Và lúc này đây, tôi lại nhớ về câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo, “có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”. Có thể nói bây giờ, đôi mắt thi sỹ- nhạc sỹ ấy đã khép lại. Cái chớp mắt đã trôi qua một cuộc đời tài hoa. Và ông đã có thể thanh thản về với một khúc sông Bùng tuổi thơ “chảy mãi tới vô cùng” trong cuộc viễn du mới. Vĩnh biệt ông, người nghệ sỹ tài hoa của quê hương xứ Nghệ. Để biết rằng ông vẫn sống mãi kể cả khi qua đời! (Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ Có con người sống mà như qua đời – Đồng dao cho người lớn, Nguyễn Trọng Tạo)
Nguyễn Trọng Tạo được bạn bè văn nghệ xem là “gã đa tài, đa tình”. Đa tài bởi ông không chỉ ghi đậm dấu ấn ở thơ, ở nhạc mà còn cả hội họa và trong cả viết báo, biên tập văn chương. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, ông có nhiều bài hát hay, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Trong đó có ca khúc “Làng quan họ quê tôi” (phổ thơ Nguyễn Phan Hách), từng được hãng JVC Nhật Bản chọn làm đĩa karaoke “100 bài hát Việt Nam”, và dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình tấu trong “Tuần văn hóa Việt Nam” tại Đức. Đến “Khúc hát sông quê” (phổ thơ Lê Huy Mậu) thì công chúng trong và ngoài nước đã mặc nhiên xem ông là một nhạc sĩ được đặc biệt yêu thích. Ông có tới gần 100 ca khúc trong gia tài âm nhạc của mình.
Còn với thơ, thì nói như nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú: “có thể nói “Tản mạn thời tôi sống” của ông cùng với bài thơ “Nói với con” của Thạch Quỳ đã gây được tiếng vang trong dư luận bạn đọc. Đây là những cột mốc đánh dấu thời kì văn học đổi mới: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa/ Như thời đã đi qua như thời rồi sẽ đến”. Cái điệp khúc như một thông điệp dự cảm riết ráo ấy đã dự báo khá chính xác “thời tiết nhân văn thế sự” của đời sống xã hội bấy giờ với bao mâu thuẫn nội tại. Chỉ có nhà thơ với ăng-ten khá nhạy cảm của mình mới bắt được những tín hiệu và phát sóng: “Thời tôi sống với bao nhiêu câu hỏi – Câu trả lời thật không dễ dàng chi”.
Cái chất đồng dao thế sự với những trực cảm đau đáu hướng tới cái lõi nhân bản, nhân văn đầy chất phản biện qua ngòi bút của Nguyễn Trọng Tạo được láy lại khi ông viết bài thơ: “Tin thì tin, không tin thì thôi”. Để nói ra được điều này trái tim của thi sĩ rớm máu chứ không phải một lối “buông xuôi” tưng tửng. Bởi “Nhưng tôi người cầm bút , than ôi/ Không thể không tin gì mà viết” . Và ông đặt niềm tin vào Con Người, đặt cược niềm tin vào ngòi bút để không hổ danh, hổ thẹn. Kể cả trong những cuộc vui đến mức: “Tôi uống , đền đài ngả nghiêng say” khi “Tôi còn cái xác không hồn/ Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai” (Chia). Còn và mất, được và cho luôn là những hàm nghĩa ân tình khi ông thú nhận: “Chia cho em một đời thơ/ Một lênh đênh, một dại khờ, một tôi”. Cái một, cái riêng, cái tôi là bản thể của sự sáng tạo. Ông không chỉ một trong thơ mà cả trong nhạc, họa và một cả trong tính cách đời sống thường ngày.
Còn Nguyễn Trọng Tạo, trong nhiều cuộc gặp gỡ, trả lời báo chí, ông luôn tự nhận mình là anh “nhà quê”. Bạn bè cũng gọi ông là “gã nhà quê đa tài”. Ông luôn tự hào về “chất quê”, “chất Nghệ” của mình. Ông nói mình vẫn “chất nhà quê” đậm đặc, dẫu đã đi khắp thế giới. Với ông, cái chữ “nhà quê” đã trở nên bác học, ông thích được gọi thế.
Năm 2017 là một năm có nhiều biến động với Nguyễn Trọng Tạo. Ở tuổi 70 ông mới tổ chức đêm nhạc đầu tiên trong đời tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau khi được bạn bè “xúi giục”, thì cuối năm ông bị tai biến tưởng chừng khó qua khỏi. Điều kỳ diệu là ông đã ngoạn mục bước qua lằn ranh của sinh – tử để trở về với một đêm nhạc “không thể tuyệt vời hơn” trên chính quê hương Nghệ An.
Đêm nhạc mà ông đã đứng lên sân khấu quê nhà để tâm sự rằng nó là sự tri ân của chính mình với mảnh đất đã cho ông sự sống, nuôi ông lớn lên bằng khoai, sắn, bằng hạt gạo nảy mầm trong lòng nó, và bằng bao trầm tích văn hóa. Chính điều ấy đã giúp ông trở thành mình của hôm nay, cho ông thăng hoa trong sự nghiệp, và cũng mảnh đất này cho ông thêm lần nữa được tái sinh sau cú đột quỵ.
Tin nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo ra đi vào ngày đầu năm 2019 đã khiến không ít người bàng hoàng tiếc thương dù cho bạn bè đều biết ông phải chiến đấu cùng căn bệnh ung thư nhiều tháng nay. Người ta vẫn hy vọng, trông đợi một cú “vượt lằn ranh” ngoạn mục như ông đã từng vượt qua dịp cuối năm 2017. Bởi có quá nhiều người yêu mến, kính nể, yêu thương và cả “mang ơn” ông.
Ông là người sống hết mình với bè bạn, luôn bao dung, rộng lượng và nâng đỡ với những nghệ sỹ trẻ, và quan trọng nhất, những tác phẩm thơ – nhạc của ông đã lay động đến thẳm sâu tâm hồn con người, giúp con người có giây phút yêu thương, cúi đầu và cả thức tỉnh. Bao người xa quê vì “Làng quan họ quê tôi”, vì “Khúc hát sông quê”…mà biết quay về, mà luôn có quê nhà trong tim những ngày xa xứ.
Và trong lúc này, những người bạn thiết thân nhất đã nghĩ và nhớ về ông với bao nhiêu ký ức, bao nhiêu mến thương. Nhà thơ Vương Cường gọi từ Hà Nội, giọng đầy nỗi buồn: “Thế là anh Tạo không còn với chúng ta nữa rồi!” Rồi ông kể: “Chơi với nhau 43 năm, chơi mà thực ra là như không chơi. Chẳng thấy mệt mỏi gì. Có khi hai anh em ngồi hàng giờ mà chẳng nói với nhau câu nào. Hết giờ đứng dậy chào nhau rồi đi. Chơi từ khi chưa có Làng quan họ quê tôi; càng chưa có Khúc hát sông quê, chưa có Đồng dao cho người lớn và các tập thơ khác. Nhớ những lần uống rượu cùng anh. Anh uống rượu kiểu vừa uống vừa thưởng thức, nhâm nhi. Mình để ý thấy anh ấy khoái chí lắm khi uống từng ngụm rượu nhỏ. Mình nhớ có lần ai đó nhắc anh uống theo kiểu “zô zô” thì bị anh mắng. Mày không biết uống rượu! Uống là thưởng thức chứ. Ngồi nhìn Nguyễn Trọng Tạo uống rượu cũng hay như nghe nhạc hoặc đọc thơ anh. Anh không uống rượu dở. Đọc thơ là đọc hồn, nghe nhạc là nghe hồn. Cũng vậy uống rượu với anh là uống hồn. Rượu gì thì chưa biết nhưng nhất định phải ngon. Bên ngoài anh uống rượu thì vui. Nhưng bên trong mình thấy anh đang phiêu du đâu đó. Rượu dắt anh đến những không gian mà chân chưa từng đến. Đến với người từ quá khứ xa xưa và cả những người bây giờ chưa từng gặp…”
Với nhà thơ Thạch Quỳ, ông chia sẻ lại bài thơ mà ông từng viết tặng Nguyễn Trọng Tạo: “Túi bạt vắt vai/ Anh đi đầu phố/ Bụi đỏ lấm giày/Tóc xù trong gió/ Một tia rượu đỏ/Trong mắt nhìn trời/ Một tia quan họ / Cuối dòng sông trôi/ Tản mạn một thời / Một đời tản mạn/ Dấu giày bụi cát/ Lấm đầy thủy tinh/ Nơi ấy là Vinh/ Nơi kia là Huế/ Túi bạt bên mình/ Anh về đâu thế …? Sau khi nhận được bài thơ tôi gửi tặng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết bài thơ tặng lại sau đây: Que diêm cho lửa/ Que diêm cụt đầu/ Cây cho mãi quả/ Cây còn củi khô/ Đời đời mãi cho/ Đời đời mãi nhận/ Rồi ngày xa lắm/ Thở hơi cuối cùng/ Diêm cụt đầu đến hỏi? – Để lại đời gì không ?
Hôm nay, cái “ngày xa lắm, thở hơi cuối cùng” ấy đã đến với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Câu thơ mà nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hỏi Thạch Quỳ ở trong bài thơ cũng chính là câu thơ mà tác giả tự hỏi mình, tự dặn mình là sống phải có ích với đời, sống là từng phút, từng giây luôn tự vấn chính mình một câu hỏi ngỡ đơn giản nhưng phải giải đáp nó bằng lương tâm, bằng trách nhiệm : – Để lại đời gì không ?
Tôi nghĩ là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã trả lời câu hỏi này bằng cả một sự nghiệp sáng tác không ngừng, không nghỉ suốt cả đời mình trên các lĩnh vực văn chương, âm nhạc và một phần nào đó là cả hội họa nữa …”