Vừa qua, Nguyễn Cẩm Hoài Thu - sinh viên năm thứ 4 Sư phạm Anh - Khoa Sư phạm Ngoại ngữ - Trường Đại học Vinh vinh dự là sinh viên duy nhất của Nghệ An được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”.
Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với em Hoài Thu nhân kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2021).
“Sinh viên 5 tốt” là danh hiệu phấn đấu của mỗi sinh viên
P.V: Đã khá lâu rồi, Trường Đại học Vinh mới có một sinh viên được trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Để có được danh hiệu này có lẽ không dễ dàng?
Nguyễn Cẩm Hoài Thu: Khi mới vào đại học, em chưa bao giờ nghĩ mình là một cán bộ đoàn, hội. Nhưng sau này, được thầy cô hướng dẫn để bầu vào Ủy viên liên chi hội Hội sinh viên Việt Nam của khoa, em nghĩ rằng mình nên thử thách bản thân, có thêm những trải nghiệm. Từ đó, em đã ứng cử vào vị trí lớp trưởng, tham gia vào liên chi hội của khoa và từ đó bắt đầu tham gia vào các hoạt động của đoàn, hội.
Đến thời điểm này, em nghĩ rằng với một sinh viên, việc học phải là ưu tiên hàng đầu nhưng với riêng em, đoàn, hội cũng là một hoạt động thường niên, giúp em trưởng thành và có thêm được nhiều trải nghiệm mới mẻ. Nhờ tham gia các phong trào, từ một người chưa biết cách xây dựng kế hoạch, lên kịch bản cho một chương trình thì nay với em điều này đã trở nên dễ dàng và em vui mỗi khi điều động sinh viên tham gia các chương trình của hội, của đoàn trường được nhiều bạn ủng hộ. Trước đây, khi còn học phổ thông tại Trường THPT chuyên Đại học Vinh, em cũng là học sinh nhút nhát, luôn tự ti về ngoại hình nhưng giờ thì em tự tin hơn. Em biết, mình làm vì trách nhiệm, vì tập thể nên không còn e ngại, lo lắng khi người khác nhìn mình vì vẻ bề ngoài nữa.
Bây giờ nhìn lại những quãng thời gian đã qua, thực tế, để đạt được danh hiệu này không dễ dàng và em cũng đã đánh đổi rất nhiều thời gian bởi có thời điểm công việc ở hội, ở khoa cứ chồng xếp lên nhau. Tuy vậy, chính điều này giúp em học hỏi được rất nhiều và sau này em nghĩ nếu mình ra trường, gặp trở ngại gì mình cũng đã có kinh nghiệm để không còn áp lực trong môi trường mới và không còn bỡ ngỡ nhiều.
“Sinh viên 5 tốt” là điều em mơ ước nhiều năm nay kể từ khi em biết đến giải thưởng. Đây là giải thưởng được xét trên 5 tiêu chí, đó là “Học tập tốt”, “Đạo đức tốt”, “Thể lực tốt”, “Tình nguyện tốt”, “Hội nhập tốt” và điều này cũng đã phản ánh đầy đủ những phẩm chất của sinh viên hiện nay. Việc phấn đấu để đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” đồng nghĩa với việc chúng em sẽ trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu liên tục và đã được ghi nhận. Em cũng rất hạnh phúc bởi mình là sinh viên duy nhất của Nghệ An trong năm nay được trao tặng danh hiệu này.
P.V: Một trong những tiêu chí quan trọng của Sinh viên 5 tốt đó là tiêu chí Hội nhập tốt. Là sinh viên chuyên ngành Ngoại ngữ, em hiểu vấn đề này như thế nào?
Nguyễn Cẩm Hoài Thu: Hội nhập quốc tế đã, đang là xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Quá trình hội nhập tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên trong việc tiếp cận thông tin, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật và quản lý hiện đại trên thế giới.
Một trong những kỷ niệm đẹp của em trong quãng đời sinh viên khi được chọn là 1 trong 10 sinh viên của Việt Nam tham gia chương trình giao lưu Hữu nghị Việt – Lào và đây là dịp để em được hội nhập, được tiếp xúc với bạn bè quốc tế. Chương trình giao lưu cũng tạo cơ hội để những sinh viên ngoại ngữ như chúng em được phát huy khả năng của mình và sử dụng Tiếng Anh làm ngôn ngữ để giao lưu, kết nối với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng hiện nay việc tổ chức các hoạt động tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng để hội nhập cho sinh viên chưa thực sự toàn diện, chưa đầu tư đúng mức và đồng đều, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng thực hành tiếng Anh. Nhiều sinh viên ở các khoa khác chưa chú trọng vào học ngoại ngữ, trong khi đó việc học ngoại ngữ chính là cánh cửa để mở ra thế giới, giúp chúng ta tự tin để hội nhập. Nếu chúng ta giỏi ngoại ngữ thì chúng ta mới quảng bá được hình ảnh của Việt Nam đến tất cả bạn bè trên thế giới. Em mong muốn có nhiều câu lạc bộ, nhiều chương trình lớn để truyền cảm hứng việc học ngoại ngữ đến sinh viên trong toàn trường.
Khi còn trẻ, mình sẵn sàng đến với những vùng đất khó
P.V: Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, sinh viên được tiếp cận với nhiều luồng thông tin khác nhau trong một thế giới “mở” đa dạng và sinh động. Tuy nhiên, mới đây dự một chương trình có khá đông sinh viên tham gia, tôi khá bất ngờ khi nhiều em lại không biết và tỏ ra thờ ơ với vấn đề xã hội xung quanh cuộc sống của các bạn và cuộc sống học đường. Em nghĩ sao về hiện tượng này? Phải chăng hiện nay giới trẻ sống thiên về thực dụng?
Nguyễn Cẩm Hoài Thu: Khi em mới vào năm thứ nhất, em cũng như nhiều sinh viên mới vào trường khác thường quan tâm đến làm đẹp, đến thời trang, âm nhạc và khá nhiều điều phù phiếm trên mạng xã hội. Điều này vào thời điểm nào đó cũng là bình thường vì khi ấy chúng ta còn trẻ và chưa suy nghĩ thật thấu đáo mọi vấn đề và cả những hệ lụy liên quan.
Bây giờ em đã là sinh viên năm cuối, nhìn lại các bạn khóa sau, em lại cảm thấy các bạn lớn nhanh quá. Một bộ phận dường như chỉ quan tâm đến bản thân, thế giới ảo nhưng dửng dưng, thờ ơ với thế giới xung quanh mình và các hoạt động của trường. Em cũng rất lo ngại nêu cứ duy trì như vậy các bạn sẽ đánh mất đi hình ảnh của giới trẻ và đặc biệt với tuổi sinh viên thì các bạn cần phải cống hiến. Bên cạnh đó, phải trang bị những kỹ năng và chuẩn bị các điều kiện cho tương lai của mình sau này.
P.V: Là một cán bộ đoàn, hội, em có buồn không khi nhiều người cho rằng các hoạt động của đoàn hội chỉ mang tính phong trào hoặc hình thức?
Nguyễn Cẩm Hoài Thu: Em chưa bao giờ nghĩ rằng đoàn và hội chỉ mang tính phong trào. Đúng là có thể đoàn, hội có những chương trình mang tính thành tích nhưng chúng ta đừng nghĩ đơn thuần như vậy. Nếu các bạn hãy cũng tham gia, cũng trải nghiệm thì việc đồng hành với các phong trào sẽ cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm và mỗi một hoạt động sẽ có một ý nghĩa riêng.
Trong những năm qua, chúng em cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực và tập hợp được đông đảo sinh viên tham gia. Đơn cử như chương trình hiến máu tình nguyện, có rất nhiều trường hợp cần nguồn máu sống và các thành viên trong câu lạc bộ ngân hàng máu sống luôn sẵn sàng khi gặp những bệnh nhân nặng, khẩn cấp. Chúng em cũng đã cùng với sinh viên của Khoa Sư phạm Ngoại ngữ tổ chức dạy học miễn phí cho trẻ em tại làng trẻ SOS, tham gia nấu phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, chúng em cũng đã tổ chức thành công chương trình Quyên góp sách vở, gây quỹ ủng hộ hậu Covid-19, tổ chức thường kì các ngày Thứ Bảy tình nguyện, Ngày “Chủ nhật Xanh”. Đã nhiều năm em giữ vai trò cố vấn và điều hành hoạt động của Câu lạc bộ dạy học Tiếng Anh miễn phí ELAC, Câu lạc bộ Tiếng Anh cộng đồng ESZ, hàng tuần tổ chức chương trình dạy Tiếng Anh, trao đổi chủ đề Tiếng Anh miễn phí cho sinh viên toàn trường…
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của tổ chức Đoàn sẽ thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên. Từ đó, tăng cường tinh thần đoàn kết, nâng cao kỹ năng mềm cho mỗi sinh viên, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh niên. Tuy nhiên, để các hoạt động thu hút được đông đảo đoàn viên, sinh viên tham gia thì các chương trình phải có sự sáng tạo, mở rộng phạm vi, phá vỡ lối mòn quen thuộc, tăng cường nhiều hoạt động phong phú để, đem đến cho các ĐVTN những màu sắc mới lạ và khuyến khích mọi người hưởng ứng.
P.V: Sống có lý tưởng, hoài bão là điều mà thanh niên Việt Nam hiện nay đang hướng tới. Thế nhưng, ngày nay sinh viên, thanh niên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với những sinh viên mới ra trường. Vậy, là sinh viên các em mong muốn được hỗ trợ và định hướng như thế nào để có thể “lập thân, lập nghiệp” thành công?
Nguyễn Cẩm Hoài Thu: Một trong những vấn đề mà sinh viên hiện nay đang lo ngại đó là tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường và thực tế có rất nhiều sinh viên năm cuối như chúng em cho đến nay vẫn chưa trả lời được câu hỏi “đi đâu và làm gì”.
Về vấn đề này, có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng một phần là do chúng em thiếu thông tin, thiếu sự định hướng về nghề nghiệp, sinh viên thiếu các kỹ năng làm việc ở nhiều môi trường khác nhau… Trong bối cảnh đó, trước ngưỡng cửa tương lai, chúng em mong muốn có thêm nhiều chương trình và những hoạt động thiết thực để định hướng, tư vấn cho sinh viên, đặc biệt là các kỹ năng về phỏng vấn, tiếp xúc với các đối tác. Đồng thời, có thêm nhiều thông tin tuyển dụng từ các cơ quan, đơn vị có uy tín để giúp sinh viên có nhiều lựa chọn khi ra trường.
P.V: Vậy với riêng Thu, nếu bây giờ em ra trường, em được phân công về công tác ở vùng khó khăn, em có sẵn sàng?
Nguyễn Cẩm Hoài Thu: Quả thực, từ khi mới lớn lên em không sống xa gia đình và bây giờ nếu được điều về công tác ở một vùng miền núi xa xôi, chắc chắn em sẽ phải suy nghĩ, băn khoăn và lưỡng lự. Nhưng, những năm qua em cũng đã có dịp đi tình nguyện đến những vùng khó khăn và tiếp xúc với khá nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số, biết đến những ngôi trường thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh. Vì thế, nếu bây giờ có cơ hội, em sẵn sàng đến với học sinh vùng cao. Có thể những ngày đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng em còn trẻ, em sẽ làm quen và sớm thích nghi với cuộc sống mới.
P.V: Cảm ơn Hoài Thu vì cuộc trò chuyện này!