Bão lũ và việc hỗ trợ thiên tai tại Nghệ An dưới thời Nguyễn

Chính vì vậy mà ngay dưới thời phong kiến, triều đình xây dựng kho thóc dự trữ, phòng bị để kịp thời cứu trợ trong tình huống khẩn cấp nói trên. Tuy nhiên, nếu như khi kho của Nhà nước không đủ, thì vua sẽ ra chiếu hay quan địa phương sẽ ra lệnh cho những hộ giàu có tiến nộp lúa gạo để lấy đó phân phát cho dân nghèo. Việc này gọi là 發賑 “phát chẩn”. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Tháng 8 năm Nhâm Dần, niên hiệu Đại Trị thứ 5 (1362) đói to. Xuống chiếu cho các nhà giàu dâng thóc để phát chẩn cho dân nghèo, ban tước theo thứ bậc khác nhau”.

Vào thời Nguyễn, Gia Long năm thứ 2 (1803), Vua Gia Long xa giá đến Nghệ An, đóng lại ở hành cung Hà Trung, hỏi thăm dân tình thế nào. Vua thấy dân Nghệ An đói, bèn sai phát chẩn. Ban chiếu rằng “Trấn Nghệ An năm nay lại mất mùa, mặt dân xanh như rau cả, lòng trẫm rất thương. Vậy phát gạo kho 35.000 phương gạo để chẩn cấp, tổng trưởng, xã trưởng kẻ nào xén bớt thì xử tội chết”. Lại hoãn thu 5 phần 10 thuế biệt nạp năm nay”.

Năm Quý Mùi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 4 (1823), mùa Thu, tháng 7, triều đình đã định lệ cho các địa phương tâu báo hỏa tai. Bởi trước đó, có tới 681 hộ dân ở 3 huyện: Nghi Xuân, La Sơn, Chân Lộc ở Nghệ An bị cháy. Quan Trấn thủ báo về triều và Vua Minh Mệnh đã hạ lệnh cấp cho mỗi hộ 2 quan tiền 1 hộc thóc.

Năm Giáp Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 (1824), triều đình sai Tham tri Hình bộ là Vũ Xuân Cẩn, Tham quân Thủy quân là Hồ Tiến Hiệu, Thiêm sự Hộ bộ là Nguyễn Công Đàm, chia nhau đi phát chẩn cho dân đói ở Nghệ An. Dụ rằng: “Nghệ An năm ngoái không được mùa, đã vì dân phát thóc kho ra bán, mà nay giá gạo vẫn cao, lại nghĩ dân cùng, không lấy tiền đâu mà mua, tất đến người kêu đói dọc đường, đi chỗ này chỗ khác kiếm ăn, nên phải có cách cứu giúp. Bèn sai bọn Xuân Cẩn chia đi trấn lỵ và các phủ thành Hà Hoa, Diễn Châu, hội cùng Trấn thần, lấy gạo kho phát chẩn, đến giữa tháng 3 thì thôi. Người nghèo ốm không đến lĩnh chẩn được thì đưa đến cho; người chết thì cho tiền tuất”.

Tham tri Vũ Xuân Cẩn đi phát chẩn ở Nghệ An về phục mệnh, tâu rằng: “Dân Nghệ An có nhiều người bất cố liêm sỉ có người nhà giàu đã chẳng giúp đỡ ai, lại còn mặc áo rách ra tranh lĩnh chẩn với dân đói. Ngày thôi phát có chỉ cho mỗi người 1 quan tiền 6 bát gạo, trẻ con thì cho một nửa. Thần xét người nào mạnh khỏe thì cho ít, trẻ con mà gầy xanh thì cho nhiều”.

Vào năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846), Nghệ An có bão lớn (bão nổi từ canh hai, đến sáng rõ mới dứt). Nước biển dâng lên quá mức thường 13 – 14 thước. Có 40.753 hộ nhà cửa bị đổ nát, 696 chiếc thuyền buôn và thuyền đánh cá bị chìm đắm, 5.240 người dân bị chết bẹp hoặc chết đuối. Đặc biệt là những dân ven biển ở các hạt Đông Thành, Yên Thành và Chân Lộc càng bị hại nhiều hơn (hạt An Thành có thôn hơn 300 người, chỉ còn sống hơn 10 người).

Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng thường xuyên phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai khác nhau như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán. Ảnh minh họa: Huy Thư
Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng thường xuyên phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai khác nhau như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán. Ảnh minh họa: Huy Thư

Còn Hà Tĩnh cũng chịu ảnh hưởng không kém: 9.160 hộ nhà bị đổ nát, 136 chiếc thuyền bị đắm, 157 người bị chết. Vua Thiệu Trị “liền truyền cho tỉnh thần hai tỉnh ấy khám xét những nơi bị nạn bão cho rõ ràng, phân biệt chỗ nào bị thiệt hại nhiều hay ít để chẩn cấp cho”. Nạn bão năm Bính Ngọ dưới thời Vua Thiệu Trị gây ra hậu quả lớn tại Thanh – Nghệ – Tĩnh, đến nỗi đại thần Vũ Xuân Cẩn phải thừa nhận với vua rằng: “Tôi từ lúc trẻ đến giờ chưa thấy có lần bão nào quá hại như ở Nghệ An ngày nay”.

Dưới thời Tự Đức, nạn đói xảy ra nhiều thường xuyên, tác động hết sức tiêu cực tới đời sống kinh tế – xã hội đương thời. Năm 1848, giá gạo tăng cao khiến người dân tỉnh Hà Tĩnh hết sức khốn khổ. Năm 1852, toàn bộ Thừa Thiên bị hạn hán, mất mùa. Năm 1854, hai tỉnh Sơn Tây và Bắc Ninh bị châu chấu phá hại. Năm 1856-1857, các tỉnh miền Bắc bị lũ lụt trên diện rộng, khiến nạn đói diễn ra khắp nơi vào năm sau. Sang năm 1859, tỉnh Quảng Nam bị đói. Tới năm 1860, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định bị đói. Năm 1863, cả nước bị mất mùa, khiến nạn đói càng thêm trầm trọng. Cho tới năm 1864 thì ngay tại kinh thành, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Nghệ An cũng chịu chung nạn thiếu đói.

Nghệ An xưa nay vẫn được xem là nơi chịu nhiều thiên tai, hoạn nạn, lại đất xấu, dân nghèo, nên thóc lúa nói riêng và đời sống nhân dân nói chung vì vậy mà không tốt. Có năm, quan tỉnh Nghệ An thấy lúa vụ mùa thu hoạch không được mấy, tâu xin số thóc tô ruộng phải nộp về vụ này được chiết nộp bằng tiền. Vua Tự Đức cho là Nghệ An vốn nơi đất xấu, dẫu có năm được mùa, nhưng cũng vẫn hơi kém so với địa phương khác, nên đã chuẩn tấu…

Bên cạnh đó, Vua Tự Đức còn “cấp phát cho các hạng bị nạn bão, nước, lửa, tật dịch, nạn hổ, túng đói, nếu có tình trạng nặng khác thường, phải tâu lên ngay (số ít là thường, số nhiều là khác thường, lại như đi thuyền bị nạn gió và nạn hổ cũng là thường) còn thì đều xét tình hình đích xác, theo lệ chiểu hạng cấp phát. Khi làm xong việc tư bộ để xét, đến cuối năm bộ Hộ làm tờ tâu chung 1 lần”.

Sang những năm đầu niên hiệu Tự Đức, Nghệ An lại gặp thiên tai và đói kém, kho Nhà nước không đủ phát chẩn. Người dân phiêu tán, chết đói đầy đường. Giữa lúc đó, một “đại gia” tại thôn Cổ Đan, xã Đông Hải, huyện Chân Lộc (nay là Nghi Lộc) tên là Nguyễn Xuân đã bỏ của cải trong nhà tận 2.000 quan tiền để cứu tế cho dân nghèo qua cơn khốn khó. Việc này đã được thể hiện rõ trong đạo sắc ngày mùng 2, tháng Chạp, năm Tự Đức thứ 6:

(Vì những văn bản còn rõ chữ nên chúng tôi xin được lược bỏ phần nguyên văn chữ Hán)

(Dịch nghĩa) Sắc cho Nguyễn Xuân, là dân quê quán thôn Cổ Chu, xã Đông Hải, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, lần này vì quyên góp gia tài để giúp dân nghèo, đã được bộ Hộ ban thưởng tâu xin, nên chuẩn cho ngươi được bổ thụ chức hàm Chánh cửu phẩm Bách hộ, để khuyến khích người hiếu nghĩa. Hãy kính tuân theo!

Ngày mùng 2, tháng Chạp, năm Tự Đức thứ 6 (1853).

Từ đạo sắc này, tỉnh đường Nghệ Tĩnh ghi nhận việc nghĩa của cụ Nguyễn Xuân trong tờ Cấp bằng vào ngày 12 tháng 2 năm Tự Đức thứ 7 (1854):

(Dịch nghĩa) Quan Đốc bộ đường [Tổng đốc] Nghệ An Hà Tĩnh. Về việc cấp bằng: Mùa Đông năm ngoái, tại tỉnh kính tuân về việc đem dâng danh sách nghĩa dân quyên góp tiền. Vừa rồi lại tiếp được tập cung lục nghị bàn của Bộ Hộ, trong đó có một khoản về một người tên là Nguyễn Xuân quê ở thôn Cổ Đan, xã Đông Hải, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc quyên góp 2.000 quan tiền. Nghĩ nên xin thưởng thụ chức hàm Chánh cửu phẩm Bách hộ, vĩnh viễn miễn thuế thân và việc binh dao, lại thưởng thêm một bộ quan phục Cửu phẩm, ngân tiền phi long loại lớn và nhỏ mỗi loại 10 đồng, lại thưởng thêm một tấm biển ngạch Lạc quyên. Kính vâng chỉ chuẩn theo hồ sơ ấy, ưng chuẩn việc thưởng cho quan phục, ngân tiền và biển ngạch, ngoài việc thi hành việc xét cấp ra, thì lập tức cho thi hành ngay việc cấp bằng để chấp chiếu, tiện việc tra xét kỹ nguyên quán, để ngoài việc miễn binh dao và thuế thân, thì đợi có sắc văn phát đến nơi sẽ lại thi hành việc phát giao, hãy kính tuân theo. Bằng cấp trên đây phải đến tận tay người được cấp.

Trên đây là bằng cấp.

Thưởng thụ chức hàm Chánh cửu phẩm Bách hộ Nguyễn Xuân hãy căn cứ theo đó làm việc.

Ngày 12, tháng 2, năm Tự Đức thứ 7 (1854).

Biển ngạch “Lạc quyên” được nói tới trong bằng cấp kể trên hiện vẫn còn treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà thờ họ Nguyễn Cổ Đan. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cùng với những thăng trầm của thời đại, nhưng tấm biển ngày nào vẫn còn tươi nguyên nét chữ, minh chứng cho tấm lòng nghĩa tình thơm thảo của cụ Nguyễn Xuân đối với người dân Nghệ An lúc bấy giờ. Biển ngạch có các chữ sau:

Nguyên văn:

敕賜

樂捐義

嗣德柒年二月吉日

Phiên âm:

Sắc tứ:

LẠC QUYÊN NGHĨA HỘ.

Tự Đức thất niên nhị nguyệt cát nhật.

Dịch nghĩa:

Vua ban (SẮC TỨ) cho:

Gia đình (HỘ) làm việc nhân nghĩa (NGHĨA) là tự nguyện (LẠC) quyên góp (QUYÊN) cho người dân.

Biển ban vào ngày tốt tháng 2 năm Tự Đức thứ 7 (1854).

Dựa vào niên hiệu Tự Đức năm thứ 7, chúng ta biết được thời gian bức sắc này ra đời là vào năm 1854, cách thời điểm hiện tại tròn 170 năm.

Quay lại vấn đề nội dung của biển ngạch ở trên, chúng ta có thể khẳng định nội dung của bức sắc tứ nói về hoạt động từ thiện, trong đó, nổi bật lên các thông tin chính:

Đầu tiên là hai chữ 敕賜 “Sắc tứ” tức rút gọn từ “Quân chủ cáo mệnh thưởng tứ” 君主誥命賞賜 (bậc quân chủ sắc mệnh ban thưởng) có nghĩa là đồ vật, vật dụng (vật thể) hoặc phẩm tước, ân điển (phi vật thể)… được bậc quân chủ (vua chúa) ban thưởng cho người hoặc cơ sở, tổ chức nào đó. Trong đó, chữ Sắc 敕 là chỉ dụ, sắc lệnh của vua chúa, riêng thuộc về vua chúa, và chỉ duy có vua chúa mới được dùng chữ này. Những địa điểm, những tổ chức được ban “sắc tứ” 敕賜 tức được triều đình nhà Nguyễn ra ơn ban tặng.

Bên cạnh đó, những hoạt động từ thiện dưới thời Vua Tự Đức là hoạt động có tổ chức và có sự tham gia của nhiều thành phần tầng lớp xã hội, có thể là cá nhân, có thể là dòng họ… như trường hợp biển ngạch nói trên là (gia đình) cụ Nguyễn Xuân và với việc quyên góp 2.000 quan tiền cứu đói cho người dân địa phương. Chưa có một bằng chứng nào về việc triều Nguyễn “xuống chiếu cho các nhà giàu dâng thóc để phát chẩn cho dân nghèo, ban tước theo thứ bậc khác nhau” như giai đoạn cuối triều Trần, nhưng rõ ràng những hoạt động từ thiện dưới thời Nguyễn đã được xếp vào hàng “Nghĩa”, bởi đây là hành động phục vụ lợi ích cộng đồng trên tinh thần (vui vẻ) tự nguyện. Với nghĩa cử này, cụ Nguyễn Xuân ngoài vinh dự tinh thần là được ban biển ngạch “Lạc quyên” còn được triều đình “thưởng cho nhận chức hàm Chánh cửu phẩm Bách hộ, vĩnh viễn miến thuế thân và việc binh dao, lại thưởng thêm một bộ quan phục Cửu phẩm, ngân tiền phi long loại lớn và nhỏ mỗi loại 10 đồng”.

Dưới thời phong kiến, trên bình diện xã hội, khi một tổ chức, cá nhân được ban “sắc tứ” trên biển ngạch thì chứng tỏ tổ chức đó có vinh hạnh được vua chúa quan tâm chiếu cố. Việc gắn vào hai chữ “sắc tứ” + [nội dung khen tặng] nhằm để được sang trọng hơn, cao quý hơn về thanh danh, danh vị. Chính vì vậy, biển ngạch có chữ “Sắc tứ” khẳng định vị thế cao quý của tổ chức đó. Đây thực sự là một phần thưởng hết sức cao quý và rất đáng tự hào, không chỉ với cá nhân mà còn là niềm tự hào chung của gia đình, dòng họ, quê hương của người được thưởng.

Anh Nguyễn Đậu Thảo – hậu duệ dòng họ Nguyễn Cổ Đan còn cho biết thêm: “Các cụ cao niên trong dòng họ đều kể lại câu chuyện ngày mà cả dòng họ và quê hương Cổ Đan đón nhận biển ngạch Lạc quyên. Ngày đó, cả họ và xóm làng đều hân long và đón chào long trọng, gia đình chọn một nơi trang trọng nhất trong nhà để treo lên. Và khi người được ban thưởng biển ngạch qua đời, con cháu cung kính treo lên phía trước bàn thờ, trở thành gia bảo. Đây cũng là biểu tượng cao đẹp để các thế hệ con cháu sau này nhớ về và gìn giữ đạo nhà”. Chính vì vậy mà 5 năm sau, cụ Nguyễn Nguyên trong dòng họ lại tiếp nối việc nghĩa, quyên góp tiền từ thiện. Việc này đã được thể hiện rõ trong Quyền cấp ngày 20 tháng 3 năm Tự Đức thứ 12:

(Dịch nghĩa) Quan Tuần phủ, tạm giữ chức giúp việc quan phòng cho Tổng đốc An Tĩnh [họ] Vũ. Về việc cấp bằng:

Xét thấy người đó tình nguyện quyên tiền 1.300 quan để giúp chi việc thợ đào sông. Nhưng chiếu lệ trước đây được đội ơn thưởng thụ chức hàm Cửu phẩm Bách hộ, vĩnh viễn miễn binh dao và thuế thân, lại được gia thưởng các thứ quan phục, ngân tiền, và biển ngạch. Ngày sau, tại tỉnh còn chưa làm tập tâu chuyển nạp, nghĩ nên tạm cấp văn bằng, nhân tiện báo cáo với viên quan huyện liệu miễn giao dịch, thi hành ngay việc tạm cấp bằng cho tên ấy làm Cửu phẩm Bách hộ, việc giao dịch tạm hãy liệu miễn, đến khi ưng chuẩn cho sắc văn ban thưởng các khoản đợi nêu khen rõ ràng để ban thưởng, ngoài ra phải thi hành ngay việc sức cho làm. Bằng cấp trên đây phải đến tay người được cấp.

Bằng trên đây cấp cho:

Quyền sung Cửu phẩm Bách hộ Nguyễn Nguyên ở thôn Cổ Đan, xã Đông Hải, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc, phủ Anh Sơn, hãy căn cứ theo đó.

Ngày 20, tháng 3, năm Tự Đức thứ 12 (1859).

[Đóng ấn] Nghệ An Hà Tĩnh Tổng đốc Quan phòng.

Thời Nguyễn, nước ta vẫn cơ bản là một nước là nông nghiệp, lại thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt, nên vấn đề trị thủy càng hệ trọng. Hơn nữa, do các con sông lớn không có thủy chế điều hòa nên việc trị thủy và thủy lợi là công việc được quan tâm hàng đầu. So với các các triều đại phong kiến trước thì nhà Nguyễn đã tiến hành công tác thủy lợi quy mô và bài bản hơn cả. Việc đào sông nhằm cân đối, điều hòa được các nguồn nước từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, để nước sinh lợi chứ không phải nước gây họa; góp phần đảm bảo được nguồn nước, đảm bảo được an ninh nước trong mọi tình huống. Cho nên việc đắp đê hay đào sông là việc làm hết sức cần thiết.

Dòng họ Nguyễn Cổ Đan bên cạnh việc quyên tiền và biếu thóc cho dân chúng khi, còn xuất tiền để chi cho thợ đào sông để xây dựng thủy lợi. Tới ngày 20 tháng 12 năm Tự Đức thứ 12 (1859), cụ Nguyễn Nguyên lại được triều đình ban đạo sắc ghi nhận việc từ thiện để khuyến khích việc làm tình nghĩa:

(Dịch nghĩa) Sắc cho Sĩ nhân Nguyễn Nguyên, quê quán ở thôn Cổ Chu, xã Đông Hải, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, vì lần này lạc quyên tiền thóc, đã được Bộ Hộ bàn thưởng tâu xin, nên chuẩn cho ngươi được thưởng thụ chức hàm Tòng cửu phẩm Bách hộ, để vì người hiếu nghĩa mà khuyến khích. Hãy kính tuân theo!

Ngày 20, tháng 12, năm Tự Đức thứ 12 (1859).

Việt Nam là quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai, đặc biệt là bão, lũ. Những cơn bão kéo dài khiến nhiều địa phương bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt các địa bàn; ảnh hưởng nghiêm trọng từ hư hỏng cơ sở vật chất, hạ tầng cho đến thiệt hại người và của, tác động xấu tới đời sống của người dân; ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực; đặc biệt nó đã phá hủy, trì hoãn và tác động tiêu cực tới nền kinh tế – xã hội đất nước. Chính vì vậy, dưới các triều đại phong kiến đã có nhiều chính sách cứu hộ, cứu tế và được nhiều thành phần xã hội hưởng ứng nhằm quyên góp và cứu trợ, mà biển ngạch “Lạc quyên nghĩa hộ” của dòng họ Nguyễn Cổ Đan là một minh chứng điển hình. “Rằng trong cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau” nên từ bao đời nay nhân dân ta đã có truyền thống thấm đẫm tình người, không chỉ thể hiện qua những câu chữ như “Lạc quyên nghĩa môn”, “Lạc quyên nghĩa phụ”, “Lạc quyên nghĩa hộ”… mà còn thể hiện qua nhiều câu ca dao, tục ngữ như: “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”; hay Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Thấy ai đói rách thì thương/Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”…