiên nhiên còn giở trò gì nữa, ông Đợi liền đề ra khẩu hiệu:“Đông xuân này quyết tuyên chiến với thiên nhiên” hoặc “Trời làm mất, bắt đất phải bù”. Khổng Tử nói:“Lập ngôn rồi mới lập nghiệp”, tức là phàm muốn làm một việc gì, nhất là hoạt động chính trị, thì phải có chủ thuyết. Mục đích là để làm tập hợp nhiều người cùng làm. Muốn vậy người ta phải biết anh là ai, quan điểm thế nào, và cách làm của anh để đến đích ấy. Tôi nghĩ, chính cái tài biện thuyết, nắm bắt tốt vấn đề và khái quát được bằng những khẩu hiệu hành động có sức mạnh của Nguyễn Hữu Đợi, là một trong những nhân tố đầu tiên, để ông thành công trong chỉ đạo điều hành. Đó là khi làm một việc gì lớn ông đều vắt óc suy nghĩ đề ra được một câu khẩu hiệu, nếu ông chưa nghĩ ra ông bắt cả ban thường vụ đều nghĩ. Thời đó đọc lên, người dân nghe như tiếng kèn xung trận.
Những ai đã từng sống ở đất Quỳnh Lưu thời đó thì biết cái đói, cái rét sát sườn từng nhà, từng ngõ ngách như thế nào. Bo bo cũng bán theo tem phiếu. Người dân phải ăn đến sắn, khoai lang non, củ mới bằng ngón tay. Có xã đã phải ăn rau khoai, lá sắn và rau má. Đói làm cho hợp tác xã lung lay, dân đòi chia ruộng để trồng cây gì cứu đói. Dù vậy huyện vẫn không xa rời mục tiêu đưa Quỳnh Lưu tiến bước mạnh mẽ lên CNXH, ra nghị quyết về xây dựng thủy lợi, thủy nông đưa nước về từng cánh đồng, xây dựng làng mới trên núi, lấy đất cho sản xuất lớn, bên cạnh đó làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, vận động chị em đặt vòng tránh thai…Nhà tuyên truyền chính sách bẩm sinh Nguyễn Hữu Đợi đã cụ thể hóa, hình ảnh hóa, ngạn ngữ hóa nghị quyết trừu tượng ấy thành 9 chữ đơn giản, dân dã, đầy cảm xúc, để cho mọi người dân dễ nhớ và dễ thực hiện. “Mạ vô sân, dân vô rú, đ… vô vòng”, mạ vô sân thì dễ hiểu, dân vô rú tức là sắp xếp lại giang san, đưa dân vô núi, lập làng mới. Còn vế thứ ba là vận động sinh đẻ có kế hoạch, 3 chữ thay cho hàng chục pho sách, mà khúc chiết, lôi cuốn, đầy cảm hứng mà cũng rất hài hước. Chủ trương nào, kế hoạch hay chính sách nào của Trung ương, của tỉnh hay của huyện, ông Đợi cũng có thể biến thành những khẩu hiệu đầy hình ảnh, đầy màu sắc và dễ nhớ.
Ông Nguyễn Thế Trung – nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nói: “Bây giờ nghị quyết chồng lên nghị quyết. Muốn triển khai nó ra phải mất ít nhất dăm, sáu tháng, đọc bể đầu ra mới nhớ, thế mà ông Đợi vừa họp xong, có nghị quyết ông tóm lại ba việc then chốt kiểu như thế liền. Cách văn nghệ, nói trạng, dễ nhớ, dễ làm như vậy thật là tài tình, hiếm hoi”.
Trước tiên ta cần thống nhất rằng tục hay không còn là do văn cảnh, bối cảnh và đối tượng trao đổi. Đó là tài của ông Đợi, là phong cách lãnh đạo của ông Đợi, là đặc sắc của ông Đợi, không ai có và không ai làm được. Hô hào dân làm thủy lợi thì ông có: “Mo cơm quả cà và tấm lòng cộng sản, toàn huyện chung tay xây dựng các công trình thủy lợi”, đưa lại cho người dân một tinh thần lạc quan cách mạng, tin tưởng ở sức mình.
Ngày ấy dân đi làm thủy lợi làm gì có mo cơm, quả cà? Nói mo cơm cho oai thôi, chỉ có vài củ khoai hay củ sắn. Dân đi làm công trình thủy lợi Vực Mấu, đào kênh Bình Sơn, cải tạo đồng muối Quỳnh Thuận chỉ có bo bo và bí đỏ ăn thay cơm, ăn trừ bữa, đói nhưng không ai kêu. Chỉ có khoai và tấm lòng cộng sản. Ông muốn nói, không có tấm lòng ấy thì không có CNXH. Đừng trách ông Bí thư duy ý chí. Những khẩu hiệu vang dội ấy có hoàn cảnh ra đời của nó, nó đã dựng nên rất nhiều phong trào, đóng góp những tiến bộ đáng kể, nó cũng đã hoàn thành nhiệm vụ hay vai trò lịch sử của nó, nó đúng và phát huy sức mạnh của nó, chỉ trong diều kiện lịch sử và điều kiện xã hội mà nó ra đời, hay đẻ ra nó.
Sao chúng ta lại không đồng nhất quan điểm của ông cha ta là thắt lưng buộc bụng, cần kiệm để xây dựng cơ đồ nhỉ? Sao lại coi nhẹ và phủ nhận ý chí con người vươn lên trong khó khăn? Bác Hồ nói: “Không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền/đào núi và lấp biển/quyết chí cũng làm nên” cơ mà ! Và ông cha ta nói “Thuận bè thuận bạn tát cạn bể đông” đó thôi. Nếu hai câu của Bác Hồ và của ông cha ta truyền lại rất có tính văn học thì hai câu trên của ông Đợi cũng mang hơi hướng văn học. Ông Đợi khái quát trừu tượng sự đói nghèo, lạc hậu bằng chi tiết mo cơm, quả cà là rất hay. Nghèo gì hơn khi phải ăn cơm mo và thức ăn là cà muối mặn? CNXH – nơi hạnh phúc ấy quả thực chưa có mô hình, nhưng ta đã biết những thuộc tính ưu việt. Vậy thì sao lại không coi trọng vai trò của tư tưởng, của ý chí?
Nếu không dùng ý chí thì dân Quỳnh Lưu làm sao đào nổi con kênh dài hàng cây số nghiêng đồng đổ nước ra sông như đã làm. Và treo nước trên ngọn cây của 86 hồ, đập, trong đó có hồ Vực Mấu để tưới ruộng?
Hình tượng “mo cơm quả cà tiến lên chủ nghĩa xã hội” hàm nghĩa sâu sắc cả về thời đại và tính cách dân Nghệ, nó cũng là một biểu tượng Quỳnh Lưu đang “đặt một tay vào chủ nghĩa xã hội”.
Trong hoàn cảnh đất nước ta vừa mới thống nhất, lòng dân rất phấn khởi, nhưng vẫn còn nhiều luồng suy nghĩ: hoặc quá lạc quan tếu, ru ngủ trên hào quang chiến thắng của người anh hùng vừa đánh tan ngoại xâm hùng mạnh, hoặc bi quan chán nản, vì bởi sau 30 năm đổ máu hy sinh hóa ra vẫn nghèo nàn, túng quẫn, loay hoay, chưa thật tin vào đường ra. Trong hoàn cảnh ấy thì tinh thần của Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Lưu chẳng những làm cho vùng đất này chuyển động mà còn những người khách đi qua cũng hăng hái lây, lòng đầy khâm phục kính trọng.
Khi Thái Bình là tỉnh 5 tấn, ông Đợi đã cử một đoàn 24 cán bộ ra, xin làm xã viên gần năm, cùng ăn, cùng ở trong gia đình nông dân, học làm giống lúa mới, học cấy ngửa tay, học làm bờ vùng, bờ thửa… Ăn ở, làm việc như nông dân ở đó đúng 2 vụ thì về, khi về hợp tác xã Thái Bình trả công điểm cho họ bằng thóc giống. Số thóc giống ấy chia về 3 xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu và Quỳnh Bá làm thí điểm. Xong một vụ, huyện mời lãnh đạo các xã khác trong huyện đến tận bờ ruộng tham quan, học hỏi cách gieo giống mới, cách chăm bón. Vụ sau cả huyện Quỳnh Lưu đạt 6 tấn/ha, vượt cả Thái Bình.
Cũng một lần đi Thái Bình, thấy đồng muối người ta ngon lành quá, ông Ðợi muốn cải tạo đồng muối Quỳnh Lưu một cách “hoành tráng” bằng cách san phẳng hết cồn mô, chia cắt, đắp đê, xây cống để chủ động nước ra vào. Đặt vấn đề ai cũng thấy khó có thể vượt qua vì đang lúc chiến tranh, đồng vốn lại không có. Công việc phải huy động nhiều người, nhỡ máy bay đánh làm chết dân thì ai chịu? Ông Đợi muốn cho “có trên, có dưới” đã trình lên các cấp có liên quan. Ủy ban tỉnh không đồng ý. Ông Ðợi đang đêm đạp xe ngót trăm cây số lên gặp Bí thư Tỉnh ủy nơi sơ tán, nằn nì: “Thủ trưởng ơi, em muốn cải tạo đồng muối, xin ủy ban không cho. Anh đồng ý đi, em làm thành công rồi em báo cáo tỉnh sau”.
Sau khi cân nhắc mọi nhẽ, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là ông Trương Kiện đành bảo: “Thôi, làm đi. Có gì cậu và tớ cùng chịu!”. Khi bắt tay vào làm, thiếu nhân lực, ông Đợi “tóe ra” cái cách huy động ngày nghỉ của học sinh cấp ba, đưa các cô cậu cùng tham gia. Thế là chúng tôi được nghỉ học 2 ngày, vừa sướng khỏi ngồi lớp vừa được lao động tham gia công trường đông vui. Chúng tôi – những học sinh cấp 3 vinh dự được tham gia công cuộc “thay trời đổi đất” với cha anh. Ông thường khuyên cán bộ, nhất là lớp cán bộ khoa học kỹ thuật, phải cụ thể và đi vào thực tế kẻo bị đánh lừa. Muốn vậy phải: “Tai nghe, mắt thấy, tay rờ, chân đạp”. Thật là một kinh nghiệm quý. Kinh nghiệm cho hay không ít cơ sở và người lao động làm dối, nói hay. Tình huống đó có dùng tay rờ mới nhận ra thật giả nếu không bị con mắt đánh lừa. Tương tự chân phải đạp mới biết cày bừa có kỹ càng hay bị tháo nước che lấp.