Năm ấy tôi đang học lớp 10, là Phó Bí thư Đoàn trường cấp 3 Quỳnh Lưu 1 nên là đại biểu chính thức đi dự Đại hội Huyện đoàn lần thứ XV. Đất nước vừa thống nhất, niềm vui chiến thắng ngời ngời trên sắc mặt mọi người. Cả hội trường rực rỡ cờ hoa. Sau phần báo cáo thành tích của Đoàn Thanh niên huyện, ban tổ chức hân hoan giới thiệu người lãnh đạo cao nhất huyện lên nói chuyện với đại hội. Đó là Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Hữu Đợi. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe ông Bí thư nói chuyện.
Ông khỏe mạnh, người hơi đậm, chân tay rắn chắc, da hơi ngăm. Ông có cái nhìn thẳng thắn, ánh mắt chiếu thẳng vào cử tọa. Mới đầu ông nói chậm chạp, có tính khái quát, tôi có cảm giác hơi khô khan. Cả hội trường thanh niên im lặng nghe như một bổn phận. Nhưng chỉ dăm phút sau, ông trở nên lôi cuốn lạ lùng. Không bài vở, không tài liệu nào trước mắt ông, nhưng mọi nguyên tắc lý luận thực tiễn số liệu ở đâu, năm nào tự nhiên tuôn ra dào dạt. Giọng ông càng hùng hồn, càng cuốn hút, những nhấn nhá, những khoảng lặng của ông làm cho cả hội trường nín thở. Tất cả đại biểu thanh niên lặng ngắt, dường như nuốt từng lời. Ông chỉ nói vo, không cần chuẩn bị, ông nói bằng lòng nhiệt huyết cách mạng của ông, nói bằng những năm tháng cam go hoạt động địa phương và xây dựng phong trào cách mạng của mảnh đất ông sinh ra.
Quả thật, ông là nhà hùng biện, nhà chính trị, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà thuyết khách, tất cả trong ông đều ở mức sục sôi, ào ạt, cuồn cuộn. Hai tay ông như đôi đũa thần thu phục lòng người, khi giơ cao, khi chém xuống, khi gạt ngang, khi phải, khi trái như dẫn dắt người nghe lên rừng, xuống biển, lên chỗ tươi vui cũng như xông vào những chỗ hiểm nguy. Ông diễn thuyết liền một mạch, không nghỉ. Khi nào cũng đầy cảm hứng, khi nào cũng như đang ở cao trào cách mạng, hay ở chính tâm bão. Mồ hôi ông vã ra. Lúc đầu ông cởi cái áo bốn túi, bỏ ra sau ghế. Một lúc sau, ông xắn tay áo sơ mi. Ngẫu nhiên ông nói đến những khó khăn thiếu thốn của bà con xã viên hợp tác xã ông liền cởi hẳn áo sơ mi để giữa bục nói chuyện, trên người chỉ mỗi cái áo dệt kim cộc tay. Và ông tiếp tục cuộc hành trình chinh phục lớp thanh niên đang ngồi kín cả hội trường.
Ông nói, đất nước chúng ta đã liền một dải rồi, phải không các bạn? Phải rồi. Nước ta đã thống nhất, chúng ta phải đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, lên chủ nghĩa cộng sản đại đồng. Chủ nghĩa xã hội là gì? Là chính quyền Xô viết, là cơ khí hóa và điện khí hóa. Huyện ta đang nghèo, đang thiếu thốn mọi thứ. Sau chiến tranh mà. Nhưng tiến lên chủ nghĩa xã hội không thể làm ăn cò con nhỏ hẹp được, phải tiến lên sản xuất lớn. Không thể hợp tác xã thôn được. Phải là hợp tác xã toàn xã, hợp tác xã liên xã. Rồi tiến lên xây dựng xí nghiệp liên hợp công nông toàn huyện hoặc toàn vùng. Chúng ta có nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và chúng ta sẽ cơ khí hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của Quỳnh Lưu.
Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì chúng ta cần lực lượng nào? Ồ, là thanh niên, các bạn nói rất đúng. Các bạn sẽ là nòng cốt hiện tại và chủ nhân trong tương lai. Chúng ta đang nghèo, Quỳnh Lưu đang nhiều khó khăn, nhưng với MO CƠM QUẢ CÀ VÀ TẤM LÒNG CỘNG SẢN CHÚNG TA SẼ TIẾN LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI. ..
Cả hội trường liền đứng dậy vỗ tay rầm rầm.
Ông nói tiếp, các bạn là con em của mảnh đất Quỳnh Lưu giàu truyền thống cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, chúng ta cũng không sợ va vấp. Khi ta đi từ điểm a đến điểm b, nếu một người sợ va chạm, họ đi cẩn thận, chậm chạp, rón rén thì người đó cũng đi đến đích nhưng rất lâu. Thanh niên như các bạn thì đi nhanh, tay vung vẩy không chạm người này thì cũng đụng người khác, nhưng đến đích sớm hơn. Ta chọn cách nào? Chắc chắn có sai sót, ta cố chịu nhận chút khuyết điểm, chút khó chịu nhưng đến đích được sớm là hơn. Có đắm mình vào thực tiễn cách mạng, có nhảy vào thì mới tóe ra, nếu cứ đứng ngoài thì co lại… Phải tiến công, tiến công và tiến công. Xóa tan đói nghèo và lạc hậu, xóa tan sản xuất nhỏ, manh mún. Chúng ta mạnh tay THAY TRỜI ĐỔI ĐẤT, SẮP XẾP LẠI GIANG SƠN…
Một lần nữa, cả hội trường như bị thôi miên, lại đứng dậy vỗ tay hưởng ứng rầm rầm như sấm vang.
Không ai nghĩ đến thời gian, chỉ có những đợt sóng ngôn từ và tư tưởng, từng đợt từng đợt dội lên rồi lại ào ra, tràn khắp bờ bãi từ tình cảm, tư tưởng của mọi người. Tiếng vang của bài nói chuyện ấy không phải trong thanh niên, trong huyện mà truyền dẫn ra cả tỉnh, cả nước. Diễn giả Nguyễn Hữu Đợi suốt cả một buổi không nghỉ giải lao mà cả hội trường im phăng phắc, họ bị cuốn hút, bị thu phục, bị lôi kéo, nó chinh phục hoàn toàn tâm tư của thanh niên. Ông để lại ấn tượng không những mạnh mẽ, sâu sắc mà kích hoạt lòng nhiệt tình của hàng vạn người trong huyện, trong tỉnh. Nó tạo cho thanh niên chúng tôi cảm hứng hoạt động, đưa lại niềm tin vững chắc có một chủ nghĩa xã hội rất gần, một nền sản xuất lớn được cơ khí hóa, điện khí hóa không xa, ngày mai trên cánh đồng trước mặt sẽ là thẳng cánh cò bay tạo điều kiện cho máy gặt đập liên hợp làm việc. Ở huyện, lớp tuổi thanh niên học sinh chúng tôi được ông nói chuyện về vai trò thanh niên trong giai đoạn mới, sau khi nghe ra về vẫn muốn làm một việc gì đó cho quê hương, đất nước. Có thực sự chứng kiến ông nói chuyện mới thấy kiến thức ông phong phú và giọng nói ông hùng hồn, thuyết phục, lạc quan. Những câu nói đó làm cho chúng tôi dũng mãnh lên, ham việc thêm. Nó theo chúng tôi đi suốt cuộc đời.