1 ngày sau vụ việc thương tâm xảy ra tại một trường chuyên ở thành phố Vinh, Chị Lê Thị L – một phụ huynh có con đang học lớp 5 tại thành phố Vinh đã chia sẻ vào nhóm kín của lớp về câu chuyện của chính con trai mình. Cậu bé 10 tuổi có hoàn cảnh khá đặc biệt bởi em chỉ sống với mẹ. Một lần vô tình nhìn vào hồ sơ của bạn, các bạn trong lớp thấy cậu bé để trống tên bố và theo mẹ của cậu cho biết, từ đó, bạn bè thường lấy lý do này để trêu đùa. Cậu bé đã về nhà khóc, tự ti và sợ đến lớp. Thậm chí chỉ vì một điểm kém, bé nghĩ rằng, bị các bạn xa lánh…
Phụ huynh này cũng cho biết, khi thấy con có dấu hiệu trầm cảm nhẹ, chị đã nói chuyện với con, tìm hiểu lý do và gặp cô giáo chủ nhiệm để chia sẻ câu chuyện của con. Ngay cả những bạn học cùng lớp, chị xin phép cô giáo để được nói chuyện và phân tích cho các bạn của con hiểu hơn về hoàn cảnh của con trai mình. Một thời gian sau, chị thấy con mình có những thay đổi tích cực.
Sau biến cố đó, phụ huynh này cho biết: Dù các con đang ở độ tuổi rất nhỏ những có khá nhiều khía cạnh tâm lý phức tạp. Ngay cả các mối quan hệ của các con ở trên lớp cũng có nhiều điều nhạy cảm và thế giới của trẻ con có khi lại kinh khủng hơn những điều mà người lớn có thể nhìn thấy. Sau những vướng mắc được tháo gỡ, cậu bé đã vượt qua được tự ti, mặc cảm, hòa đồng với bạn bè…
Tại Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh, chị Lê Thị Nguyệt – Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới là người nắm giữ số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin về bạo lực học đường, xâm hại trẻ em và các vụ bạo hành. Cách đây hơn 1 tháng, một phụ nữ ở phường Cửa Nam (TP. Vinh), có con đang học tiểu học đã tìm đến chị để xin tư vấn về việc bị chính giáo viên chủ nhiệm dùng lời nói, hành vi tác động tiêu cực, dẫn đến tâm lý hoảng loạn, không muốn đến trường (thường xuyên lấy thước đánh cháu, dọa không cho cháu thi, không cho các bạn chơi với cháu …).
Sau khi nắm bắt được thông tin vụ việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã liên hệ trực tiếp với đơn vị sở tại và ngay trong chiều cùng ngày Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Vinh đã phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố xuống nhà trường để trực tiếp xác minh vụ việc. Tại đây, cô giáo chủ nhiệm đã thừa nhận có những “hành vi không đúng chuẩn mực”, ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Về phía nhà trường cũng đã rút kinh nghiệm, gặp mặt gia đình kịp thời để động viên tâm lý học sinh, tạo mọi điều kiện để cháu yên tâm học tập. Đồng thời, cam kết tổ chức xử lý nghiêm đối với giáo viên vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp…
Tiếp nhận sự việc này, chị Lê Thị Nguyệt cũng đặc biệt ấn tượng với câu chuyện của mẹ cháu bé. Bởi lẽ, dù bà mẹ đó chỉ là một lao động bình thường, là mẹ đơn thân, nhưng khi nhận thấy con có dấu hiệu bất thường đã đồng hành với con một cách quyết liệt. Hơn thế, phụ huynh này còn mạnh dạn gọi điện đến đường dây nóng và sau đó trực tiếp đến cơ quan quản lý để yêu cầu làm rõ sự việc đã cho thấy đó là một người mẹ rất có trách nhiệm và quan tâm đến suy nghĩ, hành động của con hàng ngày. Chị Nguyệt cho rằng, nếu phụ huynh nào cũng mạnh mẽ và biết cách ứng xử với các vấn đề bất thường của con cái như người mẹ này thì sẽ hạn chế được rất nhiều các vụ việc đau lòng, thương tâm.
Gia đình có tác động rất lớn đến con trẻ và hành động của trẻ, ở cả khía cạnh tích cực và tiêu cực. Cô giáo Ngô Thúy Nga – Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 3 chia sẻ: “Gia đình chính là cái nôi giáo dục đầu tiên và đôi khi đây là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Trước khi viết đề tài “Hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh THPT nói chung và học sinh cá biệt nói riêng”, tôi đã tiến hành khảo sát xã hội ở 15 trường THCS và THPT trong tỉnh. Kết quả cho con số đáng lưu tâm: 80% học sinh cá biệt bắt nguồn nguyên nhân từ gia đình. Và nạn bạo lực học đường, theo tôi, cũng ít nhiều tương tự như thế nếu như cha mẹ không quan tâm, chia sẻ, gây áp lực của chính mình lên con cái. Cá biệt, nếu bố mẹ hay trút giận lên chính những đứa con của mình, bằng nhiều hình thức như bỏ bê, chửi bới, hoặc đánh đập con khi không có lý do chính đáng… có thể đã vô tình gieo nhận thức tiêu cực vào tâm lý khiến con bị tổn thương trầm trọng. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển nhân cách, khiến con dễ ức chế, nổi nóng, khó làm chủ cảm xúc và hành vi… Rõ ràng, ảnh hưởng từ gia đình là rất lớn. Vì vậy, khi xảy ra vấn đề bạo lực học đường xin phụ huynh đừng hoàn toàn đổ lỗi cho nhà trường và con cái. Ông bà ta nói nhìn con mà sửa mình là vì vậy!”.
Nói về vai trò của gia đình, mới đây khi trò chuyện với giáo viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An, PGS.TS. giảng viên cao cấp Phạm Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đề cao mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường: Mặc dù không phải phụ huynh nào cũng lắng nghe, chia sẻ với giáo viên về giáo dục con cái. Nhưng việc kết nối giữa gia đình và nhà trường hết sức quan trọng và chúng ta cần phải xây dựng những kênh thông tin liền mạch, qua điện thoại, qua tin nhắn. Sau những thông tin cần phải có sự phản hồi từ hai phía, để từ đó có sự đồng hành, tìm được tiếng nói chung để xử lý các mối quan hệ của con trẻ.
Như đã đề cập, từ giữa tháng 4/2023 đến nay, ngành Giáo dục Nghệ An đã phối hợp và tổ chức đến 3 hội nghị, diễn đàn xung quanh vấn đề bạo lực học đường và xử lý các vấn đề về an toàn trường học. Qua các hội nghị này, những tồn tại, khó khăn, những vấn đề nổi cộm cũng đã được nhìn nhận, phân tích một cách thẳng thắn và để từ đó tìm giải pháp tháo gỡ.
Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề bạo lực học đường, bà Lê Thị Nguyệt – Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có nhiều băn khoăn về công tác tâm lý học đường, về vấn đề an ninh mạng, môi trường mạng: “Hiện nay, “cuộc sống số”, “gia đình số” và thầy, cô cũng điều hành trên quản lý số. Vì thế, chúng ta khó tách biệt được học sinh trên môi trường số, bố mẹ cũng khó tách biệt được các con trong việc sử dụng điện thoại, khi ở đó là đề cương, là bài tập, tương tác nhóm… Do đó, trong hoàn cảnh hiện nay, thay vì phủ nhận, chúng ta phải trang bị cho học sinh kỹ năng tiếp cận với công nghệ số, trang bị cho các em kiến thức về công nghệ thông tin, về cách hành xử với mạng xã hội”…
Bà Lê Thị Nguyệt cũng bày tỏ băn khoăn rằng, các gia đình và nhà trường chủ yếu quan tâm đến các chỉ số về IQ, nhưng lại chưa quan tâm đến các chỉ số EQ, AQ khác về cảm xúc xã hội, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giải quyết các thách thức. Trong khi đó, thực tế, qua các vụ việc đáng tiếc gần đây, các em đều thiếu các kỹ năng về xử lý cảm xúc… Lấy dẫn chứng trong một buổi sinh hoạt mới đây có sự tham dự của nhiều giáo viên phụ trách Đoàn – Đội, nhưng khi được hỏi một số chỉ số liên quan đến sự phát triển của học sinh, nhiều giáo viên vẫn không trả lời được câu hỏi này. Cho ý kiến của mình, bà Nguyệt nói thêm: Nếu các giáo viên cũng chưa có nhiều kỹ năng xử lý các vấn đề này thì khó có thể giáo dục được kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh. Đó cũng là lý do vì sao trước nhiều sự việc, các em không biết đối diện với vấn đề và giải quyết như thế nào cho hợp lý. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến một số vụ việc thương tâm, đáng tiếc.
Tại Diễn đàn về Phòng, chống bạo lực học đường vừa được tổ chức ở thành phố Vinh vào giữa tháng 5, ông Nguyễn Xuân An Việt – Phó vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: Tình trạng bạo lực học đường nói riêng, tình hình vi phạm pháp luật nói chung là hậu quả của những cá nhân chưa đạt về văn hóa, đạo đức, lối sống, kỹ năng,… trong cuộc sống. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thế giới số đang ngày càng lấn át thế giới thực. Với những khó khăn này, để công tác phòng, chống bạo lực học đường đạt kết quả tốt và bền vững thì cần giải quyết tận gốc của vấn đề. Trong đó, cần tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường, thực hiện nghiêm túc thực chất ứng xử văn hóa trong trường học, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh để “miễn nhiệm” với bạo lực học đường nói riêng và các tệ nạn xã hội khác nói chung.
Liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng bày tỏ sự lo lắng xung quanh công tác đảm bảo an ninh trường học trong thời gian gần đây. Trước thực trạng bạo lực học đường có thể gia tăng, Sở đã đề nghị các nhà trường cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đặc biệt trong công tác quản lý ngay tại đơn vị. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp với các ban, ngành liên quan, các địa phương nơi trường học đứng chân và tại gia đình, cộng đồng xã hội. Đồng thời, phải chú trọng công tác tâm lý học đường, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các giáo viên, chứ không phải giao trách nhiệm cho một vài giáo viên bán chuyên trách, kiêm nhiệm.
Về phía học sinh, người đứng đầu ngành Giáo dục Nghệ An mong muốn các em không khẳng định vị trí ở sức mạnh thể chất mà cần hình thành ý thức giúp đỡ, tương trợ để cùng chung sống với những người xung quanh, xuất phát từ tình thương, lòng vị tha của mỗi con người. Làm cho các em nhận thức được cuộc sống sẽ thực sự ý nghĩa nếu các em không chỉ biết sống cho mình mà còn biết giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người bất hạnh, yếu thế; người mạnh thực sự không chỉ nằm ở yếu tố tự thân mà còn ở cách hành xử với những người xung quanh.