Cây chè bén rễ trên đất Thanh Chương tính đến nay gần nửa thế kỷ và nhờ nó đã xua đi cái đói, cái nghèo trong nhiều nếp nhà nơi đây. Tuy nhiên để trở thành cây làm giàu thì đang còn là sự trăn trở của cấp ủy, chính quyền và người dân.
Gia đình anh Đặng Anh Tuấn ở xóm 1, xã Thanh Đức có gần 12 sào đất canh tác. Trước đây 6 sào màu chỉ trồng ngô, sắn, lạc, khoai nhưng do diện tích sản xuất nhà anh khô cằn, cộng với kỹ thuật canh tác chủ yếu bằng kinh nghiệm, cho nên đời sống kinh tế gia đình khá chật vật. Năm 2001, thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất (theo Chỉ thị số 02-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh Đặng Anh Tuấn đã chuyển 6 sào đất màu trồng sắn, lạc kém hiệu quả sang trồng chè công nghiệp.
Theo anh Đặng Anh Tuấn, đối với người trồng chè, 3 năm đầu tập trung đầu tư, chăm sóc. Từ năm thứ 4 trở đi, cây chè bước vào thời kỳ kinh doanh, việc đầu tư, chăm sóc khá nhàn nhã, chỉ làm cỏ, bón phân sau chu kỳ 1 – 1,5 tháng thu hái/lần tùy vào điều kiện thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt. Với 6 sào chè của gia đình anh Tuấn, mỗi đợt thu hái được 3 tấn chè búp tươi và mỗi năm có 8 – 10 đợt hái với tổng sản lượng chè mỗi năm là 24 – 30 tấn chè búp tươi. Ở thời điểm giá thấp nhất 3,5 triệu đồng/tấn thì 6 sào chè của anh cũng thu được mỗi năm từ 84 -100 triệu đồng/năm. Thời điểm giá chè đạt hơn 5 triệu đồng/tấn thì có thể cho thu nhập 120 – 150 triệu đồng.
Anh Đặng Anh Tuấn chia sẻ, nếu vẫn cứ trồng ngô, lạc như trước đây thì cũng chỉ đủ ăn, nhưng 15 năm nay, ngoài 5 sào lúa và màu phục vụ nhu cầu lương thực của gia đình và chăn nuôi thì cây chè đã thực sự cải thiện kinh tế gia đình anh. Ngoài ngôi nhà được xây dựng khá khang trang ở một xã vùng biên, anh còn có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3 đứa con.
Xóm 1, xã Thanh Đức được hình thành trên cơ sở một số hộ dân từ huyện Nam Đàn và xã Cát Văn (huyện Thanh Chương) di dân lên làm kinh tế mới từ những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Đời sống kinh tế của người dân dựa vào cây lúa, ngô, khoai, sắn, cho nên rất khó khăn. Nhưng cách đây 17 năm, người dân đã chuyển khoảng 40 ha đất màu, đất vườn đồi để trồng chè. Và cây công nghiệp này đã làm thay đổi diện mạo làng quê vùng biên. Hiện toàn xóm có 169 hộ thì có hơn 90% hộ tham gia trồng chè. Xóm còn 5 hộ nghèo đều rơi vào các gia đình thiếu lao động, gồm người già hoặc gia đình có người bệnh tật, neo đơn.
Không chỉ có xóm 1, xã Thanh Đức có 18/18 xóm trồng chè công nghiệp, với hơn 1.000 hộ tham gia và tổng diện tích gần 1.000 ha, trong đó có 885 ha chè kinh doanh. Ông Nguyễn Hữu Vĩnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, cho biết: Cây chè đã bén rễ trên đất Thanh Đức gần nửa thế kỷ. Có nhiều hộ gắn bó với cây chè từ đời ông đến đời con và đời cháu, như gia đình ông Trần Văn Tuệ (xóm Sướn); gia đình ông Nguyễn Trọng Thoại (xóm 1); Trần Văn Giăng, Phan Văn Phú, Lê Văn Tính (xóm Chế Biến)… Có nhiều hộ có diện tích lớn, 2 – 4 ha. Cây chè thực sự mang lại cho người dân nơi đây nguồn lợi không nhỏ, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo bền vững; bởi cây chè không dễ mất mùa như làm lúa, làm màu, khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp cho cây chè phát triển, ít sâu bệnh.
Đến thời điểm này, trên đồng đất Thanh Chương, giá trị kinh tế mà cây chè mang lại được khẳng định hơn hẳn các loại cây trồng khác, tuy vậy loài cây này vẫn chưa trở thành cây làm giàu cho người dân và địa phương. Nguyên nhân chính mà chúng tôi ghi nhận được từ phía người dân vùng trồng chè, đó là chưa có đầu ra ổn định.
Ông Trần Văn Phúc, ở xóm 2, xã Thanh Đức nêu thực tế: Từ hơn 1 mẫu chè của gia đình lâu nay đều bán tại ruộng thông qua thương lái, sau đó về nhập cho các xưởng chế biến tư nhân trên địa bàn huyện. Đầu ra bấp bênh, có những thời điểm chè đến kỳ thu hoạch, nhưng xưởng chế biến không hoạt động, thương lái không thu mua và giá cả cũng không có sự ổn định. Có thời điểm giá chè xuống rất thấp, chỉ 3,5 triệu đồng/tấn chè búp tươi. Chính vì vậy giá cả, nguồn thu của cây chè nằm ngoài tầm với của nông dân.
Thừa nhận thực tế trên, ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng, cây chè Thanh Chương chưa xây dựng được chuỗi giá trị, nghĩa là chưa có sự gắn kết giữa các khâu: sản xuất nguyên liệu (người nông dân) – chế biến – tiêu thụ – thương mại để tối đa hóa lợi nhuận. Mặc dù chè của Thanh Chương đã vươn ra thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và cả nước ngoài, trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho một số cơ sở chế biến thành các sản phẩm có thương hiệu. Nhưng đáng buồn thay ngay tại vùng đất chè Thanh Chương lại chưa thể tạo thương hiệu riêng cho mình, ngoại trừ một số ít diện tích thông qua Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An thu mua, chế biến được lấy thương hiệu là chè Nghệ An xuất sang nhiều thị trường châu Âu, châu Á. Đây thực sự là vấn đề trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương.
Để khắc phục vấn đề nêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (2015 – 2020), Thanh Chương đã ban hành Đề án “Phát triển cây trồng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm”. Theo đó một số cây trồng chủ lực được xác định mũi nhọn để tập trung mở rộng diện tích, song song với đầu tư thâm canh, tăng năng suất và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến, trong đó có cây chè. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai đề án, năng suất, sản lượng và diện tích trồng mới tăng lên hàng trăm héc ta, huyện Thanh Chương đã tập trung chỉ đạo và bước đầu định hình được một số mô hình sản xuất chè VietGAP, trong đó có những vùng diện tích cây chè được trồng, chăm bón, chế biến hoàn toàn thủ công, thu hái theo tiêu chuẩn “1 tôm 2 lá” để đảm bảo chất lượng chè ngon và sạch. Tuy nhiên, với diện tích chè lớn, nếu thu hoạch và chế biến theo phương thức thủ công sẽ không đáp ứng được yêu cầu khách quan. Như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh thì chỉ với việc thu hái thôi, “nông dân cũng phải mất cả năm mới ngắt xong 1 ha chè “1 tôm 2 lá”. Thị trường không đợi được và cuộc sống của người nông dân lại càng không.
Hiện tại song song với công tác tuyên truyền, động viên các cơ sở chế biến trên địa bàn đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ gắn với đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng đảm bảo và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Thanh Chương đang tiếp tục kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong ngành sản xuất, chế biến chè nhằm gỡ các nút thắt thị trường. Tiêu chí cao nhất là hình thành quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây chè theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây công nghiệp này với mục tiêu trở thành cây làm giàu trên đất Thanh Chương.