P.V: Hiếu nghĩa là một phạm trù không phải mới và cũng không phải là một vấn đề “nóng” của thế hệ học sinh sinh sau năm 2000. Vì sao, các em lại chọn đề tài này?
Nguyễn Đoàn Thùy Dương: Hiếu nghĩa là nguồn gốc mà mọi người hướng đến và dường như mọi vấn đề khác trong cuộc sống đều có liên quan đến chữ hiếu và nhờ đó giúp con người tốt hơn. Đây cũng là một đề tài khá mới tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật. Vì vậy cách đây hơn một năm khi nghe đến câu chuyện về “chữ hiếu” em đã ấp ủ đề tài này.
Chúng ta cũng thấy rằng, hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, dễ dàng tìm thấy những câu chuyện, những vụ án với hành vi ứng xử bất hiếu của con cái đối với cha mẹ, trong đó có không có ít vụ việc thuộc lứa tuổi học sinh THPT. Đây là một thực trạng cần được nghiên cứu và tìm ra các nguyên nhân cũng như các biện pháp khắc phục, góp phần duy trì bền vững các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Hồ Nam Quang Sáng: Bản thân em khi tham dự đề tài này, em khá băn khoăn bởi nói về “chữ hiếu” có rất nhiều phạm trù. Em đã tìm hiểu trên mạng, lên thư viện tỉnh đọc không ít tài liệu và cuối cùng chúng em quyết định chọn đề tài “Xây dựng chữ hiếu trong gia đình và mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái”. Quả thực, lâu nay chúng ta nói nhiều đến chữ hiếu và chỉ nghĩ đơn giản là con cái phải chăm chỉ, phải ngoan ngoãn, phải nghe lời bố mẹ… Nhưng, trong thực tế, điều này không phải khi nào cũng dễ dàng vì có những bất đồng không tránh khỏi. Do đó, từ khi triển khai đề tài, em đọc rất nhiều câu chuyện về hành trang ứng xử trong gia đình và đôi khi cũng “giật thột” về hành động của mình.
P.V: Tôi nghĩ rằng, xem đề tài các em, chắc chắn ban giám khảo sẽ ấn tượng với quá trình mà các em thu thập tài liệu, triển khai các nội dung để đánh giá quan điểm của các bạn học sinh. Vậy làm sao các em có thể kết nối với hơn 2.000 học sinh THPT trong toàn thành phố để tham gia dự án này?
Hồ Nam Quang Sáng: Để làm rõ thực trạng, mức độ hiểu biết về hiếu nghĩa trong gia đình của học sinh trên địa bàn nghiên cứu, chúng em đã sử dụng câu hỏi “Bạn hiểu như thế nào về hiếu nghĩa trong gia đình” và phát phiếu khảo sát đến 2.600 học sinh tại nhiều Trường THPT trên địa bàn thành phố như: Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Trường THPT Lê Viết Thuật, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Để làm được điều này, chúng em đã đến từng trường và nhờ giáo viên kết nối để có thể tiếp cận được các bạn. Dù công việc khá vất vả, nhưng kết quả thu được khá nhiều.
Nguyễn Đoàn Thùy Dương: Chúng em có khá nhiều câu hỏi trong phiếu khảo sát, ví như, “Bạn được tiếp cận các nội dung về hiếu nghĩa trong gia đình từ đâu?”, “Những tiêu chí nào dưới đây phù hợp với hiếu nghĩa trong gia đình?”, “Bạn có phản ứng như thế nào trước lời khuyên của cha mẹ”, “ Bạn thường nói chuyện, tâm sự với bố, mẹ vào thời gian nào trong ngày và trong khoảng bao lâu?”… Song song với đó, chúng em cũng thực hiện các phiếu khảo sát đối với một số phụ huynh và các thầy cô giáo ở trường để xem suy nghĩ giữa các thế hệ có sự khác nhau như thế nào. Kết quả thu lại cũng có nhiều điều bất ngờ. Chẳng hạn với câu hỏi, nếu có người thân ốm các bạn sẽ làm gì? Đã có 78% học sinh chọn hỏi thăm sức khỏe; 56% học sinh biết động viên và 22% học sinh cho rằng có chăm sóc khi người thân ốm đau. Những rất tiếc vẫn còn 290 học sinh/2.636 học sinh được khảo sát (chiếm 11%) chọn không làm gì khi có người thân ốm đau.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ thực hiện các hành vi như hỏi thăm, động viên, chăm sóc người thân ốm đau của học sinh THPT trên địa bàn nghiên cứu chủ yếu là ở mức không thường xuyên 1.898 học sinh/2.636 học sinh được khảo sát (chiếm 72%). Hay khi chúng em đặt câu hỏi, nếu bố mẹ có lời khuyên thì học sinh phản ứng thế nào, thì chỉ có 39% chọn nghe lời, không phản ứng. Trong khi đó có 22% chọn không nghe và bỏ đi chỗ khác; 17% học sinh cho rằng đã từng tranh cãi vì cho là mình đúng. Điều này cho thấy, giữa bố mẹ và học sinh vẫn đang chưa tìm được tiếng nói chung, nhiều học sinh chưa thận thức đầy đủ về chữ hiếu và từ đó chúng em đang cố gắng tìm ra những giải pháp để rút ngắn khoảng cách này.
PV: Các bạn đang nói đến giải pháp. Đó có phải là khi các bạn triển khai một số hoạt động để hỗ trợ cho đề tài như việc tổ chức cho các bạn hưởng ứng việc tham gia viết “Nhật ký gia đình”, thuyết minh triển lãm ảnh…
Nguyễn Đoàn Thùy Dương: Về “Nhật ký gia đình” ban đầu chỉ có nhóm tác giả là em và Sáng cùng thực hiện. Sau đó, em thấy hiệu quả vì mỗi ngày chúng em sẽ ghi lại những công việc mà mình đã giúp được bố mẹ trong ngày và cùng với đó là lời nhận xét của bố mẹ. Từ nhật ký của bản thân, các bạn trong lớp chúng em cùng hưởng ứng và sau đó nhiều bạn học ở các lớp khác cũng đã tham gia và đem lại nhiều điều ý nghĩa. Qua mỗi việc chúng em thực hiện trong ngày, chúng em sẽ thấy được những việc mình làm tốt, những việc mình chưa thực hiện và quan trọng hơn chúng em nhận được sự quan tâm, sự khích lệ của bố mẹ.
Hồ Nam Quang Sáng: Thực ra trong nhật ký có những câu chuyện khá vụn vặt, ví như một bạn viết là hôm nay con đã rửa bát nhưng bố mẹ lại phê là “rửa chưa sạch” và đọc xong chúng em thấy khá vui. Nhưng cũng có những câu chuyện mà nhờ nhật ký các bạn học sinh mới chia sẻ được câu chuyện của mình. Chẳng hạn, có một bạn học sinh lớp 10 cảm thấy rất buồn vì các điểm thi của bạn chưa được ưng ý và bị bố mẹ mắng. Nhưng ngay sau đó, ở phía dưới nhật ký của bạn, bố mẹ bạn ấy cũng chia sẻ lý do trách mắng con của mình. Nhưng, đó chỉ là “bề ngoài” còn bản chất là bố mẹ muốn con cố gắng, muốn con chăm chỉ để được thấy con tiến bộ mỗi ngày. Thực tế, rất ít khi giữa bố và mẹ có thể thấu hiểu và có thể chia sẻ với nhau mỗi ngày, thế nhưng nhờ “Nhật ký gia đình” chúng em dường như đã rút ngắn được khoảng cách đó. Như chính bản thân em, em cũng đã từng trách bố mẹ nhưng sau này chúng em nhận ra, bố mẹ là người từng trải và những lời khuyên của bố mẹ được đúc rút từ kinh nghiệm và tình yêu thương con cái. Thế nên, con cái phải biết ơn và hiếu nghĩa với bố mẹ, thay vì vô tâm, chỉ biết ham chơi và quan tâm tới các vấn đề khác ngoài xã hội.
PV: Ở lứa tuổi học trò, để làm một đề tài nghiên cứu khoa học chắc hẳn không dễ dàng. Vậy với các em, khi hai người học hai lớp khác nhau, một bạn chuyên Văn, một bạn chuyên Lịch sử thì các em phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Điều lớn nhất mà các em nhận được sau khi tham gia dự án là gì?.
Nguyễn Đoàn Thùy Dương: Đó là điều không tránh khỏi và thực tế trong quá trình triển khai chúng em mâu thuẫn khá nhiều trong việc triển khai phạm trù của vấn đề, cách thức thực hiện. Tuy nhiên, từ năm lớp 9 em đã từng tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và tham gia các câu lạc bộ học thuật của nhà trường nên em nghĩ mình có một ít kinh nghiệm. Nhưng đây là lần đầu tiên em tham gia một dự án lớn với sự có mặt của rất nhiều học sinh ở các trường khác.
Hồ Nam Quang Sáng: Dù có những tranh cãi nhưng em học được khá nhiều trong quá trình thực hiện. Trong dự án này, có rất nhiều ý tưởng để triển khai đề tài được chúng em mạnh dạn đề xuất và được giáo viên đồng tình. Như chúng em được Sở Văn hóa và Thể thao hỗ trợ tranh ảnh tổ chức cuộc “triển lãm tranh về đề tài hiếu nghĩa” và tham gia thuyết trình.
Việc tổ chức các buổi trải nghiệm thực tế với hai gia đình văn hóa tiêu biểu cũng rất ý nghĩa và chúng em rất thích thú vì được trực tiếp lắng nghe từ những nhân vật có thật ngay trên quê hương mình, được giao lưu chia sẻ cùng nhiều thế hệ, được truyền cảm hứng từ những thành tích mà các gia đình đạt được. Cũng qua hoạt động này, chúng em được hiểu thêm về cách giáo dục hành vi ứng xử từ gia đình, vai trò của cha mẹ, trách nhiệm của con cái. Từ đó có thêm hiểu biết về mặt nhận thức, biết điều chỉnh hành vi để phù hợp với hiếu nghĩa trong gia đình.
Sau cuộc thi này, dù đã được Ban giám khảo trao giải Nhất nhưng em nghĩ đó không phải là phần thưởng lớn nhất. Điều mà em chúng em đạt được trong quá trình tham gia dự án là chúng em có nhiều kinh nghiệm, có nhiều kiến thức cho bản thân để có trách nhiệm lớn hơn với gia đình.
Nhóm tác giả cũng mong muốn những biện pháp được thực nghiệm và đề xuất trong đề tài sẽ góp phần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng ứng xử về hành vi phù hợp với hiếu nghĩa trong gia đình, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc, đặc biệt là giá trị đạo đức trong gia đình.
PV: Cảm ơn hai em về cuộc trò chuyện!