Sinh hoạt chi bộ có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng, trình độ mỗi đảng viên và là cơ sở, môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng. Nếu chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp thì chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, để đánh giá chính xác chất lượng sinh hoạt chi bộ gặp không ít khó khăn.
Đồng chí Lô Văn Xăng hiện là Bí thư Chi bộ thôn Thủy Khê, xã Chi Khê, huyện Con Cuông với 15 đảng viên. Trao đổi về đánh giá kết quả hoạt động của chi bộ, đồng chí Xăng cho biết, thông thường vào cuối năm chi bộ căn cứ vào hoạt động cả năm, phân tích tình hình thực hiện các nhiệm vụ để tự đánh giá xem chi bộ hoàn thành nhiệm vụ đến mức nào trước khi trình lên cấp trên. Ví dụ nếu có đảng viên sinh con thứ 3 thì không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được. Tuy nhiên, theo Bí thư Lô Văn Xăng, do đang tự lượng hóa nên vẫn chưa thực sự sát trong đánh giá chất lượng hoạt động của chi bộ.
Qua trao đổi với đồng chí Lộc Văn Hợi – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Khê (Con Cuông) được biết, hàng năm Đảng ủy xã đều căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của địa phương để xây dựng tiêu chí tự đánh giá cho từng loại hình chi bộ. Xã hiện có 1 chi bộ công an, 3 chi bộ trường học, 9 chi bộ nông thôn với tổng số 317 đảng viên.
Thông thường, bên cạnh đánh giá công tác Đảng thì đối với những chi bộ của công an, trường học cần căn cứ đánh giá thêm kết quả công tác lãnh đạo thực hiện chuyên môn; còn các chi bộ nông thôn sẽ căn cứ thêm kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trên đây mới chỉ đánh giá chung của cả năm, còn việc đánh giá chất lượng của từng cuộc sinh hoạt chi bộ lại chưa có quy định nào. Từ thực tiễn trên địa bàn, cả Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Khê và Bí thư Chi bộ thôn Thủy Khê đều cho rằng, nếu có một quy định làm “ba rem” để lượng hóa cụ thể thì sẽ đánh giá được chất lượng sinh hoạt chi bộ theo định kỳ rõ hơn, thực chất hơn và thuận lợi hơn cho cơ sở so với hiện nay.
Còn đồng chí Nguyễn Bá Từ – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Anh Sơn cho rằng, đánh giá về chất lượng sinh hoạt chi bộ quan trọng nhất vẫn là đánh giá nội dung sinh hoạt, mà nội dung lại phụ thuộc nhiều vào năng lực của bí thư chi bộ và cấp ủy.
Song không chỉ ở Anh Sơn mà ở cả nhiều nơi cả vùng nông thôn lẫn thành thị, hiện nay lựa chọn được nhân tố có năng lực, có nhiệt huyết để bầu làm bí thư chi bộ không hề dễ dàng. Có những cán bộ ở cơ sở chia sẻ rằng, cán bộ khối, xóm thực ra chịu nhiều áp lực, thậm chí có người ví von họ chỉ có “quyền rơm, vạ đá”, mức phụ cấp cũng chưa đáng là bao, trong khi công việc ở dưới khối, xóm, bản là không định lượng cụ thể được, cứ cần là dân gọi nên chưa khuyến khích, động viên làm việc, cống hiến.
Trước những vấn đề đặt ra trong sinh hoạt chi bộ, ngay từ năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo tiến hành khảo sát đánh giá chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ, kiểm tra tài liệu liên quan trong 1 năm, tương đương 12 kỳ sinh hoạt. Đây cũng là việc làm chưa có tiền lệ với mục đích nhằm đánh giá một cách khoa học, chính xác, khách quan nhất thực trạng chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cả 5 loại hình, từ đó đưa ra giải pháp.
Theo Quyết định số 3026-QĐ/TU ngày 15/8/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 5 tổ khảo sát, mỗi tổ do 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tổ trưởng. Các đồng chí tổ trưởng tiến hành thành lập tổ nghiên cứu chuyên sâu. Trong thời gian từ 30/8 đến 30/12/2019, các tổ trực tiếp thực hiện một khối lượng công việc khá lớn khi làm việc với cấp ủy cấp trên cơ sở, cấp ủy cơ sở, dự sinh hoạt sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề để đánh giá trên các mặt gồm: Công tác chuẩn bị; nội dung sinh hoạt; thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng (nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình và chất lượng sinh hoạt chi bộ); kết quả thực hiện phân công và trách nhiệm của cấp ủy viên các cấp, cán bộ theo dõi đơn vị tham gia dự sinh hoạt chi bộ ở địa bàn phụ trách.
Thông qua khảo sát, cả 5 tổ đã thống nhất báo cáo chung trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cho thấy: Nhìn chung chất lượng sinh hoạt chi bộ trong toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trong sinh hoạt chi bộ, tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu được thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng đã chỉ ra không ít hạn chế, khuyết điểm ở từng loại hình chi bộ, ví dụ như: Đối với loại hình chi bộ cơ quan, việc xác định nội dung, phương thức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị nhìn chung còn giản đơn, lúng túng, phương thức sinh hoạt chậm được đổi mới, chưa chú trọng sinh hoạt tư tưởng…; đối với loại hình sự nghiệp, nội dung sinh hoạt chính trị, tư tưởng còn ít, chỉ có 26% kỳ họp của chi bộ thực hiện, thậm chí có trường hợp lấy sinh hoạt chuyên môn thay cho sinh hoạt chi bộ;… Còn ở loại hình xã, phường, thị trấn thì cho thấy bí thư chi bộ cơ bản là cao tuổi nên điều hành sinh hoạt, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị làm theo kinh nghiệm cá nhân, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề còn ít, có chi bộ cả năm không sinh hoạt chuyên đề…
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc một số cấp ủy chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhiều cấp ủy viên, cán bộ theo dõi địa bàn chưa tham dự chỉ đạo, hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ. Một số đảng ủy chưa quan tâm định hướng hoạt động cho chi bộ, có nơi chưa phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt chi bộ. Việc tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ bí thư chi bộ, chi ủy chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Đội ngũ bí thư chi bộ loại hình lực lượng vũ trang, sự nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp cơ bản là kiêm nhiệm, bị chi phối thời gian cho công tác chuyên môn nên chưa thực sự đầu tư nghiên cứu đến công tác Đảng, nhất là việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Còn đội ngũ bí thư chi bộ khối nông thôn chủ yếu là cao tuổi, nghỉ hưu, hưởng chế độ, không trực tiếp làm nông nghiệp nên chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội ở thôn, bản còn gặp khó khăn. Cùng với đó, nhiều chủ doanh nghiệp chưa đảng viên; bí thư chi bộ ở một số doanh nghiệp không phải là chủ doanh nghiệp nên hoạt động còn gặp khó khăn;…
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng – Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Trên cơ sở khảo sát các loại hình chi bộ, 5 tổ thống nhất đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương để Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây dựng khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ các loại hình theo quy định tại Hướng dẫn số 12-HD/BTVTW của Ban Tổ chức Trung ương để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thông qua.
Lần đầu tiên, trong tất cả các chi bộ thuộc Đảng bộ tỉnh Nghệ An, các quy trình từ công tác chuẩn bị đến tổ chức sinh hoạt chi bộ, tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt, thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt chi bộ sẽ được lượng hóa để chấm điểm, làm căn cứ đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Cách làm mới này được kỳ vọng sẽ giúp chi ủy, bí thư chi bộ có căn cứ rõ ràng, cụ thể nhằm tổ chức sinh hoạt chi bộ đúng quy trình, các bước theo quy định, tạo cơ sở để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy định về quy định đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ; đồng thời tổ chức khảo sát, tham khảo một số tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí này để nắm bắt những nội dung cần rút kinh nghiệm sau thời gian đã thực hiện tại cơ sở; lấy ý kiến tất cả các tổ chức Đảng, các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh. Qua thực tế làm việc tại các địa phương cho thấy, đây là nội dung rất được cấp ủy các cấp quan tâm và tổ chức lấy ý kiến ngay từ chi bộ.
Đồng chí Nguyễn Trường Thi – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: Thực hiện Công văn số 377-CV/BTVTU ngày 29/4/2021 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc góp ý dự thảo Quy định đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức quán triệt và có văn bản triển khai về việc góp ý dự thảo đến các tổ chức cơ sở Đảng trong toàn huyện. Qua triển khai và nghiên cứu dự thảo Quy định, Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Nguyên cơ bản nhất trí, đồng thời góp ý một số nội dung liên quan đến tiêu chí đánh giá xếp loại hàng năm của chi bộ.
Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã hoàn thiện dự thảo Quy định và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét. Ngày 15/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TU về đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, áp dụng cho cả sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề đối với chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận trong toàn Đảng bộ tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và phải thực hiện thường xuyên, theo quy định sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng 1 kỳ, sinh hoạt chuyên đề mỗi quý 1 kỳ.
Chất lượng sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề sẽ được chấm điểm theo 5 nhóm tiêu chí, mỗi nhóm tiêu chí có số điểm tương ứng, tổng điểm tối đa các tiêu chí là 100 điểm, cụ thể: Công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ là 20 điểm; tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ là 10 điểm; tổ chức sinh hoạt chi bộ là 45 điểm; thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt chi bộ là 15 điểm; chất lượng của các báo cáo và kết luận tại kỳ họp là 10 điểm. Trên cơ sở chấm điểm, chất lượng sinh hoạt của chi bộ được xếp loại theo 4 mức: Loại Tốt, đạt từ 80 đến 100 điểm, loại Khá đạt từ 70 đến dưới 80 điểm; loại Trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm; loại Kém dưới 50 điểm.
Với cách làm chưa có tiền lệ này, Quy định số 08-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được kỳ vọng sẽ giúp chi ủy, bí thư chi bộ có cơ sở để tổ chức sinh hoạt chi bộ đúng quy trình, các bước theo quy định, từ đó tổ chức sinh hoạt chi bộ chu đáo, nghiêm túc, khoa học, bài bản hơn dẫn đến nâng cao chất lượng sinh hoạt hơn; đồng thời thông qua đó giúp cấp trên và bản thân chi bộ đánh giá được năng lực chỉ đạo, điều hành của chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ, chất lượng của đội ngũ đảng viên để có phương hướng, giải pháp hoàn thiện, nâng cao năng lực nếu còn chưa đạt yêu cầu.
Hiện nay, sau khi tiếp nhận Quy định số 08-QĐ/TU ngày 15/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, các thành, thị, ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Nghệ An đang triển khai các bước triển khai về cơ sở. Mới đây, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có Công văn số 677-CV/BTCTU đề nghị tổ chức sinh hoạt mẫu gắn với việc chấm điểm và rút kinh nghiệm, triển khai từ cấp huyện đến cấp cơ sở. Trong đó, cấp huyện chỉ đạo ban tổ chức cấp ủy cùng cấp chọn một số chi bộ theo cụm hoặc theo các loại hình chi bộ để tiến hành xây dựng kế hoạch sinh hoạt mẫu. Ban tổ chức cấp ủy cùng cấp phối hợp với cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi đơn vị trực tiếp hướng dẫn các chi ủy, bí thư chi bộ được chọn làm điểm thực hiện thành thạo các bước tiến hành chấm điểm chất lượng sinh hoạt chi bộ, hoàn thành trước khi tổ chức sinh hoạt mẫu (thực hiện từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021).
Tiếp đó, tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ theo Quy định số 08-QĐ/TU để hướng dẫn cách thức tiến hành chấm điểm và phương pháp đánh giá chất lượng sinh hoạt của chi bộ, thực hiện đầu tháng, bắt đầu từ tháng 10/2021, hoàn thành vào tháng 11/2021. Sau buổi sinh hoạt mẫu, cấp cơ sở tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm và chỉ đạo tất cả các chi bộ thực hiện việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ hàng tháng, hàng quý theo quy định kể từ tháng 12/2021 trở đi.
Đồng chí Hồ Thị Hồng Liên – Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An cho biết: So với dự thảo ban đầu, nội dung Quy định được ban hành hết sức khoa học, rõ, gọn gàng, thể hiện được trọng tâm là khảo sát, đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Hiện nay, các tổ chức Đảng trong Đảng bộ Khối chia làm 2 nhóm với 4 loại hình, cho nên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã quyết định chọn 4 chi bộ thuộc 4 loại hình tổ chức Đảng gồm: Trong cơ quan, trong đơn vị sự nghiệp, trong cơ quan báo chí và trong hội quần chúng để tổ chức sinh hoạt mẫu.
Trao đổi thêm về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Viết Hưng – Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Các tiêu chí của Quy định số 08-QĐ/TU cơ bản dựa vào Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Quá trình xây dựng, cơ quan tham mưu cũng đã tập trung lấy ý kiến từ chi bộ vì quy định này là dành cho chi bộ thực hiện. Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên có xây dựng và triển khai thực hiện về nội dung này nên chắc chắn không tránh khỏi bất cập, do đó, sau một quá trình triển khai thực hiện sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá để có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn nếu cần thiết nhằm tổ chức thực hiện tốt hơn.
Chi bộ cơ sở là hạt nhân chính trị của Đảng, là nơi trực tiếp lãnh đạo cơ sở thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của chi bộ và của cấp ủy cấp trên. Thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng, đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chi bộ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Cho nên, việc lượng hóa các tiêu chí để đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ./.