Dịch tả lợn Châu Phi ở Nghệ An đang diễn biến hết sức phức tạp và đến mức báo động. Ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có sự chủ quan của người dân trong việc vứt xác lợn chết bừa bãi, bán chạy lợn bệnh, mua bán và vận chuyển lợn ra ngoài vùng dịch… Để hạn chế sự lây lan và tiến tới ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn của các cấp chính quyền địa phương cũng như các lực lượng chức năng, đặc biệt là nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch.
Đầu tháng 10, người dân phát hiện xác lợn chết nhiều ngày, bốc mùi hôi thối bị vứt bừa bãi trên sông Đào, đoạn chảy qua khu vực cây cầu Phượng của xã Lăng Thành, huyện Yên Thành. Ngày 22/10, trên cầu Hiếu I, thị xã Thái Hòa, xuất hiện bì tải bị vứt trên cầu, khi người dân mở ra thì phát hiện bên trong chứa 1 xác lợn chết nặng khoảng 30 kg.
Trước đó, trên địa bàn các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương cũng xuất hiện tình trạng người dân vứt xác lợn chết bừa bãi trên khu vực nguồn nước sông Lam.
Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan với tốc độ chóng mặt, việc người dân vứt lợn chết vào các ao hồ, nguồn nước hay các khu vực vắng người qua lại đang khiến việc khống chế dịch gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một thực tế đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ là người chăn nuôi bán chạy lợn bệnh; thương lái ham rẻ, thu mua lợn vùng có dịch. Chiều tối 22/10, tại chốt trực dịch tả lợn châu Phi ở vùng dịch thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 xe chở 22 con lợn thịt với tổng trọng lượng 3,9 tấn lợn từ Nam Đàn lên tiêu thụ….
Trước đó, ngày 19/9, ngay tại thời điểm xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương đang tiến hành tiêu huỷ 40 con lợn, thì bà Đặng Thị Phương, xóm 7 vẫn bán được 9 con lợn nặng từ 9- 10 kg/con với giá 600.000 đồng/con. Bà cho biết: “Tui không biết người ở mô mua, thấy họ đi rao mua lợn thì tôi bán, chứ lợn mấy nhà xung quanh bị dịch từ 2 tuần nay, lỡ lây sang nhà mình thì trắng tay”. Bà Nguyễn Thị Hoa, phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn thừa nhận: “Một số người dân vẫn tự chung nhau mổ lợn tại nhà hoặc bán lợn ra ngoài khi chưa lấy mẫu xét nghiệm, xã không thể kiểm soát hết được”.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán thịt lợn tràn lan, không có nguồn gốc xuất xứ tại hầu khắp các địa phương vẫn chưa được kiểm tra, xử lý triệt để.
Lũy kế từ đầu tháng 02/2019 đến ngày 27/10/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 8.330 xã thuộc 661 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.734.147 con (tăng 2.325 con so với ngày 26/10/2019); với tổng trọng lượng là 329.538 tấn (chiếm trên 8,3% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước, tăng 204 tấn so với ngày 26/10/2019).
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đến ngày 31/10/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 323 xã (ở 18.065 hộ tại 2.019 xóm) và số lợn buộc tiêu hủy 81.620 con. Trọng lượng tiêu hủy lên tới hơn 4.180.781 kg. Dịch đang diễn biến phức tạp tại một số xã thuộc các huyện Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương…
Phải khẳng định, công tác phòng chống dịch đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, đặc biệt sau thời gian dịch bệnh phát sinh gây hại mạnh hồi tháng 9. Đến nay, dịch bệnh có chiều hướng giảm so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong môi trường và có sức đề kháng cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát. Hiện nay, mầm bệnh đã phát tán rộng trong môi trường; thời tiết thay đổi bất lợi; công tác tiêu hủy và xử lý hố chôn nhiều địa phương chưa đầy đủ đúng quy trình; công tác kiểm soát vận chuyển chưa đáp ứng yêu cầu khiến việc khống chế dịch gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều địa phương đã công bố hết dịch nhưng vẫn tái phát.
Đến nay, có 129 xã của 19 huyện qua 30 ngày công bố hết dịch. Có 103 xã tại 17 huyện đã công bố hết dịch nhưng tái dịch trở lại.
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý trong cuộc làm việc với các thành viên Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo đó, trong tình hình hiện nay, phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Các địa phương phải bố trí đủ kinh phí để phòng, chống và khống chế dịch, tìm ra những vấn đề tồn tại thời gian qua để đưa ra giải pháp khắc phục; Chủ động giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch; tổ chức tiêu hủy ngay lợn chết, lợn mắc bệnh; Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ cách phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng như các chế độ hỗ trợ của nhà nước đối với trường hợp buộc tiêu hủy; các xã hoàn thiện hồ sơ trình Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp trình UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ, tránh tình trạng vứt xác lợn chết bừa bãi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh như thời gian qua.
Duy trì nghiêm túc hoạt động của các trạm, chốt kiểm soát, Tổ công tác liên ngành, tổ cơ động để kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm; thực hiện nghiêm công tác quản lý giết mổ, kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn; triển khai, yêu cầu người chăn nuôi chủ động khử trùng môi trường, đảm bảo an toàn sinh học.
Huy động lực lượng hàng ngày tuần tra, phát hiện, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác lợn ngoài môi trường. Thực hiện đúng quy trình tiêu hủy lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh, khử trùng tiêu độc để hạn chế mầm bệnh phát tán, lây lan.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, không tái đàn đối với chăn nuôi theo hình thức nông hộ, nhỏ lẻ không tuân thủ đầy đủ các biện pháp an ninh sinh học; trước mắt nên chuyển sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm để bổ sung nguồn thực phẩm thiếu hụt.