Theo Quốc lộ 7 (điểm đầu ở ngã ba Diễn Châu; hoặc đi từ Quốc lộ 46 lên), du khách sẽ đến với những bản du lịch cộng đồng đặc sắc của huyện Con Cuông và Tương Dương; đến với Vườn Quốc gia Pù Mát huyền bí. Nếu có điều kiện thời gian, du khách nên tiếp tục hành trình để lên với Cổng trời Mường Lồng – “Sapa Xứ Nghệ” ở huyện Kỳ Sơn, qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn để đến với tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào nơi có Cánh đồng Chum di sản thế giới.
Bản Khe Rạn nằm ngay cạnh thị trấn Con Cuông, cách cuộc sống hiện đại chỉ một chiếc cầu treo vắt qua dòng sông Lam. Gần 100% người dân Khe Rạn là người dân tộc Thái. Dù ở rất gần thị trấn, song với ý thức cao trong việc gìn giữ những truyền thống bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cho tới nay, bản Khe Rạn vẫn còn gần như nguyên vẹn những đặc tính của một bản làng người Thái.
Sáng sáng chiều chiều, người ta lại nghe thấy những tiếng mõ trâu lộc cộc, lại thấy những người phụ nữ Thái trong trang phục váy áo truyền thống thấp thoáng trong những ngôi nhà sàn hay trên cánh đồng lúa nước, bãi ngô. Thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp hình ảnh của người Thái xưa quàng chiếc giỏ tre trĩu nặng cỏ tranh qua trán… Giữa thế kỷ 21, cuộc sống của Khe Rạn vẫn cứ bình lặng, nhẹ nhàng và đơn giản như vốn có từ bao nhiêu đời nay.
Vì là một bản Thái thuần nhất, ẩm thực và văn nghệ của người dân Khe Rạn vẫn hoàn toàn mang những nét truyền thống đặc trưng. Ẩm thực của người Thái Khe Rạn là những chiếc bánh sừng trâu với những mong ước mạnh khỏe, may mắn; là những ống cơm Lam thơm ngọt; là bát canh Khầu Khiêu với mùi vị rất riêng và còn nhiều món ăn độc đáo khác…Người Thái Khe Rạn rất yêu văn nghệ. Cuộc sống của họ gắn liền với tiếng trống, tiếng cồng chiêng, khắc luống với những điệu múa uyển chuyển của các cô gái Thái.
Cho tới nay, người dân nơi đây vẫn bảo tồn được nguyên vẹn những phong tục tập quán của dân tộc Thái từ xa xưa. Đặc trưng của bản Nưa là những ngôi nhà sàn bằng gỗ, những bộ quần áo Thái sặc sỡ, những vườn cây ăn trái trĩu quả, những nông cụ truyền thống bao ao đời như xe trâu, đó bắt cá. Người dân bản Nưa nổi tiếng hiếu khách và chân thành với nụ cười thường trực trên môi. Cuộc sống người dân nơi đây khá bình lặng với những công việc đồng áng quen thuộc hàng ngày như bắt cá, làm cỏ, cấy lúa, gặt hái, chăn trâu.
Bản Nưa nổi tiếng với Suối nước Mọc (người Thái gọi là Tạ Bó). Dòng suối này vô cùng đặc biệt khi nó có một màu xanh lục như nước biển, mùa Hè nước mát lạnh, còn mùa Đông thì lại ấm nóng. Vào mỗi sáng sớm mùa Đông, dòng suối chìm trong màu trắng đục mờ ảo của những làn khói nghi ngút bốc lên từ lòng suối. Người dân nơi đây gọi là suối nước mọc vì nước suối không phải từ nơi khác đổ về mà nước cứ tự đùn lên từ dưới lòng đất.
Ẩm thực người Thái bản Nưa đa dạng, khá cầu kỳ trong chế biến, với hương vị rất riêng. Nguyên liệu chủ yếu của các món ăn phần lớn bắt nguồn từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên hay trong vườn nhà như măng, rau rừng, hoa chuối, hoa đu đủ. Những món ăn có màu sắc rất đặc trưng của vùng rừng núi như món Mọc được bọc ngoài với lá rong xanh, măng đắng luộc chấm chẻo hẹ với màu vàng của măng và màu xanh của hẹ. Người Thái bản Nưa vẫn sử dụng những dụng cụ nhà bếp truyền thống như chõ nấu xôi bằng gỗ, bàn và ghế bằng mây.
Trang phục của người phụ nữ Thái bản Nưa thường gồm váy dài màu đen, chân váy thêu nhiều họa tiết hoa văn như hình mặt trời, muông thú, các loại hoa; áo may bó sát người với hàng khuy bạc hình con bướm, ve sầu hoặc cánh hoa; thắt ngang lưng là chiếc dây bằng thổ cẩm thêu hoa văn hai đầu nhuộm màu xanh hoặc đỏ; trên đầu là chiếc khăn Piêu nhuộm chàm, hai đầu thêu nhiều họa tiết…Đời sống tinh thần của người Thái rất phong phú với những làn điệu dân ca như Khắp, Lăm, Nhuôm, Xuối và những điệu múa sạp, lăm vông. Nhiều nhạc cụ ở đây rất độc đáo như cồng, chiêng, trống, khắc luống, sáo, xixo, đàn tính, khèn bè.
Một điểm đặc biệt của bản Nưa là những cánh đồng canh tác nằm biệt lập, tách hẳn với những ngôi nhà sàn. Những cánh đồng lúa này nằm lọt thỏm trong một thung lũng với những rặng núi dài vây quanh và con suối vắt ngang ngăn cách với cuộc sống bên ngoài. “Vùng lúa” này được coi là một trong những nơi rôm rả nhất bản. Những ngày mùa, mọi người trong bản đều tập trung ở đây để làm ruộng, lội suối bắt cá bắt cua. Tiếng chào hỏi, trò chuyện, cười đùa vang khắp đồng.
Bản Pha bạt ngàn những vườn cam trĩu quả với hương vị chỉ có ở riêng nơi đây. Cam bản Pha được trồng theo phương pháp tự nhiên, không sử dụng các loại chất kích thích hay hóa học, kết hợp với chất đất nơi đây, trái cam thành phẩm tạo thành có một vị thơm mát, ngọt dịu. Để kéo dài vụ thu hoạch, các chủ vườn giờ đây đã bắt đầu trồng xen kẽ nhiều loại cam với nhau. Mùa cam chín kéo dài từ tháng 10 tới tháng 2 năm sau. Tuy nhiên bản Pha không chỉ là một điểm đến hấp dẫn vào vụ thu hoạch, du khách sẽ có những trải nghiệm hết sức thú vị nếu tới đây vào đúng dịp hoa cam nở. Những vườn cam xanh mướt lúc này gần như hoàn toàn chuyển thành màu trắng tinh của hoa cam. Khắp vùng bản Pha, người ta ngửi thấy một mùi thơm dịu, nhẹ nhàng của hương hoa cam.
Với những đặc tính hiếm có chỉ cam bản Pha mới có, kể từ cuối năm 2016, những sản phẩm được chế biến từ trái cam bắt đầu được các chủ hộ trồng cam sản xuất thử nghiệm và bán ra thị trường. Các sản phẩm như rượu cam, tinh dầu cam, mứt vỏ cam sấy khô, xà phòng cam đã nhận được đánh giá cao từ khách hàng. Giờ đây các sản phẩm này đã được chính thức bán ra và có mặt ở nhiều thị trường trong cả nước.
Xã Môn Sơn là xã biên giới, cách trung tâm huyện lỵ 20 km, hội tụ đầy đủ sông, núi, đồng bằng. Nơi đây được coi là vựa lúa của Con Cuông và nổi tiếng với câu “Cơm Mường Quạ, Cá sông Giăng”. Toàn xã có 14 thôn bản và có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống. Bản Xiềng là 1 trong số đó.
Bản Xiềng có 100% số hộ là dân tộc Thái, với những ngôi nhà sàn cổ kính, nằm dọc theo con đường đến trung tâm xã và thắng cảnh Đập Phà Lài. Với bản tính siêng năng cần cù, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây bao đời nay cần mẫn, gìn giữ và phát triển Dệt thổ cẩm, đan lát. Hiện nay, bản Xiềng được công nhận là Làng nghề thổ cẩm đầu tiên của huyện Con Cuông.
Đến với bản Xiềng nói riêng và xã Môn Sơn nói chung du khách có thể khám phá cuộc sống sông nước của người dân bên dòng sông Giăng. Sông Giăng là con sông dài, nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Pù Mát với hệ sinh thái phong phú và đa dạng bậc nhất Việt Nam. Thả hồn trên sóng nước, du khách có thể ngắm vẻ đẹp hoang sơ mà rất kỳ vĩ của núi rừng miền Tây Xứ Nghệ. Những ngôi nhà sàn lưa thưa xen giữa những ruộng ngô, ruộng lúa xanh tươi của dân bản nơi cuối nguồn; những ngọn núi cao mà ngửa mặt lên đỉnh trời mới thấy ngọn; những cây cổ thụ mọc chòi trên vách đá xõa tán về phía dòng sông. Người dân sống bên dòng sông Giăng thường làm bè gỗ để di chuyển trên sông và sử dụng những vật dụng truyền thống làm từ bè tre để bắt cá, bắt cua.
Du thuyền ngược sông Giăng kéo dài khoảng 2 tiếng với 20km sông nước là đã đi sâu vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát. Nơi đây có các bản của người Đan Lai sinh sống – Một trong những bộ tộc người thiểu số, sống ở sơn cùng thủy tận.
Tương Dương có núi non hùng vĩ, hoang sơ, nhiều thắng cảnh tuyệt mỹ, nơi cư trú của 5 dân tộc thiểu số với những nét văn hoá đặc sắc thực sự là “thiên đường du lịch” ở miền Tây xứ Nghệ, đang vẫy gọi du khách gần xa chiêm ngưỡng, khám phá.
Một địa điểm rất đáng ghé là cánh rừng Săng Lẻ ở xã Tam Đình được các chuyên gia đánh giá là “cánh rừng đẹp nhất Đông Dương”. Đến với cánh rừng rộng 70 ha này, du khách như hòa nhịp cùng thung lũng xanh thuần khiết, yên tĩnh, êm ả và nhẹ nhàng chẳng khác nào những cảnh sắc phương Tây mơ mộng mà ta vẫn thường cảm thán qua phim ảnh. Vào mùa hè, rừng Săng lẻ nở hoa tim tím; vào mùa Thu Đông, tạo nên một màu vàng mỹ lệ đến ngỡ ngàng.
Tại 2 bản Quang Phúc và Quang Thịnh của xã Tam Đình, hiện nay, đã hình thành nên những mô hình du lịch cộng đồng – sinh thái. 99% dân bản là người dân tộc Thái, đã cư ngụ nơi đây từ hàng trăm năm trước. Những nét văn hóa truyền thống cổ xưa vẫn được lưu giữ truyền đời, từ không gian sinh tồn đến ngôn ngữ, trang phục, âm nhạc và phong tục, tập quán. Đặc biệt, dân ca và dân vũ nơi đây là “đặc sản” hấp dẫn du khách. Những làn điệu dân ca luôn ngọt ngào, say đắm lòng người.
Đến bản Quang Phúc, du khách không thể không về thăm Khe Cớ – điểm du lịch sinh thái mới ở Tương Dương. Khe Cớ nằm cách Quốc lộ 7 chừng 300m. Nước khe trong xanh và không quá sâu, là điều kiện lý tưởng trở thành bãi tắm cho các du khách được thả mình trong khoái cảm mát lành. Hiện đường vào các bãi tắm ở khe Cớ đã được người dân địa phương đổ bằng bê tông, có thể đi vào bằng xe máy hoặc ô tô. Xung quanh điểm du lịch này người dân cũng đã làm các lán trại phục vụ du khách nghỉ chân.
Vườn có tính đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Vườn có 2.494 loài thực vật, 931 chi thuộc 202 họ. Ngành Ngọc Lan 92,58% hệ thực vật nơi đây. 70 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt, chiếm 2,81% tổng số loài của khu hệ. Ở đây có một số loài quý hiếm như Thông Đỏ, Hoa Đài Màu, Sến Mật, Pơ Mu, Sa Mu Dầu…Về động vật, Vườn là nơi cư trú của 132 loài thú. 42 loài trong số này là những loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ theo trong Danh lục đỏ của IUCN (20107) như Voi, Hổ, Sao La, Vượn đen má trắng, Chà và chân nâu, khỉ đuôi lợn, mang Trường Sơn
Quốc lộ 48 bắt đầu từ Ngã ba Yên Lý (trên Quốc lộ 1). Theo Quốc lộ 48, ngược về phía Tây Bắc Xứ Nghệ, du khách đã đến với vùng đất cổ xưa với nhiều trầm tích văn hóa cùng cảnh sắc mơ mộng…
Cách Tp. Vinh khoảng 140 km về phía Tây Bắc, Quỳ Châu – vùng đất trung tâm Phủ Quỳ xưa vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, rất đỗi thanh bình. Nhịp sống nơi đây không ồn ào vội vã mà hiền hòa, cần mẫn như những guồng quay con nước bên dòng sông Hiếu thơ mộng… Từ thị trấn Tân Lạc – trung tâm Quỳ Châu, ngược hướng Tây theo Quốc lộ 48, du khách đến với bản Hoa Tiến cổ xưa (nay là bản Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến). Nhìn từ cầu Châu Tiến qua cách đồng Tả Chum (địa điểm giáp ranh giữa 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong), một làng Thái cổ Hoa Tiến với những nếp nhà sàn trầm mặc, nằm sát nhau tạo hình ô bàn cờ.
3 năm nay, làng Thái cổ Hoa Tiến đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Tại làng Thái cổ Hoa Tiến, một trong những điểm nhấn không thể bỏ qua là các gian hàng bán sản phẩm truyền thống. Ở đây, du khách sẽ được nghe các các mẹ, các chị giới thiệu văn hoá đặc trưng hoa văn của thổ cẩm thái. Nếu muốn, du khách cũng có thể tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ.
Thăm và “thử” làm người dân Hoa Tiến, du khách sẽ được chính tay thực hiện những công việc đặc trưng của người dân bản địa như: giã gạo bằng tay, được tự mình vào bếp để chế biến các món ăn dân giã của đồng bào Thái, chơi các trò chơi dân gian như ném còn, đu quay. Đặc biệt, được hoà mình trong điệu nhảy sạp, khắc luống rộn ràng và ngây ngất trong men rượu cần dưới nếp nhà sàn cổ kính đậm thời gian, cảm nhận cuộc sống bình dị, êm đềm, thuần phác, mến khách của người dân bản địa.
Bên cạnh việc bảo lưu nguyên vẹn các nét văn hóa đặc sắc, truyền thống của người Thái, các hộ dân làm du lịch cộng đồng ở đây đã khéo léo kết hợp các tiện nghi hiện đại phục vụ nhu cầu du khách, từ điều hòa nhiệt độ đến mạng Wifi. Tất cả các hộ làm du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến đều đã được ngành du lịch Nghệ An tập huấn đầy đủ về cách thức làm du lịch cộng đồng, như: Giao tiếp, ứng xử, nấu ăn…Ở thời điểm này, tại Hoa Tiến có 10 hộ tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng. Các hộ này đều có nhà sàn to đẹp, đủ khả năng tiếp các đoàn khách từ 40-50 người.
Về Quỳ Châu hôm nay, du khách không chỉ được trải nghiệm cuộc sống tại làng Thái cổ Hoa Tiến mà còn có thể đến tham quan các di tích, danh thắng nổi tiếng cách đó không xa như Hang Bua, thác Đũa, thác Tạc Ngoi, Hang Voi, núi Phá Xăng…
Di tích Hang Bua rất đẹp, với những thạch nhũ tạo hình sinh động, huyền bí như “Con ếch”, “Giàn Cồng Chiêng”, “Ông già thổi sáo”, “Bồ lúa”, “Giường tiêng”. Nơi đây còn có Suối Tiên – Một dòng nước mát lạnh chảy từ kẽ đá ra. Hang Bua gắn với nhiều truyền thuyết lập đất lập làng. Hàng năm, vào mùa Xuân, ngay trước cửa hang, người dân Mường Chiềng Ngam lại tụ hội về đây lễ tế, cầu mong mưa thuận gió hòa và mở hội vui chơi. Không thể minh xác lễ hội Hang Bua ra đời từ bao giờ, chỉ biết vào năm 1937, Vua Bảo Đại đã từ cố đô Huế về nơi đây thăm thú, du xuân, dự lễ hội.
Nếu du khách về đây trong dịp Lễ hội Hang Bua chắc chắc sẽ mê say, hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng của vùng cao với phong phú hoạt động giàu bản sắc văn hóa: thi văn nghệ; trình diễn sinh hoạt Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái; thi văn hóa ẩm thực; thi cham rượu cần; thi nhảy sạp, khắc luống; thi quay tơ, thêu, dệt; trình diễn sản phẩm văn hóa – ẩm thực; cuốn hương trầm; trình diễn Nghi lễ Xăng Khan; thi người đẹp Hang Bua; thi viết chữ Thái; thi cắm trại đẹp; thi các môn thể thao bóng chuyền nam nữ, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, ném còn, tò mạc lẹ…
Hiện nay, huyện Quế Phong đang tập trung xây dựng mô hình Làng Thái cổ gắn với phát triển du lịch cộng động ở 2 bản Na Xai, Hủa Mương (xã Hạnh Dịch); đi kèm với đó là hướng phát triển các sản phẩm từ dược liệu đưa vào phục vụ du khách.
Hành trình khám phá Hạnh Dịch bắt đầu bằng việc ghé thăm thác nước Sao Va, thuộc xã Tiền Phong. Thác Sao Va (Tiếng Thái nghĩa là “hai mươi sải”), với những thác nước dài, chảy nhanh, trắng xóa. Dưới chân Thác có hồ nước lớn, độ sâu ước chừng “hai mươi sải tay”, tương đương với 30m… Đến với thác Sao Va, du khách có những giây phút thú vị được hòa mình trọn vẹn vào thiên nhiên, chụp những bức hình lưu niệm tuyệt đẹp.
Tiếp theo, du khách sẽ đến với 2 bản Thái cổ nguyên trạng Na Xai, Hủa Mương, xã Hạnh Dịch. Na Xai và Hủa Mương còn giữ được những nét văn hóa đặc sắc, nguyên sơ nhất của cộng đồng người Thái (đen) từ trang phục, ẩm thực, trình diễn văn nghệ dân gian, dệt thổ cẩm. Đến đây, du khách được tận mắt chứng kiến cách chế biến, thưởng thức các món ăn ẩm thực truyền thống của người Thái, hòa mình với điệu nhảy sạp, khắc luống rộn ràng, ngây ngất trong men rượu cần.
Điểm cuối của hành trình, du khách sẽ đến với Thác Bảy Tầng. Thác có cảnh quan kỳ vĩ, nguyên sơ, chưa hề có sự tác động của con người cùng với hệ sinh thái phong phú. Sau những tầng thác có những bãi đá phẳng rộng mênh mông. Từ trên những bãi đá phẳng ấy, nhìn xuống dòng nước chảy xiết tung bọt trắng xóa…Khám phá Quế Phong, du khách còn có những điểm đến không thể bỏ qua, đó là Đền Chín Gian và lòng hồ thủy điện Hủa Na sơn thủy hữu tình. Đền Chín Gian (tiếng Thái gọi là Cẩu Hoòng) được xây dựng từ thế kỷ XIV, là một trong những ngôi đền linh thiêng của bà con người Thái thờ cúng Trời (Thẻn Phà), Náng Xì Đà và Tạo Ló Ỳ – người có công lập bản dựng Mường của đồng bào các dân tộc ở miền Tây Bắc Nghệ An.
Từ miền Tây Xứ Nghệ, mô hình du lịch cộng đồng đang dần lan tỏa khắp các địa bàn, hầu hết các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch và đề án khai thác tiềm năng đất và người để phát triển du lịch. Có rất nhiều địa điểm mới mà du khách có thể khám phá
Xã Tiên Kỳ hiện đang được huyện Tân Kỳ và ngành du lịch Nghệ An tập trung xây dựng phát triển triển du lịch cộng đồng. Tiên Kỳ có cảnh quan núi, rừng, suối, hồ đập, nhiều hang động gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Đó là nhà sàn của các hộ dân, nghề dệt thổ cẩm, hàng mây tre đan; hang Mó bản Thái Minh, Kẻ Ỏn, hang Hở Chung; thành Lê Lợi… Đồng bào dân tộc Thái nơi đây còn lưu giữ được lễ hội khao quân vào tháng 8 hàng năm; đồng bào còn lưu giữ nhiều nhạc cụ truyền thống: Pí nhuôn, khèn bè, sáo… kết hợp hát múa giao lưu rượu cần, nhảy sạp; các trò chơi ném còn, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo… Tiên Kỳ còn có nhiều món ăn hấp dẫn của đồng bào Thái, đặc biệt là Lễ hội Bươn Xao hết sức đặc sắc được tổ chức vào tháng 8 Âm lịch hàng năm.
Ngoài các điểm đến ở huyện Con Cuông, Quỳ Châu, Tân Kỳ và Quế Phong, hiện nay, với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, Nghệ An cũng đang xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, giúp cho du khách được tìm hiểu, khám phá một cách trọn vẹn các giá trị văn hóa, lịch sử của một làng quê điển hình vùng Bắc Trung Bộ – nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay: “Ngành Du lịch đang tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch và dịch vụ du lịch; tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng. Ngành đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, kết nối và tổ chức các đoàn famtrip đến khảo sát, xây dựng chương trình đưa khách đến khám phá miền Tây Nghệ An và sau này là điểm du lịch cộng đồng tại Kim Liên.”.