Tấm biển với dòng chữ được in to “Khi các em bị bắt, xâm hại hoặc khi bạn các em bị bắt nạt, xâm hại hãy gọi cho số 111 hoặc gọi theo số điện thoại của thầy hiệu trưởng 0974…” là ý tưởng của thầy giáo Hồ Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai). Thầy giáo chia sẻ: “Trong một lần ra Hà Nội, tôi vô tình thấy tấm biển ghi nội dung như trên treo trước cổng một trường đại học. Tôi nghĩ, điều này có thể áp dụng được ở ngôi trường chúng tôi nhưng thay chỉ vì gọi theo số 111, tôi công khai số điện thoại cá nhân, bởi nếu ở trường, các em liên hệ với thầy hiệu trưởng thì sẽ dễ dàng tiếp cận và xử lý nhanh hơn”.
Từ khi số điện thoại hiệu trưởng được công khai, thầy giáo Hồ Anh Tuấn có thêm nhiều vai trò khác, có khi là người tư vấn, có khi là người giảng hòa, có khi lại là bố, là mẹ của các em hoặc có khi là bạn của học trò.
Trong chiếc điện thoại của thầy hiện nay, đang lưu giữ khá nhiều tin nhắn của học sinh, trong đó có rất nhiều chia sẻ của các em về những xích mích của tuổi học trò và thầy luôn nhanh chóng trao đổi với học sinh để kịp thời ngăn chặn những mâu thuẫn học đường xảy ra. Thầy cũng rất vui, khi một số em được thầy nhắc nhở, phân tích đã biết nhắn tin lại với thầy để nói lời xin lỗi.
Ở một địa bàn vùng biển như Quỳnh Phương, do điều kiện hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, các gia đình đều sinh đông con nên việc quan tâm, giám sát con thường xuyên là điều không thể với nhiều gia đình. Chính vì lẽ đó, khi làm hiệu trưởng của một trong những ngôi trường có số lượng học sinh đông gần nhất tỉnh (hơn 1.600 học sinh), điều mà thầy giáo Hồ Anh Tuấn lo lắng nhất chính là tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường, nhất là khi mạng xã hội phát triển và nhiều học sinh chưa ý thức được hành động của mình. Thế nên, ngay từ khi mới về nhận công tác tại trường, ưu tiên số một của thầy là an ninh trường học, giáo dục đạo đức học sinh, coi đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng toàn diện.
Thực tế cũng cho thấy, dù đã có rất nhiều nỗ lực, giải pháp nhưng tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường vẫn có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Bản thân thầy Tuấn cũng cho rằng, dù đã hạn chế ít nhất các mâu thuẫn ở trong trường học nhưng phía ngoài hàng rào nhà trường, học sinh có rất nhiều mối quan hệ khác và để hạn chế được tình trạng này phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các ban, ngành.
Để nắm bắt đầy đủ các thông tin, như một thói quen, nhiều buổi chiều đi làm về thầy lại đạp xe ra bãi biển, trò chuyện với phụ huynh, học sinh. Thầy cũng là admin của fanpage “Tôi dân Quỳnh Phương” và đây là nơi thầy có thể nắm bắt được nhiều thông tin phía ngoài nhà trường cũng như để thầy chia sẻ với phụ huynh, học sinh những vấn đề đang nổi cộm và tìm giải pháp tháo gỡ.
Gần đây nhất, trước tình trạng bạo lực học đường gia tăng, thầy giáo Hồ Anh Tuấn đã có 4 bài viết trên trang fanpage để nhận biết thực trạng, đi tìm nguyên nhân, lý do, biểu hiện đặc trưng của trẻ bị bạo lực và đưa ra các giải pháp nếu xảy ra tình trạng bạo lực. Thầy chia sẻ: Việc một học sinh nào đó bị một nhóm bạn, thậm chí cả lớp cô lập, công kích không còn là hiếm hoi ở bậc học phổ thông. Nguy hiểm hơn là những nhóm học sinh đó lại vào hùa với nhau lập nhóm kín trên mạng xã hội để tấn công nạn nhân, khiến nạn nhân bị bào mòn tinh thần, dần dần khủng hoảng.
“Ở một chừng mực nào đó thì chúng ta chưa quan tâm đến chỉ số hạnh phúc của học sinh khi tới trường, mà chỉ quan tâm đến thành tích học tập của các em. Nếu chúng ta chỉ mải mê lấy kết quả của các kỳ thi làm thước đo chất lượng giáo dục mà xem nhẹ giáo dục cảm xúc cho các em, thì chừng đó các em còn thiếu các kỹ năng mềm để tự giải quyết khủng hoảng tinh thần. Thực tế hiện nay, các trung tâm tư vấn tâm lý học sinh thì trường nào cũng có nhưng khi học sinh không mở lòng thì thầy cô biết đâu để mà tư vấn. Hiện đã có tổng đài 111 nhưng tôi nghĩ phương án này chỉ khả thi đối với một số ít học trò. Còn đối với học trò của tôi thì sao? Liệu khi cần, thông tin qua tổng đài này có đến với cơ quan chức năng để can thiệp, ngăn chặn một cách kịp thời không? Chi bằng, mình sẽ là người tiếp nhận và xử lý thông tin để bảo vệ học trò. 4 năm qua, tất cả thông tin học trò phản ánh đều được thầy tiếp nhận và tìm cách xử lý thấu đáo, dù bằng bất cứ hình thức nào”, thầy giáo Hồ Anh Tuấn nói.
Đội quân vệ tinh là lực lượng khá bí mật, nhưng được Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh) áp dụng nhiều năm nay nhằm hỗ trợ Đoàn trường và các giáo viên chủ nhiệm nắm bắt các thông tin từ các lớp học. Việc triển khai cũng đem lại hiệu quả, khi từ những đội quân này, nhiều vụ việc xích mích mâu thuẫn đã được phản ánh kịp thời đến nhà trường và từ đó có giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc.
Thầy giáo Phan Xuân Hoài Linh – Bí thư Đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Các mâu thuẫn ở tuổi học đường là điều không tránh khỏi. Nhưng với các thầy giáo, cô giáo không phải khi nào cũng có thể tiếp cận được với học trò và chính học trò cũng ngại chia sẻ với các thầy cô, dù rằng trường nào cũng có tổ tư vấn tâm lý học đường. Do đó, ở mỗi lớp học chúng tôi đều kết nối với một số học sinh để các em nắm bắt thông tin từ các lớp học, thậm chí là các hội nhóm. Nếu có vấn đề bất thường sẽ được báo với các thầy, cô giáo”.
Nói về điều này, cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung – giáo viên dạy môn Giáo dục công dân và cũng là thành viên của tổ tư vấn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Để ứng phó với bắt nạt, bạo lực học đường, học sinh cần trang bị rất nhiều kỹ năng. Trong đó, tôi cũng nói với các em rằng, các em cần có kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ. Chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bố mẹ, thầy cô hoặc bạn bè. Tôi cũng khuyên các em cần đối xử với nhau thật văn minh để xây dựng môi trường học đường an toàn”.
Công tác tại ngôi trường đặc thù với rất nhiều học sinh có học lực trung bình, nhiều em ngỗ nghịch cá tính như ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh), thầy giáo Nguyễn Lương Ngọc – Bí thư Đoàn trường cho biết: “Nhiều phụ huynh khi gửi con em vào trường chúng tôi, trong đó có không ít học sinh cá biệt đều nói một điệp khúc “trăm sự nhờ thầy”. Nhưng thực tế, cần phải có sự đồng hành của gia đình, bởi sự dạy dỗ của bố mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hình thành nhân cách cũng như lối sống của các em. Vấn đề đáng lo ngại là hiện nay mỗi một học sinh đều có tài khoản để đăng nhập vào mạng xã hội. Nhiều khó khăn lớn, hay nhỏ, thậm chí là vặt vãnh đều được các em chia sẻ lên Facebook và kèm theo đó là những bình luận (nhiều chiều), đôi khi tạo phản ứng ngược, nảy sinh những mâu thuẫn học đường”.
Nhiều năm làm công tác Đoàn, công tác an ninh và làm cả công tác giáo viên chủ nhiệm, tư vấn tâm lý học đường, thầy Ngọc cũng chia sẻ rằng: Để làm một giáo viên tốt, được học sinh tin tưởng thì giáo viên phải vừa là Người mẹ – Người bạn – Luật sư – Quan tòa – Nhà khoa học. Khi là người mẹ thì được học sinh tin tưởng. Khi là người bạn thì được học sinh sẻ chia. Khi là luật sư thì các em được bảo vệ. Khi là quan tòa thì các em được sự công bằng. Khi là nhà khoa học thì các em thấy được chân lý, niềm tin, ngọn lửa nhiệt tình. Đòi hỏi này cũng là yêu cầu tất yếu của người giáo viên trong thời đại 4.0.
Qua thực tế ở các nhà trường cũng cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn, lành mạnh trong các nhà trường nhưng trong đó nổi bật là các vấn đề nảy sinh từ chính các em học sinh. Để hạn chế tình trạng này, việc xây dựng môi trường văn hóa học đường chuẩn mực là một yếu tố cần thiết để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mất an toàn, lành mạnh, thân thiện trong các nhà trường. Những năm qua, nhận thức được vấn đề này, các trường học trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều hoạt động phong phú như tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi lành mạnh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Công tác tuyên truyền giáo dục cho học sinh về bạo lực học đường được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các môn học chính khóa, giáo dục, đạo đức, kỹ năng sống. Sở cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý học đường và bố trí cán bộ, giáo viên phụ trách kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý cho phụ huynh, học sinh.