Anh Vừ Bá Xử đã có gần 20 năm gắn bó với công tác Đoàn của xã Mường Lống huyện biên giới Kỳ Sơn, trong đó 10 năm là Bí thư Đoàn xã. Qua nhận xét của lãnh đạo xã và các đoàn viên, thanh niên ở địa phương, anh Xử là thủ lĩnh Đoàn có năng lực, nhiệt tình, có khả năng tập hợp, vận động thanh niên. Mường Lống là xã biên giới có 13 bản, trong đó bản xa nhất cách trung tâm xã khoảng hơn 25km, đường giao thông đi lại khó khăn, thanh niên đa số đi làm ăn xa nhưng với vai trò thủ lĩnh Đoàn của địa phương, anh đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên và đồng bào xóa bỏ các tập tục sinh hoạt và sản xuất lạc hậu, đưa các giống cây, con có hiệu quả vào sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập cho đồng bào.
Để tạo nguồn cán bộ, cấp ủy xã Mường Lống quy hoạch anh Vừ Bá Xử – Bí thư Đoàn xã vào các chức danh Phó Chủ tịch HĐND, UBND, và Chủ tịch MTTQ xã. Với nguyện vọng được gắn bó lâu dài nên anh được Đảng ủy xã Mường Lống quan tâm, tạo điều kiện đi học trung cấp lý luận chính trị, tham gia lớp đại học kinh tế nông nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn cán bộ công chức xã. Thời điểm diễn ra Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Mường Lống nhiệm kỳ 2022-2027, anh đã 42 tuổi. Tuy nhiên, thời điểm này, tất cả các vị trí chuyên trách cấp xã đều đã đủ người, không còn vị trí để bố trí nên anh vẫn được “giữ chân” làm Bí thư Đoàn xã.
Anh Vừ Bá Xử chia sẻ: Gắn bó với công tác đoàn đã giúp tôi được rèn luyện, trang bị kiến thức và bản lĩnh. Mặc dù tâm huyết và sự nhiệt tình thì vẫn như xưa nhưng sự năng động, xông xáo thì không được bằng trước đây. Tôi rất muốn được chuyển sang làm một công việc phù hợp với tuổi tác, trình độ chuyên môn để tiếp tục cống hiến cho địa phương và cũng là để nhường chỗ cho người trẻ đảm đương công việc, vừa tạo động lực cho họ phấn đấu.
Được biết, hiện huyện Kỳ Sơn có 1 cán bộ Đoàn cấp huyện (sinh năm 1988) quá tuổi và còn có 7 cán bộ Đoàn quá tuổi (sinh năm 1986-1981) chưa bố trí được. Đồng chí Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Đây là vấn đề trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cấp ủy, chính quyền rất ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của cán bộ Đoàn các cấp. Tuy nhiên, khó khăn là cán bộ Đoàn quy định theo độ tuổi, trong khi độ tuổi cán bộ, công chức các xã trên địa bàn huyện đã quá độ tuổi Đoàn nên không bố trí chuyển vị trí công tác được. Trong khi cán bộ nghỉ hưu chưa có, không được tuyển dụng mới dẫn đến việc thuyên chuyển công tác cho đội ngũ này gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy rà soát, nghiên cứu tham mưu phương án bố trí hợp lý đảm bảo quyền lợi cho cán bộ.
Không chỉ riêng Kỳ Sơn, tình trạng cán bộ Đoàn quá tuổi nhưng chưa được bố trí vị trí công tác mới là thực trạng chung ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thực trạng này khiến cho nhiều cán bộ Đoàn phải chấp nhận “trả ghế” để tìm hướng phát triển khác. Ví như đầu năm 2023 vừa qua, Phó Bí thư Đoàn xã Thạch Ngàn (Con Cuông) Vy Văn Lâm (sinh năm 1989) đã quyết định nghỉ việc. Điều này khiến cho nhiều người luyến tiếc bởi Lâm là một cán bộ Đoàn khá năng nổ, nhiệt huyết với hơn 8 năm gắn bó với công tác đoàn tại địa phương. Theo chia sẻ của anh, việc quyết định nghỉ việc là bởi hai lý do chính. Lý do thứ nhất là về độ tuổi, bản thân Lâm năm nay 34 tuổi, còn Bí thư Đoàn của anh là 35 tuổi. Nếu chiếu theo độ tuổi tối đa để làm việc theo quy chế cán bộ Đoàn 289 (Quyết định về việc ban hành quy chế cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) đối với cán bộ Đoàn cơ sở là 35 thì cho tới khi Bí thư Đoàn xã được bố trí luân chuyển thì bản thân Lâm cũng khó có cơ hội để tiếp bước vì không còn đủ tuổi. Trong khi đó, các chức danh tại xã hiện tại gần như đã có quy hoạch đầy đủ tại các vị trí.
Còn tại xã Cam Lâm (Con Cuông), nơi có đồng chí Bí thư Đoàn xã – Vi Văn Quý năm nay đã 38 tuổi vẫn chưa được bố trí việc làm, hay như Bí thư Đoàn xã Đôn Phục – Lữ Thị Thủy năm nay 36 tuổi cũng chưa được bố trí công tác mới nên bản thân cũng thấy mình khó để tiếp tục gắn bó lâu dài với công việc, trong khi chế độ phụ cấp thấp. Vậy nên, nghỉ việc là lựa chọn bất đắc dĩ của Vy Văn Lâm. Được biết, chỉ trong 2 năm qua, đã có 6 Phó Bí thư Đoàn cấp xã của Con Cuông nghỉ việc.
Một khó khăn mà cơ sở hiện nay đang gặp đó là một số cán bộ nói chung, cán bộ Đoàn nói riêng mặc dù có vị trí để thuyên chuyển nhưng phải tạm dừng để thực hiện chủ trương chung của tỉnh. Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Trung Huy (sinh năm 1992) – nguyên Phó Bí thư Đoàn xã Nghi Trường, thì sau khi đồng chí nguyên Bí thư Đoàn xã được điều chuyển công tác, xã Nghi Trường đã làm quy trình bổ nhiệm anh Huy giữ chức Bí thư Đoàn xã. Tuy nhiên trong quá trình này, ngày 07/03/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Công văn số 1757-CV/TU “về việc triển khai thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị”. Theo đó, yêu cầu trước mắt tạm dừng việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức và bổ sung cấp ủy, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với cấp huyện, cấp xã trong phạm vi toàn tỉnh cho đến khi Đề án tổng thể cấp tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, xã Nghi Trường phải tạm dừng việc bổ nhiệm chức danh Bí thư Đoàn xã đối với đồng chí Nguyễn Trung Huy.
Bí thư Đảng ủy xã Nghi Trường (Nghi Lộc) Hoàng Văn Việt đánh giá: Đồng chí Huy là cán bộ Đoàn có trình độ chuyên môn, năng nổ, nhiệt huyết với phong trào Đoàn. Đồng chí là một trong những cán bộ được cấp ủy quy hoạch tạo nguồn cho địa phương. Hiện đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, đại biểu Hội đồng nhân dân xã đang kiêm nhiệm nhiều chức danh: Quyền Bí thư Đoàn xã, Phó Bí thư, Phó chỉ huy quân sự xã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã.
Mặc dù cấp ủy quan tâm nhưng khi có chủ trương sáp nhập (Nghi Thịnh và Nghi Trường), nguyện vọng của địa phương mong muốn cấp trên tạo điều kiện để đồng chí Huy được trưởng thành để tạo nguồn cán bộ kế cận cho xã.
Mong muốn là vậy nhưng không phải ai cũng đạt được điều mình muốn. Các đoàn cơ sở hiện nay không chỉ đối mặt với tình trạng thủ lĩnh Đoàn bị “già hóa” do không bố trí “đầu ra”, mà còn chật vật trong việc tìm nguồn kế cận. Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn chưa bố trí được công tác mới, ảnh hưởng đến tâm lý quá trình phấn đấu của các phó bí thư Đoàn, xã, thị trấn. Hiện nhiều địa phương đang “trống” chức danh phó bí thư Đoàn cấp xã. Trong khi phó bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn là nguồn kế cận gần nhất để bổ sung cho vị trí bí thư Đoàn phường, xã khi chuyển công tác khác.
Chia sẻ về khó khăn này, Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc Nguyễn Đức Lộc cho hay, công tác tạo nguồn, tìm nguồn từ cấp thôn, xóm đến cấp xã rất khó khăn. Đối với bí thư Chi đoàn thôn, xóm, công việc nhiều, phụ cấp ít nên có trường hợp chỉ được một thời gian thì xin nghỉ. Đối với phó bí thư Đoàn xã, thị trấn là bán chuyên trách nhưng ngoài công tác Đoàn còn phải kiêm nhiệm mà phụ cấp thấp nên nhiều trường hợp đã xin nghỉ và rất khó kiếm được nguồn để bổ sung. Hiện trên địa bàn huyện Nghi Lộc có 6/29 xã đang khuyết chức danh phó bí thư Đoàn.
Tương tự, tại huyện Đô Lương từ khi Công văn 1757 được ban hành, đã có 4 phó bí thư Đoàn xã xin nghỉ trên tổng số 33 phó bí thư Đoàn xã; có 2 xã bí thư Đoàn xã đã chuyển vị trí công tác mới nhưng không bổ nhiệm được phó bí thư lên bí thư nên các phó bí thư Đoàn xã phải kiêm nhiệm cả “hai vai” nhưng chỉ được hưởng phụ cấp hưởng theo chức danh phó bí thư đoàn xã. “Kinh phí dành cho hoạt động đoàn quá thấp bình quân từ 6-8 triệu đồng/năm, trong khi tổ chức đoàn tham gia nhiều phong trào. Khó khăn về kinh phí nên các cơ sở đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động như rửa xe, thu gom phế liệu… gây quỹ để hoạt động. Cũng chính vì công việc vất vả, chế độ phụ cấp thấp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở đã và đang khiến cho một bộ phận cán bộ Đoàn cơ sở có tâm lý chán nản và bỏ việc. Bên cạnh đó, việc sắp xếp công việc sau khi cán bộ Đoàn hết tuổi theo quy định gặp nhiều khó khăn dẫn đến các đồng chí phó bí thư Đoàn xã nhận thấy rất khó có cơ hội để phát triển nên xin nghỉ việc. Do đó, việc tìm nguồn cán bộ Đoàn kế cận khó khăn” – Phó Bí thư Huyện đoàn Đô Lương Nguyễn Tất Hùng bày tỏ.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Phong – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh đoàn cho biết, hiện Tỉnh đoàn Nghệ An có 35 tổ chức Đoàn cấp huyện, 948 cơ sở Đoàn. Số lượng đoàn cấp tỉnh có 29 đồng chí, chuyên trách cấp huyện có 68 đồng chí, cấp cơ sở có 1.890 đồng chí (tính cả Bí thư và Phó Bí thư). Theo quy chế cán bộ Đoàn 289 do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành, quy định độ tuổi của cán bộ Đoàn giữ chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh không quá 37 tuổi; tuổi giữ chức vụ của cán bộ Đoàn cấp huyện và cấp cơ sở, không quá 35 (riêng vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo… không quá 37 tuổi).
Chiếu theo quy định này, tính đến tháng 7 năm 2023 thì tình hình cán bộ Đoàn quá tuổi trên địa bàn tỉnh Nghệ An ở cấp cơ sở có 4 đồng chí cấp huyện và 87 đồng chí cấp cơ sở đã quá tuổi nhưng chưa luân chuyển, trong đó có 4 đồng chí trên 40 tuổi.
Việc cán bộ Đoàn quá tuổi chưa thể chuyển công tác do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ quan là do một số cán bộ Đoàn cấp cơ sở vướng mắc liên quan đến trình độ chuyên môn; năng lực thực tiễn; độ tuổi quy hoạch quá sát nhau; thiếu nguồn kế cận đáp ứng đủ tiêu chí để thay thế… Về nguyên nhân khách quan thì vẫn còn một số cấp ủy chưa thực sự chú trọng tới việc bố trí, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là công tác quy hoạch nguồn cán bộ, do đó không có nhiều vị trí để bố trí công tác đối với cán bộ Đoàn, đặc biệt là những người đã quá tuổi theo quy định. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện các chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 – 2021; bố trí công an chính quy về xã; tinh giản biên chế… đã có ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng biên chế, vị trí công tác tại các xã, phường, thị trấn. Trong khi đó định biên và các chức danh trong bộ máy hoạt động của các đơn vị đã đủ, để bố trí phải chờ có người nghỉ hưu hoặc chờ vị trí trống để “thế chỗ”.
Thực tế trên cho thấy, trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại đơn vị hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước như hiện nay, việc bố trí công tác cho cán bộ Đoàn khi hết tuổi sẽ ngày càng khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ đến từ cấp ủy các cấp đến tổ chức Đoàn và bản thân mỗi cán bộ Đoàn ở cơ sở.