Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương có nhiều ao, hồ, sông và còn giáp với biển. Vì thế, việc trang bị kỹ năng bơi cho học sinh là một trong những vấn đề hết sức cấp bách, đặc biệt, khi những năm qua trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tình trạng đuối nước. Thời điểm đầu hè, cũng là lúc các trường trên địa bàn huyện bắt đầu tổ chức dạy bơi cho học sinh. Để có được thành quả này, trong những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn huyện tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị dạy học và xây dựng phương án triển khai việc dạy bơi sao cho hiệu quả.
Trong số này, phải kể đến Trường THCS Tôn Quang Phiệt (xã Diễn Yên) – ngôi trường nằm giáp với Quốc lộ 1A và cũng là một trong những trường nằm trên địa bàn đặc thù có nhiều nguy cơ đuối nước. Điều đáng nói, hiện nay so với nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Diễn Châu nói riêng, điều kiện của Trường THCS Tôn Quang Phiệt vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây lại là một trong những trường đầu tiên mạnh dạn đưa môn bơi trở thành môn tự chọn của nhà trường. Thực tế, để tổ chức một lớp học bơi ở đây cũng không quá khó bởi bể bơi giá trị chỉ vài chục triệu đồng được nhà trường “huy động từ nguồn đóng góp của cựu học sinh và phụ huynh”, còn người đứng lớp dạy bơi chính là những giáo viên thể dục của nhà trường.
Vấn đề khó nhất là kinh phí cũng được nhà trường triển khai theo hình thức vận động, huy động sự đóng góp của học sinh với mức phí chưa bằng một nửa so với học ở các trung tâm. Thầy giáo Phan Hồng Sơn – giáo viên dạy bơi của nhà trường cũng chia sẻ rằng: “Chỉ cần từ 8 – 10 buổi học là học sinh có thể bơi thành thạo và nếu bạn nào có năng khiếu thì có thể học nhanh hơn. Nhưng nếu được dạy bơi bài bản thì ngoài việc dạy các em biết bơi, chúng tôi còn dạy các em các kỹ năng phòng tránh đuối nước”.
Tại thành phố Vinh, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cũng là ngôi trường THPT đầu tiên đưa môn bơi lội trở thành môn thể dục chính khóa trong nhà trường. Đây là một nỗ lực rất lớn của một ngôi trường ngoài công lập, điều kiện còn nhiều khó khăn. Nhưng quan trong hơn là thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với sự an toàn của học sinh và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh học sinh. Qua hơn 2 năm triển khai, thầy giáo Hồ Văn Hoàn – giáo viên môn Giáo dục thể chất của nhà trường cũng khẳng định, việc dạy bơi trong giờ thể dục đã phát huy hiệu quả. Qua đó, không chỉ đổi mới nội dung dạy học mà quan trọng hơn giúp cho các em những kỹ năng cần thiết về bơi lội và phòng tránh đuối nước hiệu quả. “Ngay cả những học sinh biết bơi có thể vẫn xảy ra đuối nước. Vì thế, ngoài dạy cho các em biết bơi, chúng tôi còn trang bị cho các em một số kỹ năng khác như kỹ năng phòng, chống chuột rút, thả lỏng người khi gặp sự cố hoặc cách cứu đuối nước. Đó là những kiến thức rất thiết thực và bổ ích”, thầy Hoàn nói.
Còn tại xã Tào Sơn (Anh Sơn), thời gian qua chính quyền đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức dạy bơi cho học sinh trên toàn xã. Để làm được điều này, trước đó xã kêu gọi sự hỗ trợ của người dân trên địa bàn đầu tư một bể bơi di động để tổ chức dạy bơi cho học sinh trong các dịp nghỉ hè. Việc triển khai dạy bơi đã đem lại những hiệu quả tích cực khi số học sinh được học bơi ngày một nhiều. Bên cạnh đó, các em được trang bị các kỹ năng khác để phòng, chống đuối nước….
Tuy nhiên, đây chỉ là những “điểm sáng” hiếm hoi quan tâm đến việc phòng, chống đuối nước. Theo thống kê mới nhất, đến nay toàn tỉnh chỉ có 25 trong tổng số gần 1.600 trường có bể bơi, tỷ lệ học sinh biết bơi rất thấp. Theo như ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, thì toàn huyện có 118 trường nhưng chỉ có 1 bể bơi duy nhất ở Trường Tiểu học Hoa Thành. Ngoài ra, trên địa bàn huyện chỉ có 7 bể bơi do cá nhân đầu tư. Vào mùa hè, tất cả những bể bơi này nếu hoạt động hết công suất cũng chỉ đáp ứng được 500 người đến tập/ngày. Trong khi đó, toàn huyện có hơn 76.000 trẻ em. “Chính vì vậy, việc đầu tiên là phải xóa bỏ tình trạng dạy bơi trên giấy, tức là phải có bể bơi để dạy cho các em”, ông Truyền nói.
Để phòng tránh đuối nước, những năm qua nhiều giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh cũng đã sáng tạo ra những thiết bị cứu sinh hiệu quả. Gần đây nhất, thầy giáo Trần Sơn Hồng và 2 học sinh Nguyễn Thị Trâm Anh, Nguyễn Bảo Yến (Trường THCS Đội Cung, thành phố Vinh) cũng đã sáng chế một thiết bị khá hiệu quả để phòng tránh đuối nước, đó là “phao cứu sinh tiện lợi”. Gọi là “phao” nhưng thực chất là thầy và trò nhà trường đã tận dụng những vật liệu rất dễ kiếm là áo cũ may và thêm dây buộc, và sau đó bỏ chai nhựa vào là thành phao. Sản phẩm này có thể ứng dụng trong cuộc sống, đặc biệt là cứu sinh trong lúc phải đi vào vùng có nguy cơ lũ, lụt, dùng cho tập bơi hoặc dùng cho đi du lịch, picnic, đi tắm biển… Sản phẩm này cũng vừa được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh trao giải Nhì tại cuộc thi “Sáng tạo trẻ”.
“Mỗi khi tôi nghe tin có một học sinh đuối nước, bản thân tôi rất xót xa. Vì thế, tôi mong muốn có một sản phẩm dễ sử dụng, dễ làm và có thể áp dụng rộng rãi giúp học sinh phòng, chống được nguy cơ đuối nước nếu chẳng may gặp sự cố xấu”, thầy Hồng nói.
Trước đó, thầy vào trò người dân tộc Thái, Trường THCS Hương Tiến, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) cũng đã thành công với sáng kiến “Ba lô chống đuối nước dành cho học sinh”. Dự án này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải Nhất tại cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” cấp tỉnh và được chọn đi thi quốc gia bởi được thiết kế đơn giản, bề ngoài hoàn toàn giống với chiếc ba lô đi học bình thường. Song phía trong cặp lại được thiết kế thêm các thiết bị để vừa có chức năng cứu đuối, vừa có chức năng báo động. Khi người đeo ba lô bị rơi xuống nước, công tắc sẽ tự động đóng và còi sẽ báo động, âm thanh còi có thể kêu xa hơn 50m, giúp những người gần đó biết để đến ứng cứu kịp thời; đồng thời, phao sẽ giúp người đeo ba lô chống chọi, kéo dài thời gian để chờ sự giúp đỡ từ người khác.