Dự án kè sông Đào bara Đô Lương có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, triển khai từ năm 2019. Theo thiết kế, bờ sông được kè hình thang lát mái, chiều dài kênh 56km đi qua 5 địa phương gồm Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai. Mặc dù dự án chỉ mới hoàn thành ở một vài địa phương, tuy nhiên đã xuất hiện hàng loạt vụ đuối nước thương tâm. Số lượng trẻ em tử vong tăng đột biến so với khi con sông chưa được làm kè khiến người dân cho rằng, chủ đầu tư đã tạo ra những cái bẫy chết người.
Theo quan sát, dọc sông Đào, hai bên mái được bạt taluy và lát bê tông có độ dốc rất lớn, chỉ sau một thời gian ngắn, mái taluy đã mọc rêu xanh, trơn trượt. Trong khi đó, phải hơn nửa cây số dọc bờ sông mới có một bến lên xuống, riêng các điểm cứu sinh thì hầu như không có. Chính vì thế, nếu chẳng may rơi xuống nước, ngay cả người biết bơi thì cũng rất khó lên được.
Tại xã Liên Thành (Yên Thành), cho đến bây giờ người dân vẫn ám ảnh khi chứng kiến vết cào xước trong tuyệt vọng của bé trai 9 tuổi. Trung tuần tháng 1/2021, không may bị trượt chân xuống sông Đào, mặc dù đã với tay được vào bờ kè, nhưng do vách dốc, lại trơn trượt, không có chỗ bám để leo lên, bé trai này đành phải vùng vẫy trong vô vọng, để rồi kiệt sức. Sau hàng loạt vụ đuối nước, người dân đã kiến nghị nhiều giải pháp, tuy nhiên đến nay ngoài những biển cảnh báo thưa thớt được chính quyền cắm vội, chẳng có một thay đổi nào.
Huyện Yên Thành là địa phương thường xuyên xảy ra tai nạn thương tích đuối nước. Một trong những vụ đuối nước thương tâm còn ám ảnh người dân trong vùng, đó là vụ đuối nước khiến 5 học sinh bị tử vong xảy ra vào ngày cuối cùng của tháng 5/2019. Khi đó, nhóm học sinh lớp 8A, Trường THCS Trung Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vừa kết thúc năm học cũ, chia tay bạn bè để nghỉ Hè nên hẹn hò, tổ chức ăn uống và đến đập Trại Xanh (xã Bắc Thành) dã ngoại. Sau đó không may một học sinh bị trượt chân xuống hố nước sâu, các bạn còn lại cố gắng cứu lên và cùng nhau bị kéo xuống vũng nước sâu. Vụ tai nạn thương tâm cũng đã cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm ẩn ở những ao, hồ, những công trình xây dựng dở dang. Đây cũng là những cái bẫy tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước mà chưa được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm hoặc do sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị thi công.
Theo đó, năm 2017, dự án nâng cấp đập Trại Xanh ở xã Bắc Thành được triển khai. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư vì muốn tiện lợi, tiết kiệm quãng đường vận chuyển đã cho múc đất dưới lòng đập để đắp vai đập. Tuy nhiên, sau đó họ lại không cho san lấp lại bằng phẳng mà tạo thành những vực sâu rất nguy hiểm. “Họ cứ múc từng hố. Vì thế có chỗ thì nước chưa đến một mét nhưng bước thêm một bước là sâu gần 5 mét. Khu vực các em chơi đùa nước chỉ đến đầu gối nhưng trong lúc đi lại thì không may bị sẩy chân rơi xuống vực sâu do thi công nâng cấp đập để lại. Đó giống như những cái bẫy chết người vậy”, ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành thừa nhận.
Trong năm học này, trên toàn địa bàn huyện Yên Thành đã có 2 học sinh bị đuối nước và nguy cơ đuối nước vẫn tiếp tục xảy ra bởi Yên Thành là địa phương có số lượng ao, hồ, sông, kênh mương nhiều của tỉnh. Thống kê, hiện toàn huyện có 45 sông, hồ, đập, các ao hộ gia đình. Đặc biệt có tới 13 điểm nguy hiểm có nguy cơ xảy ra đuối nước cao như: Sông Đào, sông Dinh, đập Bù Trang, kênh Vách Bắc…
Theo lãnh đạo huyện Yên Thành, trong những năm qua, để hạn chế tình trạng đuối nước, huyện Yên Thành đã cắm 135 điểm cảnh báo nguy hiểm và trang bị sào, dây, phao cứu đuối nước cho 95 điểm. Tuy nhiên, sau một thời gian cắm biển, do ý thức của người dân nên nhiều biển báo biến mất. Gần đây nhất, trên địa bàn xã Lăng Thành và Hồng Thành, chỉ một tuần sau khi đoàn thanh niên xã lắp đặt các biển cảnh báo và các dụng cụ như sào, dây cứu đuối tại các khu vực thường hay xảy ra tai nạn thì đã bị kẻ xấu lấy đi dây cứu đuối, dù giá trị của các dụng cụ này chỉ vài chục nghìn.
Trên toàn tỉnh, tình trạng này cũng xảy ra không hiếm. Trước đó, trong năm 2020, đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo vừa đi kiểm tra về công tác dạy bơi, phòng, chống đuối nước ở 8 huyện là Thanh Chương, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Qua kiểm tra đã phát hiện những tồn tại như một số điểm việc rà soát biển cắm cảnh báo nguy cơ đuối nước còn ít, một số biển đã cũ, hỏng chưa được thay thế; sào cứu đuối chưa được trang bị đầy đủ (ví dụ như bãi biển thị xã Hoàng Mai; các ao, hồ ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu; xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp; xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn; xã Lạng Sơn, Khai Sơn, huyện Anh Sơn). Từ nhiều năm nay, Tỉnh đoàn Nghệ An cũng đã chỉ đạo cho các đoàn cơ sở và các đoàn xã rà soát các điểm có nguy cơ đuối nước trên toàn tỉnh và yêu cầu cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Mặc dù vậy, thực trạng nhiều biển cảnh báo cắm xong một thời gian lại bị chính người dân trên địa bàn phá cho hư hỏng hoặc lấy đi các sào, dây cứu đuối nước khiến cho việc triển khai chưa đạt kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, ở nhiều địa phương, mặc dù đã có biển cảnh báo được cắm dày đặc nhưng các em nhỏ vẫn bất chấp để tắm mát, ở cả những đoạn sông, hồ có nhiều vụ đuối nước đã xảy ra. Chỉ trên chiều dài hơn 1 cây số, ít nhất trên địa bàn xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn), có 4 điểm cảnh báo nguy hiểm đuối nước và đều tập trung tại các động, bến phà dọc ven sông Lam. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, cứ cuối chiều, hàng loạt trẻ nhỏ ở đây lại kéo nhau ra bờ sông để tắm, phía trên là biển cảnh báo nguy hiểm. Mặc dù, nơi đây, chỉ đầu năm học, một học sinh lớp 5 trên địa bàn xã đã bị đuối nước sau khi trốn bố mẹ giữa trưa ra sông Lam để tắm. Trước đó, những cái chết thương tâm vẫn thường xảy ra, trong đó có trường hợp hai anh em ở cùng một gia đình. Khi tai nạn xảy ra bố mẹ em đều đi làm ăn xa, hai anh em ở nhà cùng với ông bà.
Nằm trên địa bàn xã Lĩnh Sơn, nhiều năm qua, Trường THCS Phan Thái Ất cùng với chính quyền xã đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng đuối nước. Trong đó, việc làm thường xuyên đó là cắm các biển để cảnh báo nguy cơ phòng chống đuối nước, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về công tác phòng chống đuối nước và nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng tránh. Lãnh đạo nhà trường cho hay, để ngăn chặn triệt để thì vẫn rất khó khăn. Dù đã cảnh báo, đã tuyên truyền nhưng cứ bắt đầu vào đến mùa nắng, học sinh lại ào ra tắm sông rất nhiều trong sự bất lực của các giáo viên.
Ông Trần Hữu Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết, cứ bắt đầu vào mùa nắng, xã sẽ cắt cử các ban, ngành, đặc biệt là Đoàn Thanh niên hoặc lực lượng dân quân tự vệ túc trực tại các bến đò và các động nước thường xuyên xảy ra nguy cơ đuối nước. “Tuy vậy, ở các tuổi này, các em thường hiếu động, gia đình lại không giám sát thường xuyên nên chỉ cần sơ sểnh là các em lại đi tắm sông và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đuối nước. Theo tôi để phòng chống đuối nước hiệu quả thì quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên của gia đình”, ông Hà nói.