“Chạy” là một động từ mà chắc chắn sự ra đời của nó không cùng thời đại 4.0 mà chúng ta đang may mắn được sống! Chữ “chạy” tất nhiên có trước bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào. Thậm chí, rất có thể “chạy” – động từ là một trong những từ phát âm đầu tiên không thể thiếu trong mọi bộ ngôn ngữ từ khi khởi sinh của loài người…
Trước khi xuất hiện xe cộ, tàu thuyền hay các vật vô tri được điều khiển di chuyển khác thì “chạy” đơn thuần là một phương pháp vận động bằng chân trên mặt đất nhanh hơn thông thường với đặc trưng tồn tại một khoảng thời gian mà tất cả các bàn chân đều không chạm đất. Hoạt động chạy có lẽ xuất phát từ kỹ năng sinh tồn của động vật: chạy để săn mồi, chạy để thoát khỏi sự truy sát của kẻ thù, rồi dần dần còn có cả chạy để rèn luyện sức khỏe, thậm chí chạy để biểu diễn, để giải trí. Không phải ngẫu nhiên mà trong đại hội Olympic, hoạt động thể thao lớn nhất hành tinh thì chả phải bóng đá mà điền kinh mới là bộ môn được gọi là nữ hoàng, và trong điền kinh thì môn chạy lại được gọi là nữ hoàng. Như vậy, nếu chỉ dùng phép quy nạp đơn giản thì chạy là nữ hoàng của nữ hoàng. Khoa học phát triển kéo theo sự phát triển của ngôn ngữ, ngày nay thì mọi thứ di chuyển có vận tốc lớn trên mặt đất thậm chí cả trên mặt nước đều được gọi là chạy chứ không riêng gì sinh vật có chân nữa! Chạy chỉ là sự dịch chuyển đơn thuần về mặt cơ học!
Thế mà (lại phải nói thế mà) giờ đây giữa cái thời đại “bốn chấm không” đầy sáng tạo này lại lù lù xuất hiện một cái chữ “chạy” khác! Rất lạ và có phần kỳ thú bởi chữ “chạy” này chả liên quan gì đến chân cẳng hay bánh xe nào cả. Vâng, nó liên quan đến tiền! Chạy chức! Chạy tội! Chạy bằng cấp! Chạy dự án! Chạy việc! Thậm chí chạy… tuổi!
Thán phục, hơn cả thán phục về khả năng ứng biến vô cùng sáng tạo ngôn ngữ của con người. Từ một chữ “chạy” cơ học như thế mà con người hiện đại đã khéo léo dẫn nó vào đời sống xã hội với giá trị mô tả thật muôn hình vạn trạng. Chạy, nhưng không phải…chạy, mà là… chạy! Quá khó để đưa ra cột mốc chính xác về thời gian mà chữ “chạy” theo cái nghĩa cong cớn và mỉa mai nhưng “hơi bị” chính xác kia chui vào đời sống hiện đại lúc nào? Hình như chưa quá “già” nhưng chắc cũng không dưới vài chục năm, nó từ lặng lẽ đến ngang nhiên thao túng cái gọi là “thị trường quyền lực”! Thời kỳ cao điểm, chữ “chạy” dường như được mặc định trong hầu hết các mối quan hệ có lợi ích; rồi không ngổn ngang và thô sơ như buổi đầu nữa, chạy của đời 4.0 tinh vi và chuyên nghiệp hơn nhiều. Có những trường hợp tinh vi đến mức khi phát hiện người ta vẫn không thể gọi thẳng tên mà phải thay thế nó bằng một cụm từ dài lắm: “nâng đỡ không trong sáng”! Vâng, cũng là “chạy” ấy mà! Chỉ có điều, trong trường hợp này vật ngang giá có thể không bằng tiền mà là một thứ gì nó na ná tiền hoặc quy ra tiền mà thôi.
Viết đến đây chợt nhớ đến câu chuyện về ông chú họ thời chiến tranh, nghe các dì kể lại năm ấy chú tôi chưa đủ tuổi để đi bộ đội. Nhưng sống giữa cái thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” giữa cái không khí sục sôi “Ba mốt triệu nhân dân tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ” (thơ Tố Hữu) ấy, chú tôi đã khai man thêm tuổi để đủ điều kiện lên đường ra trận. Khi bị phát hiện thiếu tuổi, chú phải năn nỉ mãi bác xã đội mới làm lơ cho qua. Nghe dì kể chuyện này tôi đùa “Có lẽ đây là vụ “chạy tuổi” trong sáng và vĩ đại nhất của lịch sử”! Dì cười rồi lặng lẽ đáp: “Bây giờ người ta chạy tuổi là để mưu lợi cá nhân”. Chú tôi đã hy sinh, cái vụ khai man tuổi ấy cũng đã tan vào với đất. Nhưng, thật tiếc, thật buồn, thật oán hận… Hai thời đại chưa xa mà sao khác nhau quá, trái ngược quá và nghịch lý quá! Ai, hay cái gì đã tha hóa quan hệ con người? Thật khó vạch mặt chỉ tên nhưng trước hết xin đừng vội đổ vấy cho mặt trái của cơ chế thị trường!
Chạy, suy cho cùng là hành vi phạm pháp giữa người hối lộ và người nhận hối lộ! Đây là căn bệnh già nua tồn tại dường như từ cổ chí kim và chắc trong quá khứ là nó cũng không từng khước từ “sống” với chế độ xã hội nào. Cứ có nhà nước, có quyền lực thì có tham nhũng, có hối lộ. Hình như đến nay chưa một chính phủ hay quốc gia nào trên thế giới đủ dũng khí và tin cậy để tuyên bố rằng đất nước mình tuyệt đối không có tham nhũng, không có hối lộ. Vâng, nó là tồn tại tất yếu của xã hội. Bổn phận của văn minh nhân loại là ngăn chặn, hạn chế để tiến tới loại trừ nó, thế thôi. Chúng ta không coi thường nhưng quan trọng là không được hoang mang! Tuy nhiên có một điều đáng sợ, phải nói đáng sợ vô cùng là mỗi khi chúng ta chấp nhận nó, thỏa hiệp nó, thừa nhận nó như là một tồn tại hiển nhiên của xã hội rồi dành cho nó một không gian sinh tồn, coi việc “chạy” là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Đó mới là điều đáng sợ!
Mấy ngày vừa rồi dư luận xôn xao đang đặt câu hỏi về một căn biệt phủ “rất có thể là quà tặng…”. Người ta phân tích các nguồn thu nhập trong bản kê khai rất thật thà của chủ nhân rồi kết luận “phải ít nhất 300 năm thì mới đủ mua căn nhà ấy”. Chuyện đúng sai hậu bàn, chỉ có điều người ta đã dùng sai chữ “quà tặng”! Nếu những đồn đoán là sự thực thì xin đừng gọi nó là quà tặng! Quà tặng phải là thứ mang mục đích trong sáng cơ. Còn nó (căn biệt phủ hàng trăm tỷ ấy) là thứ vật chất dùng để “chạy” đấy! Đừng núp bóng, đừng trá hình và đừng lợi dụng hai chữ quà tặng!
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội, với quyết tâm đổi mới công tác cán bộ mà hầu hết các ý kiến phát biểu đều nhắc đến chữ “chạy”! Vâng, làm sao xã hội không còn phải “chạy” nữa? Nhân dân cả nước dồn sự kỳ vọng vào một bản nghị quyết có tính đột phá về vấn đề này.
Ý Đảng và lòng Dân đang hướng về cùng một dòng chảy, bổn phận mỗi chúng ta hôm nay đã đến lúc cần nhìn nhận lại chính mình một cách nghiêm túc. Hãy tự vấn rằng liệu đã bao giờ mình cũng “chạy” hoặc làm lơ trước việc người khác “chạy”? Chúng ta sẽ tham gia như thế nào, làm gì trước vấn nạn khó chữa này? Quyết tâm nhưng có lẽ không nên quá nóng vội, bình tĩnh, thận trọng và tất nhiên việc gì phải… chạy!