Năm 2019, Dự án “Xưởng chế biến gỗ gia dụng và xuất khẩu” do Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi làm chủ đầu tư được giãn tiến độ và được miễn tiền thuê đất thời hạn hơn 10 năm. Ngay sau đó, chủ đầu tư đã “hợp tác kinh tế”, để một doanh nghiệp khác tự tung, tự tác trên đất dự án, còn họ thì hưởng lợi tức tiền tỷ mỗi năm.
Từ ngày 20 – 28/7, Báo Nghệ An điện tử đã đăng tải các bài viết “Một dự án “đầu voi, đuôi chuột” tại Khu Công nghiệp Đông Hồi”; “Dự án “đầu voi, đuôi chuột” tại Khu Công nghiệp Đông Hồi vi phạm gì?”.
Để bạn đọc có thể hiểu Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi đã trục lợi chính sách như thế nào, trước tiên, cần trình bày rõ trình tự việc gia hạn tiến độ, và miễn tiền thuê đất ở Dự án “Xưởng chế biến gỗ gia dụng và xuất khẩu”.
Cụ thể như sau: Ngày 2/3/2016, Dự án Đầu tư xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu của Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi (địa chỉ xóm Tân Minh, xã Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai) được Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 2037241126. Tiến độ thực hiện dự án được nêu trên giấy phép cụ thể là: “Trong quý I/2016, triển khai xây dựng và mua sắm thiết bị các hạng mục; quý II/2016, dự án đi vào hoạt động”. Vậy nhưng, dự án này sau đó đã ròng rã “đóng băng”.
Đến năm 2018, Dự án Đầu tư xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu là một trong số các dự án đầu tư trong Khu Kinh tế Đông Nam “được” đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật đầu tư, xây dựng, đất đai (kết quả kiểm tra được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5732/QĐ-UBND ngày 26/12/2018). Căn cứ Quyết định số 5732/QĐ-UBND, ngày 3/1/2019, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam có Quyết định số 09/QĐ-KKT chấp thuận cho Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi được giãn tiến độ đầu tư với thời gian 24 tháng. Cụ thể, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam có ý kiến: “Chấp thuận giãn tiến độ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai do Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi làm chủ đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 2037241126, do Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cấp lần đầu ngày 2/3/2016; Tiến độ thực hiện dự án sau khi được chấp thuận giãn tiến độ như sau: Hai mươi bốn (24) tháng kể từ ngày 13/6/2018, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục còn thiếu về đầu tư, đất đai, xây dựng trong quý I/2019, Hoàn thành dự án đưa vào hoạt động ngày 13/6/2020”.
Ngày 25/4/2019, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam có Quyết định số 107/QĐ-KKT cho Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi thuê đất thực hiện Dự án Đầu tư xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Đông Hồi. Đến ngày 27/5/2019, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam ký Hợp đồng thuê đất số 09/HĐKT-KKT với Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi, thời điểm này do ông Lê Trương Thế làm Giám đốc và là người đại diện pháp luật. Theo hợp đồng, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi được thuê 19.995 m2 đất tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, thuộc Khu Công nghiệp Đông Hồi với thời hạn 50 năm; có trách nhiệm trả tiền thuê đất hàng năm; sử dụng đất đúng mục đích được nêu tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; không được chuyển giao quyền sử dụng khu đất trên cho bên thứ ba…
Ít thời gian sau, ngày 7/6/2019, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam tiếp tục có Quyết định số 153/QĐ-KKT về việc “miễn tiền thuê đất cho Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi thực hiện Dự án Đầu tư xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An”. Theo quyết định này, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi được miễn tiền thuê 19.995 m2 đất trong thời gian 10 năm 11 tháng (từ tháng 6/2019 đến hết tháng 4/2030). Quyết định cũng nêu rõ lý do miễn, căn cứ miễn thuế; đồng thời, dẫn quy định tại Khoản 5, Điều 8, Nghị định số 35/2017/NĐ-CP, yêu cầu Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi phải quản lý, sử dụng đất đúng mục đích được ghi trong quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất, nếu không, sẽ phải hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền thuê đất đã được miễn giảm.
Là chủ đầu tư một dự án “treo”, trong một khoảng thời gian không dài, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi được xem xét chấp thuận giãn tiến độ, hoàn thành các thủ tục thuê đất, được miễn tiền thuê đất… Như vậy, kể ra cũng đã được Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam “quan tâm” hết mực. Vậy nhưng, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi vẫn tiếp tục không thực hiện dự án. Thậm chí, sau gần 4 tháng có được Quyết định số 153/QĐ-KKT miễn tiền thuê đất, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi đã vi phạm quy định “không được chuyển giao quyền sử dụng khu đất trên cho bên thứ ba…” được nêu rõ tại Hợp đồng thuê đất số 09/HĐKT-KKT. Cụ thể, đã giao 19.995 m2 đất dự án cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Long 68 (có địa chỉ ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) để hưởng “lợi tức” hàng tháng.
Nội dung này được thể hiện tại Hợp đồng hợp tác kinh tế số 02/2019/HĐHTKT/ML-HĐ, được ký kết ngày 4/10/2019 giữa Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi (lúc này do bà Nguyễn Thị Hoa làm Giám đốc) với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Long 68. Hợp đồng có thời hạn 10 năm. Trong đó, thể hiện, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi góp vốn bằng mặt bằng đất và tính pháp nhân của Dự án Đầu tư xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu (Điều 5). Đồng thời, có trách nhiệm bàn giao mặt bằng, các giấy tờ đảm bảo xây dựng nhà máy; làm các thủ tục giấy tờ mở đường vào đất dự án, đấu nối điện, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy; cung cấp các loại giấy tờ cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; trả tiền thuê đất hàng năm cho Ban Quản lý KKT Đông Nam và các khoản thuế, phí liên quan quyền sử dụng đất; chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của dự án (Điều 4).
Với những “đóng góp” trong “hợp tác kinh tế” nêu trên, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi được hưởng lợi tức 1,8 tỷ đồng/năm trong 5 năm đầu; 2,16 tỷ đồng/năm trong 3 năm tiếp theo; 2,4 tỷ đồng/năm trong 2 năm cuối. Cụ thể, nội dung này được nêu tại Điều 3 (Chia kết quả kinh doanh), Hợp đồng hợp tác kinh tế số 02/2019/HĐHTKT/ML-HĐ như sau: Bên A (tức là Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi – PV) được hưởng lợi tức 150 triệu đồng/tháng (Nếu tổng số lợi nhuận không đủ chi trả cho bên A thì bên B (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Long 68 – PV) phải tự bỏ tiền ra bù cho đủ). Sau 5 năm bên B sẽ trả lợi tức cố định cho bên A là 180 triệu đồng/tháng, tính từ ngày 1/10/2024 đến ngày 1/10/2027. Sau thời gian trên, bên B sẽ trả cho bên A mức lợi tức cố định là 200 triệu đồng/tháng. Thời gian bên B chuyển tiền lợi tức cho bên A từ ngày 5 đến ngày 10 hàng tháng.
Điều 3 còn quy định: Ngay sau khi ký hợp đồng bên B sẽ chuyển tiền đặt cọc cho bên A số tiền 1 tỷ đồng, đặt cọc cho việc bên B sẽ xây dựng nhà máy. Nếu khi bên B nhận bàn giao mặt bằng từ bên A quá 3 tháng mà không đầu tư xây dựng thì bên B sẽ mất số tiền đã đặt cọc cho bên A là 1 tỷ đồng và các chi phí bên B đã bỏ ra. Bên A sẽ không chịu trách nhiệm và sẽ đơn phương hủy hợp đồng hợp tác với bên B do vi phạm hợp đồng. Số tiền đặt cọc sẽ được trừ vào lợi tức mà bên B phải trả cho bên A sau 6 tháng kể từ thời điểm bên B nhận bàn giao mặt bằng từ bên A (bên B sẽ trừ dần từng tháng). Sau khi trừ hết số tiền đặt cọc trên, bên B tiếp tục trả tiền lợi tức cho bên A như đã thỏa thuận tại Điều 3 vào tháng kế tiếp.
Với những thông tin tại Hợp đồng hợp tác kinh tế số 02/2019/HĐHTKT/ML-HĐ, có thể hiểu, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi dưới thời của các Giám đốc Lê Trương Thế và Nguyễn Thị Hoa hoàn toàn không có ý định thực hiện Dự án Đầu tư xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu. Mà họ, chỉ lập, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được Nhà nước do Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam làm đại diện cấp phép, cho thực hiện dự án; sau đó tìm đối tác để “bán cái”, rồi thu lợi hàng tháng với số tiền 150 – 200 triệu đồng, trong thời hạn 10 năm, khớp với thời gian được miễn tiền thuê đất thực hiện dự án.
Hỏi người có trách nhiệm của Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam rằng: Phải chăng ở dự án này, chính sách của Nhà nước đang bị lợi dụng? Được trả lời: Đúng vậy! Vị đại diện cũng cho hay, cũng vì lẽ đó, trong Biên bản kiểm tra, cũng như trong Văn bản số 885/KKT-KHĐT ngày 12/7/2022 của Ban gửi UBND thị xã Hoàng Mai về việc đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi, đều chỉ ra lỗi phạm và đề nghị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể là: “Buộc bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải nộp số lợi bất hợp pháp có được do hành vi góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong thời gian vi phạm theo quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 19, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP”.