Đường từ thành phố Vinh lên thị trấn Mường Xén – trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn là 230 km. Từ Mường Xén vào xã Mỹ Lý phải đi thêm khoảng 60 km đường dốc khúc khuỷu. Sau gần 2 giờ đồng hồ vừa đi vừa đẩy xe máy, đếm được 4 con dốc mới đến được bản Phà Chiếng, xã biên giới Mỹ Lý khi trời vừa chập choạng tối. Vừa nghe tiếng xe máy, anh Già Bá Cu – Trưởng bản Phà Chiếng tất tả chạy ra đón “đoàn” gồm phóng viên với cán bộ xã và Đồn Biên phòng Mỹ Lý.
Phà Chiếng lúc này đã chìm trong màn đêm tĩnh mịch, thi thoảng có những đốm đèn pin lập loè như đom đóm. Không giống các bản gần trung tâm huyện lỵ, mỗi khi có khách đến thăm, nhà sinh hoạt cộng đồng thường đông người qua lại, Phà Chiếng không có điện, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn vắng lặng.
Trưởng bản Già Bá Cu chia sẻ: “Dân bản vô cùng vất vả khi không có điện lưới. Không có điều kiện phát triển kinh tế nên hầu hết thanh niên trong bản rời quê đi làm ăn, kể cả số đã lập gia đình. Tết về, dành dụm được ít tiền cũng muốn sắm sửa cái ti vi, quạt cây… nhưng không có điện nên thôi”. Bản Phà Chiếng có 53 hộ thì chỉ vài hộ mua được cục phát điện mini chạy bằng sức nước khe, suối, hoặc loại đèn năng lượng mặt trời nhỏ. Còn lại dùng đèn dầu hoặc đốt củi bếp lấy ánh sáng.
Đến cuối tháng 6/2023, xã Mỹ Lý vẫn còn 8/12 bản chưa có điện lưới. Vừa không có điện, đường sá còn quá khó khăn, Phà Chiếng như tách biệt với thế giới bên ngoài. Ngày Trưởng bản Già Bá Cu và vợ Cự Y Ải về chung một nhà từ năm 2008, đã 15 năm, vẫn chưa một lần biết đến điện lưới. Dĩ nhiên là nhà không ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt cây… Thiết bị “văn minh” nhất là chiếc đèn pin năng lượng mặt trời và can dầu hỏa dùng thắp sáng khi đêm xuống. Thiệt thòi nhất là những đứa trẻ, học bài trong leo lét đèn dầu…
Đối diện nhà của Trưởng bản Già Bá Cu là nhà của 4 anh, chị em có bố mẹ đi làm ăn xa đã nhiều năm. Hơn 20 giờ tối, hai anh em Già Bá Vua và Già Y Tồng mò mẫm nhặt rau trong ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn pin sạc điện treo trên đầu. Hỏi chuyện, Y Tồng lí nhí cho biết, nhà có 4 anh, chị em. Y Tồng nhỏ tuổi nhất, đang học lớp 7. Ngày Hè, 2 anh lớn vẫn trọ học ở thị trấn Mường Xén, chỉ có 2 anh em Y Tồng ở nhà. Ban ngày đi làm trên nương rẫy, tối về mò mẫm nấu ăn. Bố mẹ đi làm ăn xa nhiều năm, các con ở nhà không có tiền mua đèn pin mặt trời, mua máy chạy điện suối. Đèn pin cũng sạc nhờ điện mini của hàng xóm. Những hôm đèn hết điện thì nhờ vào ánh lửa bếp. Đêm không học được bài, nên anh em cố gắng học ở lớp mong tích lũy được kiến thức thuận lợi cho tương lai. Ở nhà Trưởng bản Già Bá Cu cũng vậy, với ngọn đèn leo lét treo trên đầu, hai đứa con là Già Y Đua và Già Bá Hảo cắm cúi làm bài tập, đọc bài ê a… Đêm đêm lũ trẻ bản Phà Chiếng vẫn miệt mài học bài trong thiếu thốn như thế.
Ở xã Mỹ Lý, hiện 8/12 bản chưa có điện, nên các trường mầm non và tiểu học được hỗ trợ mua đèn pin năng lượng mặt trời để phục vụ dạy học. Ngay cả Đồn Biên phòng Mỹ Lý vẫn phải kêu gọi hỗ trợ, đầu tư pin năng lượng mặt trời để phục vụ công tác. Như tổ chốt đóng ở bản Nhọt Lợt, cách trung tâm xã Mỹ Lý 1 ngày đường rừng, giáp với bản Pủng Vái, cụm bản Phà Đánh, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào), vì không có điện lưới và ở cách xa trung tâm nên cứ 2 tuần, tổ lại phải đổi người và tiếp tế lương thực. “Từ năm 2021, nhờ được trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời chạy tủ mát bảo quản thức ăn, thời gian đổi gác, tiếp tế lương thực của tổ chốt kéo dài được 1 tháng”, Thiếu tá Phan Đức Tâm – Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết.
Trung tá Nguyễn Ngọc Cẩm – Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An cho biết thêm, Biên phòng Nghệ An có 38 tổ công tác và trạm kiểm soát, trong đó, chỉ mới có 23 tổ đóng quân ở địa phương đã có điện lưới. Còn 11 tổ công tác sử dụng pin năng lượng mặt trời, 3 tổ dùng chung máy phát điện với các đơn vị viễn thông và thủy điện…
Mỹ Lý có phần xa xôi. Nhưng nằm sát trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn mà xã Tà Cạ hiện vẫn còn 3 bản chưa có điện lưới quốc gia, gồm: Sa Vang, Na Nhu, Nhãn Lỳ. Hàng ngày, hơn 200 hộ dân khu vực này phải chật vật tìm kiếm nguồn điện thay thế. Hầu hết bà con đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh tế bấp bênh.
Bà Lư Mẹ Phuôn ở bản Na Nhu cho biết: “Không điện lưới, con cháu trong nhà phải lắp tua-bin mini chạy bằng sức nước khe, suối để có điện thắp sáng nhưng yếu lắm, chỉ dùng được vài bóng đèn và sạc cái điện thoại…”.
Gia đình ông Khun Văn Xuân ở bản Sa Vang từ chục năm nay đã quen với việc thắp đèn dầu để chiếu sáng, vì điện mini không ổn định. Nhà có tivi nhưng chỉ trưng bày “cho đẹp”.
Theo chính quyền xã Tà Cạ, trên 1 km dòng sông Nậm Mộ đoạn qua xã có 3 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động gồm: Thủy điện Nậm Cắn 2, Thủy điện Nậm Mô và Thủy điện Bản Cánh. Các nhà máy thủy điện này đã hoạt động cả chục năm nay, song đến tháng 7/2023 thì xã Tà Cạ vẫn còn 3/6 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trưởng bản Sa Vang – ông Hoa Văn Quyết cho biết: “Người dân chúng tôi được gọi là “dân thủy điện” vì sống ngay bên cạnh nhà máy thủy điện. Nhà của dân bản Sa Vang và bản Nhạn Lỳ nằm rải dọc theo dòng Nậm Mộ, cách các nhà máy thủy điện từ vài trăm mét đến chưa đầy 1 km, nhưng đến nay vẫn chưa được dùng điện”. Không có “ánh sáng văn minh”, cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, khó khăn trong sản xuất, hơn 200 hộ dân của 3 bản này hầu hết đều là hộ nghèo, cận nghèo, kinh tế bấp bênh. Bản Sa Vang có 82 hộ, trong đó, có 4 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Bản Na Nhu có 72 hộ thì có 4 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo đã hàng chục năm nay.
Trong số hơn 20 nhà máy thủy điện của Nghệ An thì huyện Kỳ Sơn có nhiều công trình thủy điện nhất với 8 nhà máy. Tuy nhiên, huyện Kỳ Sơn cũng là địa phương có nhiều bản làng chưa có điện lưới nhiều nhất tỉnh (69/119 bản). Phía Tây Bắc của tỉnh, thuộc tuyến Quốc lộ 48 cũng còn nhiều bản làng sống ngay cạnh nhà máy thủy điện nhưng không có điện. Bản Thái cổ Mường Đán, nay là bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch của huyện Quế Phong có gần 200 hộ dân là 1 trong 2 bản của xã Hạnh Dịch chưa có điện lưới. Ấy nhưng, bản Long Thắng có 6 gia đình đã và đang đầu tư phát triển dịch vụ du lịch homestay, phải sử dụng máy phát điện tự trang bị.
Chị Lô Thị Tiến – chủ homestay Ngô Thắng cho hay, 6 homestay ở bản Long Thắng hoạt động theo cách liên kết. Mùa du lịch hàng năm rất ít khách nghỉ lại qua đêm, vì bản chưa có điện lưới, không có điều hòa nhiệt độ nên khách hầu như chỉ đến tắm ở thác, thưởng thức ẩm thực rồi về. Các chủ homestay đầu tư mua máy phát điện, song máy chạy rất ồn và gây khói bụi. Vả lại mua máy công suất lớn chạy được điều hòa thì thu không đủ bù chi.
Điều đáng nói, các bản, làng ở xã Hạnh Dịch nằm ở thượng nguồn dòng sông Hiếu, trên dòng suối Nậm Việc, ngay bên sông có 2 Nhà máy Thủy điện Sao Va, Thủy điện Bản Cốc hoạt động từ năm 2010. Thế nhưng, đến nay xã Hạnh Dịch vẫn còn 2 bản chưa được dùng điện, muốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo song gặp muôn vàn khó khăn một phần lớn vì thiếu điện.
Khi xây dựng dự án thuỷ điện, bà con đã sẵn sàng nhường đất, di dời phục vụ công trình lớn, nhưng oái oăm thay chính họ phải chịu cảnh “thắp đèn dầu” ngay dưới chân nhà máy thuỷ điện.
Xã Tri Lễ, huyện Quế Phong có diện tích tự nhiên 20.290,18 ha, 16 thôn, bản gồm 2.145 hộ với 10.974 khẩu. Trong đó, có 4 dân tộc cùng sinh sống, gồm Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh. Đặc biệt, xã Tri Lễ cơ bản là đồng bào dân tộc Mông sống sát biên giới với nhiều cụm dân cư chưa được hưởng lợi từ việc sử dụng nguồn điện lưới quốc gia. Mặc dù địa bàn xã Tri Lễ nằm trong vùng “phủ sóng” của công trình Thủy điện Sông Quang.
Ông Vi Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho hay, khí hậu, địa hình hiểm trở, kèm theo thiếu thốn về các phương tiện hỗ trợ đời sống, không có điện lưới quốc gia nên người dân xã Tri Lễ gặp muôn vàn khó khăn. Hiện nay, xã Tri Lễ còn 6 tổ dân cư với 258 hộ chưa có điện lưới quốc gia, nhất là các tổ dân cư của các bản đồng bào dân tộc Mông. Cả chục năm nay, mỗi khi có cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội tại xã hoặc trên địa bàn huyện, đại diện chính quyền địa phương cũng như người dân xã Tri Lễ đã liên tục kiến nghị, đề xuất các cấp, ngành quan tâm đầu tư để người dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
“Sắp tới, khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ thôn, bản, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo hỗ trợ, đầu tư kéo điện lưới quốc gia đến 6 tổ dân cư của 6 bản trên địa bàn xã Tri Lễ hiện nay chưa có điện lưới quốc gia. Cụ thể là các tổ dân cư Kẽm Ải thuộc bản Kẽm Đôn, tổ dân cư Piêng Luống thuộc bản Pả Khốm, tổ dân cư Na Cấn thuộc bản Chà Lệnh, tổ dân cư Na Ca thuộc bản Lam Hợp, tổ dân cư Piêng Lôm thuộc bản Cám và tổ dân cư D1 bản Na Niếng. Ngoài ra, xã Tri Lễ còn có 3 bản chưa có điện lưới quốc gia là Mường Lống, Xa Xai, Nậm Tột cũng tha thiết sớm được sử dụng nguồn “ánh sáng văn minh” – ông Vi Văn Cường bộc bạch.
Còn ở huyện Kỳ Sơn, với 69 bản chưa có điện lưới quốc gia, hàng chục năm nay, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp HĐND các cấp, cử tri khắp các bản của huyện biên giới này đều có ý kiến, kiến nghị về tình trạng người dân chưa được sử dụng điện lưới cho dù sống ở địa bàn có nhiều nhà máy thủy điện nhất tỉnh. Mới đây nhất, gửi đến kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra từ ngày 5 -7/7/2023, cử tri các xã Keng Đu, Mường Ải, huyện Kỳ Sơn tiếp tục phản ánh “Dự án điện lưới quốc gia thi công đã lâu, nay lại tạm dừng. Đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành tiếp tục kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công để người dân sớm được sử dụng điện lưới quốc gia”…